Có mấy loại bất ngờ ? Làm sao loại Bất ngờ ?

Có mấy loại bất ngờ ? Làm sao loại Bất ngờ ?

CN 19C : Có mấy loại bất ngờ? Và làm sao loại bất ngờ ?

Tuần báo Khoa Học Phổ Thông số ngày 3/8/2001 có đăng mẩu tin ngắn này: Cô Army Dolby 26 tuổi, sống ở Yorshire nước Anh, có người yêu là anh Johnstone sống ở Sydney nước Úc. Vì nhớ nhung và vì muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nên nàng đã lằng lặng đáp máy bay vượt 20.000 km để đến thăm chàng. Nhưng khi đến Sydney, thì nàng mới hay, chàng người yêu của nàng cũng muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nàng, nên đã không báo trước gì cả, lấy máy bay bay qua Anh, tới Yorshire để gặp nàng. Hai bất ngờ gặp nhau trong một ngày, cho nên chẳng ai gặp được ai. Còn bài Tin Mừng hôm nay vang lên bên tai ta như thể đang Mùa Vọng: chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến. Bất ngờ là đề tài suy niệm Lời Chúa hôm nay, với 2 điểm: (1) Có những loại bất ngờ nào ? và (2) Làm sao để loại bất ngờ ?

1. Có những loại bất ngờ nào ?

Chắc các vị càng lớn tuổi càng trải qua nhiều bất ngờ không ngờ. Trong bài Tình Nhớ, Trịnh Công Sơn đã viết, “Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây… Tình ngỡ chết trong nhau nhưng tình vẫn rộn ràng. Người ngỡ đã quên lâu nhưng người vẫn bâng khuâng… Người ngỡ đã xa xưa nhưng người bỗng lại về …” Đó có thể là loại bất ngờ về thời gian và không gian. Tưởng xa (xưa) mà bất ngờ lại thật gần (kề).

Đang đi đường, bất ngờ con chó chạy qua, cán phải, phải vào nhà thương. Không phải chó vào, mà người vào. Tưởng không thể thương nhau được, mà bất ngờ có biến cố nào đó xảy đến, hai người gắn bó với nhau. Ngược lại cũng không thiếu. Tưởng gắn bó được với nhau suốt đời, mà bất ngờ phải xa nhau mãi mãi. Những bất ngờ trong tình yêu này, tiểu thuyết, phim ảnh khai thác hoài mà không phai. Có rất nhiều loại bất ngờ, nhưng dựa vào Lời Chúa hôm nay, xin nói đến 2 loại bất ngờ: bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách.

a) Thời gian

Không ai chối cãi được rằng Lời Chúa trong bài Tin Mừng nhấn mạnh rất nhiều đến sự bất ngờ và là sự bất ngờ về thời gian:
"Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến".
"Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến"
“Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.
Rõ ràng những chi tiết trong lời Đức Giêsu đều nhấn mạnh đến sự bất ngờ về thời gian. Vào ngày không ngờ, giờ không biết chính là lúc Chúa đến.

Trong cuộc sống thường ngày, ta rất thường gặp những bất ngờ về thời gian. Bất ngờ nhưng lại rất thường gặp. Đúng là mâu thuẫn ngay trong ngôn từ. Giống như thành ngữ Tây: Hãy vội vã một cách thong thả. Hâtez-vous lentement. Bất ngờ về thời gian, nhưng thường xảy ra trong dòng đời. Đang tán gẫu, bất ngờ ông chủ tới. Vài lần bất ngờ như thế, là bất ngờ mình bị thôi việc. (Thực ra thì chẳng bất ngờ gì cả việc mình bị thôi việc này). Trong giờ học, đang đọc tiểu thuyết, bất ngờ giám thị tới. Tiểu thuyết bị thu, hạnh kiểm điểm trừ. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, biết bố mẹ đi vắng lâu, ở nhà dẫn lâu la về phá phách, bất ngờ ông bà quay trở lại, bắt gặp. Bất ngờ về thời gian rất thường xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Chúng là những bài học tốt cho ta chuẩn bị cái bất ngờ về ngày giờ Chúa đến. Ngày không ngờ, giờ không biết, Chúa đến… Ngài còn sẵn sàng hạ xuống để ví mình như kẻ trộm rình đến, trong thời gian đêm tối nữa kìa. Và như thế từ bất ngờ về thời gian ta chuyển qua bất ngờ về tính cách. Chúa mà lại có tính cách như kẻ trộm, kẻ trộm đêm hôm.

b) Tính cách

Bất ngờ này có lẽ ta ít quan tâm hơn nhưng lại rất cần chú ý.

