Tổng thống Hoa Kỳ nói chuyện với học sinh nhân dịp năm học mới (2011-2012)

Tổng thống Hoa Kỳ nói chuyện với học sinh nhân dịp năm học mới (2011-2012)
|
Tôi rất vui mừng được có mặt tại trường phổ thông trung học Benjamin Banneker, một trong những trường phổ thông trung học tốt nhất, không chỉ của Washington D.C mà còn trên phạm vi toàn quốc nữa. Học sinh cũng đến từ mọi miền đất nước. Vì vậy mà tôi muốn chúc mừng tất cả các cháu nhân dịp năm học mới mặc dù tôi biết rằng nhiều cháu đã tựu trường một thời gian rồi. Tôi biết rằng ở Banneker các cháu đã tựu trường được vài tuần rồi. Bởi vậy mọi thứ đều dần dần ổn định, giống như tất cả những người bạn cùng trang lứa với các cháu trên tất cả các địa phương trong nước. Kì thể thao mùa thu đã được khởi động. Những buổi biểu diễn âm nhạc và diễu hành cũng sắp bắt đầu, tôi tin là như thế. Những bài kiểm tra và những dự án lớn đầu tiên cũng có thể sẽ diễn ra trong nay mai.
|
Tôi biết rằng các cháu còn có nhiều hoạt động ở bên ngoài trường học. Bạn bè của các cháu có thể cũng thay đổi ít nhiều. Những vấn đề trước đây thường bị bó hẹp trong những sảnh đường hoặc phòng thay đồ tập thể thao hiện đang tìm đường vào Facebook và Twitter. Một số gia đình của các cháu chắc cũng cảm thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Nhiều cháu cũng đã biết, chúng ta đang phải trải qua một trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất trong cuộc đời của chúng ta – trong cuộc đời của tôi. Các cháu đang còn trẻ. Và kết quả là các cháu có thể phải làm thêm sau giờ học để giúp đỡ gia đình hoặc có thể phải trông em khi bố hoặc mẹ các cháu đi làm thêm.
Nghĩa là các cháu có nhiều việc phải làm. Các cháu trưởng thành nhanh hơn và tương tác với một thế giới rộng lớn hơn theo cách mà các thế hệ những người có tuổi như tôi, thành thật mà nói, đã không phải làm. Bởi vậy, ngày hôm nay, tôi không muốn đóng vai một người trưởng thành đứng lên và rao giảng như thể các cháu chỉ là trẻ con – bởi vì các cháu không còn là trẻ con nữa. Các cháu là tương lai của đất nước này. Các cháu là những nhà lãnh đạo trẻ. Và đất nước của chúng ta thụt lùi hay tiến lên phụ thuộc một phần lớn vào các cháu. Vì vậy tôi muốn nói với các cháu một chút về trách nhiệm đó.
|
Rõ ràng là trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc trở thành học trò giỏi nhất theo khả năng của các cháu. Điều đó không có nghĩa là các cháu phải có điểm số cao nhất trong mọi bài tập. Điều đó không có nghĩa là lúc nào các cháu cũng là học sinh hạng A, dù đó không phải là một mục đích tầm thường. Điều đó có nghĩa là các cháu phải cố gắng. Các cháu phải quyết tâm và kiên nhẫn. Điều đó có nghĩa là các cháu phải làm việc chăm chỉ như thể các cháu biết phải làm việc như thế nào. Và điều đó có nghĩa là đôi khi các cháu phải liều lĩnh. Các cháu không nên né tránh những môn học mà các cháu thấy khó vì sợ rằng không thể giành được điểm tốt, nếu đó là môn học mà các cháu nghĩ là sẽ cần đối với việc chuẩn bị cho tương lai của các cháu. Các cháu phải biết ngạc nhiên. Phải biết chất vấn. Phải khám phá. Và đôi khi các cháu phải vượt ra ngoài các khuôn khổ cũ.
