Những giá trị đạo đức

Những giá trị đạo đức 

Tri thức chỉ có thể trở thành một bộ phận của văn hoá nếu như nó định hướng và được định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng. Vai trò định hướng ấy thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ.

Thiện là đạo đức, hay nói đúng hơn, bản chất đạo đức là cái thiện. Chỉ nói cái thiện không thôi thì con người nhận thức vẫn còn nông cạn, nó phải được phát triển thành thông điệp, hay thậm chí thành một quy chế, để cho con người nhận thức ra nó dưới dạng thức cụ thể và có tính thực hành. Không có cái thiện thì không thể có đạo đức. Không có cái thiện thì người ta gọi là đạo đức giả.

Con người chỉ có thể là con người xã hội, trong đó các cá nhân, ở những mức độ khác nhau, đều được xã hội hoá. Họ sống, làm việc, hành động theo những qui tắc ứng xử đã hình thành trong xã hội. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, mỗi cá nhân đã tiếp nhận một hệ thống các qui tắc và các thước đo văn hoá của xã hội và thể hiện chúng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Những thước đo này về bản chất là những tiêu chuẩn lý tưởng mang tính chất qui ước mà mỗi cá nhân cần phải tuân theo.

Đạo đức có cấu trúc của nó. Các thành tố của đạo đức là: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.

- Ý thức đạo đức: Như ở trên chúng ta đã xem xét, con người không thể sống bên ngoài các mối quan hệ xã hội. Cốt lõi của những mối quan hệ đó là tương quan của những quyền lợi cá nhân và những quyền lợi cộng đồng. Để tồn tại, con người phải đưa vào nhau trên cơ sở những lợi ích cá nhân phải phù hợp với những lợi ích của cộng đồng. Những nguyên tắc bảo đảm cho sự phù hợp của những quyền lợi ấy khi đã trở thành tình cảm, quan điểm, quan niệm sống chính là ý thức đạo đức.

- Hành vi đạo đức: Mọi hành vi được thực hiện do thôi thúc của một động cơ nào đó. Khi hành vi được thực hiện đó thôi thúc của ý thức đạo đức thì nó được gọi là hành vi đạo đức. Hành vi đó thể hiện ý thức đạo đức và văn hoá đạo đức của cá nhân. Hành vi đạo đức tác động trực tiếp đến con người và gắn liền với ý thức đạo đức. Khi xem xét văn hoá đạo đức chúng ta không thể chỉ xem xét ý thức đạo đức mà phải xem xét cùng với những hành vi đạo đức.

- Quan hệ đạo đức: Quan hệ đạo đức là những quan hệ đã ý thức đạo đức điều chỉnh giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể và xã hội. Những quan hệ này thường được hình thức hoá bằng những nghi thức xã hội, những phong tục, tập quán... vì thế một mặt nó thể hiện ý thức đạo đức, mặt khác nó đóng vai trò hình thành và củng cố ý thức đạo đức.

Cần phải phân biệt giữa đạo đức cá nhân và đạo đức cộng đồng. Cả đạo đức cá nhân và đạo đức cộng đồng đều góp phần tạo ra một cộng đồng tốt.

Tuy nhiên, nói một cộng đồng có đạo đức không có nghĩa là đạo đức của tất cả các thành viên trong cộng đồng ấy đều giống nhau. Đạo đức là cái thiện, nhưng cái thiện thể hiện rất cụ thể dưới hình thức ứng xử hoặc thái độ của từng cá nhân. Đời sống tinh thần của các cá nhân được hun đúc, hình thành bởi lịch sử cá nhân. Đạo đức cá nhân là phần góp về đạo đức của mỗi người, các sự góp đó tạo thành đặc điểm cộng đồng. Nếu nó tương tác với nhau tạo ra một giá trị tương đối đồng nhất trong cộng đồng thì đó gọi là đạo đức của cộng đồng.

Đạo đức có một quá trình hình thành, tồn tại và phát triển liên tục. Không có chuyện đạo đức của thế kỷ này phá vỡ đạo đức của thế kỷ trước. Trong văn hoá có đạo đức, nhưng như thế không có nghĩa là các yếu tố đạo đức của dân tộc này khác với dân tộc khác, của thế kỷ này khác với thế kỷ khác. Văn hoá thể hiện hình thức của đạo đức, là phương thức để con người và các dân tộc thể hiện bản thân mình.

Chính vì thế, đạo đức của dân tộc nào, cộng đồng nào, thời đại nào cũng có cái vỏ văn hoá trong mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức.

Một hiện tượng đáng được lý giải trong đời sống hiện nay là nỗi lo lắng của một số người về nguy cơ đạo đức bị phá vỡ bởi các thành quả khoa học kỹ thuật, như hiện tượng thụ thai trong ống nghiệm trước kia, nhân bản vô tình mới đây. Theo tôi, cần phân biệt nỗi lo của các nhà chính trị với nỗi lo của xã hội. Các nhà chính trị để có tâm lý của những người làm cha mẹ, luôn lo con mình dại, thực ra là lo cái sĩ diện của chính mình. Nếu như tổng thống Mỹ hay thủ tướng Anh có nỗi lo ấy thì cũng không có gì lạ. Tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh cũng đều được nền đạo đức, văn hoá của nước Mỹ hay nước Anh tạo ra. Con người thì lại luôn thay đổi. Cái gì mà nhân loại không thừa nhận sẽ biến mất.

Nhưng đạo đức thì không thể mất đi. đạo đức còn tồn tại chừng nào con người còn tồn tại. Đạo đức thuộc về con người, là bản chất của con người, cũng như cái thiện có nội đung phổ biến trong đời sống con người, mặc dù mỗi dân tộc thể hiện đạo đức của mình dưới những hình thức văn hoá khác nhau.

Người ta thường nói đến văn hoá của dân tộc này, dân tộc kia như văn hoá Mỹ, văn hoá Anh.với các thành tố của nó. Nhưng nói đạo đức Việt Nam, đạo đức Mỹ, đạo đức Anh... thì thật là lố bịch. Xin lưu ý rằng cái mà tôi muốn nói là tính phổ biến của các giá trị đạo đức chứ không phải là những hình thức thể hiện cá biệt của nó. Chúng ta nghiên cứu những giá trị phổ biến của đạo đức để xây dựng một lối sống chung trong thời đại mà loài người buộc phải hội nhập với nhau. Chúng ta tôn trọng cách con người thể hiện các giá trị đạo đức của mình.

- Nguyen Tran Bat

 

 

Nguyen Tran Bat
(22/05/2018 - 1722 lượt xem)