Tinh thần kỷ luật trong Nghĩa Sinh

Quan niệm Nghĩa Sinh về Kỷ Luật

Quan niệm Nghĩa Sinh về vấn đề kỷ luật rất là sư phạm và nhân ái. Hãy cùng nhau suy diễn về quan niệm NS sau đây:

“Kỷ luật là xương; tình thương là thịt.” (Xem: “Nẻo Vào Nghĩa Sinh,” trang 41, HT Nguyễn Công Minh).

Người không xương thì làm sao mà đứng?

Nghĩa Sinh muốn mỗi người chúng ta phải tự đứng được, tự đi được, tự làm được. Không phải nhờ ai cõng mình đi, võng mình tới, mớm mình ăn. Nói cách khác, Nghĩa Sinh muốn chúng ta có niềm hãnh diện về chính mình (YÊU mình), rồi từ đó đi giúp ích cho tha nhân (THƯƠNG người). Muốn thế, chúng ta phải có “xương” – nghĩa là tập sống một đời sống kỷ luật, nhất là tự kỷ luật (mình).

Xương không thịt thì đâu phải là người?

Nghĩa Sinh muốn cho mỗi người chúng ta có một đời sống ý nghĩa và hạnh phúc; không thể nguội lạnh và khô khan như một bộ xương cách trí. Nghĩa là bộ xương đó phải có thịt, có trái tim, có máu huyết chu lưu. Nói cách khác, Nghĩa Sinh muốn chúng ta là NGƯỜI, muốn chúng ta SỐNG, và sống hạnh phúc. Ghi nhớ: Hạnh phúc chỉ đến nơi nào có tình yêu, tình thương, tình nghĩa. Xem như vậy thì khi Nghĩa Sinh muốn chúng ta sống kỷ luật là chỉ vì quan niệm hòa ái nêu trên. Mời các bạn nghe lại một vài kỷ niệm xa xưa nói lên tinh thần kỷ luật cao độ trong tổ chức Nghĩa Sinh để ôn lại bài học nhân ái và yêu thương mà Nghĩa Sinh đã khởi xướng: “KỶ LUẬT là xương; TÌNH THƯƠNG là thịt.”

Một vài kỷ niệm dễ thương?

       > Năm 1972 khi NS đi công tác xã hội ở tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre. Đêm đầu NS được cắm trại tại khuôn viên Ty Xã Hội Mỹ Tho. Cố HT Nguyễn Hữu Lâm, Phương Đoàn Trưởng Nghĩa Sinh Bình Dương là trại trưởng. Vì trại ở lại đêm nên HTTL chỉ thị đốt lửa trại chung với anh em Hướng Đạo và Dũng Sinh trong tinh thần “nối vòng tay lớn,” phần chúng tôi được cử làm quản lửa. Với trách nhiệm nầy, tôi đã chạy sang tiệm may đối diện với trại, nằm phía bên kia hàng rào kẽm gai để xin vải vụn về làm những cây đuốc chạy rước lửa từ các ngã tư trong thành phố về. Trong lúc giao tế, Trưởng Lâm thấy tôi đứng nói chuyện với hai cô thợ may bên đường liền gọi tôi về và phạt tôi trình diện cái cọc sắt 100 lần. Trong lòng thấy mình bị oan ức nhưng lệnh trưởng thì ta cứ vui vẻ thi hành trước, còn oan khiên thì ta sẽ khiếu nại sau. Khi các trưởng và Nghĩa Sinh thấy chúng tôi nện vải đốt đuốc trại rực sáng, thì lúc đó mình chẳng còn phải thanh minh với nữa mà còn được đón chào với những tràng pháo tay nồng nhiệt và bài thanh ca “Hoan Hô Anh Nầy…”

       > Đại Hội Nghĩa Sinh năm 1973 được tổ chức tại Sàigòn. Anh em các tỉnh và Sàigòn đã tụ tập về đông đảo. Chúng tôi được chỉ định cắm trại tại khuôn viên Trung Tâm Huấn Luyện Thanh Niên và Thể Thao, tọa lạc tại số 638 đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn. Chúng tôi được các trưởng phân công cho làm trưởng trực. Vì trước cổng trại có tấm bảng ghi: “Yêu cầu xuống xe dẫn bộ,” thế nhưng có hai trưởng NS ngồi trên xe chạy thẳng vào trại. Thấy thế tôi đã thổi còi yêu cầu hai trưởng đó xuống xe, dẫn xe ra đến cổng rồi dẫn bộ trở vào. Hai trưởng NS nầy đã vui vẻ "nhận lời" và anh em trong hàng ngũ trưởng chúng tôi đã tham dự đại hội NS vui vẻ -- không hề có bất cứ một điều gì sứt mẻ với nhau xẩy ra cả. Đúng như bài Nghĩa ca: "Trưởng phải làm gương; Trưởng phải nên gương sáng cho mọi người..." Thật là tuyệt vời!

Niềm hy vọng Nghĩa Sinh

Hiện nay ở nhiều tỉnh Nghĩa Sinh đang thể hiện tinh thần tự kỷ luật một cách cao độ. Hãy nhìn vào Trại Trưởng Cần Giờ và Trại Hè Đà Lạt thì rõ: Không cần ai nhắc nhở, chả cần ai nặng nhẹ, tất cả Nghĩa Sinh đều đúng giờ đến, trọn giờ ở, không sai giờ về. Chẳng ai phải nhỏ to, chẳng ai phải lớn tiếng, thế mà NSM cũng như NSC cứ răm rắp như là trong quân trường. Nói cách khác, dù không còn bị phạt hay được khiển trách như trước, nhưng hầu như sự vâng phục huynh đệ thân thương đã lan truyền vào trong máu của NS, nghĩa là “kỷ luật tính” đã trở thành “thói quen tốt” trong mọi người NS chúng ta.

Thay lời kết

Mọi gia đình và đoàn thể đều cần có tổ chức, có phân công. Với NS, chúng ta hội họp, thảo luận, đồng thuận rồi các trưởng đứng ra điều hành. Nếu chúng ta nắm vững vai trò lãnh đạo của mình thì công viêc chúng ta làm sẽ có hiệu quả hơn, cái "chất" và cái "lượng" sẽ đi song hành với nhau hơn. Để mọi việc được thuận buồm xuôi gió, ban đại diện tiếp tục dùng các trưởng địa phương như những cánh tay nối dài để mọi việc sẽ trôi chảy tốt đẹp. Với ánh sáng NS dẫn đường qua quan niệm: “Kỷ luật là xương; tình thương là thịt,” chúng ta sẽ hân hoan sống lại như những “ngày xưa thân ái” của những thập niên 1960’s và 1970’s, lúc chúng ta hãnh diện khoác lên mình bộ Nghĩa phục… để rồi chúng ta sẽ tự hào mà nói không ngoa rằng: “Nghĩa Sinh là một đoàn thể có kỷ luật nhất.” Hoan hô Nghĩa Sinh! 

- Nguyễn Hồng Lam

Ngày 25-8-2008

 

Nguyễn Hồng Lam
(26/08/2008 - 830 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Hồng Lam
4 - Tìm Về Đối Thoại (21/11/2008 - 859 lượt xem)
6 - Tri ân Nghĩa Sinh: 39 năm 2 ngày (03/10/2008 - 850 lượt xem)