Bí quyết chấp nhận chỉ trích

Bí quyết chấp nhận chỉ trích

Việc đánh giá chất lượng công việc đã trở thành chuẩn mực trong các công ty từ lớn đến nhỏ.

Gần 90% các công ty ở Hoa Kỳ thực hiện quy trình này ít nhất một năm, theo một kết quả nghiên cứu hồi năm 2014 của Hiệp hội Quản lý Nhân sự đóng tại Virginia.

78% các công ty trên thế giới có các cuộc thảo luận trực tiếp tay đôi về hiệu suất làm việc giữa sếp và nhân viên, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Mercer.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi đánh giá về hiệu suất làm việc của bạn không được tốt như bạn hy vọng?

Thường thì con người ta rất dễ để lộ cảm giác khó chịu khi người lãnh đạo trực tiếp nói họ muốn bạn thay đổi cách làm việc so với những gì bạn đã làm trong sáu tháng hoặc một năm qua.

Hãy cố gắng đừng thủ thế, Ruth Ross, một nhà tư vấn, đồng thời là một diễn giả chuyên về tuyển dụng đóng ở phía bắc California nói.

"Thay vào đó, hãy hít một hơi thật sâu và yêu cầu thêm thông tin giúp làm rõ những đánh giá, nhận xét về mình, ví dụ như những dẫn chứng cụ thể để giúp bạn xác định những vấn đề và hành động cần chỉnh sửa," bà nói trong một email.

Thay vì nói "tôi không biết quý vị muốn gì từ tôi nữa," thì hãy nói rằng "tôi muốn chắc chắn rằng quý vị trông đợi gì từ tôi," bà Ross nói.

“Hãy đề nghị được cho thêm thông tin và thời gian để nghiền ngẫm những thông tin đó".

Một trong những cách làm điều này là nói với sếp rằng bạn cần thời gian để suy nghĩ về nhận xét của họ và muốn có một cuộc họp thứ hai để thảo luận tiếp về việc này.

Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương và muốn làm mình làm mẩy một chút thì cũng được, Tiến sỹ Uta Bindl từ Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE) nói.

“Nếu bạn cảm thấy yêu và tự hào về công việc của mình, thì việc bị đánh giá thấp thành quả công việc có thể là một đòn giáng mạnh vào sự kiêu hãnh của bạn.”

Tuy nhiên nên cẩn thận không thể hiện quá nhiều cảm xúc tại công sở.

"Điều mà bạn tuyệt đối không nên làm là thể hiện những cảm xúc tiêu cực trước mặt các đồng nghiệp hoặc sếp," Bindl nói.

"Việc thể hiện những cảm xúc tiêu cực ở công sở tuy có thể sẽ khiến bạn ngay lập tức cảm thấy đỡ bức bối hơn, nhưng nó sẽ tạo ảnh hưởng xấu về."

Thay vào đó, hãy tỏ ra lịch sự và chuyện nghiệp.

"Hãy cố gắng coi những nhận xét tiêu cực về kết quả làm việc như điều giúp bạn cải thiện chất lượng công việc, thay vì xem đó là đánh giá về chính bản thân bạn," theo tiến sỹ Bindl.

"Hãy cố gắng đừng đặt mình vào vị trí như một nạn nhân mà hãy coi mình là một người tham gia một tình huống mà mình có thể giúp cải thiện trong tương lai."

Nếu như việc nhận xét đánh giá của sếp khiến bạn bị ảnh hưởng tâm lý nhưng bạn vẫn cần phải ở lại công ty trong suốt thời gian còn lại trong ngày, hãy nghỉ giải lao một chút, ra ngoài đi bộ hoặc làm một tách cà phê, bà Bindl gợi ý.

“Hãy làm điều gì đó để làm cho bản thân phấn chấn lên và quay trở lại làm việc khi bạn đã cảm thấy bình tĩnh hơn."

Khi về nhà, bạn có thể vẫn cảm thấy tiếp tục buồn phiền. Tuy nhiên hãy tìm cách khuây khỏa như đi uống cà phê với bạn bè, hoặc ra ngoài ăn một bữa ngon với người bạn đời.

"Hãy tham gia vào những hoạt động mà bạn thích để cảm thấy phấn chấn hơn."

Sau khi bạn thấy ổn hơn, hãy đọc các đánh giá về mình một lần nữa một cách chậm rãi.

"Hãy đặt ra những câu hỏi trọng tâm trước những ví dụ hoặc đánh giá cụ thể, từ đó đề ra kế hoạch để cải thiện," bà Ross nói.

Nếu bạn có thể hẹn một cuộc họp tiếp theo, hãy bắt đầu điều đó bằng việc thừa nhận những đánh giá về mình và đề xuất cùng nhau đưa ra một kế hoạch để tiến tới.

"Hãy tỏ thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận và sẵn sàng thay đổi," bà Ross nói.

Nếu bạn không đồng ý với tất cả mọi thứ trong phần đánh giá?

“Đối với những điều bạn đồng ý là chính xác, hãy thừa nhận và chia sẻ cách cải thiện để chúng không còn lặp lại,” Mike Stallard, nhà sáng lập hãng tư vấn quản trị kinh doanh E Pluribus Partners nói.

“Đối với những điểm bạn không đồng ý, hãy giải thích vì sao.”

Tuy nhiên đừng làm điều này một mình. Trước cuộc gặp tiếp theo đó, hãy nhờ một số người bạn thân thử nghe cách bạn trình bày và đề nghị họ nhận xét về cách phản ứng của bạn.

Hãy dành thời gian để “tự nói với mình rằng việc bị đánh giá hiệu quả thấp không có nghĩa là trời sập mà đây sẽ là chất xúc tác giúp bạn phát triển bản thân cũng như sự nghiệp", ông Stallard nói.

"Một nhà quản lý từng nói với tôi rằng tôi cứ thích làm hài lòng mọi người. Ông ấy nói đúng. Tôi đã rút kinh nghiệm và trở thành một lãnh đạo hiệu quả hơn."

- Thông Tín Viên
Nguồn: BBC

Thông Tín Viên
(18/08/2015 - 866 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Thông Tín Viên
4 - Diện mạo: di truyền hay tự tạo? (31/07/2016 - 861 lượt xem)
11 - Vì sao học sinh Á Châu học giỏi ? (10/10/2014 - 1096 lượt xem)
22 - Hỏa tiễn Tomahawk (05/10/2013 - 1403 lượt xem)
38 - Google mở rộng tầm nhìn đại dương (28/09/2012 - 1430 lượt xem)
44 - Thịt giả hay thật ? (24/04/2012 - 1458 lượt xem)
54 - Dân Trung Quốc: Không còn trái tim ? (18/10/2011 - 1522 lượt xem)