Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Hãy chích ngừa cúm !

Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Hãy chích ngừa cúm !

 

Tại Mỹ, cúm được xem như chuyện thời sự lớn trong hai mùa thu và đông. Bị cúm cực lắm, có khi còn nguy cả tính mạng!

 

Lời khuyên của CDC (www.cdc.gov, Cơ Quan Kiểm Soát và Ngừa Bệnh) về việc ngừa cúm mỗi năm mỗi khác, dựa vào những gì y học mới khám phá thêm, hoặc những diễn biến của dịch cúm.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization), mùa Đông hàng năm, bệnh cúm đến thăm 20% dân số địa cầu, gây ra 5 triệu trường hợp bệnh nặng, và ít nhất 250.000 - 500.000 cái chết trên khắp thế giới.

 

Ngừa cúm

 

Phương pháp trị cúm hữu hiệu nhất vẫn là dùng thuốc ngừa cúm. Với bệnh cúm, quả “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. 

 

Vài năm nay, ngoài thuốc chích để ngừa như hàng năm, còn có thêm thuốc ngừa Flumist, xịt vào mũi, hữu hiệu ngang ngửa với thuốc chích. Tiếc thay, Flumist hiện chỉ xài được cho người khỏe trong khoảng 2 đến 49 tuổi, vì siêu vi được dùng để chế thuốc xịt còn sống, chỉ bị làm yếu đi, vẫn có khả năng gây bệnh cho người lớn tuổi. 

 

Thuốc chích ngừa cúm làm khoảng 9 tháng, chế từ các siêu vi cúm A và B đã gây bệnh trong mùa cúm năm trước và được tiên liệu có thể sẽ tấn công chúng ta nữa vào mùa thu, đông sắp tới năm nay. Chúng được cấy vào trứng, cho sinh sôi nảy nở, sau đó bị giết đi để không thể gây bệnh, nhưng vẫn có khả năng tạo kháng thể (antibody) cho người được chích. Kháng thể sẽ chỉ tồn tại 4-6 tháng hay hơn; ở các vị cao niên kháng thể không tồn tại lâu bằng ở người trẻ. 

 

Nếu sự tiên liệu trong việc chế thuốc ngừa đúng (đoán đúng được các siêu vi sẽ gây bệnh trong mùa thu và đông sắp tới), sau khi chích ngừa, dù sự bảo vệ không 100%, ít ra cũng 50-80%. (Các siêu vi cúm chúng quỉ lắm, biết thay hình đổi dạng, nên cũng có năm người ta chế thuốc ngừa không đúng được với lũ siêu vi gây bệnh.) Người được chích ngừa rủi vẫn bị cúm, có triệu chứng thường nhẹ hơn, ít nóng sốt, ít sưng phổi, và dễ tránh được tử vong hơn người không chích ngừa. 

Thuốc chích và cả thuốc xịt Flumist đều dùng trứng làm chất đệm, nên những người ăn trứng có phản ứng (egg allergy: nổi mẩn đỏ, lên cơn suyễn, chóng mạt, xỉu, ...), không nên chích ngừa hoặc dùng Flumist. Gần đây đã có thuốc ngừa dùng siêu vi cấy trong các tế bào động vật, như vậy không phải phụ thuộc vào kỹ nghệ sản xuất trứng, và người phản ứng với trứng có thể chích ngừa, song hiện giờ loại thuốc này chưa phổ biến lắm.

 

Những ai cần chích ngừa cúm?

 

Kể từ năm 2010, CDC khuyên ngừa cúm cho tất cả các trẻ em từ 6 tháng trở lên và mọi người lớn chúng ta, nếu đủ thuốc.

 

Trường hợp không đủ thuốc, ưu tiên ngừa cúm dành cho các trẻ em từ 6 tháng trở lên và những người lớn bị nguy hiểm nếu nhiễm cúm, do cao tuổi hoặc vì đang mang bệnh làm cơ thể yếu sẵn: 

 

- Người lớn từ 50 tuổi trở lên.

 

- Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.

 

- Phụ nữ có thể sẽ mang bầu, hoặc đang mang bầu trong mùa cúm.

 

- Người lớn dưới 50, không mang thai, nhưng đang có các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi (kể cả suyễn), bệnh thận, bệnh tiểu đường, thiếu máu nặng, bệnh AIDS, v.v., hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm (như thuốc Prednisone), thuốc chống ung thư.

