Kết Nối - Yêu Thương - Chữa Lành

Kết Nối - Yêu Thương - Chữa Lành
Khóc với cháu Tày, lắng nghe bạn Pao, trò chuyện với Alexandra và Yana để kết nối, yêu thương và chữa lành.


*Má Hai khóc với Tày nhe…
Hồi tuần trước, cuối ngày làm việc, cháu trai của Khánh Vân là Huy Khang (HK), tên nhà là Tày, gọi điện thoại xin FaceTime. Khi hai màn hình video vừa hiện lên và nhìn thấy mặt nhau thì HK liền hỏi “Má Hai khóc với Tày được không?” Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa thương quá chừng quá đỗi. Huy Khang là một bé trai hoạt bát, rất có tình và rất biết để ý đến mọi người và mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, trong mười hai năm qua, từng năm tháng lớn lên, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe HK hỏi một câu bất ngờ như vậy.

Tôi hỏi lại HK, “Ủa, con có chuyện gì mà muốn má Hai khóc với con?” Lúc đó trên màn hình, nhìn mặt bạn ấy như rươm rướm nước mắt, HK trả lời, “Hôm nay Tày đi chích ngừa và chích tới ba mũi một lúc!”  Lúc đó em dâu của tôi kể thêm chi tiết, “...trong khi chích thì tỉnh queo, nhưng khi vừa xong và cô y tá hỏi, “are you OK?” lúc đó mới khóc.”  Nghe xong tôi thấy thông cảm với tâm trạng của HK và nói phụ cháu “… thì chắc lúc đó cái đau của mấy mũi chích mới thấm, mới thấy đau, nên mới khóc phải không con?”

Huy Khang kể tiếp, “… má Hai, Tày đau và khóc mà ba Thắng không bồng Tày…” – Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên và thấy thương quá trời. Rất tiếc hai má con đang cách xa nhau và phải nói chuyện qua FaceTime, nếu không chắc tôi cũng muốn ôm cháu một chút. Tôi tiếp lời, “Ồ, phải rồi, đáng lẽ ba Thắng đã phải bồng và an ủi con một chút lúc đó ha. Chắc tại ba Thắng lu bu lo công việc với y tá nên không kịp bồng con chứ gì?”

“Má Hai nhớ lúc con 3-4 tuổi, cũng đi chích ngừa ba bốn mũi. Má Hai đưa con đi hôm đó và chứng kiến con gồng lên khi cô y tá chích và con đã không khóc. Khi xong, cô y tá nhìn con và nói, ‘Wow, you are a super boy. You didn’t cry!’ Quả thật hôm đó con đã làm mọi người ngạc nhiên.”

Tôi tiếp tục, “… nhưng không sao hết, Huy Khang, khi con cảm thấy cần khóc, con cứ khóc tự nhiên. Ông Trời sinh ra con người có cảm xúc và cho mình có khả năng khóc là vì ông Trời biết sẽ có những lúc mình cần khóc mà. Cho nên không có gì sai hết khi mình muốn khóc con nhé.”

Chuyện của Huy Khang hôm đó làm tôi phải nhớ lại những ngày tháng ấu thơ của mình bốn mươi mấy năm về trước. Tôi không nhớ mình đã từng có những buổi chuyện trò tự nhiên thân thiện như vậy với ba má hay một người lớn nào. Những năm tháng khó khăn đó, có lẽ ngày nào ai cũng cần nói câu nói của Huy Khang…, không riêng trẻ con. Nhưng mỗi người đã tự mình luyện phải mạnh mẽ, mạnh mẽ cho phần mình và cho cả những người thân xung quanh. Không thể khóc! Và vì vậy, sự cố gắng và đè nén cảm xúc này đã thành thói quen. Dường như tôi lớn lên rất ít khóc và rất không-thích chuyện khóc lóc. Tôi cho khóc là yếu mềm, để rồi dần dà cứ đóng vai một người mạnh mẽ lúc nào không hay. Mỗi ngày khoác lên mình cái vỏ cứng cáp vô hình. Mạnh mẽ trở thành một thứ bản năng. Làm chủ được cả việc chận dòng nước mắt! Không bao giờ muốn mình là mối bận tâm của bất kỳ ai. Và thế là, mọi người mặc định cho tôi là giỏi giang, không cần quan tâm lo lắng thương yêu, không cần hỏi han ủi an vỗ về… Cọp mà!

