Liên Hiệp Quốc: Dân số thế giới đạt 7 tỉ người vào ngày hôm nay 31 tháng 10 năm 2011
Các nhà Nhân khẩu học tại Bộ phận Dân số của Liên Hợp Quốc (LHQ) định ngày 31-10-2011 là ngày “tượng trưng” để đánh mốc 7 tỉ người, trong khi thừa nhận rằng không thể biết cụ thể thời gian chắc chắn vào lúc hoặc ngày nào dân số thế giới đạt mức đó. Sử dụng các loại tính toán khác nhau, Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ ước tính sẽ không thể đạt được ngưỡng 7 tỉ người cho đến tháng 3-2012.
Dù theo phương pháp nào, các nhà nhân khẩu học đồng ý rằng nhân loại vẫn đang trên đà tăng trưởng, khả năng này vẫn tiếp tục cho phần còn lại của thế kỷ này. Ước tính tốt nhất của LHQ là dân số sẽ vượt qua mốc 9,3 tỉ người vào năm 2050 và vượt 10,1 tỉ vào cuối thế kỷ này. Dân số thế giới có thể còn vượt xa hơn, nếu tỉ lệ sinh không tiếp tục giảm như trong nửa thế kỷ vừa qua.
Gần như tất cả các mức tăng trưởng trong thế kỷ này dự kiến sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, trong khi tổng dân số ở châu Âu, Bắc Mỹ và các quốc gia công nghiệp giàu có khác vẫn tương đối không thay đổi. Một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, Nga và Nhật Bản, đang trên đà sút giảm dân số; sự sút giảm tại các nước này được thay thế bằng sự tăng trưởng liên tục ở Hoa Kỳ, do làn sóng người nhập cư.
Việc tăng trưởng dân số nơi cột mốc Ngày Thứ Hai (31-10-2011) làm khơi dậy ngọn lửa tranh luận âm ỉ từ lâu về mức tăng trưởng dân số trên hành tinh hữu hạn này: hoặc việc dân số đang phát triển hoặc mức tiêu thụ ngày càng tăng vẫn đang là những thách thức lớn nhất về môi trường; cách thức nào tốt nhất để giúp đưa 1 tỉ người thoát cảnh khỏi nghèo đói và đau khổ; liệu các chính phủ có nên cung cấp biện pháp tránh thai cho những người không thể có đủ khả năng sinh tồn.
Người lãnh đạo mới của Quỹ Dân số LHQ, Tiến sĩ Babatunde Osotimehin, một bác sĩ sản phụ khoa người Nigeria, thận trọng bước vào cuộc tranh luận. Cơ quan của ông vẫn còn là một mũi dùi bị các hoạt động chống phá thai tại Hoa Kỳ nhắm vào vì vai trò của cơ quan này trong việc hỗ trợ các phòng khám kế hoạch hoá gia đình tại các nước đang phát triển.
“Thay vì đặt những câu hỏi như ‘Có phải chúng ta có quá nhiều người?’, chúng ta nên hỏi: ‘Tôi có thể làm được gì cho thế giới của chúng ta được tốt hơn?’” - Osotimehin đã viết trong báo cáo hằng năm về Tình hình Dân số Thế giới. Bản báo cáo ghi nhận sự bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Các nước nghèo tiếp tục có mức độ giáo dục thấp và tỷ lệ cao đáng chú ý của thiếu niên mang thai và mức độ tử vong của các bà mẹ và trẻ em do các biến chứng sau khi sinh.
“Ở nhiều nơi thuộc các quốc gia đang phát triển, nơi dân số tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu cho các dịch vụ sức khoẻ sinh sản, đặc biệt là lập kế hoạch gia đình, vẫn còn lớn”, Osotimehin kết luận.
Một số đã sử dụng dịp này để mừng sự thành công lớn lao của loài người. Dân số phát triển khi mức sinh vượt quá số tử vong. Mốc 7 tỉ người đạt được bởi vì mọi người sống thọ hơn và số tử vong trẻ sơ sinh đã giảm, do nguồn cung cấp thực phẩm an toàn hơn và nhờ các tiến bộ về vệ sinh và y học.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ hai 31-10 để đánh dấu ngày này và bàn về những thách thức trước mắt, đặc biệt là làm thế nào để xoá đói giảm nghèo, đầu tư vào 1,8 tỉ người trẻ của thế giới và giúp các nước đang phát triển một cách bền vững.
Năm 1999, người tiền nhiệm của ông, Kofi Annan, đã chỉ định một bé trai do cha mẹ là người tị nạn ở Sarajevo, Bosnia-Herzegovina, sinh ra, là người thứ 6 tỉ. Em bé đã được chọn từ hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra ngày hôm đó để trở thành một khuôn mặt cho sự tăng trưởng dân số toàn cầu. Adnan Mevic, bây giờ 12 tuổi, đã trở thành một người nổi tiếng.
LHQ chưa có từ nào dành cho sự kiện quan trọng tiếp theo, khi dân số của toàn thế giới đạt đến 8 tỉ người - khoảng 14 năm nữa kể từ hôm nay.
- Mai Trang chuyển ngữ
Nguồn: LA Times