GIÁO DỤC HÔM NAY CHO NGÀY MAI

GIÁO DỤC HÔM NAY CHO NGÀY MAI
 
Như  Bettelheim đã nói, trong vấn đề giáo dục ‘Thực hiện hành vi đúng và đúng lúc cũng chưa đủ ; còn phải thực hiện với tình thương[1]’, và phải tin chắc rằng, trong lãnh vực giáo dục, ‘tình yêu chưa đủ’ : đó là nhan đề của một trong những tác phẩm thời danh của ông.
Thật sẽ là nguy hiểm, nếu ta muốn giản lược quan hệ giáo dục vào quan hệ tình cảm mà thôi. Như chúng tôi đã nhắc tới trong phần nhập đề, sự quá đề cao quan hệ giáo dục trong khi bàn về giáo dục thời nay, đối với cùng đích và nội dung của công việc giáo dục, là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của cơn khủng hoảng về giáo dục mà chúng ta đang trải qua.
Bởi vì, đối với nhà giáo dục, vấn đề không chỉ là đảm nhận lấy thực tại của thanh thiếu niên hôm nay bằng cách phát huy quan hệ thân ái và tin tưởng với các em, nhưng là phải chuẩn bị cho các em hội nhập vào thế giới của ngày mai. Phải giáo dục hôm nay cho ngày mai.
Mười hai năm nữa là hết thế kỷ này : chỉ còn 12 năm nữa! Lên 12 tuổi hôm nay vừa là có một tuổi đời (tuổi của những em bước vào tuổi thiếu niên) vừa là một triển hạn (triển hạn của chúng ta, lớn và bé, trước năm 2000).
Nhưng tôi lấy lại ở đây luận đề của Réne Rémond : tương lai đã bắt đầu rồi, tương lai đã ở giữa chúng ta[1]. Khung cảnh xã hội của năm 2000 đã được trưng lên rồi. Từ nay đến cuối thế kỷ sẽ không diễn ra điều gì dưới mắt chúng ta mà hiện nay chưa có.
Chúng ta có nhiệm vụ phát hiện ra những dấu vết của tương lai, nếu chúng ta muốn là những người xây dựng một nền giáo dục thích ứng cho thời đại chúng ta.
Như đức Piô XII đã dạy : ‘Dưới nhiều phương diện, nghệ thuật giáo dục là nghệ thuật thích ứng : thích ứng với tuổi, với tính khí, với tính nết, với khả năng, với những nhu cầu và những khát vọng chính đáng của thanh thiếu niên ; thích ứng với tất cả mọi hoàn cảnh của thời gian và nơi chốn, thích ứng với nhịp tiến bộ chung của nhân loại’.
Những thiếu niên mà ta giáo dục hôm nay, sẽ phải thích ứng với một thế giới không do các em tạo ra, và các em sẽ phải sống trong đó. Không có khả năng rút lui như những người lớn đã có được những kinh nghiệm và những quan hệ quá khứ, các em đánh cá cuộc đời các em hôm nay, và hiện tại đã là con đường đi tới ngày mai.
 
HÔM NAY ĐÃ LÀ NGÀY MAI
Chúng ta hãy biết đánh giá cái thế giới mà các trẻ em hôm nay đang bước vào[1].
+ Một Thế Giới Của Tin Học Và Của Kỹ Thuật :
Tiếp theo cuộc cách mạng kỹ thuật và kỹ nghệ, chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng phi mã của kỹ thuật tin học : nó đang đặt dấu ấn của nó trên tất cả các nghề nghiệp và được phổ biến nhờ việc đưa vào xử dụng những máy điện toán gia dụng. Trong khi nền kỹ nghệ lao mình vào ngành rô-bô học, thì khoa quản trị khai thác những khả năng của khoa học văn phòng, và những nhà nghiên cứu thì nhằm rút ra những lợi điểm của môn ‘Trí học’ (intellectique) tức là môn nghiên cứu về khả năng quan niệm của ta khi có sự  trợ  tá của các máy điện toán. Các thiếu niên ngày nay đã bước chân vào thế giới mới ngày nay từ ngành tiểu học với việc tập xử dụng những máy điện toán nhỏ xíu.
