Ca Đoàn Trưởng Nghĩa Sinh: Thánh lễ được tổ chức để tạ ơn Chúa, cảm ơn nước Mỹ và đặc biệt cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Công Giáo Hoa Kỳ

Ca Đoàn Trưởng Nghĩa Sinh: Thánh lễ được tổ chức vào dịp lễ Độc lập Hoa Kỳ để tạ ơn Chúa, cám ơn nước Mỹ và đặc biệt năm nay (2021) cầu nguyện cho Chủ tịch Tối cao Pháp viện, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Thống Hoa Kỳ là những tín hữu Công Giáo

THÁNH LỄ TẠ ƠN NGÀY ĐỘC LẬP HOA KỲ 4/7/2021

Vào lúc 7 giờ 30 tối ngày 04/07/2021, Linh mục Giuse Phạm Văn Diệm đã chủ tế thánh lễ tạ ơn gia đình năm thứ 2 vào dịp lễ Độc lập Hoa Kỳ. Trưởng ban tổ chức lễ nguyện năm nay là anh Nguyễn Duy Đoan – anh là Ca Đoàn Trưởng Nghĩa Sinh Chicago trong hơn 25 năm qua (1993-2021). Ban Thánh ca Nghĩa Sinh đảm trách phụng vụ thánh nhạc trong các thánh lễ, đặc biệt là vào dịp Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) thường niên tại Hoa Kỳ.

Được hỏi về mục đích của Thánh lễ Tạ ơn nhân Lễ Độc lập Hoa Kỳ, Ca Đoàn Trưởng Nghĩa Sinh cho biết: “Đây là năm thứ 2 lễ tạ ơn gia đình được tổ chức vào dịp lễ Độc lập Hoa Kỳ để tạ ơn Chúa, cám ơn nước Mỹ và đặc biệt năm nay (2021) để cầu nguyện cho Chủ tịch Tối cao Pháp viện, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Thống Hoa Kỳ – là những tín hữu Công Giáo – được thành công trong sứ mạng lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ đến thanh bình, thịnh vượng và tiến bộ.”

CHỦ TỊCH TỐI CAO PHÁP VIỆN (CƠ QUAN TƯ PHÁP)

Chủ tịch Tối cao Pháp viện (TCPV) Hoa Kỳ, the Hon. John Roberts, là một tín hữu Công Giáo. Ông được Tổng Thống George W. Bush bổ nhiệm với nhiệm kỳ trọn đời (for life) và là đương kim Chủ tịch TCPV kể từ ngày 29/09/2005 đến nay. TCPV Hoa Kỳ có 9 thành viên gồm 1 Chủ tịch TCPV và 8 Thẩm phán TCPV. Trong số 9 thành viên TCPV, có 6 người là tín hữu Công Giáo, 2 người là tín hữu Do Thái Giáo và 1 người là tín hữu Tin Lành. Các thành viên TCPV đều được Tổng Thống bổ nhiệm và được Thượng Viện biểu quyết chấp thuận. Tất cả 8 thẩm phán TCPV đều có nhiệm kỳ suốt đời (for life) giống như nhiệm kỳ của Chủ tịch TCPV.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LƯỠNG VIỆN (CƠ QUAN LẬP PHÁP)

Chủ tịch Quốc hội Hạ viện (QHHV) Hoa Kỳ, the Hon. Nancy Pelosi, là một tín hữu Công Giáo. Bà là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch QHHV trong nhiều nhiệm kỳ, từ năm 2007 đến năm 2011 và từ năm 2019 đến nay. Thành viên QHHV gồm có 435 Dân biểu trong đó có 132 Dân biểu là tín hữu Công Giáo; 252 Dân biểu là tín hữu Tin Lành; và 51 Dân biểu là tín hữu các tôn giáo khác như Ấn Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo. Trong trường hợp Tổng Thống không thể điều hành công việc quốc gia được (như bị tử nạn), Chủ tịch Quốc hội Hạ viện sẽ là nhân vật thứ hai được hiến định thay thế tổng thống (chỉ sau Phó Tổng Thống).

