Tình Thân Hữu Trong Nghĩa Sinh

LỜI GIỚI THIỆU

Để tìm hiểu những phương thức tạo dựng tình thân, duy dưỡng tình bạn và phát triển tình người, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và lần lượt trả lời các câu hỏi sau:

- Những nguyên tắc căn bản để tạo dựng tình thân hữu là gì?

- Phương pháp truyền thông nào góp phần cải tiến tình bạn?

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ những câu tục ngữ Việt Nam như "Học thầy không tầy học bạn," "Bán anh em xa mua láng giềng gần," "Giầu vì bạn, sang vì vợ," cho thấy tầm mức quan trọng của tình bạn bè, đồng liêu, và láng giềng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào để càng ngày chúng ta càng có thêm bạn và bớt người đối nghịch với mình? Nói cách khác, con người thân thiện, yêu thích nhau là do những nguyên nhân ngoại lai và những động lực nội tại nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm giải đáp cho các vấn đề nạn nầy.

I. Những nguyên tắc căn bản để tạo dựng tình thân hữu là gì?

Hầu hết tất cả chúng ta có khuynh hướng thích một số người và không ưa thích một số người khác. Chúng ta đã gặp rất nhiều người trong cuộc đời, nhưng tại sao chỉ có một thiểu số ít ỏi trở thành bạn của chúng ta mà thôi? Tại sao người này dễ dàng làm bạn với tôi mà những người kia tôi không thấy có cảm tình gì với họ cả? Bạn cảm thấy như thế nào về sự việc nầy?

1) Nguyên tắc tương đồng (Principle of Similarity):

Những người có nhiều đặc điểm giống nhau dễ làm bạn với nhau. Hai người Việt Nam, cùng đều là cựu quân nhân, trong cùng một binh chủng, đóng quân ở cùng một địa phương và ở cùng một trạc tuổi như nhau chắc chắn sẽ dễ dàng làm bạn với nhau hơn là hai người Việt và Mỹ, một người là công chức, người kia là quân nhân, một người sống ở thành phố còn một người ở thôn quê, một người nhiều tuổi một người ít tuổi. Trên phương diện tình yêu hôn nhân, hai điểm tương đồng nổi bật nhất là người nam và người nữ có cùng một trình độ học vấn và trí thông minh như nhau. Trong những cặp vợ chồng sống với nhau lâu dài nhất, người ta đã tìm thấy những sự tương đồng về niềm tin và thái độ. Chúng ta thường có cảm tình với những người hợp ý với chúng ta hơn là những người có ý kiến khác biệt với những gì chúng ta phát biểu.

2) Nguyên tắc bổ sung (Principle of Complementary):

Con người có khuynh hướng làm bạn với người có nhiều điểm bổ khuyết cho những gì mình có nhu cầu hay thiếu sót. Một người yếu đuối thường thích làm bạn với một người khỏe mạnh như là nơi nương thân lúc gặp khó khăn. Một người khỏe mạnh thích làm bạn với nhiều người yếu kém hơn để thỏa mãn nhu cầu được làm đàn anh biết bảo vệ và che chở cho đàn em. Người nam dễ có cảm tình với người nữ và tương tự như vậy, người nữ cũng rất dễ có cảm tình với những người khác phái vì cả hai cần sự bổ sung cho nhau.

3) Nguyên tắc duy dưỡng (Principle of Reinforcemen):

Bất cứ một tương giao nhân loại nào cũng có lúc vui lúc buồn, khi thì may mắn khi gặp trở ngại, lúc thuận buồm xuôi gió, lúc trăm ngàn trắc trở, có lúc được đền đáp, có lúc bị thua thiệt và tai hại. Theo nguyên tắc duy dưỡng, con người có khuynh hướng thích những ai biết tưởng thưởng, tán dương, khích lệ, đáp ứng và lắng nghe mình hơn là những người hờ hững, phản ứng nghịch hay thích chê trách và trừng phạt mình. Con người mọi nơi đều thích những lời khen tặng, những sự chấp nhận, đồng ý, chiều lòng. Dale Carnegie trong tác phẩm của ông "How to win friends and influence people," nhận định rằng, con người có cảm tình với những ai có lòng biết ơn và biết diễn tả lòng biết hơn đó. Hầu hết các tâm lý gia đồng ý rằng người ta thích những ai khen thưởng và đóng góp ý kiến xây dựng cho họ. Tình bạn sẽ lâu bền hơn nếu những lời khen thưởng này phát xuất từ lòng chân thành và sự trung thực.