 

- Người đang ở trong các viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).

 

- Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, có nhiệm vụ trực tiếp săn sóc những người thuộc các thành phần kể trên, cả người nhà (household contacts) nữa, cũng nên chích ngừa để tránh nhiễm cúm rồi lây lại cho người thuộc các thành phần cần được chích ngừa cúm kể trên.

 

- Người mang bệnh tinh thần hoặc thể xác có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, hoặc không tự săn sóc mình được khi bị cúm (rối loạn nhận thức, chấn thương cột sống, bệnh kinh phong, bệnh thần kinh bắp thịt) cũng cần chích ngừa.

Năm nay, thuốc chích có vẻ đầy đủ, không thiếu đâu, mọi người lớn chúng ta, và các trẻ từ 6 tháng trở lên đều nên chích ngừa.

 

Chích ngừa cúm lúc nào tốt nhất?

 

Ở Mỹ, thường dịch cúm bắt đầu vào tháng 11, 12, có năm đến sớm tháng 10. Cúm hay tấn công mạnh nhất khoảng tháng Giêng (1) và tháng Hai (2), sau đó có thể vẫn còn hoành hành cho đến tháng 4 khi đã vào Xuân. 

 

Khoảng 2 tuần sau khi chích ngừa, cơ thể ta bắt đầu có kháng thể (antibody) chống cúm; kháng thể tồn tại 4-6 tháng hay hơn. Việc chích ngừa thường được thực hiện trong khoảng các tháng 9, 10, 11 và 12, năm nay tốt nhất trong tháng 10. (Sau đó, dù cúm đã đến, nếu may còn thuốc, vẫn nên tiếp tục cho đến hết mùa cúm.)

 

Thuốc ngừa cúm có gây phản ứng gì quan trọng?

 

Với người ăn trứng không bị phản ứng, chích ngừa cúm ít khi gây phản ứng quan trọng, trừ hơi đau một chút thôi ở chỗ chích độ 1-2 ngày. Nếu có nóng sốt, uể oải, đau nhức các bắp thịt sau khi chích ngừa, các triệu chứng này cũng chỉ kéo dài 1-2 ngày.

 

Cho những vị chưa kịp chích ngừa mà cúm đã đến, hoặc vì nhạy ứng với trứng nên không thể chích ngừa, có thể dùng thuốc uống Tamiflu hay thuốc xịt Relenza để ngừa. Song, hai thuốc này không nên được dùng để thay cho chích ngừa, trong những trường hợp cần và có thể chích ngừa.

 

Chích ngừa cúm có ngừa được cảm?

 

Cảm là cảm (cold), cúm là cúm (flu), chúng ta chưa có “thuốc chích ngừa cảm cúm”. Cảm xảy ra quanh năm, do những siêu vi trùng khác. Chích ngừa cúm không ngừa được cảm. Chích ngừa cúm người cũng không ngừa được cúm gà thỉnh thoảng còn xảy ra. Về chơi vùng Đông Nam Á, bạn vẫn cần cẩn thận, tránh tiếp xúc, ăn các gia cầm, kể cả món tiết canh vịt khoái khẩu.

 

Trụ sinh không trị được các bệnh siêu vi (virus), chỉ chữa bệnh vi trùng (bacteria). Cách trị các bệnh siêu vi tốt nhất là ngừa bằng thuốc, nếu đã có thuốc ngừa.

 

Bệnh cúm quan trọng, và có lẽ cuộc chiến chống cúm hàng năm sẽ không bao giờ chấm dứt. Kể từ năm 2010, có lời khuyên từ CDC, nếu đủ thuốc, tất cả các trẻ em từ 6 tháng trở lên và mọi người lớn chúng ta đều nên ngừa cúm.

 

Tháng này, chúng ta rủ nhau đến bác sĩ ngừa cúm, bảo vệ bản thân chúng ta, và nghĩ cả đến những người khác trong gia đình, ngoài cộng đồng, bảo vệ luôn họ; chúng ta nhiễm cúm có thể không chết, song lây người khác, họ có thể hại đến sinh mạng của họ.

 

- Bs. Nguyễn Ý Đức

 

 

Nguyễn Ý Đức
(03/11/2013 - 913 lượt xem)