*Vượt Qua Quá Khứ

Tôi có một người đồng nghiệp tương đối thân. Chúng tôi thân nhau cái kiểu người ta hay nói có thể cho nhau mượn bờ vai để khóc. Hoặc nếu đi mua thức ăn trưa về và ghé ngang bàn làm việc của nhau mà thấy đứa kia còn ngồi làm việc ráng, chưa ăn trưa dù đã trễ… thì sẽ tự động qua phòng bếp cắt một nửa ổ bánh mì, hoặc lấy dĩa xớt một nửa phần cơm vừa mua về, mang đến cho nhau… Và rồi chỉ cùng ăn trong hạnh phúc, không hề khách sáo từ chối.

Lúc mới vào công ty làm việc và được đưa đi vòng quanh giới thiệu, tôi để ý ánh mắt nhìn và nụ cười hiền hòa đặc biệt của anh Pao (tạm phiên âm tên anh như vậy). Anh có nét mềm mại nhẹ nhàng của một phụ nữ. Tôi đoán anh người Mông Cổ, nhưng sau đó chuyện trò thêm thì được biết anh người Kazakhstan.

Cũng nhờ mười mấy năm trước khi làm việc cho AECOM International Development tôi đã có cơ hội để ý Kazakhstan nằm ở đâu trên bản đồ vì AECOM có thầu với chính phủ Mỹ và Liên Hợp Quốc nên có công trình khắp nơi, nhất là những nước đang phát triển. Từ văn phòng trung ương bên Mỹ phải biết địa lý và múi giờ của từng nơi để canh giờ làm việc với nhân viên địa phương.

Tôi và anh Pao gần tuổi nhau nên rất dễ chuyện trò. Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi cũng thường nói chuyện gia đình lẫn thời sự.  Năm ngoái, anh và chồng quyết định về vùng San Francisco Bay Area để gần gia đình vì chồng anh Pao vừa khám phá bị ung thư. Không còn làm việc chung công ty nữa nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thường xuyên hỏi thăm nhau.

Mới đây tôi có sang vùng Bay Area và thăm anh Pao. Chúng tôi đi dạo và chuyện trò. Tôi đã có dịp khám phá tuổi thơ của anh Pao và của tôi có nhiều điểm giống nhau. Anh Pao cũng có những ngày thơ ấu rất thiếu thốn và hay bị bạo hành. Nghe đến đó, tôi quay sang nhìn anh Pao và nói, “Ô, vậy sao, tôi cứ tưởng chỉ những trẻ nhỏ Việt Nam thời của tôi mới trải qua những chuyện như vậy thôi chứ!”

“Không, Anne ơi, những đứa trẻ thời của tôi, ở nước của tôi cũng vậy thôi. Kazakhstan và Việt Nam ít nhiều có những điểm giống nhau trong lịch sử: cũng chiến tranh, cũng đói khổ, người dân cũng bị cướp đoạt tài sản gia súc, một phần ba dân số chết trong nạn đói 1930-1932, rất nhiều những điều khủng khiếp đã diễn ra. Chúng ta là nạn nhân của những hung bạo. Ngày nào tôi cũng bị cha đánh đập, riết thành thói quen. Chẳng còn thấy nó là bất thường! Gia đình nào cũng bị ảnh hưởng. Sẽ phải mất nhiều thế hệ chữa lành để trở lại bình thường!”

Chúng tôi quay sang nhìn nhau, cảm thông!

