Được Tổng thống Hoa kỳ sáng lập, mạng lưới Tụ quang Tỏa sáng đã vinh danh một Huynh trưởng Nghĩa Sinh và các Thiện Nghĩa nhân ưu tú thế giới ngày 26/09/2020

Được Tổng thống Hoa kỳ sáng lập, mạng lưới Tụ quang Tỏa sáng đã vinh danh một Huynh trưởng Nghĩa Sinh và các Thiện Nghĩa nhân ưu tú thế giới ngày 26/09/2020

NGÀY VINH DANH THIỆN NGHĨA NHÂN THẾ GIỚI 2019

Ngày vinh danh thiện nghĩa nhân thế giới đã được Mạng lưới toàn cầu “Tụ quang Tỏa sáng”[1] tổ chức vào cuối tháng 9 thường niên để vinh danh những người làm việc xã hội từ thiện bác ái trong tinh thần tự nguyện bất vụ lợi. Hoạt động của một thiện nghĩa nhân cần hội đủ hai tiêu chí: “từ”+ “thiện.” Từ là yêu thương (như nhân từ là thương người) và thiện là tốt lành (như thiện nhân là người tốt). Thiện Nghĩa nhân làm việc từ thiện – là làm điều tốt lành phát xuất từ lòng thương người.


NGÀY VINH DANH THIỆN NGHĨA NHÂN THẾ GIỚI 2020

Ngày vinh danh thiện nghĩa nhân thế giới 2020 đã được tổ chức tại Hoa Kỳ ngày 26/09/2020 với sự chủ tọa danh dự của bốn cựu Tổng thống Hoa kỳ thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ: quý Tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama và Tổng thống George W. Bush đã hiện diện trực tuyến và đọc diễn văn chúc mừng và cám ơn các thiện nghĩa nhân được tuyển chọn và vinh danh trong năm 2020. Như vậy, Thiện Nghĩa nhân làm việc từ thiện – không phân biệt đảng phái, tôn giáo, sắc tộc… 

1. THIỆN NGHĨA NHÂN Á CHÂU
Vidur J. Dhabaria (India-Ấn Độ)

Trong đại dịch COVID-19, Vidur đã dẫn đầu một nhóm thanh niên thiện nghĩa thay phiên nhau giúp đỡ những người bị dịch bệnh và giúp cho người thân của những bệnh nhân Cô Vit nầy không bị lây nhiễm. Nhóm thiện nghĩa của Vidur đã quyên góp được trên 20.000 Mỹ kim để cung cấp tài liệu và vật liệu cứu trợ COVID và các bộ dụng cụ vệ sinh cho 596 gia đình từ các cộng đồng thiếu thốn và nghèo đói ở vùng Mumbai, Ấn Độ.

2. THIỆN NGHĨA NHÂN ÂU CHÂU
Stephanie Andrieux (France-Pháp Quốc)

Stephanie là chủ tịch của tổ chức thiện nghĩa Benenova, một chi nhánh của Mạng lưới toàn cầu POL tại Pháp. Cô đã nỗ lực khắc phục những trở ngại và cổ vũ tinh thần các thiện nghĩa nhân tham gia hoạt động bác ái, từ thiện giúp người trong cơn hoạn nạn do đại dịch COVID gây ra. Stephanie đã tổ chức các bếp ăn đoàn kết để phục vụ những người nghèo, chuẩn bị những bữa ăn lành mạnh và phân phát khẩu trang cho cộng đồng.

3. THIỆN NGHĨA NHÂN PHI CHÂU
Clinton Ezeigwe (Nigeria)

Clinton khẳng định: để ứng phó với COVID-19, tiếp cận với nước an toàn và tuân giữ vệ sinh cá nhân là yếu tố quyết định sức khỏe và là chìa khóa để giảm lây truyền. Vì thế anh đã tổ chức các lớp học về giáo dục vệ sinh, lắp đặt các trạm vòi nước cầm tay và đào tạo những người biết sản xuất chất tẩy rửa tay tại địa phương và tạo công việc cho các phụ nữ nội trợ và những người khuyết tật trong cộng đồng.

4. THIỆN NGHĨA NHÂN MỸ CHÂU (NAM MỸ)
Daniel M. Assuncao (Brazil-Ba Tây)

Phong trào “Vizinho Amigo” hoặc “Hàng Xóm tốt” được thành lập với mục đích ngăn chặn nguy cơ COVID-19 bị lây nhiễm. Daniel đã tích cực tham gia phong trào nầy tại Brazil và đã mời gọi được hơn 2.500 thiện nghĩa nhân tham gia công tác xã hội nầy. Với châm ngôn “Lá lành đùm lá rách” hay “Hàng xóm giúp hàng xóm với nhau”, Phong trào “Vizinho Amigo” hoặc “Hàng Xóm tốt” đã giúp hàng ngàn người tránh khỏi đại dịch.

