Sân ga chỉ còn hai người

Sân ga chỉ còn hai người

CN 5C Mùa Chay : Phiên toà chỉ còn lại hai

Trong bộ phim của Liên Xô trước đây được mang tựa đề khá thi vị “Sân ga chỉ có hai người,” kể về chuyện trễ tàu của một ông kia và một bà nọ, xa lạ, nhưng rồi vì sân ga chỉ còn hai người, nên đi dần đến thân nhau.

Hôm nay bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng có thể đặt cho cái tựa đề như thế. Sân ga chỉ có hai người – hay “Phiên toà chỉ còn lại hai”

Người có công nghĩ ra tựa đề này là thánh Augustino. Và chính thánh nhân đã chơi chữ thật kỳ diệu : Chỉ còn lại hai : Miseria và Misericordia.

Dịch là “sự khốn cùng” và “lòng xót thương. Miseria, thêm cor, cordislà trái tim, ở giữa, sẽ có misericordia. Dịch thoát ý là, chỉ còn lại hai : “người đáng thương” và “Chúa xót thương.

Do đâu mà đưa đến phiên toà rốt cuộc chỉ còn 2 người. Và 2 người đó là ai ? Ta sẽ tìm hiểu.

· Do đâu mà chỉ còn hai. Ta rảo qua phiên toà.

Đức Giêsu đâng giảng giữa đám đông, thì các thầy Thông giáo và Biệt phái dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đem đến gài bẫy Chúa. Hẳn là người phụ nữ này phải run bắn lên vì vừa xấu hổ vừa sợ chết. Mà không phải sợ chết nữa mà là sẽ chết thật, vì chiếu luật Mosê Đnl 22,22 và Levi 20,10 : Sẽ phải bị ném đá cho chết cả gian phu lẫn dâm phụ. Không cần xét xử gì.

Đây là cơ hội bằng vàng để gài bẫy Chúa. Và đây cũng là câu hỏi sinh tử mà Chúa gặp phải trong cuộc đời rao giảng.

Nếu không cho ném đá: Đức Giêsu sẽ bị cáo là lỗi lề luật, vi phạm luật pháp.

Nếu cứ cho ném đá : lòng nhân từ của Thiên Chúa mà Ngài rao giảng sẽ vô nghĩa. Lòng nhân ở trên mây ! Ở đây ta thấy, họ vừa khiêu khích Chúa lỗi luật Môsê, vừa gián tiếp công nhận giáo lý về lòng nhân từ mà Chúa rao giảng, chứ nếu không công nhận, thì họ chẳng thử thách Chúa làm gì : Còn Thầy, Thầy dạy sao ?

Chúa đã trả lời bằng một hành động và bằng một lời nói. Bằng hành động là lấy tay viết viết, vạch vạch trên đất hai lần.

Chúa viết gì ? Ta không cần biết, mặc dầu đã có nhiều người đoán già đoán non Chúa viết điều này điều nọ (như thánh Jêrôme nghĩ : viết tội những người tố cáo…), nhưng cái chính là Chúa tránh trả lời, Chúa từ chối xét đoán – nghĩa Sêmít : xét đoán là lên án.

Cho đến khi họ cứ hỏi đi hỏi lại thầy nghĩ sao, thầy dạy thế nào về trường hợp này, Đức Giêsu đã trả lời một câu. Một câu mà ai cũng cảm phục là cực kỳ khôn ngoan. Vừa theo luật (công bình) vừa nhân từ (tha thứ). Luật Đnl 13,9-10; 17,7 dạy : Chính chứng nhân sẽ tra tay trước. Toàn dân sẽ ra tay sau. Vậy nếu không ai tra tay trước, không ai ném viên đá đầu tiên thì cũng sẽ chẳng có những hòn đá khác ném đi…

Vậy thì Chúa Giêsu đã dựa vào Luật Môse, chứ không lỗi luật, để trả lời họ. Ai xét mình là kẻ vô tội, thì hãy ném viên đá đầu tiên. Lời này vừa thốt ra –cũng khen là lương tâm của đám đông vẫn còn trong sáng, chưa chai lì– nên ai cũng tự xét mình và rút lui. Cảnh rút lui là một cảnh cười ra nước mắt: bởi bắt đầu là những kẻ cao niên –càng thêm tuổi càng thêm tội. Phải chăng vì kẻ cao niên thay vì càng dày tháng năm càng tăng công đức, thì ngược lại; hay là phải chăng vì kẻ cao niên thì khôn ngoan biết là không bắt bẻ được Chúa, nên lẩn đi cho sớm kẻo lại được dự một buổi lên lớp mất mặt nữa dành cho những ai tự coi mình là đạo đức, có trách nhiệm bắt người khác giữ luật: Khốn cho các ngươi, hỡi luật sĩ và biệt phái ! (x. Lc 11,27-54)

· Chỉ còn lại hai.

Dầu lý do nào đi nữa, thì rồi rốt cuộc sân sa chỉ còn hai người. Phiên toà chỉ còn lại hai: Kẻ đáng thươngvà Đấng xót thương. Miseria và Misericordia.

