Yêu mến và giữ luật chỉ là một

YÊU MẾN VÀ GIỮ LUẬT CHỈ LÀ MỘT

Có bao giờ chúng ta nghe hai bạn trẻ nam nữ, yêu nhau mà nói với nhau câu này chưa: “Nếu anh yêu em, anh hãy tuân giữ một số điều luật này nè... 1. đúng hẹn, 2. đi thẳng không ngó ai, 3. không lai rai vượt quá ranh giới, 4. không chơi thuốc lắc…”. Chắc là chưa, mặc dầu hai người vẫn làm như vậy khi thương nhau. Không nói nhưng vẫn làm.

Còn Chúa Giêsu thì nói và dạy rõ ràng: "Nếu anh em yêu mến Thầy thì phải giữ các giới răn của Thầy" (Ga 14,23). Lời dạy nghe ra không êm tai mấy, bởi vì tình yêu gợi cho ta cảm giác êm đềm, dịu ngọt, và tình yêu làm cho đời ta vui tươi thoải mái ; trong khi đó giới răn, luật lệ lại gây cho ta một cảm giác gò bó, trói buộc và mất tự do. Vậy mà Chúa Giêsu lại ghép việc tuân giữ giới răn vào chuyện yêu thương như một điều kiện không thể thiếu. "Nếu anh em yêu mến Thầy thì phải giữ các giới răn của Thầy." Điều này xem ra không ổn. Nhưng,

1. Yêu và giữ Luật là một.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ ta lại thấy lời dạy của Chúa Giêsu lại hợp tình hợp lý và không có gì là không ổn cả. Có thể nói: yêu mến và việc tuân giữ các lề luật chỉ là một dòng chảy duy nhất và rất tự nhiên. Tuân giữ các điều luật chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài tình yêu ở bên trong. Ví dụ:

- Vâng phục cha mẹ (giữ “luật” cha mẹ đề ra) là cách diễn tả rất tự nhiên của lòng hiếu thảo và yêu mến mà con cái dành cho cha mẹ. Yêu mến là vâng lời.

- Chấp nhận mưa nắng dãi dầu để kiếm cơm cho con cho cái. Chấp nhận gian khổ để chu toàn trách nhiệm trong gia đình… là một tỏ bày tình yêu của những bậc làm cha mẹ dành cho kẻ hậu sinh. Có gì là gò bó, mất tự do đâu. Yêu con là hy sinh, là chịu khổ.

- Rồi hai cô cậu đã lấy nhau, quyết “giữ luật” không ngoại tình, không phản bội… chỉ là một đòi hỏi đương nhiên của tình yêu vợ chồng.

- Và trở về với ví dụ đầu, ta thấy, nếu chàng trai kia yêu nàng con gái nọ, thì họ giữ hàng tá quy luật vẫn chẳng thấy gì là nặng nhọc cả.

+Đúng hẹn ư ? Anh sẵn sàng. Để tránh kẹt xe, anh sẽ đi sớm.

+Khi thương nhau thật sẽ rất đúng giờ. Đến giờ nàng phải về rồi, kẻo cổng đóng, mẹ mong, chàng thương nàng thật, thì “thả” nàng ra, dìu nàng về. “Em chỉ gặp được anh đến 9 giờ tối thôi nghe.” OK ngay. 9 giờ đúng, đụng ngõ nhà em.

+Còn cái khoản luật ra đường không ngó ai, thì chàng nếu thương nàng thật sẽ trả lời thật hay: Không ngó đụng xe thì sao, nhưng em yên tâm, anh ngó ai anh cũng chỉ thấy mắt em trong người đó thôi. Hoặc mượn lời ca của Hoàng thi Thơ trong bài Khi tình yêu đến mà nói rằng: Ôi con mắt con mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi. Dù đông người, chỉ mình em anh thấy.

+Rồi khi thực sự thương nhau, thì tôn trọng nhau và tôn trọng luật “ranh giới.” Tới đâu thì dừng lại. Đến đâu thì xì tốp. Chàng thì thường muốn vượt ranh. Nàng sợ chàng bỏ, nên gì cũng chiều. Nhưng coi chừng đó chỉ là đường một chiều : chiều lợi dụng chứ không phải đường hai chiều, chiều tình yêu. Yêu là có những luật của nó.

Ngày nay chính tại Mỹ có phong trào mang tên “True Love Waits,” Tình yêu chân thật thì biết chờ đợi. Số là một mục sư Baptist bị shock (sửng sờ) khi 2 em gái 16 tuổi cảm thấy xấu hổ vì mình đã đôi tám rồi mà vẫn còn trắng trinh. Thay vì hãnh diện thì lại mắc cỡ ! Mục sư này lập nên phong trào cổ võ việc giữ gìn kiêng cữ cho tới ngày thành hôn. Phong trào lớn mạnh ngoài mong đợi, nhưng mục sư không ngạc nhiên, bởi mục sư nói : rất nhiều bạn trẻ muốn như thế. Và khi họ muốn như thế và làm như vậy là họ đang ở trong thành phần đa số chứ không phải thiểu số đâu. Hãy hãnh diện vì mình trong sạch : proud to be pure.