Hãy thử nhìn lại biến cố Lụt Hồng Thủy mà có lần Đức Giêsu đã trưng dẫn làm hình ảnh gợi ý suy tư: "Trong những ngày trước nạn Hồng Thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noê vào tàu. Họ không hay không biết gì". Họ không hay biết gì vì xem ra mọi sự đều thuận buồm xuôi gió: làm ăn phát đạt, kinh tế phát triển, dựng vợ gả chồng, vui chơi thỏa thích. Cứ theo lôgích tự nhiên mà nói, chỉ có dấu hiệu của hạnh phúc chứ không có dấu hiệu gì loan báo tai họa cả. Ai ngờ! Tai họa đã ập đến ngoài cái lôgích bình thường của cuộc sống và của suy nghĩ nhân loại.

Khi Đức Giêsu đến cũng vậy. Chúa đã đến viếng thăm dân của Ngài, nhưng dân Ngài lại không nhận biết. Vì Ngài đã đến trong một tính cách hoàn toàn khác với ước mong và dự định của con người. Người ta đã nuôi sẵn trong đầu óc và tâm tưởng hình ảnh về Đấng Sẽ Đến phải là: giàu sang, quyền quý, uy nghi, hùng mạnh. Đang khi đó, Ngài lại đến trong cảnh khó nghèo, cơ cực, yếu đuối... từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Làm sao có thể nhận ra Ngài cho dẫu Ngài đang ở giữa họ và chung sống với họ.

Bất ngờ về tính cách ta vẫn thường gặp trong đời thường. Ai cũng tưởng ông ấy nghèo, ăn xin, nhưng khi nằm xuống, mới biết ông ta có bạc triệu cất giấu. Ai cũng nghĩ Trần văn Giao, giám đốc công ty xây dựng và kinh doanh nhà Đông Phương là giám đốc giỏi, trẻ tuổi mà tài cao. Bất ngờ, bị bắt, mới vỡ lẽ mình giao tiền cho Trần văn Giao là tên lừa đảo. Danh sách bị bất ngờ, lên tới cả ngàn, trong đó có cả những công ti lớn, quốc doanh, như nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Mới đây Võ Kim Cự nói rất bất ngờ khi Formasa gây ô nhiễm. Tưởng Formosa (tiếng Latinh nghĩa là đẹp) giàu đẹp như thế, ai ngờ gây ô nhơ như vậy. Còn nói bằng ngôn ngữ hình ảnh của Tin Mừng hôm nay, có sự bất ngờ của tên kẻ trộm đến giữa đêm khuya, nhưng cũng có cả sự bất ngờ của tên ăn cướp đến giữa ban ngày, đi xe con, mặc áo veste... vì thế ai cũng tin tưởng quý mến, nhưng thực chất của hắn vẫn chỉ là tên ăn cướp! Cướp đêm là trộm, cướp ngày là… vẫn luôn có (*). Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những thứ bất ngờ như thế

2. Làm sao để loại bỏ bất ngờ ?

Bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách là hai loại bất ngờ thường gặp. Làm sao để loại hai loại bất ngờ này. Câu chữ nghiêng đặt đầu bài Tin Mừng hôm nay cho ta lời đáp: Hãy tỉnh thức để được sẵn sàng. Nói cách khác, để không bị bất ngờ thì hãy tỉnh thức.

Người thức thì thường khó mà tỉnh. Người thức đêm, thì phải ngủ ngày bù lại. Còn người đã làm việc ban ngày, cộng thêm thức đêm canh chừng, thì không thể tỉnh được quá ba đêm, cho dù cà-phê Trung Nguyên, Mê Trang đậm đặc được cung cấp. Cho nên tỉnh thức Chúa nói đây, cái chính không phải là thức, mà là tỉnh.

Ta hay nói: Sự việc bất ngờ xảy ra mà ông ta tỉnh bơ như không có gì. Tỉnh bơ có thể là xấu, vì đó là thái độ dửng dưng: tỉnh bơ không ngó tới. Nhưng tỉnh bơ cũng mang nghĩa tốt, lúc đó, tỉnh bơ có nghĩa là quen thuộc lắm rồi, chẳng có gì là bất ngờ cả.