4) Nguyên tắc trao đổi (Principle of Exchange):

Mỗi chúng ta đều có những "giá trị" cá biệt như sự giầu sang phú quý, địa vị cao trong xã hội, dung nhan sắc diện của phái nữ v.v…Những giá trị nầy được dùng như là những đơn vị tiền tệ để trao đổi giữa người nầy với người khác. Sắc đẹp thể xác, địa vị cao trong xã hội, sự giàu có v.v… là những giá trị mà người ta thường dùng để trao đổi tình bạn. Những người có giá trị cao, thường có khuynh hướng trao đổi với những ai có cùng một giá trị hay có giá trị cao hơn. Thí dụ một cô con gái đẹp có khuynh hướng đi tìm những người bạn trai con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai. Một thí nghiệm về sự trao đổi đã được thực hiện: Một trăm sinh viên được mời dự một kỳ thi về trình độ thông minh của mình (IQ). Giám khảo cho biết những người được điểm cao nhất và những người được điểm ít nhất. Sau đó họ tìm dịp cho những người nầy tiếp xúc với hai loại phụ nữ: một loại trang điểm đẹp đẽ, một loại không trang điểm gì cả. Kết quả là những người được điểm cao nhất có khuynh hướng làm quen với các cô biết trang điểm và những người điểm thấp thường đến làm quen với các cô không trang điểm gì cả.

5) Nguyên tắc chân thành (Principle of Sincerity):

Không gì quý bằng sự chân thành. Tình thân hữu được duy dưỡng lâu dài hay không là tùy thuộc mức độ chân thành của tình thân hữu này. Người xử sự chân thành biết dùng lời khen phải đúng sự thực và phát xuất từ lòng chân thành của mình. Với ý muốn xây dựng và với lòng thương mến, tình bạn được thể hiện. Các tâm lý gia nhận thấy những đặc điểm sau đây trong những nhóm bạn thân thiết lâu bền nhất và trong những cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời:

> Sự kết hợp với nhau (commitment) đã được đồng lòng và hợp lực thực hiện nghiêm chỉnh.

> Sự trung thành với nhau (loyalty) trong mọi lúc, vui cũng như buồn; thuận cũng như nghịch cảnh.

> Sự tế nhị với nhau (sensitivity) qua cách thăm hỏi, khuyến khích và giao thiệp hằng ngày.

> Sự cảm thông với nhau (understanding) trong cuộc hành trình làm người. Biết chung vui chia buồn, thông cảm những vấp ngã không tránh khỏi, và hiểu bạn mình như chính họ hơn là nhìn với thiên kiến của mình.

II. Những phương pháp truyền thông nào góp phần cải tiến tình bạn?

Như đề cập ở trên, sự cảm thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy dưỡng tình bạn lâu bền. Nhưng làm sao để có được sự cảm thông? Theo tiến sĩ Sitaram, Chủ Tịch Ban Truyền Thông tại Đại học Utah, thì truyền thông là một hành động của sự cảm thông giữa người nói và người nghe, người cho và người nhận. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các phương cách truyền thông thường được xử dụng trong đời sống thường nhật để xem xem phương pháp nào đưa đến sự cảm thông và góp phần cải tiến tình bạn.

1) Sự truyền thông xã giao (Parallaction):

Đây là trường hợp chúng ta thường gặp nhất. Hai người bạn cùng sở chào hỏi nhau. Sự chào hỏi này là những phản ứng tự động do thói quen mà không nhất thiết mang một ý nghĩa nào cả, như câu chào ông, chào bà; ông bà có mạnh khỏe không; xin được hẹn gặp lại ông bà sau v.v… Mục đích của sự truyền thông xã giao là nhận diện sự hiện diện của nhau mà thôi.

Trường hợp thứ hai của sự truyền thông xã giao là cả hai cùng nói mà không có lắng nghe nhau. Khi A nói thì B nghĩ về những gì mình sắp nói cho A nghe và ngược lại khi B nói thì A soạn ý cho những gì mình sẽ nói khi B ngưng, chẳng hạn như một người nói chuyện về việc học của con cái mình, trong khi người kia nói về công ăn việc làm của mình ở sở. Hai bên mạnh ai nấy nói không có một liên hệ trao đổi nào với nhau cả.