Thánh Augustino cũng mạnh dạn nói : Đó là tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Đấng xót thương đứng trước kẻ đáng thương. Lòng nhân hậu đối diện với điều khốn cùng. Ta đến để cứu người tội lỗi. Đó là tóm tắt sứ mạng của Chúa, là tóm tắt toàn bộ Phúc Âm.

Câu hỏi của Chúa giúp người phụ nữ có thể nói được ít là một câu, vì từ đầu đến giờ chị đã cúi gầm mặt, xấu hổ, lặng thinh.

Chúa không hỏi : Sao chị lại phạm tội ? Sao chị dại dột thế ? hay, Chị phạm tội trong hoàn cảnh nào ? Nếu hỏi như vậy, chắc chị cũng lặng thinh. Và cũng không có đối đáp. Sân ga hai người mà vẫn độc thoại. Nên Chúa hỏi: Này chị, họ ở đâu cả rồi, không ai lên án chị sao ?

Chị trả lời được ngay: không ai cả, thưa ông.

Không ai cả, vì không ai vô tội cả, cho nên chẳng ai dám ném viên đá đầu tiên.

Đây là một đoạn Tin Mừng nhiều người rất thích. Thích vì nó rất phù hợp trong việc ngăn cản kết án người khác. Nó làm cho tôi nguôi giận ngay mỗi khi có ai đó làm tôi bực mình muốn lên tiếng chửi bới. Gặp những trường hợp đáng bực bội đó mà kịp nghĩ đến lời Đức Giê-su: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’, thì tôi lại cười xòa, và mọi cơn giận hay khuynh hướng muốn kết án bị giập tắt ngay. Tại sao ? Vì chính tôi cảm thấy rằng mình cũng đã từng làm cho một ai đó bực mình, bị thiệt hại, buồn phiền, đã từng làm những điều hết sức ngu xuẩn...

Chẳng hạn, ngoài công lộ, một ai đó chạy xe ẩu làm tôi suýt bị té, khiến tôi bực bội đến nỗi buột miệng chửi toáng lên. Nhưng khi tôi chợt nghĩ rằng trước đây mình cũng đã từng làm cho một vài người suýt bị té y như vậy, thì tôi tan hết sự bực mình ngay. Nhiều khi con cái tôi làm tôi tức lộn ruột lên, khiến tôi muốn phạt chúng một trận nên thân, nhưng khi chợt nhận ra rằng tôi cũng đã từng làm cho cha mẹ tôi tức lộn ruột y như vậy, thì tự nhiên cơn giận tôi biến mất ngay.

Trong phiên toà thông thường, trước khi tuyên án, quan toà cho đòi nhân chứng, cho đòi nguyên cáo. Nếu nhân chứng không có mà nguyên cáo thì lại bỏ cuộc, hoặc bãi nại thì phiên toà dừng lại. Cũng có lúc bên nguyên bãi nại mà toà vẫn xử thì công tố viên đứng ra đóng vai nguyên cáo. Vai trò này trong sách Khải Huyền dành cho Satan: “Vì Satan kẻ tố cáo anh em của Ta, ngay đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nhờ máu của Con Chiên nay đã bị tống ra ngoài” (Kh 12,10). Vậy là cũng chỉ còn lại có hai. Người có tội và Đấng tha tội. Kẻ đáng thương và Đấng xót thương. Kẻ khốn khó bần cùng và lòng nhân hậu vô cùng. Khi nhìn nhận mình là kẻ có tội, tức người khốn khó đáng thương, ta sẽ gặp ngay Đấng xót thương, Đấng tha tội.

Có hai tội nhân vào sa mạc ăn chay đền tội trước khi được xét xem có đáng nhận vào tu viện hay không. Sau một năm thử thách, có khác biệt ở hai người : một kẻ ốm o buồn phiền, một người vui tươi khoẻ mạnh. Họ được dẫn tới bề trên để chờ sự phán quyết xem có được nhận vào tu không. Trả lời câu hỏi “làm gì trong năm qua,” người ốm o nói : Suốt năm tôi suy nghĩ về tội của tôi, tôi nghĩ tới hình phạt, tôi sợ hãi đến quên ăn mất ngủ.

Còn người vui tươi đáp : Suốt năm qua, tôi nghĩ đến ơn lành Chúa ban, tôi nghĩ tới lòng nhân hậu tha thứ của Chúa. Tôi ca tụng Ngài –lòng sám hối biến thành lời tụng ca. Anh được nhận vào tu viện.

Nhưng … người ốm o cũng được nhận vào cộng đoàn.

Đấng xót thương luôn thương xót kẻ đáng thương. Sân ga chỉ còn 2 người. Ai nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi đáng thương (miseria) liền gặp ngay lập tức Đấng nhân hậu xót thương (Misericordia). Dại gì mà không nhận đi ! Phiên toà chỉ còn lại hai thôi.

- Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Nguồn:
https://m.facebook.com/notes/anphong-nguy%E1%BB%85n-c%C3%B4ng-minh/s%C3%A2n-ga-ch%E1%BB%89-c%C3%B2n-hai-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/798214220549421/

 

 

Nguyễn Công Minh
(06/04/2019 - 1186 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Công Minh
1 - Yêu mến và giữ luật chỉ là một (22/05/2020 - 856 lượt xem)