Văn hóa tranh luận và phong cách tranh luận của người Việt

Văn hóa tranh luận và phong cách tranh luận của người Việt*

Với người Việt, văn hóa tranh luận thể hiện rõ qua kết cục thường thấy: tranh luận biến thành cãi lộn. Người ta luôn cố gắng bác bỏ ý kiến của đối phương, bảo vệ đến cùng quan điểm của bản thân. Hiếm khi thấy người ta thừa nhận cái sai của mình. Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, nặng lời, to tiếng rồi chuyển sang mạt sát lẫn nhau trong sự không kiềm chế. Kết cục là không giải quyết được vấn đề gì trong khi chuốc thêm bực mình thậm chí thù hằn lẫn nhau. Không nhiều người Việt có văn hóa tranh luận, âu cũng là do dân tộc này không có truyền thống tranh luận – chuyện không có gì khó hiểu đối với nền văn hóa của một dân tộc nô lệ và có truyền thống gia trưởng – không dám nói trái ý cha mẹ, lời thày là khuôn vàng thước ngọc; từ ngàn đời nay người ta phải tuân theo chiếu chỉ của vua quan của các triều đại phong kiến nối tiếp nhau cho tới triều đại phong kiến biến tướng ngày nay. Không được phép nói trái ý vua, phạm húy, vi phạm các chiếu chỉ và nghị quyết trong điều kiện pháp luật xử lý tùy tiện đã tạo ra một môi trường giết chết tranh luận. Một cách tổng quát - người ta không thể tranh luận khi không có tự do ngôn luận – linh hồn của tự do.

Trong thời đại internet ngày nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc tranh luận. Thiết nghĩ việc tìm hiểu thế nào là văn hóa tranh luận là cần thiết nhằm tránh vết xe đổ của vô vàn các cuộc tranh luận đã có, nhưng trước nhất ta cần xác định mục đích của tranh luận là gì? Việc gì cũng vậy, khi mục đích không thống nhất thì kết cục việc làm sẽ chẳng đi đến đâu. Điều này cũng đương nhiên đúng đối với tranh luận. Người viết cho rằng mục đích tranh luận là để tìm ra chân lý – đây là quá trình tự nhiên của hoạt động tư duy của con người đồng thời nó cũng là một nhu cầu của con người - việc này làm động lực cho xã hội phát triển. (Xin được miễn đi sâu phân tích điểm này ở đây để tránh lạc đề). Khi có cùng mục đích tìm hiểu đâu là chân lý thì người ta thấy việc nỗ lực thuyết phục người khác hoặc khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình sẽ trở thành lố bịch.

Nếu đồng ý mục đích tranh luận là như vậy thì một cách giản dị và tổng quát, văn hóa tranh luận bao gồm ba yếu tố sau:

1. Điều kiện tiên quyết của một cuộc tranh luận đúng nghĩa: Người tham gia tranh luận phải có tâm cầu thị. Đơn giản vì đây là hệ quả của mục đích tranh luận. Nếu không có cái tâm cầu thị thì người ta sẽ tranh luận với rất nhiều mục đích khác nhau. Khi đã không có cái đích chung thì cuộc tranh luận sẽ chắc chắn chẳng đi tới đâu. Khi đã không có tâm cầu thị, chắc chắn người ta sẽ tham gia tranh luận với những động cơ thiếu lương thiện, điều này không khó nhận ra đối với những bạn đọc tỉnh táo.

2. Tranh luận phải có tính học thuật: Điều này có nghĩa người tham gia tranh luận nên/phải tôn trọng thực tế khách quan, trình bày quan điểm có cơ sở lý luận hoặc cơ sở thực tế, có dẫn chứng minh họa. Để cho rõ ràng, đôi khi việc qui ước những tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là đúng, sai cũng là cần thiết. Tóm lại, cần phải có chung hệ qui chiếu. Những nội dung tranh luận càng phức tạp sẽ càng đòi hỏi nhiều kiến thức. Điều quan trọng nhất ở đây là phải thống nhất với nhau các vấn đề nền tảng trước khi đi vào tranh luận chi tiết. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt lẽ ra sẽ không xảy ra nếu người ta biết rằng vấn đề chỉ là cách hiểu khác nhau về một khái niệm nào đó, thậm chí một từ ngữ nào đó. Cuối cùng nhiều lúc người ta thấy mình đã phí thời gian vô ích chỉ vì không thống nhất trước vài vấn đề cơ bản. Với người Việt, cảm tính thường được dùng thay lý tính khi tiếp cận một vấn đề, đây là một đặc tính văn hóa không thích hợp trong tranh luận.

3. Tôn trọng đối phương khi tranh luận: Nếu thực sự coi mục đích của tranh luận là để phân minh phải trái đúng sai, thì không có lý do gì để thiếu tôn trọng đối phương. Sự sai lầm của một quan điểm có giá trị chứng minh cho sự đúng đắn của một quan điểm khác. Mặt khác, không có gì đảm bảo cho sự đúng đắn của một ý kiến là vĩnh viễn. Tất cả chỉ có giá trị giới hạn trong điều kiện hiện tại của các dữ liệu hiện có. Vậy nên giữ thái độ tôn trọng lẫn nhau là cần thiết. Ngôn từ đúng mức, thể hiện quan điểm một cách ôn hòa trong giới hạn vấn đề đang được tranh luận là điều nên có trong tranh luận. Ở những xã hội phát triển văn minh con người ta tôn trọng nhau hơn ở những xứ còn lạc hậu, đó là sự khác biệt về văn hóa.

những cuộc tranh luận rất gay go nhưng luôn trong hòa khí, với kết thúc bằng những đồng thuận không có bởi áp đặt, cũng như không xảy ra sứt mẻ quan hệ giữa những người tham gia. Người ta học được gì đó mới trong mỗi nội dung mà mình tranh luận. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi các bên tham gia tranh luận có văn hóa tranh luận. Văn hóa tranh luận – đương nhiên nằm trên nền văn hóa của mỗi cá nhân, và rộng hơn là văn hóa của dân tộc. Một dân tộc có nền văn hóa ra sao, nó thể hiện phần nào qua cách mà người dân tộc đó tranh luận.

- Người Sưu Tầm
Nguồn: Chúng Ta

*Phụ chú của BBT Liên Nghĩa: Cần phân biệt giữa thảo luận (discussion) và tranh luận (debate).

 

 

Người Sưu Tầm
(15/05/2018 - 1511 lượt xem)