Huynh Trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Xuân Thảo: sáng tác thánh ca, nghĩa ca và những nhạc phẩm chan chứa tình người và tình quê

Huynh Trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Xuân Thảo: sáng tác thánh ca, nghĩa ca và những nhạc phẩm chan chứa tình người và tình quê

LTS: Trong qua khứ, Nội san Liên Nghĩa đã giới thiệu với quý độc giả những sáng tác của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thảo cho anh chị em Nghĩa Sinh và những nhạc phẩm chan chứa tình người và tình quê cho mọi từng lớp. Hôm nay BBT xin giới thiệu bài viết của tác giả Đàm Lực được phổ biến trên trang website của Báo Công Giáo (www.baoconggiao.net) với nội dung về thánh nhạc. Xin mời quý anh chị Nghĩa Sinh và thân hữu cùng đọc bài viết rất ý nghĩa sau đây về một Huynh Trưởng Nghĩa Sinh.

 

MỘt tâm hỒn đẮm chìm trong thánh nhẠc

   Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Thảo, dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) - hiện đang phục vụ tại nhà thờ Phanxicô Đakao (TGP.TPHCM) - đã có hơn 50 năm sáng tác với bút danh Xuân Thảo và giảng dạy thánh nhạc. Nhiều tác phẩm của cha đã được sử dụng trong phụng vụ và quen thuộc với nhiều tín hữu.

   Cha Xuân Thảo sinh năm 1947, nơi một vùng quê thuộc tỉnh Nghệ An, trong một gia đình đạo hạnh đã cống hiến cho Giáo hội hai linh mục. Người em là linh mục Anphong Nguyễn Công Minh cùng dòng với cha.

Lớn lên trong cái nôi mà bố mẹ cũng là những người phục vụ ca đoàn, những rung động với âm nhạc đã đến với cha từ rất sớm. Năm lên 11 tuổi, cha vào dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam. Nhận thấy năng khiếu âm nhạc của cha, bề trên đã khuyến khích học chuyên sâu về thánh nhạc Phụng vụ. Nhớ về quãng thời gian tu học trong dòng, cha nhắc đến giai đoạn tham gia phong trào Nghĩa Sinh (1966), chuyên viết các bài hát về sinh hoạt, với những giai điệu vui nhộn nhưng ngắn gọn, được nhiều bạn trẻ yêu mến, đón nhận.

Trong dòng chảy giai điệu thánh

Thụ phong linh mục năm 1975, cha đã có nhiều đóng góp cho Giáo hội. Cha cho biết mình may mắn được gặp và học nhạc với cố nhạc sư Hải Linh tại Đà Lạt từ 1970, rồi năm 1982, cùng với nhạc sĩ Nam Hải và nữ tu Thiên Lan (dòng MTG Thủ Đức) tham gia nhóm Quê Hương do Hải Linh thành lập để tiếp tục phát triển học thuật âm nhạc theo đường hướng hội nhập văn hóa của Giáo hội. Theo đó, việc trau dồi học tập Dân ca Việt Nam và Bình ca Công giáo là hai yếu tố nòng cốt không thể thiếu của bất cứ nhạc sĩ thánh nhạc nào. Từ đó cha mở lớp nhạc tại nhiều nơi, gọi là các lớp nhạc Quê Hương, nay là Viện Âm Nhạc Phan Sinh (FAM), đặc biệt tại giáo xứ Vô Nhiễm (Bình Thạnh, TGP.TPHCM), nhiều giáo xứ và dòng tu vùng Hố Nai (GP Xuân Lộc) cùng với nhạc sĩ Hương Vĩnh… Trong giai đoạn 2002 - 2007, cha du học ở Mỹ và hoàn tất học vị Thạc sĩ Sáng tác và Tiến sĩ Mục vụ về Phụng vụ Thánh nhạc với đề tài luận án là “Mục vụ âm nhạc: Việc hội nhập văn hóa Thánh ca Phụng vụ tại Việt Nam”.