+ Một Vũ Trụ Của Truyền Thông :
Chúng ta hãy tưởng tượng đến toàn bộ các phương tiện truyền thông, nhất là các máy vidéo cùng với các áp dụng của chúng, các máy truyền hình có nhiều kênh, các đài phát thanh tự do và sự liên thông giữa các hệ thống máy điện toán, sự bành trướng ghê sợ của các phương tiện đào tạo với những máy điện toán dạy nghề, cùng với những tạp chí chuyên môn, những trợ lực của máy vidéo và những ngân hàng cung cấp những dữ kiện cho các phương tiện truyền thông.
+ Một Vũ Trụ Hạt  Nhân  Và Di Sinh Học :
Việc sản xuất ra năng lượng và đủ thứ vũ khí hạt nhân đang treo lơ lửng chiếc gươm của Damocles trên đầu chúng ta. Đồng thời, sự làm chủ được nguyên tử đang mở ra những chân trời cho kỹ nghệ và nhất là cho y khoa. Những khám phá mới mẻ của môn di sinh học đang cách mạng việc sinh nở và kế hoạch hóa việc sinh con, nhưng cũng đặt ra những vấn đề mới cho việc áp dụng môn di sinh học. Trên những lãnh vực này, cũng như nơi những lãnh vực của tin học và của các phương tiện truyền thông, những khả năng mới đang đồng thời gây nên những nguy cơ mới. Giới hạn của luân lý và của trách nhiệm đang mở rộng thêm và đang di chuyển.
+ Một Vũ Trụ Có Tính Quốc Tế Và Xung Đột :
Trong một vũ trụ mà các phương tiện truyền thông cho ta tiếp thông được cả thế giới, thì thêm vào hai khối Đông – Tây trước kia, nay lại có sự phân chia Bắc – Nam. Cho nên, thí dụ việc thế giới thứ ba không có khả năng trả các nợ sẽ đe dọa thế quân bình tài chánh và tương lai của các cựu lục địa, trong khi đó các công ty đa quốc  trở nên có nhiều tài sản hơn nhiều chính phủ quốc gia, Tình liên đới  giữa các dân tộc và cuộc chiến đấu cho nhân quyền đang trở thành những thách đố của thời đại.
+ Một Vũ Trụ Bị Đánh Dấu Bởi Cảnh Khan Hiếm Và Những Ăn Thua Về Môi Sinh :
Sự sống sót của chúng ta không phải là đối tượng ngắn hạn, mà cũng chẳng là dài hạn nữa, người ta phải nhận lãnh các trách nhiệm hôm nay để nhân loại có thể sống sót ngày mai. Những tài nguyên của trái đất được quản lý như là tài sản chung của tất cả các thế hệ và của tất cả mọi dân tộc.
+ Một Vũ Trụ Đang Biến Đổi Trên Bình Diện Các Điều Kiện Lao Động : 
Với cuộc khủng hoảng gây nên do sự cạnh tranh các thị trường quốc tế và do tiến bộ kỹ thuật, nền kinh tế của thế giới đang trở thành ‘phân đôi’. Sẽ có nguy cơ tồn tại trên thế giới và trong xã hội hai loại dân chúng khác nhau, với những quy chế ngày càng khác xa nhau :
-            Một đại đa số những cá nhân, ít xảo năng, bó buộc làm những công việc vụn vặt : số người này càng ngày càng thêm đông, thường xuyên bị nạn thất nghiệp, không có trách nhiệm và bảo đảm về công ăn việc làm, không có thể tìm thấy niềm vui hoặc niềm kiêu hãnh trong lao động của mình, nhưng lại phải làm việc với số giờ ngày càng bị cắt bớt.
-            Một thiểu số gồm những cá nhân nắm hết mọi quyền hành để quyết định và sáng tạo : đó là những người được lựa chọn cách gắt gao và được chuẩn bị lâu dài cho những chức vụ của họ. Họ có đảm bảo đầy đủ về công ăn việc làm và được hưởng một quy chế ưu đãi về xã hội và kinh tế.