Anh Pao nói tiếp, “…mà sao ngày đó tôi không hề biết khóc, Anne nhe. Tôi che giấu cảm xúc của mình rất giỏi. Chẳng biết nó là thứ sức mạnh gì. Đến mãi gần đây, khi chồng tôi bị ung thư, tôi không còn giữ được cảm xúc trong lòng nữa. Thuốc men và những gì chồng tôi đã trải qua khiến anh ta thay đổi tính cách. Tôi đi tắm ra, anh ta trách tôi tắm lâu và cằn nhằn. Trong khi tôi dành hết tất cả thời gian và tình yêu thương để chăm sóc anh ta thật chu đáo mấy năm qua và gần như mỗi ngày chỉ dành cho mình 15 phút. Hôm đó, tôi hết chịu nổi, lái xe ra công viên khóc hết nước mắt rồi về lại nhà!” “…Tôi khóc như một đứa trẻ, Anne ạ!”

Tôi đi chậm lại và nhìn sang anh Pao. Anh Pao kể chuyện khóc mà cười tươi như được trút bầu tâm sự. Tôi muốn thấy nụ cười ấy kéo dài lâu hơn. Chúng tôi như nói chuyện của kiếp trước mà mình đã thoát khỏi, không còn chút ảnh hưởng hay sợ sệt. Tôi pha trò, nửa đùa, nửa thật:

“Ôi, anh Pao, có phải thời gian đó anh cũng đi vào tuổi 50 không? Có phải anh cũng cảm giác đã chấp nhận, hy sinh quá nhiều và bao dồn nén của 50 năm qua đến lúc phải được thoát ra ngoài, cần được tự do, cần được đền bù?” Tôi nói tiếp, “hình như một số người nói về sự kiện này là ‘midlife crisis’ – khủng hoảng tuổi trung niên, ai cũng trải qua, và như ông xếp của tôi, ông ta đã quyết định đi mua cho mình một chiếc xe mới!” Tôi cười.

Anh Pao ngừng lại, đếm nhẫm và nói, “Đúng rồi, hồi năm kia, lúc tôi sang tuổi 50, và tôi cũng có mua một chiếc xe mới!” Anh Pao nhìn tôi cười toe và tiếp tục, “... đừng nói, Anne cũng đang trải qua những chuyện khóc cười này và cũng mua cho mình một chiếc xe mới nhé.”  Chúng tôi cùng nhau cười to.

Tôi đã có dịp thú thật chuyện của những tháng qua mà chỉ chim chóc ếch nhái xung quanh nhà tôi thấy và biết.  Tôi đã đặt nhiều câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, về sứ mệnh, về sự hiện diện và vị trí của mỗi người trong đời nhau… Tôi cũng đã khóc bù cho 50 năm qua!

Càng nói chuyện, chúng tôi càng thấy thật cảm thông cho nhau. Chúng tôi hiểu ra gốc rễ của những nỗi đau. Những đứa trẻ (nay đã bắt đầu “rà”) của những thời đại bị nhiều tổn thương nhưng bằng cách này cách kia, chúng tôi đã luôn cố gắng vượt lên chính mình, vượt lên mọi hoàn cảnh, vượt ra khỏi bóng tối trầm cảm… để chuyển hóa và biến những vết thương, những vết thẹo trên thân và tâm của mình thành những bông hoa.

Chúng tôi tiếp tục những bước đi thảnh thơi dưới những hàng cây cổ thụ. Vừa đi vừa lột bỏ lại sau lưng những mảnh áo giáp, những mặt nạ cứng ngắt mỗi ngày đã phải đeo vào… bao lâu nay.

Buông bỏ, xả ly… chúng tôi đang cho mình thụt lùi thời gian, trở về với con người thật, bé nhỏ xa xưa…và lớn lên lại một cách lành lặn, đúng nghĩa: Sống thật với cảm xúc và mạnh dạn chia sẻ. Trong sáng, tự nhiên, chân thành, tin tưởng!

*Tình Yêu Thương từ Ukraine…

Những năm tháng làm việc ở AECOM, tôi có nhiều bạn ở nhiều vùng trên thế giới.