5. THIỆN NGHĨA NHÂN MỸ CHÂU (BẮC MỸ)
Bác sĩ Kellie Johnson (Ohio)

Bác sĩ Johnson là Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Gia đình Alliance, một trung tâm y tế phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ sức khỏe cho mọi người, bất kể khả năng chi trả của họ. Kể từ khi xảy ra đại dịch Coronavirus, Kellie đã tình nguyện dẫn đầu nhóm thử nghiệm và kiểm tra COVID di động, thực hiện các dịch vụ cần thiết cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (như người vô gia cư và người cao tuổi, neo đơn, đau yếu).

6. THIỆN NGHĨA NHÂN MỸ CHÂU (BẮC MỸ)
Bác sĩ Hồ Thị Trâm (Texas)

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bác sĩ Trâm đã tổ chức dịch vụ thử nghiệm Cô Vi miễn phí cho hơn 800 người cao niên ở Houston. Dù bận rộn với công việc tại phòng khám và bệnh xá, Cô Trâm vẫn cố gắng dành thời gian chia sẻ thông tin trên các đài phát thanh và truyền hình địa phương để hướng dẫn cộng đồng về các biện pháp an toàn và phòng ngừa. Được hỏi về động lực cho các công tác thiện nghĩa, Cô khiêm nhu đáp: “Đây là nhiệm vụ của một y bác sĩ – chữa lành và giúp đỡ bà con phòng ngừa bệnh tật”.

7. THIỆN NGHĨA NHÂN MỸ CHÂU (BẮC MỸ)
Tiến sĩ Roshan Khatri (Wisconsin)

Tiến sĩ Khatri đã dẫn đầu một phản ứng tức thời khi đối phó với đại dịch COVID-19. Cùng đồng hành với hàng trăm thiện nghĩa viên khác, Roshan đã đề ra chương trình “Điện thoại cho bạn bè”, “Hỗ trợ cho học tại nhà”, và “Gia tăng may khẩu trang”. Thành quả là ông đã kết nối các tình nguyện viên với những người bị cô lập tại nhà; hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái tại gia; và đáp ứng nhu cầu khẩu trang để ngăn ngừa đại dịch.

8. THIỆN NGHĨA NHÂN MỸ CHÂU (BẮC MỸ)
Tiến sĩ Kimberly S. Clay (Tennessee)

Tiến sĩ Clay đã dành 16 năm làm thiện nguyện viên nhằm thúc đẩy sự thăng tiến của nữ giới. Cô đã giúp hơn 25.000 phụ nữ nắm bắt tiềm năng vô hạn của mình bằng phát triển niềm tin rằng thiếu nữ có thể làm được tất cả: kỹ sư cơ khí, thiết kế rô bốt, thử nghiệm hóa chất, xây dựng ứng dụng di động cho riêng họ. Vì vậy từ năm 2010, Kimberly đã từ bỏ sự nghiệp giáo sư đại học để dồn mọi nỗ lực cho sứ vụ thiện nghĩa cao quý nầy.

9. THIỆN NGHĨA NHÂN MỸ CHÂU (HOA KỲ)
Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu (Chicago, Illinois)


9.1 Giải thưởng "Thanh niên Ưu tú" | "Youth who Excels" Awards

Nhân danh Tổ chức Nghĩa Sinh, Huynh Trưởng Nguyễn Trung Hiếu đã thiết lập giải thưởng “Thanh niên Ưu tú”[2] năm 2005 để tưởng thưởng những người trẻ gốc Á châu tại Chicago, Hoa Kỳ có trình độ học thức xuất sắc và tận tâm phục vụ cộng đồng trong tinh thần thiện nghĩa. Trong 15 năm qua – từ năm 2005 đến 2020 – Ban tổ chức đã tuyển chọn và trao tặng Bằng Tưởng Thưởng “Thanh niên Ưu tú” cho 126 sinh viên học sinh ưu tú từ các cộng đồng Á châu tại Hoa Kỳ như Ấn Độ, Cambodia, Đại Hàn, Lào Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Nhật Bản, Pakistan, Tân Gia Ba, Thái Lan, Trung Hoa và Việt Nam. Mục đích cốt lõi của chương trình Tưởng thưởng “Thanh niên Ưu tú” là chuẩn bị giới trẻ đóng vai trò lãnh đạo trong gia đình, tại trường học, nơi làm việc và tự tin đảm nhiệm sứ vụ lãnh đạo cộng đồng một cách thanh liêm và chính trực.