Một cuộc tiến hóa như thế tỏ ra đầy những hiểm nguy, nếu ngay từ bây giờ người ta không tìm cách đề phòng. Sự phân chia lao động và công việc đào tạo sẽ là những chuyện ăn thua quan trọng.
+ Một Vũ Trụ Đa Hướng Và Di Động :
Con người và thanh niên ngày nay không còn là người của một làng hoặc một gia đình nữa. Mỗi người chia cuộc sống của mình giữa ‘nhiều chốn sinh sống’. Đi lại giữa chỗ học hành và khu thương mại, rồi qua trung tâm thể thao và bệnh viện, xưởng thợ hoặc văn phòng, con người trở thành ‘du mục’ mà không hay biết … Rồi mỗi nơi đó lại mang đến cho con người ‘nhiều sự lựa chọn’ về tôi giáo, chính trị hoặc luân lý và thực hành. Đàng khác, có một sự di động ghê sợ đang diễn ra trong nhiều địa hạt : nhà ở , nghề nghiệp, khung cảnh xã hội và gia đình. Nhịp thay đổi gia tốc như thế đang xô đẩy những người mà khả năng thích nghi về tình cảm hoặc trí thức tỏ ra chậm chạp. Sự ổn định không còn là kinh nghiệm đầu tiên của con người nữa. Sự thiết lập quan hệ sâu xa sẽ trở thành khó khăn. Sau cùng, rõ ràng hệ thống thương mại (những khu nhà đồ sộ và quảng cáo), sự phát triển ngành du lịch và các phương tiện truyền thông (đặc biệt là truyền hình) đang tạo nên ‘một sự mở rộng thêm chân trời của những khả thể’ do sự nhất loạt hóa về các lối sống, các cách cư xử  và suy tưởng …
Toàn bộ những nhân tố này đang thực hiện một sự tương đối hóa các kinh nghiệm căn bản và những sự hiển nhiên về môi trường gia đình hoặc môi trường văn hoá đã phát sinh ra người thiếu niên. Nhân đó xảy ra một sự di chuyển các giá trị thường bị thế hệ đi trước gọi là sự đánh mất các giá trị. Khi đó cần thiết phải có một sự thích ứng thường xuyên với vũ trụ luôn thay đổi : nhưng điều này giả thiết mỗi cá nhân phải có được một mức tối thiểu về nhân cách và một sự ổn định của tâm tình, hòng có thể đương đầu với những biến cố đó mà không bị tan rã bản thân. Sự tan loãng các khả thể sẽ theo sau sự nới rộng những ước mong hụt, những thất vọng. Quả vậy, người ta càng nới rộng những ước ao, những dự tính và những cái có thể coi là đạt được, thì lại càng vấp phải những chướng ngại về kinh tế, những chống đối của gia đình, của văn háo, của chính trị và xã hội.
Cả nơi xã hội tự xưng là bình đẳng[1], không phải mọi người đều có những cơ hội học tập, làm việc, du hành và có những quan hệ trong một bầu không khí thuận lợi như nhau. Một số những việc bất bình đẳng đã được làm giảm nhẹ đi, nhưng sự thay đổi cấu trúc xã hội vẫn sinh ra một khoảng cách thường xuyên giữa những vấn đề được đặt ra, và việc giải quyết chúng. Điều này thường phát sinh một tâm trạng làm chán chường lặp đi lặp lại, và đó thường là nguyên nhân phát sinh ra phạm pháp (chẳng hạn như đời các thanh thiếu niên không cách nào đạt được một cuộc sống như những kẻ cùng lứa tuổi với mình, nhưng thuộc một giới khác).          
 
ĐÀO TẠO NHỮNG CON NGƯỜI SẴN SÀNG VƯỢT QUA CƠN KHỦNG HOẢNG
Trong một thế giới vừa đầy những xáo trộn và những bất trắc, vừa giàu những hứa hẹn cho tương lai – và đó là nét đặc trưng của tình trạng khủng hoảng hiện nay, thì vấn đề sinh tử và khẩn cấp là đào tạo những con người sẵn sàng vượt qua cơn khủng hoảng.
