Nguồn gốc & ý nghĩa Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ

Nguồn gốc & ý nghĩa Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ

 

Lễ Tạ Ơn và Lễ Hội Ngày Mùa

Lễ Tạ Ơn tại HK được tổ chức vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 mỗi năm. Lễ Tạ Ơn liên quan mật thiết với những Lễ Hội Ngày Mùa đã có lâu đời tại các quốc gia Âu Châu. Có nhiều người cho rằng Lễ Tạ Ơn đầu tiên do Francisco Vasquez và thổ dân da đỏ Teya tổ chức năm 1541 tại Texas để tạ ơn Trời, cám ơn người da đỏ, và mừng việc họ tìm ra lương thực. Một sự kiện tương tự xảy ra một phần tư thế kỷ sau vào năm 1565 tại Augustine, Florida khi thuyền của nhà thám hiểm Petro Menendez gặp đất liền; ông và những người trên thuyền đã tổ chức Lễ Tạ Ơn và một buổi tiệc mừng với người bản xứ.

Một nguồn tài liệu khác lại cho rằng Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở Bắc Mỹ do đoàn thám hiểm Martin Frobisher đến từ Âu Châu tổ chức tại Newfoundland năm 1578. Song một sự kiện khác cũng được nhiều người coi là nguồn gốc của lễ Tạ Ơn xảy ra năm 1619 khi 38 người khai hoang từ Berkeley Parish, Anh Quốc tới Virginia, Bắc Mỹ và tạ ơn Thượng Đế đã cho họ sự an toàn và no ấm. Tuy nhiên đa số đều cho rằng Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào một ngày không xác định trong mùa thu năm 1621 khi một đoàn di dân theo Thanh Giáo từ Anh Quốc đến Masachusetts, Bắc Mỹ tổ chức. Lễ Tạ Ơn là một hội tiệc liên hoan kéo dài 3 ngày để tạ ơn Trời, cám ơn thổ dân da đỏ Wampanoag đã giúp những người di dân sơ khai vượt qua một mùa đông kinh hoàng và ăn mừng một mùa gặt tốt tươi đầu tiên của họ tại Bắc Mỹ.

Ý Nghĩa Lễ Tạ Ơn

Dựa vào sử liệu hiện hành tại HK thì những người hành hương Pilgrims theo Thanh Giáo rời Anh trên chuyến tàu Mayflower. Trước tiên họ rời Anh sang Hà Lan để tránh bị đàn áp tôn giáo. Ở đây họ được thoải mái với tín ngưỡng của họ, nhưng dần dần không hòa hợp với cách sống của người Hà Lan vì họ có khuynh hướng không tin vào thượng đế. Để tìm một đời sống khá hơn, những giáo dân này thương lượng với một công ty chứng khoán Anh tài trợ cho họ di cư sang Mỹ. Ngày 11/12/1620, đoàn người hành hương tới Plymouth Rock, Massachusetts. Mùa đông đầu tiên vô cùng khắc nghiệt. Ngay từ cuối thu họ đã mất đi 46 người chết trong số 102 người khởi hành trên tầu Mayflower. Nhưng mùa gặt của năm 1621 lại là một mùa tốt đẹp. Những người còn sống sót quyết định làm tiệc ăn mừng có sự tham gia của 91 thổ dân da đỏ - những người đã giúp họ sống sót trong năm đầu. Đoàn di dân tin rằng họ không thể tồn tại được nếu không có người da đỏ giúp đỡ. Tóm lại, Lễ Tạ Ơn được tổ chức để:

