Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hạt nhân ‘sẽ có hiệu lực’ - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, ca ngợi đây là “đỉnh cao của phong trào toàn thế giới”

Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hạt nhân ‘sẽ có hiệu lực’ - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, ca ngợi đây là “đỉnh cao của phong trào toàn thế giới”

Liên Hợp Quốc cho biết Hiệp ước Quốc tế Cấm Vũ khí Hạt nhân đã được quốc gia thứ 50 phê chuẩn, cho phép thỏa thuận lịch sử này mặc dù về cơ bản còn mang tính biểu tượng, có hiệu lực sau 90 ngày.

Trong khi các cường quốc hạt nhân chưa ký hiệp ước, các nhà hoạt động thúc đẩy việc ban hành hiệp ước vẫn hy vọng rằng đây là bước sẽ dần dần có tác dụng răn đe thay vì chỉ mang tính tượng trưng.

Vào ngày 24/10/2020, Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn hiệp ước này và Liên Hợp Quốc cho biết hiệp ước sẽ có hiệu lực vào 22/01/2021.

Hiệp ước đã được 122 quốc gia thông qua tại Đại hội đồng LHQ vào năm 2017 nhưng cần phải được ít nhất 50 quốc gia phê chuẩn trước khi được ban hành.

Hiệp ước cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và cấm các bên ký kết cho phép "bất kỳ việc đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai bất kỳ vũ khí hạt nhân nào hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác" trên lãnh thổ của họ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, gọi đây là "đỉnh cao của phong trào toàn thế giới nhằm thu hút sự chú ý đến những hậu quả nhân đạo thảm khốc của bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào", theo một tuyên bố từ người phát ngôn của ông.

"Hiệp ước này thể hiện một cam kết có ý nghĩa đối với việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vốn vẫn là ưu tiên cao nhất của Liên Hợp Quốc về giải trừ vũ khí."

Các tổ chức phi chính phủ bao gồm Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (Ican), một liên minh đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2017 vì vai trò quan trọng trong việc đưa hiệp ước thành hiện thực, cũng hoan nghênh tin này.

Trong khi đó Peter Maurer, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố rằng "Hôm nay là một chiến thắng của nhân loại, và là lời hứa về một tương lai an toàn hơn".

Nhật Bản, quốc gia duy nhất phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử, đã không ký hiệp ước do mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.

Các tổ chức kể trên hy vọng hiệp ước này sẽ có tác động tương tự như các hiệp ước quốc tế trước đây về bom mìn và từ đó thay đổi hành vi ngay cả ở những quốc gia không tham gia.

Hoạt động kỷ niệm 75 năm vụ tấn công hạt nhân ở Nagasaki và Hiroshima, diễn ra vào tháng 8, đã chứng kiến một làn sóng các nước phê chuẩn hiệp ước này.

Các quốc gia tuyên bố có vũ khí hạt nhân bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đã không ký hiệp ước.

Hoa Kỳ đã viết thư gửi các bên ký kết hiệp ước nói rằng chính quyền Tổng thống Trump tin rằng họ đã phạm phải "một sai lầm chiến lược" và thúc giục họ hủy bỏ việc phê chuẩn.

Bức thư mà hãng thông tấn AP đọc được cho biết 5 cường quốc hạt nhân hàng đầu - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp - và các đồng minh NATO của Mỹ "thống nhất trong việc phản đối những tác động tiềm tàng" của hiệp ước này.

Các quốc gia khác có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Israel, Pakistan và Bắc Hàn cũng không tham gia hiệp ước.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử, đã quyết định không ký hiệp ước do mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.

Việt Nam ký kết vào tháng 9/2017 và chuẩn thuận hiệp ước vào tháng 5/2018.

- Thông Tín Viên
Nguồn: BBC (25/10/2020)

 

 

Thông Tín Viên
(25/10/2020 - 1428 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Thông Tín Viên
3 - Diện mạo: di truyền hay tự tạo? (31/07/2016 - 881 lượt xem)
6 - Bí quyết chấp nhận chỉ trích (18/08/2015 - 891 lượt xem)
11 - Vì sao học sinh Á Châu học giỏi ? (10/10/2014 - 1121 lượt xem)
16 - Khoảng 2% ấu dâm trong hàng ngũ tu sĩ (13/07/2014 - 1003 lượt xem)
22 - Hỏa tiễn Tomahawk (05/10/2013 - 1434 lượt xem)
38 - Google mở rộng tầm nhìn đại dương (28/09/2012 - 1452 lượt xem)
44 - Thịt giả hay thật ? (24/04/2012 - 1482 lượt xem)
54 - Dân Trung Quốc: Không còn trái tim ? (18/10/2011 - 1556 lượt xem)