Dừng lại ở khía cạnh tiêu cực của cơn khủng hoảng sẽ chỉ có dẫn tới bế tắc, thay vì gắng tìm ra khía cạnh tích cực, người ta đã chỉ nhìn vào những phương diện tiêu cực … Có thể chính đó là cái làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng : khủng hoảng về tin tưởng, khủng hoảng về hình ảnh của tương lai, khủng hoảng của sáng kiến.
Cơn khủng hoảng nên được là lúc chuyển từ một tình trạng sang một tình trạng khác. Là chỗ nảy sinh những xáo trộn gay gắt, khủng hoảng cũng có thể được nhận định như là điểm thiết lập một trật tự mới bởi những người biết nhận ra ý nghĩa của cơ hội.
Muốn được như thế, cần phải dám nhìn thẳng vào tương lai. Cái đáng mơ ước phải được ăn khớp với cái khả thể trong một xã hội có khả năng chi phối tương lai của mình. Như thế cuộc khủng hoảng không còn là cái ăn thua của tương lai, nhưng là của ngày nay.
Đó là một trong những chỗ thua được của nền giáo dục. Vấn đề không phải là mời các thiếu niên hãy lặp lại nhưng các em phải biết phát minh.
 
PHÁT HUY NHỮNG TÀI NĂNG CỦA CÁC EM 
Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình những sức sinh động, những sức lực, những khát vọng thúc nó lớn lên, những tài năng mà chúng ta phải biến thành những khả năng.
Những sức sinh động này đang vang lên trong trái tim của mỗi em như những lời kêu gọi để các em đừng bao giờ thỏa mãn về cái mà mình đang là, nhưng phải ước muốn tự do hơn, có nhiều tài năng hơn để ăn nói, để sáng tạo, để yêu thương.
Bởi vậy, ở thời đại ta hơn bất cứ bao giờ, vấn đề sinh tử là nhà giáo dục phải đảm nhận lấy tất cả các sinh động đó, và tìm cách phát huy tối đa những tài năng ăn nói, sáng tạo và yêu thương,  vì đó là những cái làm nên vẻ phong phú của đời sống con người. Nhưng nhà giáo dục cũng phải đảm nhận lấy tất cả những khó khăn mà các em có thể gặp trên quá trình tiến hóa.
Nhà giáo dục, trong khi lo cho cá nhân các em, phải tỏ ra biết :
-            Chia sẻ kinh nghiệm đời mình với các em.
-            Nâng đỡ các em, nhất là bằng những cuộc đàm đạo, hầu giúp các em ý thức về  những khó khăn, và giúp đỡ các em vượt qua.
-            Giúp các em ý thức và phát huy tất cả những khả năng riêng của mỗi em, gợi cho các em thấy những lãnh vực có sức thu hút các em, và chung tay với các em để tìm ra những phương tiện tỏ bày.
-            Chú ý đến thân thể của các em, luôn lo cho sự phát triển về thể lý và thể thao của các em, không phải quá chú trọng về thi đấu, nhưng là để cơ thể các em được phát triển và được nghỉ ngơi.
-            Đưa ra những đề nghị về khả năng đào tạo, giúp cho các em có thể tiến bộ cả về lãnh vực nghề nghiệp, lẫn lãnh vực xã hội và văn hóa.
 
CHÚ Ý ĐẾN CÁC THIẾU NIÊN TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VÀ GIẢI TRÍ 
Nền giáo dục ngày nay phải toàn diện, sự xé lẻ và chia cắt thành những môn giáo dục khác nhau sẽ có những ảnh hưởng đáng tiếc, thậm chí có những hiệu quả tai hại.
Đối với nhà giáo dục, không một lãnh vực nào của bản tính con người có thể được bỏ qua. Nhà giáo dục phải nắm được các thiếu niên trong địa hạt làm việc cũng như trong địa hạt giải trí,  trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong sinh hoạt xã hội, lo cho thân thể cũng như lo cho tinh thần của các em. Chính trong sự tiếp cận toàn bộ đó mà nhà giáo dục sẽ có thể thực hiện đầy đủ sứ mạng của mình.
‘Đặc điểm của một nền giáo dục Kitô giáo đích thực là nhằm đào tạo toàn diện con người của trẻ em và của các thiếu niên’[1].