1)      Tạ ơn Trời

2)      Cám ơn nhau

3)      Liên hoan mừng mùa gặt tốt tươi

Tiệc Liên Hoan Mừng Lễ Tạ Ơn

Lúc đó, người đứng đầu cai quản vùng đất này là Thống đốc William Bradford. Ông đã cử 4 người vào rừng để săn chim, gà và ngỗng cho buổi tiệc. Không biết rõ gà rừng có phải là một phần chính cho bữa tiệc hay không nhưng chắc chắn là họ dùng thịt của một loài lông vũ. Danh từ “turkey” từ đó được những người di dân dùng cho những giống chim rừng. Thêm một món mới mẻ sau này là bánh bí đỏ (pumpkin) được bầy trên những bàn ăn của ngày Lễ Tạ Ơn. Nhưng ở bữa tiệc đầu tiên, do không có bột mì cho nên bánh mì và các thứ bánh ngọt khác làm từ bột không được bày biện trên bàn. Thay vì vậy, họ ăn bí đỏ luộc, và làm bánh chiên bằng bột ngô. Lúc đó trên bàn cũng không có sữa, nước táo, khoai tây hay bơ như sau này, vì họ chưa nuôi được bò để có sữa. Nhưng bữa tiệc cũng thêm phần thịnh soạn vì có thêm cá, trái dâu, rau cải soong, tôm hùm, thịt chim rừng, trái cây khô và trái mận tươi.

Sang năm tiếp theo, 1662, Lễ Tạ ơn không được tổ chức. Nhưng vào năm 1623 sau nhiều lần hạn hán những người di dân của các thuộc địa cùng nhau tụ tập lại cầu nguyện cho mưa xuống. Sau khi mưa liên tiếp trút xuống mấy ngày, Thống Đốc Bradford tuyên bố một ngày Lễ Tạ Ơn nữa, và họ lại mời những người bạn da đỏ của họ cùng đến tham dự.

Lễ Tạ Ơn Quốc Gia

Tổng Thống, George Washington đã tuyên bố ngày Lễ Tạ Ơn quốc gia năm 1789 và 1795 dù gặp phải vài sự phản đối. Tổng thống John Adams tuyên bố ngày Lễ Tạ Ơn vào năm 1798 và 1799. Tổng thống Madison cũng dành ra một ngày gọi là Lễ Tạ Ơn vào cuối cuộc chiến năm 1812. Sau đó, nhờ Sarah Josepha Hale, chủ bút của một tờ báo cố gắng thuyết phục mọi người công nhận Lễ Tạ Ơn bằng những bài báo của bà. Cuối cùng vào năm 1863, Tổng thống Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 là ngày Lễ Tạ Ơn và là ngày nghỉ hàng năm. Các đời Tổng thống kế tiếp cũng làm theo tiền lệ này. Năm 1939, Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố Lễ Tạ Ơn sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 3 trong tháng 11, tạo điều kiện giúp giới kinh doanh thuận lợi trong việc bán hàng trước Lễ Giáng Sinh. Song tuyên bố của ông Roosevelt không có hiệu lực vì bị nhiều bang phản đối. Đến năm 1941, Quốc Hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận và định ra ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 sẽ là ngày Lễ Tạ Ơn trên toàn quốc. Ngày 26-11-1941, Tổng Thống Roosevelt chính thức ký thông qua đạo luật này. Vì vậy Lễ Tạ Ơn tại HK được tiếp tục cho đến ngày nay. Đây là dịp để mọi người tạ ơn Trời, cám ơn nhau, và liên hoan mừng ngày đoàn tụ sau mùa gặt hái tốt tươi.

Lễ Tạ Ơn Nghĩa Sinh

Trong suốt 25 năm qua, Nghia Sinh Chicago đã liên tục tổ chức Lễ Tạ Ơn cho đồng hương với cùng chung một mục đích và ý nghĩa mà Lễ Tạ Ơn 1541 (Texas), 1564 (Florida), 1578 (Newfoundland), 1619 (Virginia), 1621 (Massachusetts). Đó là chúng ta gặp gỡ nhau trong ngày Lễ Tạ Ơn để:

1)      Tạ ơn Trời

2)      Cám ơn nhau

3)      Liên hoan mừng mùa gặt tốt tươi.

Tuy “Mùa gặt tốt tươi” nầy đến với mỗi người một vẻ, mỗi gia đình một cách, nhưng chung quy vẫn là sự sống, niềm vui và phúc lợi mà Trời ban cho tất cả chúng ta: Nghĩa Sinh cũng như đồng bào do Nghĩa Sinh bảo trợ, giúp đỡ, đồng hành.

 

- Đa Nguyên và Trân Huyền tổng hợp

 

 

Huyền Trân
(09/11/2008 - 656 lượt xem)