2) Sự truyền thông tương phản (Mystification):

Sự truyền thông này xảy ra khi hai người trao đổi chuyện trò với nhau nhưng một hay cả hai người đều cố tình dấu diếm những sự thực về tình cảm hay dự tính, có thể vì hảo ý cũng có thể do ác ý. Một người đang có chuyện buồn gia đình, nhưng khi gặp bạn bè anh ta vẫn nói cười vui tươi để làm vui lòng bạn mình. Một người mời bạn gái mình đi xem ciné nhưng tâm ý của anh là để hai người được gần gũi nhau trong ái tình chứ không phải là vì phim hay. Người bạn gái của anh ta cũng hiểu điều thầm kín đó, dù lúc mời chàng ta không hề đề cập đến. Cũng có lúc người nghe không hiểu được tâm ý của người nói và bị lợi dụng…

3) Sự truyền thông tráo trở (Games):

Nếu chúng ta đến sòng bạc là để được thắng cuộc hay trúng bài thì những người tham dự vào loại truyền thông nầy chỉ mong cho mình được chiến thắng chứ không hề nghĩ đến việc trao đổi tình cảm hay tin tức với người mình đang nói chuyện. Những lập luận hay lý do nêu ra trong các cuộc đàm thoại loại nầy phần nhiều là không thành thực. Những chuyển từ như "được, nhưng mà…" thường được dùng để biện minh cho những gì mình muốn nói. Chẳng hạn như câu chuyện người vợ than phiền về căn nhà bị hư không ai sửa chữa cả. Người hàng xóm hỏi sao không nói với chồng sửa, thì người vợ đáp chồng tôi không biết làm. Khi hỏi tại sao không mua sách về cho ông ta học cách sửa chữa thì bà ta bảo là ông ấy không muốn đọc. Và khi hỏi tại sao không thuê thợ thì câu trả lời của bà ta là không có đủ tiền. Mục đích của bà là kéo dài cuộc đàm thoại cho đến khi mọi người công nhận lời than phiền của mình là chính đáng.

4) Sự truyền thông chân thật (Authentic Communication):

Loại truyền thông nầh hoàn toàn dựa vào sự ngay thẳng và thành thật. Sẵn lòng đón nhận những ý kiến khác biệt và sẵn lòng chia sẻ với bạn mình những điều thầm kín nhất. Dĩ nhiên phải biết "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" cũng như biết chia sẻ đúng chỗ đúng lúc. David Johnson trong tác phẩm "Reaching Out: Interpersonal Effectiveness and Self Actualization" cho biết tầm mức quan trọng của sự truyền thông chân thật như sau:

"There is much evidence that indicates that healthy relationships are based on self-disclosure. If you hide how you are reacting to the other person, your concealment can sicken the relationship…"

Dĩ nhiên đây là tinh thần của người Mỹ. Còn tinh thần của người Việt Nam chúng ta thì sao? Nên hay không nên theo những lời đề nghị này? Tại sao?

Văn hóa Việt thường đề cao những người kín đáo, dè dặt và cẩn thận trong lời ăn tiếng nói; biết "tốt lành phô ra, xấu xa đậy lại," bởi vì "Sự thật mất lòng," "Đa ngôn đa hóa," và "Hữu xạ tự nhiên hương." Trong khi đó văn hóa Mỹ chủ trương nói thật, nói thẳng và nói hết không để điều gì ấm ức trong lòng.

Trước một câu hỏi, người Việt thường tìm câu trả lời hợp với ý người hỏi hơn là hợp với ý riêng mình, trong khi đó người Mỹ diễn tả ý kiến riêng của mình, trong khi đó người Mỹ diễn tả ý kiến riêng của mình một cách tự nhiên. Người mình có thói quen trả lời gián tiếp, trong khi người Mỹ dùng phương pháp trực tiếp, muốn gì là họ hỏi thẳng ngay vào vấn đề, không nói ý phụ trước ý chính. Người mình có khuynh hướng nói lớn và nói dài dòng, trong khi người Mỹ thích vắn tắt và nói vừa đủ nghe. Về phương diện thành tích cá nhân, người Việt thường kính trọng những ai nói ít về mình, trong lúc đó người Mỹ có gì nói hết.