Ngày nay người ta đang chứng kiến một sự di chuyển  giá trị của sự làm việc. Điều này được giải nghĩa do vai trò của sự làm việc trong đời sống chúng ta không những ngày càng nghèo nàn đi đối với nhiều người, nhưng càng ngày càng giảm bớt đối với mọi người. Thời gian làm việc của một người 75 tuổi đã sụt từ 220.000 giờ năm 1880, xuống còn  110.000 giờ năm 1964, và còn 70.000 giờ hiện nay.
Sự di chuyển này, tôi nghĩ không phải là một sự đặt lại vấn đề của lao động, và bản thân tôi chỉ nghe thấy những người đi làm đôi khi tuyên bố rằng ngày nay lao động không  còn giá trị. Nhưng đó lại không phải là quan điểm những người thất nghiệp mà tôi gặp. Dầu sao, ngày nay lao động ít được coi như một cái gì có giá trị luân lý hoặc tôn giáo, người ta chỉ thường coi lao động như một công cụ để kiếm đồng lương do nó mang lại, hoặc để chiếm được địa vị xã hội mà nó nâng lên.
‘Như vậy, cuộc sống hình như được chia ra làm hai phần, một phần là thời gian làm việc bắt buộc, ai cũng nhận là cần thiết, nhưng lòng con người ta chỉ tha thiết tương đối thôi, và phần kia là thời gian giải phóng : đây là thời gian duy nhất được coi là đáng mơ ước và để người ta hết sức đầu tư vào’. Trong đời sống con người loại thời gian thứ hai này sẽ ít ra cũng gấp đôi thời gian làm việc.
Bởi vậy, điều quan trọng ngày nay là trong khi khai triển các dự án giáo dục, chúng ta không nên chỉ nhấn mạnh vào việc chuẩn bị công ăn việc làm cho giới trẻ, mà còn phải chú ý nhiều đến sự chuẩn bị cho các em biết sử dụng tốt các thời gian thư nhàn bằng cách phát huy các khả năng văn hoá và thể thao của các em.
Đàng khác, theo tôi nghĩ, nền kinh tế sẽ chỉ lấy lại được thế quân bình, nếu song song với một nền kinh tế thương mại càng ngày càng kỹ thuật hóa, và mục đích trong thời kỳ trao đổi quốc tế hóa này là lợi nhuận, thì nền kinh tế xã hội cũng phải được phát triển mạnh mẽ để tạo ra nhiều công ăn việc làm.
 
MỘT ƯU TIÊN Ở THỜI KHỦNG HOẢNG LÀ PHÁT HUY TÍNH THÍCH ỨNG 
Bất kỳ thời kỳ khủng hoảng nào, cùng với một lô những thay đổi về kỹ thuật và cấu trúc, cũng mang lại nhiều bất trắc. Ai biết được ngày mai sẽ như thế nào ? Ngày nay tốc độ của tiến hóa thật là khủng khiếp.
Cho nên, đối với tôi, một trong những đức tính cần được nhà giáo dục phát huy nơi các em là tính thích ứng, khả năng thích ứng. Thay vì chuẩn bị cho các em làm một thứ công việc duy nhất, với một quy chế xã hội nào đó, ta nên chuẩn bị cho các em đủ khả năng thích ứng với nhiều chức năng khác nhau, phải phát huy khả năng thích ứng của các em. Bởi vì hôm nay ta không thể nắm chắc nội dung của việc đào tạo ngày mai, cho nên cần phải phát huy nơi các em sự thèm khát muốn được theo những khóa tái tập huấn.
Trong đường lối giáo dục ở thời gian khủng hoảng, tôi thiết nghĩ cái khả năng thích ứng này phải đi đôi với một sự tập luyện về tính di động trong cái thế giới đa hướng mà chúng tôi đã mô tả trên kia, đồng thời phải phát huy  các khả năng sáng tạo. Đức tính sau cùng này phải được coi là chủ yếu để vượt qua cơn khủng hoảng. Tất cả những gì góp phần vào việc phát huy khả năng sáng tạo nơi các em đều nhất định phải được khuyến khích, nhưng không nên vì thế mà lơ là với tầm quan trọng của chức năng trí nhớ.