Alexandra và Yana là người Ukraine. Ngoài công việc chuyên môn, hầu như bạn gái Ukraine nào cũng được mẹ và bà dạy đan nên họ đan khăn, nón, và áo rất khéo. Họ cũng rất sáng tạo và có mắt mỹ thuật.

Khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu, gần như ngày nào chúng tôi cũng nhắn tin cho nhau. Có những lần, nhiều ngày liền không có tin, khi liên lạc lại được, Alexandra và Yana báo vừa bị bỏ bom; người thân tử trận; tối tăm, giá rét, đổ nát... phủ trùm.

Sau nhiều ngày mất điện, từng vùng thay phiên nhau có điện vài giờ trong ngày. Phải tranh thủ làm hết những gì cần thiết trong vài giờ đó trước khi trở lại với bóng đêm và giá lạnh.

Có nào ngờ... thế hệ sinh ra trong hòa bình như Huy Khang, Khánh An, Bảo Ngân, Duy Thiện... vẫn còn đang lớn lên; những vết thương chiến tranh của nhiều thế kỷ trước hằn trên cha mẹ chúng mà tôi và anh Pao vừa nói chuyện vẫn còn đau nhức, vẫn còn cần nhiều thế hệ để chữa lành; trầm cảm vẫn chưa tan... thì rồi, lại mọc thêm những cái mới!

Một hôm Alexandra nói với tôi, “Anne, chúng tôi có một số đồ len đã móc hoàn tất. Thật sự là chúng tôi ở đây chỉ sống từng giờ, từng phút, không biết giờ sau, phút sau ra sao. Mọi thứ có thể trở thành tro bụi trong tíc-tắc. Tôi muốn gửi những đồ len này sang tặng cho Anne. Anne chỉ cần trả tiền gửi. Tuy nhiên sẽ phải đợi hai ba tuần vì nhiều thứ bị ngưng trệ.”

Nghe bạn nói xong tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Trong khi đất nước đang trong cơn tan tác, khẩn trương vì cuộc chiến, cứ ngỡ các bạn tôi cần tình yêu thương từ khắp nơi gửi đến, nhưng không. Họ lại gửi ra ngoài này bao nhiêu yêu thương.

Các bạn Ukraine này quả thật đặc biệt! Tinh thần thật mãnh liệt. Trong hoàn cảnh như vậy mà tình yêu thương của họ vẫn đong đầy, và có thể còn nhiều hơn thường lệ. Có lẽ họ nhận ra sự vô thường, giá trị của sự sống... Và vì vậy, càng nên yêu thương ngay giây phút hiện tại. Có lần tôi đã hỏi gia đình Alexandra có muốn sang Mỹ tị nạn thì không một chút do dự, Alexandra trả lời rằng các chị em phụ nữ họ đã quyết định sẽ không chạy đi đâu mà chỉ ở lại để hỗ trợ cho cha, chú, chồng, anh em... của họ.

Tôi nghĩ ra cách giúp các bạn mình vượt qua sự chờ đợi trong thời gian khó khăn này. Tôi gửi số đo, gửi kiểu và nhờ Alexandra móc thêm cho tôi áo và nón. Tôi chuyển tiền sang cho Alexandra mua len, kim móc có đèn dùng bằng pin... Tôi giới thiệu với các bạn bên Mỹ xem ai có muốn đồ đan thì đặt Alexandra để tạo thêm công việc cho Alexandra và những phụ nữ trong gia đình. Tôi có xin được thêm từ một số bạn bè người thân và gửi thêm một ít hỗ trợ sang cho các bạn Ukraine.

Sau hai ba tuần, những món đồ xinh xắn đã vượt bom đạn, khói lửa, đại dương... từ Ukraine đến Mỹ, và đến trước cửa nhà tôi.