|
Đấy chính là mục đích của trường học: khám phá những niềm đam mê mới, học những kĩ năng mới, sử dụng thời gian quý giá này để chuẩn bị cho bản thân và rèn luyện những kĩ năng mà các cháu cần để theo đuổi sự nghiệp mà các cháu thích. Và đó là lí do tại sao khi còn là một học sinh các cháu có thể thăm dò những khả năng rất khác nhau. Giờ này các cháu có thể trở thành một họa sĩ; giờ sau, cháu là một nhà văn; giờ sau nữa, là một nhà khoa học, một nhà sử học hay một người thợ mộc. Đây là khoảng thời gian để các cháu tìm kiếm những mối quan tâm mới và kiểm tra những ý tưởng mới. Và càng tìm kiếm nhiều các cháu càng sớm tìm ra những điều làm cho các cháu trở nên sống động, những điều làm các cháu đứng ngồi không yên, làm các cháu phấn khích – tìm ra nghề nghiệp mà cháu muốn theo đuổi.
|
Bây giờ, nếu các cháu hứa không nói với ai thì tôi sẽ kể cho các cháu nghe một bí mật: khi còn học phổ thông, cũng như trung học, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình. Không phải môn nào tôi cũng thích. Không phải lúc nào tôi cũng chú tâm vào học hành như đáng lẽ phải thế. Tôi nhớ khi tôi học lớp tám, tôi phải học một môn gọi là đức dục. Đức dục là về những điều đúng sai, nhưng nếu các cháu hỏi tôi lúc học lớp 8 tôi thích môn gì thì tôi sẽ trả lời là bóng rổ. Tôi không nghĩ đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích của tôi.
|
Nhưng đây mới là điều thú vị. Sau đó, lúc nào tôi cũng nhớ cái môn đức dục này. Tôi vẫn nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi vẫn nhớ khi bị hỏi những câu đại loại như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Hoặc như thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Sống trong một quốc gia đa sắc tộc – nơi không phải ai cũng trông giống như các cháu, suy nghĩ giống các cháu hoặc xuất thân từ những vùng lân cận với các cháu – nghĩa là thế nào? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người như thế nào?
|
Mỗi một câu hỏi như thế lại dẫn tới những câu hỏi mới. Và không phải lúc nào tôi cũng trả lời đúng, nhưng những cuộc thảo luận và quá trình khám phá đó là những gì còn lại mãi. Hôm nay tôi vẫn còn nhớ những chuyện đó. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những vấn đề đó khi tôi tìm cách lãnh đạo đất nước này. Tôi vẫn hỏi những câu hỏi tương tự về việc chúng ta, một quốc gia đa sắc tộc, phải chung sống với nhau như thế nào để giành lấy những điều chúng ta cần phải giành? Làm thế nào để bảo đảm rằng mỗi người đều được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm? Chúng ta phải có những trách nhiệm gì đối với những người kém may mắn hơn chúng ta? Làm sao để tất cả đồng bào của chúng ta đều là con em một nhà của nước Mỹ?
|
Đó là tất cả những câu hỏi bắt nguồn từ môn học hồi lớp tám đó của tôi. Và xin nói một điều như thế này: ngay cả tới bây giờ, không phải lúc nào tôi cũng biết được những câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó. Nhưng, nếu lúc đó tôi bỏ môn học nghe có vẻ chán ngắt này thì chắc hẳn là tôi đã bỏ lỡ một điều gì đó, đã lỡ chính cái điều không chỉ đã làm tôi vui mà còn rất có ích trong phần còn lại của cuộc đời mình.