Bên cạnh việc trau dồi nâng cao chuyên môn, cha luôn chú trọng về cảm hứng sáng tác để đứa con tinh thần có sức sống với thời gian và dùng được trong Phụng vụ. Cha dựa vào Thánh vịnh, Thánh Kinh và các tập thơ đạo để dệt nên những bài hát, giai điệu hay nhất ca tụng Chúa. Khác với viết nhạc đời, người nhạc sĩ Công giáo viết thánh ca không chỉ dừng lại ở vai trò giải trí, giáo dục mà mục đích thiêng liêng nhất là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Thấu hiểu được điều đó, kết hợp với những kiến thức được học, trải nghiệm từ các vị tiền bối đi trước, cha cũng có cảm nhận riêng trong quan điểm sáng tác của mình. Đối với những ca khúc dành cho cộng đoàn, cha biên soạn phần điệp khúc với giai điệu dễ hát, trong khi những phần dành cho lĩnh xướng hoặc những bài chung cho ca đoàn thì phần giai điệu và tiết tấu tương đối phức tạp hơn với nhiều bè kết hợp luyến láy mang âm hưởng dân ca Việt Nam.

“Đêm Noel” là bài thánh ca “thuở ban đầu”, cha sáng tác phỏng thơ Xuân Ly Băng, đã trở nên quen thuộc với cộng đoàn Dân Chúa nhiều năm qua. “Nhân đọc bài thơ “Say Noel” trên báo Tin Vui của dòng vào tháng 12.1970, tôi thấy có nhiều ý tưởng hay và lạ, thế là ngân nga và lẩy ra một số câu chủ chốt, những cụm từ đặc sắc rồi hòa trộn với tình ý của riêng mình, dựa trên phụng vụ để nắn nên giai điệu. Nhiều người thường lấy câu đầu “Đêm nay Noel về” để dễ nhớ bài hát”, cha kể. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm được nhiều người biết đến như “Tiếng gọi trong sa mạc”, “Những chiếc mạng nhện”, “Nầy chị Maria Mađalêna”, “Kinh An Bình”, “Biết bao là hạt lúa”, “Nào ta hãy vui mừng”, “Noel một trời phép lạ”, và rất nhiều Thánh vịnh Đáp ca cùng Tung hô Tin Mừng mà nhiều nơi đang sử dụng. Đặc biệt, “Trường ca các tạo vật” được cha viết chung với cố nhạc sư Hải Linh, thuộc thể loại hợp xướng Cantata, lấy gốc từ bài thơ của Thánh Phanxicô Assisi. Sau khi nhạc sư qua đời, cha đã sáng tác tiếp 2 đoạn, tổng thể trường ca này gồm 10 đoạn được hoàn thành vào năm 2003.

Về những đóng góp vào kho tàng thánh nhạc Việt Nam, cha chia sẻ: “Tôi đã cùng với một số bạn bè và học viên lớp sáng tác (gọi chung là Xuân Thảo và Các Bạn), có cùng quan niệm viết nhạc, tôn trọng bản sắc dân tộc, đã tập hợp các bài hát trong phụng vụ vào cuốn “Thánh ca Phụng vụ tổng hợp 1”. Sách dày 632 khổ A5, gồm các bài Ca nguyện, Ca nhập lễ, Bộ lễ, Đáp ca, Tung hô Tin Mừng, Ca dâng lễ, Ca tạ lễ, Ca kết lễ… đã được chuẩn nhận và phát hành từ năm 2002”. Với vị linh mục nhạc sĩ này, sáng tác không cốt ở số lượng mà quan trọng là chất lượng, mỗi bài hát phải có “mạch sống”, đặc sắc riêng, với giai điệu vừa diễn tả nội dung lời ca, vừa tôn trọng dấu giọng ngôn ngữ, vừa uyển chuyển trôi chảy có thể dễ dàng đi vào lòng người. Bởi thế có những bài cha phải ấp ủ một thời gian dài mới viết xong, nhiều lúc phải trằn trọc suốt đêm mới “bắt” được những nốt nhạc, tiết tấu hay của “dòng chảy giai điệu thánh” vốn sẵn có trong tự nhiên. Chẳng hạn, bài hợp xướng “Noel không có Chúa” cưu mang từ tháng 11.2015 đến Giáng sinh 2016 mới “trình làng”.