Lạ một điều, mỗi lần có dịp mặc những chiếc áo len đó thì tôi luôn được nhận rất nhiều lời khen; và hễ tôi chỉ vừa nói rằng một người bạn ở Ukraine đã đan cho tôi thì họ liền nói trước khi tôi kịp kể chi tiết: “bạn của Anne đã đan với thật nhiều tình yêu thương…”

Dường như tình yêu thương của các bạn toát ra và hiện lên trên từng mũi đan và lấp lánh trên từng sợi len, sáng lên trong đêm tối, không đèn.

Chúng ta thường nghe nói tình yêu thương không biên giới... Và nó có vẻ lý thuyết!  Tôi đã có dịp chứng nghiệm. Quả thật, tình yêu thương không có giới hạn màu da, hay địa lý. Nó có thể đi xuyên không gian, thời gian.

Và những đứa trẻ này, Pao, Alexandra, Yana hay Anne KV, kể cả Huy Khang… dù khác màu da, khác dòng máu, khác thời đại… đều có cùng khát khao yêu thương. Họ có thể trở nên thân thương và quan tâm đến nhau một cách diệu lạ. Họ cũng có nhiều điểm rất chung: Biết yêu thương – tha thứ.

Những nỗi đau cũng có nhiều điểm chung. Chúng không giới hạn trong một gia đình hay một quốc gia. Chúng là những nỗi đau chung của nhân loại mà sức ảnh hưởng sẽ kéo dài qua nhiều đời.

*Sống Thật – Yêu Thật!

Anh Pao chia sẻ với tôi rằng anh đã mất nhiều năm để có thể thoát khỏi trầm cảm và tha thứ cho cha anh. Anh Pao đạo Công Giáo. Hôm nói chuyện, chúng tôi nhớ đến hình ảnh Chúa Giêsu khi bị đóng đinh trên thánh giá và những lời Ngài dạy, “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em,”  Chúa cũng đã cầu xin Đức Chúa Cha: “xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm...” Và một ngày nọ, suy nghĩ đó đã giúp anh Pao tha thứ cho cha anh, cho những bạo hành mà anh đã lãnh chịu suốt thời niên thiếu, cho những mạnh mẽ, những cái đàn ông mà anh đã bị tước mất đi…

“Nếu cha tôi biết hậu quả và mức độ ảnh hưởng của những việc ông làm, nếu cha của chúng ta biết họ đã làm chúng ta khổ đau biết bao lâu nay... thì chắc họ đã không làm như vậy!”

Hình như chúng ta có khuynh hướng phạm lỗi lầm vì chúng ta không tin luật nhân quả; chúng ta cũng không thấy ra sớm đủ rằng một việc làm tàn bạo hay sai trái hôm nay, có khi phải trả quả báo qua bao nhiêu kiếp vẫn chưa xong.

Chúng ta chọn giấu giếm cảm xúc và chọn sống giả để được ngợi khen, để cứ mãi bị cuốn vào những ảo tưởng xung quanh; hay là chúng ta chọn sống thật với chính mình dù nó có như thế nào?

Tôi đã mừng khi thấy con cháu mình dám sống thật với những cảm xúc và mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ với ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác... Điều mà ít nhất là thế hệ của tôi đã không dám sống, không được sống... và vẫn còn tập tành.

Có lẽ do mình đã biết yêu thương hơn và biết cách cho thế hệ con cháu mình thêm niềm tin dám chia sẻ, dám khóc thật, dám cười thật! Để sống hạnh phúc... thật!

Hôm đó tôi đã nói với Huy Khang, “Luôn tiện má Hai muốn dặn con: má Hai mong con sẽ không phải khóc nhiều lần trong đời, và nếu vì bất cứ lý do nào, bất cứ lúc nào từ nay về sau, khi con có chuyện gì muốn chia sẻ và cần khóc và nếu không có ai khóc với con, con hãy gọi má Hai, má Hai sẽ khóc với con nhe, Huy Khang. Luôn nhớ như vậy!”

“Dạ! má Hai…”

***
Anne Khánh Vân

Anne Khánh Vân
(02/06/2024 - 373 lượt xem)