|
Vì vậy, trách nhiệm của các cháu là phải thử. Chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm những điều mới mẻ. Làm việc chăm chỉ. Đừng thất vọng nếu các cháu không giỏi ngay lập tức. Các cháu không thể giỏi mọi thứ ngay lập tức được. Đó chính là lí do tại sao cháu phải đi học. Tuy nhiên, vấn đề là các cháu cần tiếp tục mở rộng những chân trời và ý thức được khả năng của mình. Đây chính là lúc các cháu làm điều đó. Hơn nữa, đấy cũng chính là những điều khiến trường học thêm thú vị. Trong tương lai, điều đó sẽ trở thành những phẩm chất giúp các cháu thành công, và đồng thời, cũng là những phẩm chất sẽ đưa các cháu tới việc phát minh ra một thiết bị làm cho iPad trông chẳng khác gì một phiến đá. Hoặc nó sẽ giúp các cháu tìm ra cách thức sử dụng nắng và gió để cung cấp năng lượng cho thành phố và đem đến cho chúng ta những nguồn năng lượng mới, ít ô nhiễm hơn. Hoặc các cháu sẽ viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại tiếp theo của nước Mỹ. Để làm hầu như bất kì việc gì trong số những công việc tôi vừa nói, các cháu không chỉ cần học hết phổ thông – và tôi biết là tôi có lí, tôi đang đứng cạnh bà hiệu trưởng Berger ở đây  – các cháu không chỉ phải học hết phổ thông mà còn phải tiếp tục học lên cao nữa, sau khi rời khỏi ngôi trường này. Các cháu không chỉ phải tốt nghiệp, mà các cháu phải tiếp tục học sau khi đã ra trường.
|
Và với nhiều người trong số các cháu, điều đó có nghĩa là học bốn năm đại học. Tôi vừa nói chuyện với Donae, cô ấy muốn trở thành kiến trúc sư. Hiện tại, cô đang thực tập tại một công ty kiến trúc, và cô đã chấm được trường cô sẽ theo học rồi. Đối với một vài người khác, đó có thể là một trường cao đẳng cộng đồng, một chứng chỉ nghề hoặc một khóa đào tạo. Nhưng vấn đề là hơn 60% công việc trong thập kỉ tới sẽ đòi hỏi nhiều hơn là bằng tốt nghiệp phổ thông – hơn 60%. Đó chính là thế giới mà các cháu sắp bước chân vào.
|
Vì vậy, tôi muốn tất cả các cháu sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là tiếp tục học tập sau khi đã ra trường. Và nếu điều đó đối với các cháu có nghĩa là trường đại học, thì vào trường thôi cũng chưa đủ. Các cháu còn phải tốt nghiệp. Một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta gặp lúc này là có quá nhiều thanh niên ghi danh vào các trường đại học nhưng cuối cùng lại không tốt nghiệp và hệ quả là đất nước của chúng ta, đất nước đã từng có tỉ lệ những thanh niên có bằng đại học cao nhất thế giới, hiện tại đang tụt xuống vị trí thứ 16. Tôi không thích vị trí số 16. Tôi thích là số 1. Nhưng thế cũng chưa đủ. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo rằng thế hệ của các cháu sẽ đưa đất nước này trở lại vị trí đứng đầu về số lượng những người tốt nghiệp đại học, tính theo đầu người, so với bất kì nước nào khác trên trái đất này.
|
Nếu chúng ta làm được điều đó, các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Và nước Mỹ cũng vậy. Chúng ta có thể đảm bảo rằng những phát minh mới nhất và những đột phá mới nhất sẽ diễn ra ở đây, ở nước Mỹ này. Điều đó cũng có nghĩa là công việc tốt hơn, cuộc sống đầy đủ hơn và nhiều cơ hội hơn, không chỉ cho các cháu, mà còn cho con cháu của các cháu nữa.
|
Bởi vậy, tôi không muốn ai đó đang nghe, ở đây ngày hôm nay, nghĩ rằng tốt  nghiệp phổ thông là các cháu đã hoàn thành trách nhiệm rồi. Các cháu vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, những điều đang diễn ra trong nền kinh tế ngày hôm nay đòi hỏi chúng ta phải học tập suốt đời. Các cháu phải tiếp tục nâng cao những kĩ năng và tìm ra những cách làm việc mới. Kể cả khi các cháu không vào được đại học, kể cả khi các cháu không được học bốn năm trong trường đại học, các cháu vẫn sẽ phải nỗ lực học tập sau khi rời trường phổ thông. Các cháu sẽ phải bắt đầu kì vọng những điều lớn lao từ chính bản thân ngay từ bây giờ.