Chủ tịch Quôc hội Thượng viện (QHTV), the Hon. Patrick Leahy, là một tín hữu Công Giáo. Với chức vụ President Pro Tempore, Ông chủ tọa hầu hết các buổi họp của Quốc hội Thượng viện. (Phó Tổng Thống chủ tọa các phiên họp đặc biệt của Thượng viện và lưỡng viện.) Quốc hội Thượng viện có 100 Nghị sĩ (mỗi tiểu bang có 2 Nghị sĩ x 50 tiểu bang = 100 Nghị sĩ). Trong số 100 thành viên, có 25 Nghị sĩ là tín hữu Công Giáo; 61 Nghị sĩ là tín hữu Tin Lành và 13 Nghị sĩ là tín hữu các tôn giáo khác như Ấn Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo.

TỔNG THỐNG HOA KỲ (CƠ QUAN HÀNH PHÁP)

Tổng Thống Hoa Kỳ, the Hon. Joe Biden, là một tín hữu Công Giáo. Nội các của Tổng Thống gồm có 15 vị Tổng Trưởng đứng đầu các cơ quan chuyên ngành của chính phủ trung ương Hoa Kỳ như Tổng trưởng Ngoại giao, Tổng trưởng Quốc phòng, Tổng trưởng Tư pháp. Trong số 15 vị Tổng trưởng trong Nội các của Tổng Thống, có 9 vị Tổng trưởng là tín hữu Công Giáo; 4 Tổng trưởng là tín hữu Do Thái giáo; và 2 vị Tổng trưởng là tín hữu Tin Lành.

Tuần báo TIME (Vol. 198, Nos. 1-2 | 2021), phát hành ngày 5/7/2021, đã có bài viết về Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ và Tổng Thống Joe Biden là vị Tổng Thống Công giáo thứ hai tại Hoa Kỳ – sau Tổng Thống John F. Kennedy. Theo Bách khoa Từ điển Mở Wikipedia, hiện nay Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ có hơn 71 triệu người Công Giáo, nghĩa là vào khoảng 22% của dân số Hoa Kỳ. Nhưng thành phần người Công Giáo trong chính phủ Hoa Kỳ ngày nay rất đông đảo trong cả 3 ngành: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

TỰ DO DÂN CHỦ PHÁP TRỊ

Đại đa số các quốc gia Âu Mỹ đã lựa chọn việc điều hành quốc gia qua phong cách lãnh đạo “pháp trị” – lãnh đạo dựa trên pháp luật. Chính phủ của các quốc gia thượng tôn pháp luật thường có 3 ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngành nầy hoạt động độc lập với 2 ngành kia để bổ sung và xây dựng cho nhau nhằm hoàn thiện chế độ tự do dân chủ pháp trị. Mỗi ngành có một sứ vụ riêng và tôn trọng những ngành khác trong sứ mạng điều hành quốc gia.

Ngành LẬP PHÁP còn được gọi là Quốc hội là cơ quan soạn thảo luật lệ; ngành HÀNH PHÁP còn được gọi là Chính phủ là cơ quan thi hành luật lệ; và ngành TƯ PHÁP còn được gọi là Tòa án là cơ quan xét xử những người vi phạm luật lệ. Cả ba ngành đồng hành và bổ sung cho nhau. Ngành nầy có quyền giám sát ngành kia để tạo dựng sự quân bình trong guồng máy chính phủ.

NGUYỆN XIN THƯỢNG ĐẾ CHÚC LÀNH

Nhân Lễ Độc lập của Hoa Kỳ năm nay, chúng ta cùng nhau nguyện xin Thượng Đế chúc lành cho các nhà lãnh đạo dân cử được tiếp tục thành công trong sứ vụ hòa bình, phát triển, tự do, hạnh phúc, thịnh vượng và tiến bộ của nước Mỹ và của nhân loại. Xin Thượng Đế hướng dẫn các nhà lãnh đạo trên thế giới biết nhận chân những giá trị cốt lõi trong việc điều hành một quốc gia được xây dựng trên nền tảng văn minh tình người và văn minh tình thương như: Liêm chính/ Integrity; Minh bạch/ Transparency; Trung thực/ Honesty; Công bằng/ Fairness; và nhất là tấm lòng Nhân ái và hành động Bác ái/ Compassion.

- Đoàn Nhân Ái

Đoàn Nhân Ái
(11/07/2021 - 1622 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Đoàn Nhân Ái