Làm quen với sự bất ngờ về thời giờ Chúa đến bằng cách gặp Chúa hoài, thì có gì là bất ngờ nữa. Gặp Chúa trong giờ kinh, gặp Chúa trong giờ lễ, gặp Chúa trong nhà thờ, gặp Chúa trong giờ thờ phượng, thì ta cứ đi ngủ thẳng chân, mà chẳng lo bất ngờ giờ Chúa đến, vì cả lúc ngủ mà ta vẫn tỉnh, tỉnh nghĩa là quen.

Làm quen với sự bất ngờ về tính cáchtrong cách Chúa đến, bằng cách gặp Chúa trong hình bánh, gặp Chúa trong công việc, và nhất là gặp Chúa trong người nghèo, thì có gì là bất ngờ nữa khi Chúa đến với bất cứ tư cách nào.

Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết giữa ban ngày, mà người nói: Đã đến lúc anh em phải thức dậy. Không thức làm sao đọc được lá thư đó. Thức dậy lâu rồi, Phaolô ơi ! Phaolô còn nói thêm: Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chắc tín hữu Roma cũng phải buồn cười khi giữa thanh thiên bạch nhật, mà Phaolô lại nói: đêm sắp tàn, ngày gần đến, nếu như không có câu đi theo: anh em hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy khí giới sự sáng.

Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm? Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi trên với các đệ tử của mình: “Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?” Một anh nhanh nhảu: “Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa.” Một anh khác: “Thưa thầy, ấy là lúc ta phân biệt được đâu là cô gà mái đâu là cậu gà trống.” Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: “Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.” Nhiều câu trả lời nữa cũng được đưa ra nhưng dường như vị sư phụ không thoáng chút hài lòng nào. Cuối cùng cả đám xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: “Khi nào các con nhìn vào người khác và nhận ra đó chính là anh chị em ruột của mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.”

Thế ra không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng.

Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối đưa đường, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ khí giới sự sáng soi tỏ mọi lối đường.

Nhưng vượt cao hơn lời giải thích của sư phụ, ta còn có thể mạnh dạn nói : đêm sẽ tàn, ngày sẽ tới khi ta nhìn người khác, nhất là người khác đây là người cùng khổ, người bị bỏ rơi… như là chính khuôn mặt của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Không phải chỉ nhìn họ như anh chị em mình, mà nhìn họ như chính hiện thân của Chúa. Nếu vậy, ta chẳng còn gì là bất ngờ cả, hay nói đổi lời, ta loại được bất ngờ khi Chúa đến với ta dưới bất cứ tư cách nào: bởi vì ta đang tỉnh –tỉnh nghĩa là quen—quen nhận biết khuôn mặt của Ngài.

Bất ngờ về thời giờ Chúa đến và bất ngờ về tư cách Chúa trở lại đã được ta phân tích để loại bỏ bất ngờ bằng cách năng gặp Chúa và biết nhận ra Người nơi người anh em, nhất là anh em cùng khổ. Đó là ta loại bỏ được tính bất ngờ đáng sợ, nhưng đồng thời lại đón nhận được cái bất ngờ đáng yêu—ở đời cũng thường có những bất ngờ thích thú đáng yêu, như nàng Dolby kia từ Anh bay qua Úc để gặp người yêu, tạo ngạc nhiên thích thú cho chàng Johnstone; như em nhắm lại, anh cho em xem cái này… chắc chắn khi mở mắt ra, trước mặt em không phải là ổ bánh mì thịt nguội, hay cái bánh ú nóng, mà là phải ngạc nhiên bất ngờ hơn nhiều—thì thánh Phaolo nói trong 2Cr “điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề tưởng nghĩ,” tức là những cái thật bất ngờ ngạc nhiên, Thiên Chúa đã dành sẵn cho kẻ có lòng yêu mến Người. Chớ gì chúng ta cũng được những bất ngờ đáng yêu đó. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, OFM

----------------------------
(*) bài thơ lục bát về "Cướp" của nhà thơ Nguyễn Duy rất là hay, đỉnh hay!

 

 

Nguyễn Công Minh
(03/09/2019 - 1189 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Công Minh
1 - Yêu mến và giữ luật chỉ là một (22/05/2020 - 1050 lượt xem)
2 - Sân ga chỉ còn hai người (06/04/2019 - 1379 lượt xem)