|
Tôi biết rằng điều này có thể làm các cháu sợ. Một vài người trong số các cháu băn khoăn làm sao các cháu có thể trả nổi tiền học phí đại học, hoặc vẫn chưa biết các cháu muốn làm gì với chính cuộc đời của mình. Không sao hết. Không ai nghĩ rằng tại thời điểm này các cháu đã có kế hoạch cho toàn bộ cuộc đời mình. Và chúng tôi không nghĩ rằng các cháu phải làm việc đó một mình. Trước hết, các cháu có những ông bố bà mẹ tuyệt vời, họ là những người yêu thương các cháu vô cùng và muốn các cháu có nhiều cơ hội hơn họ – nhân tiện, điều đó có nghĩa là đừng khiến họ phiền lòng khi họ yêu cầu các cháu ngừng chơi game, tắt tivi và làm bài tập về nhà. Các cháu cần phải lắng nghe họ. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của chính mình, bởi vì đó cũng là những điều tôi thường nói với Malia và Sasha (hai cô con gái của tổng thống Obama – ND). Đừng nổi cáu vì điều đó, tất cả chúng tôi đều suy nghĩ về tương lai của các cháu.
|
Các cháu còn có đồng bào trên khắp đất nước này – trong có có tôi và Arne, cũng như mọi người ở mọi cấp của chính phủ – những người đang làm việc vì các cháu. Chúng tôi đang tiến hành từng bước trong khả năng của mình để bảo đảm rằng các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục xứng đáng với tiềm năng của các cháu. Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm rằng các cháu sẽ có những trường đại học hiện đại nhất với những phương tiện học tập tiên tiến nhất. Chúng tôi bảo đảm rằng các cháu có đủ sức thanh toán và có thể theo học được trong những trường cao đẳng và đại học trên đất nước này. Chúng tôi đang làm việc để có được những lớp học tốt nhất – giáo viên cũng tốt nhất, để họ có thể giúp các cháu chuẩn bị cho việc học ở đại học và một nghề nghiệp trong tương lai.
|
Nhân đây, xin được nói đôi điều về giáo viên. Ngày nay, giáo viên là những người phải lao động vất vả hơn bất kì ai. Dù các cháu đi đến một trường học lớn hay nhỏ, dù các cháu theo học một trường công hay trường tư – thầy, cô giáo của các cháu đều không có ngày nghỉ cuối tuần; họ thường dậy từ sáng sớm, suốt ngày phải lên lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Và sau đó, họ trở về nhà, ăn tối, rồi tiếp tục làm việc cho tới khuya, chấm bài cho các cháu, chữa cú pháp cho các cháu và kiểm tra xem các cháu đã tìm ra công thức đại số chính xác hay chưa.
|
Và họ không làm việc đó vì một chức vụ cao sang nào đó. Họ không, chắc chắn họ không làm việc đó vì đồng lương cao. Họ làm vì các cháu. Họ làm bởi vì không gì làm họ hài lòng hơn là nhìn thấy các cháu học tập. Họ sống vì những khoảnh khắc khi các cháu thành công; khi các cháu làm họ ngạc nhiên bằng trí tuệ hoặc bằng vốn từ vựng của mình, hoặc khi họ nhìn thấy con người tương lai của các cháu. Họ tự hào vì các cháu. Và họ nói, tôi đã từng làm việc để chàng trai hay cô gái tuyệt vời này có được thành công. Họ tin rằng các cháu sẽ trở thành những công dân và những nhà lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước này đi tới tương lai. Họ biết rằng các cháu là tương lai của tất cả chúng ta. Vì vậy mà các thày cô giáo của các cháu đang truyền đạt cho các cháu tất cả những hiểu biết của họ, và họ không hề đơn độc.
