Lòng Biết Ơn… Nhiệm Mầu
Lòng Biết Ơn… Nhiệm Mầu
Tuần trước, vào một chiều đẹp, tôi đi taxi. Nhìn tài xế sang số xe một cách khá bẳn gắt, tôi hiểu anh ta có điều gì không ổn trong tâm trí. Tôi không ngần ngại hỏi lý do và được anh cho biết:
- Không có gì bực mình hơn thế, anh ạ. Sáng nay, một người khách đã bỏ quên ví tiền trên xe của tôi. Trong ví có 1.500 franc mới. Tôi để ra hơn một giờ lần ra dấu vết người khách và tìm ra khách sạn ông ấy trọ. Anh có tin là ông ta không nói lời gì sao? Ông ta cầm ví tiền, chăm chăm nhìn tôi làm như tôi đã móc túi ông ấy vậy.
- Ông ấy không thưởng gì cho anh à?
- Không có xu nào. Tôi thất vọng vì mình đã mất thì giờ và tốn xăng. Thực ra, tôi không cần thế. Phải chi ông ta chỉ nói với tôi một lời cảm ơn…
Mọi người chúng ta đều cần một sự biết ơn tương xứng với hành động của mình. Lòng vô ơn dễ bóp chết thiện ý. Và chúng ta nhớ rằng sự biết ơn là một đức tính mà ta không bao giờ thực hành đủ.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bà mẹ của một lính nhảy dù Mỹ nhận thư con, kể rằng anh bị thương, đói khát, được một phụ nữ ở Avranches nuôi dưỡng và che giấu khỏi quân Đức. Rủi thay, vài tháng sau, người lính này tử trận trong khi tấn công vùng Ardennes. Để cám ơn người phụ nữ vô danh kia, trong suốt hai năm, bà dành tiền, vượt Đại Tây Dương, đến thành phố được nhắc đến trong thư con bà. Bà tìm được người phụ nữ đã săn sóc con bà, và tặng cho người phụ nữ này một gói quà nhỏ. Đó là chiếc đồng hồ vàng mà con bà đã lĩnh thưởng trong kỳ thi tú tài, hiện vật có giá trị nhất của con bà.
Việc bà mẹ tỏ lòng biết ơn đã gây xúc động cho người dân Normandie, đến nỗi cử chỉ ấy trở nên một huyền thoại tại Avranches và toàn vùng. Lòng biết ơn là nghệ thuật chứng tỏ mình nhạy cảm với mọi thiện ý của người khác, dù lớn hay nhỏ. Đa số chúng ta đều cảm thấy vui thích khi được người khác đối đãi tử tế, tặng quà hoặc giúp đỡ. Nhưng chúng ta cần hoàn thiện cách tỏ lòng biết ơn, bằng cách biến nó càng chân thành và càng riêng tư càng tốt.
Không gì xúc phạm người khác bằng lời cảm ơn qua loa, nói cho lấy có, nơi đầu môi. Ông James Barrie, nhà viết kịch nổi tiếng, kể:
- Một chiều nọ, tôi và một người bạn Xcôtlen bàn chuyện làm ăn. Đứa con gái chín tuổi của ông ấy đem đến vài miếng bánh ngọt do cô bé mới làm xong. Ông bố hơi bực mình vì câu chuyện lở dở, cầm cái bánh cắn một chút, nói lời cảm ơn vừa vội vừa buồn bã, và tiếp tục nói chuyện với tôi. Cô bé lặng lẽ rời căn phòng. Vài tuần sau, mẹ cô hỏi sao cô không làm bánh nữa. Cô òa khóc và nói : “Con không bao giờ làm bánh nữa đâu!”.
Lòng biết ơn đôi khi vượt qúa khuôn khổ vấn đề riêng tư. Con trai tôi, sinh viên y khoa, kể rằng một bệnh nhân đã được cứu sống nhờ truyền máu. Sau khi lành bệnh, người này hỏi các bác sĩ liệu có cách nào biết tên người hiến máu cho anh không. Người ta trả lời là không. Vài tuần sau, anh ấy trở lại bệnh viện và hiến máu mình. Anh hiến nhiều lần. Một bác sĩ giải phẫu ngạc nhiên về nghĩa cử của anh, và anh đơn giản đáp:
- Một người vô danh hiến máu cho tôi. Nay tôi hiến máu là để tỏ lòng biết ơn.
Có điều an ủi để nghĩ rằng lòng biết ơn có thể không đơn thuần là một tình cảm chóng qua, nhưng là một nguồn mạch làm trỗi dậy sức sống trong một số trường hợp. W. Hudson, nhà vạn vật học, kể câu chuyện sau đây : “Một tối nọ, tôi dẫn một bạn thân về nhà chơi và có gì ăn nấy. Sau bữa ăn, người bạn nói với tôi : “Bạn may mắn có người vợ lo lắng những bữa ăn tuyệt vời, mặc dù sức khỏe chị yếu và lo gánh nặng con cái”. Lời khen này đã mở mắt tôi. Lời khen cho tôi nhìn thấy sự anh hùng đời thường của vợ, vốn trước đó tôi đã xem là chuyện thường tình”.
Lòng biết ơn cần được biểu lộ cả trong chi tiết nữa. Người đưa thư, thợ hớt tóc, thợ may, người phục vụ khách sạn… đều giúp đỡ cách nào đó cho chúng ta lúc này lúc khác. Khi cảm ơn họ, chúng ta biến các quan hệ máy móc thành nhân bản hơn và biến các công việc đều đặn thành dễ chịu hơn.
Một bệnh nhân của tôi, là nhân viên bán vé xe buýt ở Luân Đôn, kể với tôi:
- Đôi khi tôi chán ngấy công việc. Người ta cự nự, quấy rầy tôi, không đủ tiền mua vé nữa. Nhưng một bà già đi chuyến sáng và tối luôn cảm ơn tôi đàng hoàng khi tôi trao vé cho bà. Tôi tưởng tượng là bà nói nhân danh mọi người khách, và điều này làm tôi phấn chấn.
Một số người kiêng diễn tả sự biết ơn, sợ rằng sẽ quấy rầy kẻ khác. Một bệnh nhân của tôi, vài tuần sau khi rời bệnh viện, đã trở lại để cảm ơn cô y tá. Ông nói:
- Tôi không đến sớm hơn được, vì tôi nghĩ rằng chị không chịu đựng nổi số người đến cảm ơn.
Cô y tá đáp:
- Trái lại chứ. Tôi mừng vì ông đến thăm. Rất ít người hiểu rằng chúng tôi cần lời khuyến khích động viên biết mấy, để làm tốt công việc của mình.
Chúng ta đừng sợ là mình biểu lộ sự biết ơn quá nhiều. Chúng ta đừng quên rằng nụ cười, lời cảm ơn, lời nói biết ơn của chúng ta sẽ đem lại bao lợi ích cho nhiều người trong cuộc sống của họ.
- Nguyễn Trọng Đa
Thành viên Khóa SHTN & CTXH do Nghĩa Sinh tổ chức tại Tu viện Phanxicô,
Thành phố Nha Trang, Hè 1969
Nguồn: https://www.nghiasinh.org/?mode=new_nd&stt=85
(Viết theo The Selections)