Người Việt-Nam chúng ta có tâm trạng thuận lợi hơn để giữ điều đó. Cái đáng giá ngàn vàng đó đáng giá thật chứ không phải xưa rồi Diễm ơi đâu ! Các bạn gái đã có lần nào nghe lập luận này chưa, nó cũng rất thường xảy ra : Cô dễ dãi với tôi thì chắc gì cô không dễ dàng với người khác. Cô chiều tôi chắc gì cô không “chiều” người khác…

Tình yêu chân thật là có luật lệ của nó. Vì thế yêu nhau và giữ luật lệ của tình yêu không có gì là mâu thuẫn, chỉ là một thôi. Yêu bên trong, diễn tả ra bên ngoài bằng những luật lệ của nó. Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lề luật của Thầy.

Có nhiều chàng con trai yêu nàng con gái nào đó thì sẵn sàng giữ luật “cấm hút thuốc” cách rất triệt để dễ dàng. “Trước đây tôi hút thuốc dữ lắm, nhưng khi quen bà ấy, bà ấy không muốn, tôi bỏ ngay !” Yêu là tuân giữ lề luật. Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lề luật của Thầy.

2. Yêu giúp dễ giữ Luật.

Đề tài của bài giảng hôm nay là tình yêu và lề luật không hề mâu thuẫn, nhưng chỉ là một dòng chảy của con suối tình yêu. Và chính tình yêu chân chính này giúp sức, tăng lực cho mình giữ luật.

Cuốn phim có tựa đề: "Đời Vẫn Đẹp"do Roberto đạo diễn và thủ diễn đã xứng dáng được giải Oscar năm 2000. Cuốn phim diễn lại câu chuyện của một người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ đã bị Đức Quốc Xã đưa vào trại tập trung. Nhờ tài khôi hài và tình yêu thương, ông đã giữ vững tinh thần cho mình và cho đứa con còn nhỏ cho tới khi quân đội Đồng Minh đến giải thoát.

Nhân vật chính là một bác sĩ chuyên gia tâm lý. Trong những năm lưu tù, ông khám phá được một chân lý quan trọng cho cuộc sống của con người. Chân lý đó là trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất của con người, con người vẫn có thể tồn lại, nếu họ có niềm tin và tình yêu.

Bác sĩ đã quan sát những phản ứng khác nhau nơi các bạn tù của ông: Có những người trước khi vào tù được mọi người trọng vọng ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình là những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc cỏn con : như một mẩu bánh, một ngụm nước. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó tuyệt vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày bị bỏ đói. Trái lại, cũng không thiếu những người ít được kẻ khác chú ý đến, lại âm thầm vượt qua, chịu đựng cho đến cùng và còn sống.

Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ cho biết chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy hoả ngục của các trại tập trung đó. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết rồi, nhưng tình yêu đối với vợ đã giúp người bác sĩ này vượt qua tất cả. Ông đã chia sẻ cảm nghiệm đó như sau:

Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, khỏi những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi. Cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng, hay ngưng thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Khi tôi cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi, thì chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho tôi chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn lại cho đến ngày được giải cứu khỏi trại tập trung.

Văn hào St Exupéry của Pháp, trong cuốn “Chuyến bay đêm” (vol de nuit) thuật lại một phi công bay trong bóng tối tại sa mạc, và máy bay rơi xuống bãi cát. Cát êm, không chết. Chỉ bị thương. Phi công bò đi tìm đường về làng xóm. Nhưng trong sa mạc nào biết hướng bò. Mệt lả, đói khát, anh muốn buông xuôi, chết cho rồi. Nhưng anh chợt nghĩ: Nếu ở nhà vợ con tôi, người thân tôi đang chờ đợi giây phút tôi trở về, thì tôi là thằng hèn nếu tôi không cố trỗi dậy và cất bước. Chính tình yêu thúc đẩy ta đi còn mạnh hơn là đồ ăn thức uống, viên tăng lực, loon “bò húc” bò cụng !

Thánh Phaolô diễn tả thật đẹp chính tình yêu chứ không gì khác làm cho chúng ta gắn bó với Đấng ta yêu mến : Rm 8:35-39

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

“Yêu thì giữ luật” và “yêu giúp giữ luật” đó là 2 điểm ta rút ra qua bài Tin Mừng hôm nay vậy.

- Anphong Nguyễn Công Minh, OFM

Nguyễn Công Minh
(22/05/2020 - 1042 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Công Minh
2 - Sân ga chỉ còn hai người (06/04/2019 - 1375 lượt xem)