|
Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Với tất cả những thách thức mà đất nước chúng ta đang gặp hiện nay, chúng tôi không chỉ cần các cháu cho tương lai, chúng tôi thực sự cần các cháu ngay lúc này. Nước Mỹ cần lòng đam mê và ý tưởng của tuổi trẻ. Chúng tôi cần lòng nhiệt tình của các cháu ngay từ bây giờ. Tôi biết là các cháu đáp ứng được vì tôi đã nhìn thấy nó. Không có gì làm tôi hứng thú hơn là biết rằng thanh niên trên khắp đất nước này đang tạo ra dấu ấn riêng của họ. Họ không chờ đợi. Họ đang tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ.
|
Đó là những học sinh như Will Kim ở Fremont, California, người đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để cung cấp những khoản vay cho sinh viên từ những trường dành cho học sinh nghèo, nhưng muốn khởi sự việc làm ăn riêng của mình. Hãy cùng suy nghĩ về điều này. Cậu ấy đã cho những học sinh khác vay. Cậu ấy đã xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận. Cậu ấy kiếm tiền để làm công việc mà cậu ấy yêu thích – thông qua những giải đấu bóng ném và trò chơi cướp cờ. Cậu ấy là người sáng tạo. Cậu đã thực hiện một sáng kiến. Và bây giờ cậu ấy đang giúp đỡ những thanh niên khác để họ có thể theo học những gì họ cần.
|
Một thanh niên khác là Jake Bernstein, 17 tuổi, xuất thân trong một gia đình quân nhân ở St. Louis, đã cùng với chị gái tạo ra một trang web giúp thanh niên cơ hội phục vụ cộng đồng. Và họ đã tổ chức những hội chợ tình nguyện và thiết lập một cơ sở dữ liệu trực tuyến, giúp đỡ hàng ngàn gia đình tìm kiếm những cơ hội trở thành tình nguyện viên, từ việc sửa sang những con đường mòn cho tới việc phục vụ tại những bệnh viện địa phương.
|
Và năm ngoái tôi đã gặp một cô gái trẻ tên là Amy Chyao đến từ Richardson,Texas. Cô ấy 16 tuổi, cùng tuổi với một số cháu ở đây. Trong suốt mùa hè, tôi nghĩ vì có người trong gia đình cô ấy đã mắc bệnh nên cô đã quyết định sẽ quan tâm tới việc nghiên cứu về bệnh ung thư. Nhưng Amy Chyao lại chưa học hóa học nên cô ấy đã tự học môn này trong suốt mùa hè. Sau đó, cô đã áp dụng những điều đã học được và khám phá ra một quá trình mang tính đột phá là sử dụng ánh sáng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mười sáu tuổi. Không thể tin được. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với cô ấy, họ muốn làm việc cùng với cô để giúp cô khai thác khám phá này.
|
Điều này chứng tỏ rằng các cháu không cần phải chờ đợi, có thể tạo ra khác biệt ngay từ bây giờ. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là học cho giỏi. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là phải bảo đảm rằng các cháu đang chuẩn bị cho đại học và nghề nghiệp của chính các cháu. Nhưng các cháu có thể bắt đầu tạo ra dấu ấn của mình ngay từ bây giờ. Nhiều khi thanh niên lại có những ý tưởng hay hơn là những người có tuổi chúng tôi. Chúng tôi cần các cháu thể hiện những ý tưởng đó, cả bên trong lẫn bên ngoài lớp học.
|
Khi tôi gặp gỡ những thanh niên như các cháu, khi tôi ngồi nói chuyện với Donae, tôi không nghi ngờ gì rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mỹ vẫn đang ở phía trước, vì tôi biết tiềm năng của các cháu. Chẳng bao lâu nữa các cháu sẽ trở thành những người đứng đầu các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính phủ của chúng ta. Các cháu sẽ trở thành những người đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ nhận được những điều họ cần để thành công. Các cháu sẽ trở thành những người làm nên các trang sử mới. Và tất cả đều được bắt đầu ngay bây giờ – bắt đầu ngay trong năm nay.