9.2 Học viện Nghĩa Sinh Lãnh đạo Phục vụ | NghiaSinh Servant Leadership Academy

Bên cạnh công tác khích lệ và vinh danh giới trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu đã tái thiết lập Học viện Lãnh đạo Nghĩa Sinh[3.1] trực tuyến và trực tiếp nhằm bồi đưỡng kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo bản thân và lãnh đạo phục vụ tha nhân cho hơn 2.500 học viên trong gần 10 năm qua – từ năm 2011 đến 2020[3.2].


9.3 Học viện Nghĩa Sinh Phục vụ Đồng nhân | NghiaSinh Human Services Academy

Nhằm mục đích ngăn ngừa nghèo đói và bệnh tật cùng với châm ngôn: "Giúp người để người tự giúp và tự tin", Thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu đã tái thiết lập Học viện Phục vụ Đồng nhân[3.3] để đào tạo những thiện nghĩa viên yêu thích công tác bác ái xã hội chuyên luyện về kỹ năng giao tiếp và phục vụ người nghèo, người cao tuổi, neo đơn và bồi dưỡng kiến thức khoa học, sinh học và tâm lý học cho những thiện nghĩa viên muốn dấn thân phục vụ và đồng hành với thanh thiếu niên khiếm thính, khiếm thị, khuyết tât...

THAY LỜI TÂM KẾT

Vào ngày 18/08/1988, Hon. George H.W. Bush đã nhận được đề cử của Đảng Cộng Hòa vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ. Trong diễn văn tiếp nhận đề cử, Hon. George H.W. Bush đã phát biểu những lời tâm huyết sau đây: Tôi ước mong Hoa Kỳ trở thành “một quốc gia tử tế hơn và dịu dàng hơn.”[4] Và có lẽ đây cũng là động lực thúc đẩy Tổng thống George H.W. Bush thành lập Mạng lưới toàn cầu Tụ quang Tỏa sáng – The Global Network Points of Light[5].

Với ước mong mọi người trên thế giới biết sống với nhau "tử tế hơn và dịu dàng hơn" như lời cố Tổng Thống George H.W. Bush, trong sứ điệp chúc mừng Liên Hiệp Quốc ngày 25/09/2020 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức quốc tế nầy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi thế giới liên đới, cộng tác, tôn trọng nhân phẩm và sự sống con người. Ngài tha thiết kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hãy lên án chiến tranh và khước từ vũ khí, nhất là vũ khi hạt nhân.

Người viết cũng ước ao những ‎ý tưởng nhân ái của Tổng thống Bush được tỏa sáng trên mỗi quốc gia và những ý tưởng nhân lành của Đức Francis luôn được tỏa rạng trên toàn thế giới.

---------------------------

[1] Mạng lưới toàn cầu “Tụ quang Tỏa sáng” (Points of Light) do cố Tổng thống George W.H. Bush sáng lập cách nay hơn 30 năm (1990-2020).
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/pol.png

[2] Giải thưởng “Thanh niên Ưu tú” ("Youth Who Excels" Awards) đã được Huynh trưởng Nghĩa Sinh thiết lập cách nay 15 năm (2005-2020).
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/youthwhoexcelsawards_2005-2020.pdf

[3.1] Học viện Nghĩa Sinh Lãnh đạo Phục vụ (NghiaSinh Servant Leadership Academy) đã được Huynh trưởng Nghĩa Sinh tái thiết lập cách nay 10 năm (2011-2020).
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/2.leadershipeducation_dr.nguyen-trung_hieu.png

[3.2] Album: Hình ảnh 10 Năm Công Tác Giáo Dục Nghĩa Sinh (2011-2020).
http://www.truyen-tin.net/Supersize.aspx?ID=567

[3.3] Học viện Nghĩa Sinh Phục vụ Đồng nhân (NghiaSinh Human Service Academy)
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/png4nghiasinhhumanservicesacademy.png

[4] Tổng thống George W.H. Bush: Một nước Mỹ "tử tế hơn, dịu dàng hơn"
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/png5k&gnation.png

[5] Thư và hình Tổng thống George W.H. Bush và Huynh trưởng Nghĩa Sinh trong một buổi lễ vinh danh các thiện nghĩa nhân tại Tòa Bạch Cung (The White House).
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/hon.georgeh.w.bushanddr.hieu.png

 

- Đoàn Nhân Ái

Đoàn Nhân Ái
(29/09/2020 - 19776 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Đoàn Nhân Ái