 
GIÁO DỤC VỀ ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI
Ngày nay, hành động giáo dục không thể chỉ có tính cá nhân, mà còn là tập thể.
Nói như Pierre Moitel, vấn đề không phải là dạy các trẻ em và các thanh thiếu niên rằng các em phải liên đới với nhau (dù việc đó là điều phải làm nhân danh nền luân lý nhân bản, hoặc nền đạo đức phúc âm), nhưng là giúp các em nhận thấy rằng thực sự các em đang ở trong một hệ thống liên đới. Trong thế giới hiện nay, ‘trẻ con’ thiếu niên, người lớn, tất cả chúng ta đang bị vướng trong một cái màng nhện của những quan hệ, liên lạc thông tin, kiến thức, và những trò chơi xã hội mà không một ai có thể thoát được. Và vấn đề được đặt ra sẽ là : trong cái hệ thống những dây liên đới đó, chúng ta sẽ làm cách nào để sống tinh thần liên đới một cách tự do ?[1]
Ngay từ thủơ nhỏ, học tập sống tập thể sẽ cho phép thanh thiếu niên mở ra những đường hướng đáp lại vấn đề liên đới. Đời sống biết chia sẻ của nhóm sẽ dạy các em biết cư xử với người khác (mỗi thành viên của nhóm cần phải công nhận các người khác, nếu chính bản thân mình muốn được công nhận), biết khám phá ra những đòi hỏi cũng như những niềm vui của sự chia sẻ. Các em sẽ có dịp phát huy hai ý nghĩa rất quan trọng cho việc xây dựng xã hội ngày mai:
-            Ý thức trách nhiệm (các em cùng nhau chịu trách nhiệm về nhóm của mình, các em có thể được trao cho lãnh trách nhiệm này, hoặc hành động kia).
-            Ý thức về công bằng và liên đới (sự phát triển có tính liên đới của nhân loại).
Tình liên đới sẽ là một trong những thua được của ngày mai, nếu người ta từ khước xây dựng xã hội trên nguyên tắc loại trừ tất cả những ai không có khả năng cần thiết để có chỗ đứng trong sinh hoạt kinh tế xã hội.
Ngày nay khi đang manh nha một xã hội phân đôi, chúng ta đã có thể thấy trước nguy cơ đó rất là lớn lao. Thay vì phân công làm việc, người ta sẽ thấy xã hội phải nhức đầu về vấn đề thất nghiệp. Thay vì lo cho tất cả mọi người một sự đào tạo thích ứng, người ta sẽ thiết lập những hệ thống ưu tiên cho việc đào tạo những thành phần ưu tú, dựa trên sự lựa chọn rồi gạt bỏ những ai không đủ kiện :  họ sẽ ở trong tình trạng thất  bại.
Khi đó cuộc chiến đấu cho con người … cho sự phát triển  nhân tính của con người, cuộc chiến đấu cho giáo dục, sẽ qua con đường của tình liên đới.
Bởi vậy chúng tôi có thể cho là đáng tiếc việc người ta hiện nay thường chủ yếu nhấn mạnh về khía cạnh tâm tình trong quan hệ giáo dục : có lẽ đó là vì cao trào của chủ nghĩa cá nhân đang nổi bật trong xã hội Tây phương của chúng ta. Tuy nhiên, tôi nghĩ khía cạnh xã hội và chính trị cũng cần phải được đề cao, nếu người ta muốn góp phần vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn và huynh đệ hơn.
Đức Gioan Phao lô II không ngừng lặp lại rằng : “Giáo dục có một tầm quan trọng căn bản cho việc đào tạo những quan hệ giữa người ta với nhau và ở trong xã hội”[1].