|
Cho nên tôi muốn tất cả các cháu, những người đang nghe, cũng như tất cả những người đang có mặt ở Banneker, tôi muốn các cháu làm được nhiều việc nhất trong năm học mới này. Tôi muốn các cháu nghĩ về thời gian này như là khoảng thời gian mà trong đó cháu tiếp nhận thông tin và kĩ năng, các cháu thử nghiệm những điều mới mẻ, các cháu thực hành và ao ước – tất cả những điều mà các cháu sẽ cần để làm nên những điều vĩ đại sau khi các cháu ra trường.
|
Đất nước của các cháu phụ thuộc vào chính các cháu. Vì vậy hãy ngẩng cao đầu lên. Chúc các cháu có một năm học tuyệt vời. Xin cùng bắt tay làm việc.
|
Xin cảm ơn các cháu. Xin Chúa phù hộ cho các cháu, xin Chúa phù hộ cho nước Mỹ.
|
Nguồn: phamnguyentruong blog
Chuyển ngữ: Phạm Nguyên Trường
Nguyên văn: bản tiếng Anh và video (The White House)
 
Tôi muốn các cháu làm được nhiều việc nhất trong năm học mới này. Tôi muốn các cháu nghĩ về thời gian này như là khoảng thời gian mà trong đó cháu tiếp nhận thông tin và kĩ năng, các cháu thử nghiệm những điều mới mẻ, các cháu thực hành và ao ước – tất cả những điều mà các cháu sẽ cần để làm nên những điều vĩ đại sau khi các cháu ra trường.
Đất nước của các cháu phụ thuộc vào chính các cháu. Vì vậy hãy ngẩng cao đầu lên. Chúc các cháu có một năm học tuyệt vời. Xin cùng bắt tay làm việc.
Xin cảm ơn các cháu. Xin Thượng Đế phù hộ cho các cháu, xin Ngài phù hộ cho nước Mỹ.
 
 
 
Nghĩa Sinh
(10/10/2011 - 22746 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nghĩa Sinh
6 - Vì sao lá đổi màu vào mùa thu? (15/11/2011 - 21195 lượt xem)
8 - Mười tật xấu của người mình... (07/11/2011 - 22377 lượt xem)
9 - Ở Mỹ trái tim lạnh cái đầu nóng? (01/11/2011 - 22084 lượt xem)
18 - Nghĩa Sinh: 50 năm thiện nguyện (10/10/2011 - 22241 lượt xem)
50 - GIÁO DỤC HÔM NAY CHO NGÀY MAI (12/07/2011 - 21607 lượt xem)
52 - Nghĩa Sinh gặp lại nhau sau 38 năm (02/07/2011 - 22646 lượt xem)
58 - Con để dành phòng khi đau ốm... (12/05/2011 - 24200 lượt xem)
59 - Chúc mừng Ngày Từ Mẫu: Ngày 8-5-2011 (06/05/2011 - 23129 lượt xem)
69 - Năm Cách Sống Khỏe Tinh Thần (04/04/2011 - 23632 lượt xem)
72 - Tự do - Công lý - Hoà bình (27/03/2011 - 24381 lượt xem)
78 - Trên 12 ngàn tấm hình cổ quý (09/03/2011 - 20864 lượt xem)
79 - Thơ Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ (07/03/2011 - 24353 lượt xem)
80 - Nghĩa Sinh và Tôi (21/02/2011 - 22944 lượt xem)
85 - Ý nghĩa Tết Nguyên Đán (26/01/2011 - 24219 lượt xem)