Đối với người Việt, "Cái tôi là cái đáng ghét," đối với người Mỹ, "Cái tôi là cái đáng quý!" Vì vậy người Mỹ rất tự nhiên khi giới thiệu về cá nhân mình: Nghề nghiệp, bằng cấp, thành công… còn người Việt chúng ta thì không nói hoặc chỉ nói ít về mình thôi. Thí dụ đã đậu 5 bằng cấp đại học thì chỉ nên nói một thôi, phần còn lại để người khác tìm hiểu thì được kính trọng hơn, vì "hữu xạ tự nhiên hương" và "Thùng rỗng đánh kêu!" còn người Mỹ, không những nói hết những gì mình có mà đôi khi còn nói thêm để biết "How to see yourself?"

Người Việt chúng ta thường thích nói về quá khứ, trong khi người Mỹ thích về hiện tại và tương lai nhiều hơn. Chúng ta thường đề cập đến những công việc của người thứ ba (thường thường chuyện xấu nhiều hơn chuyện tốt) mà ít khi đề cập đến những chuyện của chính hai người hiện hữu đang đối thoại như người Mỹ thường có thói quen làm.

Theo ý kiến riêng của người viết thì không có gì quý bằng sự chân thành và thành thật. Khi đối thoại với nhau, chúng ta nên thẳng thắn trình bày sự thực theo quan niệm của mình. Mọi người có bổn phận chia sẻ những giá trị của mình cho người khác. Điều nầy không có nghĩa là mình bắt buộc người khác phải theo ý kiến riêng của mình. Đừng bao giờ nói người khác SAI, mình ĐÚNG, nhưng chúng ta có quyền KHÔNG ĐỒNG Ý với quan điểm của người khác. Trong những việc quan trọng liên quan đến vấn đề tình cảm, danh dự và lỗi lầm của người khác, chúng ta phải biết LỰA LỜI và CHỌN LÚC để chia sẻ và cảm thông với nhau. Làm thế nào để đạt được mục tiêu của cuộc đối thoại là sự thông cảm để phát huy tình bạn và hợp tác với nhau trong công việc.

5) Sự truyền thông thân hiệu (Body Messages):

Một ánh mắt yêu thương, một nụ cười tươi, một bắt tay thân thiện… đáng giá hơn trăm ngàn lời nói. Khuôn mặt vui buồn, giọng nói trầm hùng, màu và kiểu quần áo mặc…tất cả đều là những tín hiệu truyền thông. Có những tín hiệu truyền thông mang ý nghĩa tốt với một nền văn hóa lại có nghĩa tương phản trong một nền văn hoá khác. Thí dụ nhìn thẳng và mắt của người đối diện với mình trong lúc nói chuyện là một điều tốt đáng khuyến khích với người Mỹ thì có thể là một hành động thất lễ đối với người Việt Nam. Lối người Mỹ móc tay gọi chúng ta đến có thể được coi như là làm sĩ nhục mình, thì lối vẫy tay mời đến của ngườI Việt lại là dấu hiệu tạm biết của của người Mỹ. Một mặt chúng ta không thể phủ nhận được giá trị của sự truyền thông thân hiệu, nhưng một mặt khác chúng ta cũng nên thận trọng trong trường hợp đối thoại với những người thuộc các quốc gia và nền văn hóa khác.

6) Sự truyền thông hành động (Action Communication):

Nếu lời nói đi đôi với việc làm, nghĩa là "tri hành hợp nhất," thì việc truyền thông của chúng ta hữu hiệu hơn nhiều. Theo giáo sư John McCroskey, lời nói của chúng ta chỉ có giá trị 30% của những ý nghĩa chúng ta muốn diễn tả. Cho nên nhiều khi sau buổi nói chuyện, sau những lời tuyên bố người ta phải đính chính, thanh minh, giải thích để tránh những hiểu lầm, những ngộ nhận hay xuyên tạc. Để cải tiến tình bạn, truyền thông bằng hành động hữu hiệu gấp trăm lần truyền thông bằng ngôn ngữ. Một bông hồng, một nụ hôn, một lần ghé thăm… chắc hẳn không lời lẽ của ngôn ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ ý nghĩa của những hành động nầy được.

 

LỜI TÂM KẾT

Nguyên Trung

Viết cho NS ngày 9-9-1981

(Còn tiếp)

 

 

Nguyễn Trung Hiếu
(11/09/2008 - 949 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Trung Hiếu
3 - Lý Tưởng NGHĨA Trong Văn Hóa VIỆT (10/11/2008 - 837 lượt xem)
5 - Tâm Thư Cho Em (18/08/2008 - 730 lượt xem)