Hai thế kỷ trước đây, Kant đã viết : ‘Đây là một nguyên tắc của nghệ thuật giáo dục mà nhất là những người thảo ra các kế hoặch giáo dục phải luôn nhớ : không nên giáo dục các trẻ em theo hiện trạng của nhân loại mà thôi, nhưng còn phải nhìn vào tình trạng mai sau có thể tốt hơn, nghĩa là phù hợp với ý niệm của nhân loại và cùng đích toàn diện của con người. Nguyên tắc này rất quan trọng. Thường cha mẹ chỉ lo giáo dục con cái mình để thích ứng với thế giới hôm nay, dù thế giới đó hư hỏng đến đâu đi nữa. Đáng lý ra các bậc cha mẹ phải lo cho con cái mình một nền giáo dục tốt hơn, để một tình hình tốt hơn có thể nhờ đó mà nẩy sinh trong tương lai’[1]. 
 
GIÁO DỤC VỀ Ý NGHĨA
André Malraux đã viết : ‘Chinh phục mặt trăng làm gì, nếu để tự tử ở trên đó ?’[1]. Đó là câu hỏi đầy băn khoăn, vì nó gồm câu hỏi căn bản : ‘Sống để làm gì ?’ Khi những điều kiện sinh sống đã do khủng hoảng làm cho trở nên khó khăn, thì vấn đề này càng vang lên với một tầm thước mới.
Vấn đề ý nghĩa trở thành vấn đề trung tâm. Sự thật thì trong thế giới của chúng ta hôm nay, một thế giới đa nguyên về lập trường đạo đức, luân lý, triết học hoặc tôn giáo, khi người ta gặp những người khác mình, người ta thường tỏ ra bất khoan dung và chống đối, hoặc ở bên nhau mà không nhìn nhau, dửng dưng. Ngày nay các thiếu niên khó mà tìm được những bậc đàn anh được chuẩn bị tốt cho những cuộc chạm trán này để có khả năng tìm ra ý nghĩa.
Cuộc khủng hoảng làm cho càng ngày càng nên cần thiết phải phát huy nơi giới trẻ ngày nay cái khả năng tìm ra ý nghĩa.
Malraux đã tiên đoán : ‘Vấn đề chủ yếu của cuối thế kỷ này sẽ là vấn đề tôn giáo’. Sự rộng lớn của cuộc khủng hoảng cho thấy là ông ấy có lý. Càng ngày người ta càng thấy đúng  như lời Chúa dạy trong Phúc âm : ‘Con người ta không chỉ sống bằng bánh mì’ (Mt 4,4).
‘Nếu ai bước đi ban ngày, người đó sẽ không trượt chân, vì nhìn thấy ánh sáng của trần gian ; còn ai bước đi ban đêm thì trượt té, vì người ta không có ánh sáng’. (Ga 11, 9-10)
 
- Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB
- Dịch giả: Gs. Trần Thái Đỉnh
Nghĩa Sinh
(12/07/2011 - 21607 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nghĩa Sinh
6 - Vì sao lá đổi màu vào mùa thu? (15/11/2011 - 21195 lượt xem)
8 - Mười tật xấu của người mình... (07/11/2011 - 22377 lượt xem)
9 - Ở Mỹ trái tim lạnh cái đầu nóng? (01/11/2011 - 22084 lượt xem)
18 - Nghĩa Sinh: 50 năm thiện nguyện (10/10/2011 - 22242 lượt xem)
52 - Nghĩa Sinh gặp lại nhau sau 38 năm (02/07/2011 - 22647 lượt xem)
58 - Con để dành phòng khi đau ốm... (12/05/2011 - 24201 lượt xem)
59 - Chúc mừng Ngày Từ Mẫu: Ngày 8-5-2011 (06/05/2011 - 23130 lượt xem)
69 - Năm Cách Sống Khỏe Tinh Thần (04/04/2011 - 23632 lượt xem)
72 - Tự do - Công lý - Hoà bình (27/03/2011 - 24381 lượt xem)