87 - XUÂN VIỆT (21/01/2011 - 20868 lượt xem)
95 - Noel 1983: Luận về từ “Nghĩa” (16/12/2010 - 24497 lượt xem)
98 - Tổng số người Việt tại Mỹ (12/12/2010 - 25675 lượt xem)
112 - Tình thương không lời (23/08/2010 - 24059 lượt xem)
114 - Đi tìm Hạnh Phúc (18/08/2010 - 23939 lượt xem)
115 - LỜI CẢM TẠ NGHĨA SINH (13/08/2010 - 23668 lượt xem)
118 - Nghĩa Sinh Chicago phân ưu (05/08/2010 - 23628 lượt xem)
119 - Nghĩa Sinh Phước Tuy phân ưu (04/08/2010 - 22881 lượt xem)
122 - Phi cơ bay không cần xăng (29/07/2010 - 23263 lượt xem)
128 - Thư Cám Ơn Nghĩa Sinh (20/07/2010 - 25396 lượt xem)
129 - Nghĩa Sinh Chicago Phân Ưu (15/07/2010 - 29585 lượt xem)
130 - Nghĩa Sinh Phước Tuy phân ưu (15/07/2010 - 29109 lượt xem)
131 - Chúc mừng gia đình Trưởng Mai Nghĩa (05/07/2010 - 28849 lượt xem)
153 - Phân Ưu (19/02/2010 - 23875 lượt xem)
158 - Một cánh cửa hé mở cho NS ? (30/12/2009 - 26114 lượt xem)
160 - NỘI DUNG ĐÍCH THỰC CỦA GIÁNG SINH (22/12/2009 - 23519 lượt xem)
164 - THÀNH THẬT PHÂN ƯU (03/12/2009 - 25754 lượt xem)
166 - Môi trường cho tài năng Việt (17/11/2009 - 23974 lượt xem)
168 - MÓN QUÀ MỘT NỬA (09/11/2009 - 22648 lượt xem)
169 - Chúc mừng Sinh nhật 40 của Internet (31/10/2009 - 25427 lượt xem)
183 - Bàn Tay Nhân Ái (28/08/2009 - 25512 lượt xem)
184 - Người ấy là ai ? (22/08/2009 - 22911 lượt xem)
202 - Chúc mừng Trung Tâm Nghĩa Việt (26/06/2009 - 23126 lượt xem)
206 - Đáp lời kêu gọi thiện nghĩa (16/06/2009 - 22086 lượt xem)
229 - Mười cách để vui sống (11/02/2009 - 24410 lượt xem)
230 - Làm Sao Đọc Được Chữ Việt ? (11/02/2009 - 21926 lượt xem)
231 - Niềm Vui Họp Mặt Nghĩa Sinh (08/02/2009 - 18099 lượt xem)
233 - Thông Tin về Dự Án Trường Nghĩa Sinh (04/02/2009 - 22074 lượt xem)
234 - Sống Hùng Chúc Tết Nghĩa Sinh (02/02/2009 - 23266 lượt xem)
240 - Thông Tin về Dự Án Trường Nghĩa Sinh (16/01/2009 - 21535 lượt xem)
242 - Hoạt Động NS Chicago Ngày 24-1-2009 (09/01/2009 - 24165 lượt xem)
247 - MỪNG CHÚC GIÁNG SINH & NĂM MỚI (24/12/2008 - 24523 lượt xem)
251 - Bài thơ tặng cha mẹ (13/12/2008 - 25282 lượt xem)
252 - CHÚC MỪNG LỄ TẠ ƠN 2008 ! (27/11/2008 - 21941 lượt xem)
255 - GƯƠNG SÁNG NGHĨA SINH PBN (15/10/2008 - 23798 lượt xem)
257 - CHÚC-MỪNG SINH-NHẬT NSPT (08/10/2008 - 22238 lượt xem)
258 - CHÚC MỪNG NS SỐNG HÙNG [Lệ Dung] (08/10/2008 - 24292 lượt xem)
283 - Bảy Bông Sen Vàng [Seven Golden Lotuses] (25/07/2008 - 24208 lượt xem)
305 - 25th NghiaSinh Thanksgiving Celebration (06/05/2008 - 24236 lượt xem)