Vài ý đẹp về nhân sinh

Vài ý đẹp về nhân sinh
 
LTS: Tình thương, lòng từ bi và sự bình an là những giá trị cốt lõi của mọi nỗ lực tâm linh. Những giá trị này không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào. Chúng là phẩm chất của mỗi chúng ta, của trái tim và tâm hồn chúng ta. Lòng yêu thương chứa đựng một động lực mạnh mẽ để con người ta hành động và thay đổi. Thay đổi để nhìn bản thân mình khác hơn, nhìn mọi người và cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
1. Tha thứ
Có một câu nói rất hay rằng, “Tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình.” Cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác - nhất là sau khi người đó lỗi đã xin lỗi thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình. Bởi lẽ đó, khi biết là mình đã làm thiệt hại vật chất, gây đau buồn về tinh thần, hoặc làm tổn thương tình cảm của người khác, chúng ta nên can đảm nhận lỗi, chân thành xin lỗi, và không tái phạm nữa. Ngược lại, ta không nên truy cứu lỗi lầm của người khác – nhất là đã được nhìn nhận và xin lỗi từ người khác. Hãy bao dung tha thứ.
 
2. Từ bi
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng đã kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước Trung Cộng giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư già này rằng, trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời rằng trong 20 năm trong tù, lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: chỉ sợ rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai tù... Chỉ sợ lòng mình không giữ được từ bi, nhẫn nhục của một vị sư.
 
3. Chờ đợi
Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn tốt đã giúp mình trước đây?
Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người?
Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?
Sao phải đợi có một nỗi đau hoặc thất bại rồi mới cần đến một lời ước nguyện?
Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ cộng đồng?
Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể là bạn không biết sẽ đợi đến bao lâu. Đã bao nhiêu lần ta chần chừ để rồi cơ hội phục vụ hoặc chung sức làm việc tốt với nhau đã vuột đi. Hãy làm những gì bạn nghĩ đúng và hữu ích cho bạn và người khác, ngay bây giờ. Bạn không phải chờ đợi.
 
4. Ngạc nhiên
Có người hỏi: “Điều gì làm ngài ngạc nhiên nhất về cõi nhân loại?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Con người!… Bởi vì con người phung phí sức khoẻ để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khoẻ. Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống đúng và sống vui với hiện tại lẫn tương lai. Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết… Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ”.
 
5. Lo lắng
Có 2 chuyện phải lo: hoặc là bạn khoẻ mạnh, hoặc bạn bị ốm đau.
Nếu khoẻ mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu bị ốm đau, thì có 2 điều phải lo lắng: hoặc sẽ được bình phục, hoặc sẽ chết.
Nếu được bình phục, thì chẳng có gì phải lo.
Nếu bị chết, thì có 2 điều phải lo: hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục.
Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì bận tíu tít để trả quả, còn thì giờ đâu mà lo.
 
Vậy thì, không nên lo nghĩ vô ích và uổng phí thì giờ. Phải khởi sự làm được gì hữu ích cho bản thân và tập thể ngay bây giờ, khởi đầu là cương quyết tự sửa mình qua ý nghĩ, lời nói, và hành động mỗi ngày.
 
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền năm nay, ngày 10-12-2011.
 
- Trần Thuỷ Tiên
 
Trần Thuỷ Tiên
(08/12/2011 - 635 lượt xem)