78 - Trên 12 ngàn tấm hình cổ quý (09/03/2011 - 20864 lượt xem)
79 - Thơ Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ (07/03/2011 - 24353 lượt xem)
80 - Nghĩa Sinh và Tôi (21/02/2011 - 22944 lượt xem)
85 - Ý nghĩa Tết Nguyên Đán (26/01/2011 - 24219 lượt xem)
87 - XUÂN VIỆT (21/01/2011 - 20868 lượt xem)
95 - Noel 1983: Luận về từ “Nghĩa” (16/12/2010 - 24498 lượt xem)
98 - Tổng số người Việt tại Mỹ (12/12/2010 - 25676 lượt xem)
112 - Tình thương không lời (23/08/2010 - 24059 lượt xem)
114 - Đi tìm Hạnh Phúc (18/08/2010 - 23939 lượt xem)
115 - LỜI CẢM TẠ NGHĨA SINH (13/08/2010 - 23668 lượt xem)
118 - Nghĩa Sinh Chicago phân ưu (05/08/2010 - 23628 lượt xem)
119 - Nghĩa Sinh Phước Tuy phân ưu (04/08/2010 - 22882 lượt xem)
122 - Phi cơ bay không cần xăng (29/07/2010 - 23263 lượt xem)
128 - Thư Cám Ơn Nghĩa Sinh (20/07/2010 - 25396 lượt xem)
129 - Nghĩa Sinh Chicago Phân Ưu (15/07/2010 - 29586 lượt xem)
130 - Nghĩa Sinh Phước Tuy phân ưu (15/07/2010 - 29109 lượt xem)
131 - Chúc mừng gia đình Trưởng Mai Nghĩa (05/07/2010 - 28850 lượt xem)
153 - Phân Ưu (19/02/2010 - 23875 lượt xem)
158 - Một cánh cửa hé mở cho NS ? (30/12/2009 - 26115 lượt xem)
160 - NỘI DUNG ĐÍCH THỰC CỦA GIÁNG SINH (22/12/2009 - 23519 lượt xem)
164 - THÀNH THẬT PHÂN ƯU (03/12/2009 - 25754 lượt xem)
166 - Môi trường cho tài năng Việt (17/11/2009 - 23974 lượt xem)
168 - MÓN QUÀ MỘT NỬA (09/11/2009 - 22648 lượt xem)
169 - Chúc mừng Sinh nhật 40 của Internet (31/10/2009 - 25428 lượt xem)
183 - Bàn Tay Nhân Ái (28/08/2009 - 25512 lượt xem)
184 - Người ấy là ai ? (22/08/2009 - 22912 lượt xem)
202 - Chúc mừng Trung Tâm Nghĩa Việt (26/06/2009 - 23126 lượt xem)
206 - Đáp lời kêu gọi thiện nghĩa (16/06/2009 - 22086 lượt xem)
229 - Mười cách để vui sống (11/02/2009 - 24410 lượt xem)
230 - Làm Sao Đọc Được Chữ Việt ? (11/02/2009 - 21926 lượt xem)
231 - Niềm Vui Họp Mặt Nghĩa Sinh (08/02/2009 - 18100 lượt xem)
233 - Thông Tin về Dự Án Trường Nghĩa Sinh (04/02/2009 - 22074 lượt xem)
234 - Sống Hùng Chúc Tết Nghĩa Sinh (02/02/2009 - 23266 lượt xem)
240 - Thông Tin về Dự Án Trường Nghĩa Sinh (16/01/2009 - 21535 lượt xem)
242 - Hoạt Động NS Chicago Ngày 24-1-2009 (09/01/2009 - 24165 lượt xem)
247 - MỪNG CHÚC GIÁNG SINH & NĂM MỚI (24/12/2008 - 24523 lượt xem)
251 - Bài thơ tặng cha mẹ (13/12/2008 - 25283 lượt xem)
252 - CHÚC MỪNG LỄ TẠ ƠN 2008 ! (27/11/2008 - 21941 lượt xem)
255 - GƯƠNG SÁNG NGHĨA SINH PBN (15/10/2008 - 23798 lượt xem)
257 - CHÚC-MỪNG SINH-NHẬT NSPT (08/10/2008 - 22238 lượt xem)
258 - CHÚC MỪNG NS SỐNG HÙNG [Lệ Dung] (08/10/2008 - 24293 lượt xem)
283 - Bảy Bông Sen Vàng [Seven Golden Lotuses] (25/07/2008 - 24208 lượt xem)
305 - 25th NghiaSinh Thanksgiving Celebration (06/05/2008 - 24237 lượt xem)