Tỏa hương cho đời

Ngoài việc giảng dạy về chuyên môn tại nhà dòng, cha từng tham gia Ban Thánh nhạc TGP.TPHCM và hiện là thành viên Ủy ban Thánh Nhạc/HĐGMVN, tất nhiên vẫn không ngơi nghỉ sáng tác, đào tạo và trình tấu. Nay dù tuổi đã cao nhưng vị mục tử vẫn làm việc miệt mài, bởi trong tâm trí luôn thao thức “Chúa cho mình còn sức thì còn phục vụ”. Tại giáo xứ Phanxicô Đakao, từ năm 1986, cha đã tổ chức các khóa nhạc quanh năm với các học viên gồm linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Năm 2008, bên cạnh các khóa dài hạn, còn có các khóa cấp tốc vào mùa hè, được rất nhiều học viên ở xa hưởng ứng. Tài liệu học tập rất phong phú, do chính cha và Nhóm Quê Hương biên soạn.

Để người học có một lộ trình phấn đấu, lớp nhạc ở đây còn có sư phối hợp về chuyên môn với Khoa khảo thí LCM - một phân khoa chuyên ngành âm nhạc thuộc đại học West London (Anh). Số học viên ngày càng đông, trong đó có nhiều người đến từ Hà Nội, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm,Vinh, Quảng Ngãi, Nha Trang, Gia Lai Kôntum, Buôn Ma Thuột, Long Khánh, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang… Cũng nhờ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn mà học viên chỉ phải đóng một khoản học phí tượng trưng.

Không chỉ ở giáo xứ Phanxicô Đakao, nhiều xứ đạo, dòng tu ở các tỉnh thành cũng mời cha về hướng dẫn những khóa học lưu động. “Cha giáo Xuân Thảo và các giảng viên đã hy sinh tận tụy vì Giáo hội, đã tạo điều kiện cho các học viên vùng xa có cơ hội học hỏi để phục vụ cho giáo xứ mình”, cha Giuse Phạm Tấn Hùng, quản xứ Xã Đoài (GP Ban Mê Thuột) nhận xét.

Trong các lớp học, dễ bắt gặp hình ảnh các học viên quây quần bên cha, không chỉ để hỏi bài vở mà còn là những chia sẻ, đỡ nâng trong cuộc sống. Anh Trần Quang Lập, học viên lớp ca trưởng tâm tình: “Đối với tôi, cha Xuân Thảo không chỉ là người thầy mà còn là người luôn tạo được cảm giác an bình cho các học viên. Với sự ân cần tận tụy chỉ bảo của cha, nay tôi đã có thể tự tin hướng dẫn cho ca đoàn của mình”.

Cả cuộc đời đi theo Chúa trong ơn gọi, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo đã vun đắp, góp phần làm phong phú thêm kho tàng thánh nhạc Việt Nam.

- Đàm Lực
Nguồn tin: baoconggiao.net

Hình 1: Linh mục Nguyễn Xuân Thảo, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh và là giáo sư âm nhạc tại Học viện Thánh Phanxicô và tại Đại Chủng viện Vinh Thanh. Nhạc sĩ Xuân Thảo đã sáng tác thánh ca, nghĩa ca và các ca khúc về tình người và tình yêu quê hương.
Hình 2: Nhạc sĩ Xuân Thảo đang hướng dẫn một lớp Ca trưởng tại Giáo phận Ban Mê Thuột.
Hình 3: Linh mục Xuân Thảo đang điều khiển ban hợp xướng Ca đoàn Quê Hương.

 

 

 

 

Đàm Lực
(19/04/2017 - 925 lượt xem)