Tuổi Trẻ: Tương lai còn lại của nhân loại

Tuổi Trẻ: Tương lai còn lại của nhân loại

 

LTS. Vì rằng tuổi trẻ là tương lai còn lại của nhân loại và vì mỗi Nghĩa Sinh là một nhà giáo – ưu tiên một: NS là một nhà giáo nhân bản (hướng dẫn trẻ thơ sống nên người). Trong tinh thần xây dựng tuổi thơ, BBT/NS-45 xin gửi đến quý bạn tập tài liệu quý giá về phép lịch sự (do Nam Việt sưu tầm và phổ biến trên mạng) để các bạn dùng làm tài liệu giáo dục giới trẻ - chẳng hạn như khi được Cha xứ nhờ hướng dẫn Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, khi được một Đại đức nhờ giúp Đoàn Thiếu Nhi Gia Đình Phật Tử, hay khi được Nghĩa Sinh ủy thác thành lập một đơn vị Thiếu Nhi Cảm Mến Nghĩa Sinh, v.v… Mời các bạn đọc và tâm đắc.

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

1. Phép Lịch Sự là gì ?

Theo tiếng Pháp, lịch sự bởi chữ ‘poli’. Nghĩa là nhẵn bóng, được ưa thích. Người lịch sự là người tuân giữ những nghi thức xã hội để chiếm được cảm tình của những người xung quanh. Phép lịch sự (politesse) là tất cả những cách ăn nói và xử thế một cách tốt đẹp.

Theo tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, thì lịch sự có nghĩa là đẹp đẽ, xinh xắn, đồng thời còn là nhã nhặn, biết lễ phép.

 

2. Tại Sao Phải Giữ Phép Lịch Sự

Nếu chúng ta chỉ sống một mình, trong một căn phòng riêng biệt, hay trong một nơi biệt lập, thì chúng ta nói năng, ăn mặc ra sao, chẳng ai thèm để ý tới. Đầu tóc, áo quần, nhà cửa chúng ta thế nào tuỳ thích. Thế nhưng, chúng ta sống là sống với người khác, và trong cuộc sống chung này chúng ta phải làm thế nào, để trở nên một con người dễ coi và dễ thương.

Ngày thường, nhà cửa chúng ta có thể bẩn thỉu, bề bộn. Nhưng nếu có một nhân vật đến thăm, hẳn chúng ta phải dọn dẹp, quét tước cho gọn ghẽ, sạch sẽ để chuẩn bị tiếp đón nhân vật ấy.

 

3. Sự Cần Thiết Của Phép Lịch Sự

Để hiểu rõ được sự cần thiết của phép lịch sự ấy, chúng ta thử trích dẫn một vài câu danh ngôn :

·          Lịch sự là bông hoa thơm của nhân loại.

·          Lịch sự là chiếc chìa khóa bằng vàng, có thể mở được mọi khung cửa.

·          Người ta đòi hỏi gì ở một bông hoa, nếu không phải là hương. Người ta đòi hỏi ở chúng ta điều gì, nếu không phải là phép lịch sự.

·          Thà làm một thằng quỷ lịch sự còn làm một ông thánh sàm sỡ.

·          Lịch sự là một món tiền, càng tiêu càng lời.

 

4. Lợi Ích Của Lịch Sự

Chúng ta thường nói : công bằng phải đi trước bác ái, sự trọng kính phải đi trước tình yêu thương. Cũng vậy trong phạm vi giáo dục, chúng ta phải đào luyện để trở thành một con người trước đã, rồi sau đó mới trở thành người. Việc giáo dục nhân bản (đào luyện trở nên người) phải đi trước những việc giáo dục hay đào luyện khác.

Trong việc giáo dục nhân bản, đào luyện làm người, thì phép lịch sự là phần quan trọng và căn bản nhất. Nhờ giữ phép lịch sự, chúng ta sẽ gây được cảm tình của những người chung quanh. Và một khi đã chiếm được cảm tình, chúng ta sẽ dễ dàng tiến tới thành công.

Vì thế, như trên chúng ta đã nói : lịch sự là chiếc chìa khóa bằng vàng có thể mở được mọi khung cửa. Tuy nhiên trong khi giữ phép lịch sự, chúng ta cần thành thực, chân thành, bằng không thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ bôi bác giả hình.

 

5. Tóm lược

Phép lịch sự là tất cả những cách ăn nói và xử thế một cách nhã nhặn và tốt đẹp. Sở dĩ chúng ta phải giữ phép lịch sự, bởi vì chúng ta sống là sống với người khác, và trong cuộc sống chung này, chúng ta phải trở nên người dễ thương và dễ mến.

Phép lịch sự là nền tảng căn bản để xây dựng con người chúng ta. Nhờ giữ phép lịch sự, chúng ta sẽ gây được cảm tình của những người chung quanh. Và một khi đã gây được cảm tình, chúng ta sẽ dễ dàng tiến tới thành công. Vì thế người ta thường bảo : lịch sự là chiếc chìa khóa bằng vàng có thể mở được mọi khung cửa.

Tuy nhiên, phép lịch sự đòi hỏi chúng ta phải thành thực, tránh đi mọi hình thức bôi bác giả hình.

 

LỊCH SỰ TRONG LỜI NÓI & LỜI VIẾT

 

1. Cám Ơn

Khi chúng ta đánh rơi chiếc bút, chiếc lược, chiếc khăn, người khác nhặt lên đưa cho chúng ta, chúng ta nói : cám ơn anh, cám ơn chị. Chúng ta cần tìm nhà một người quen, gặp được người chỉ cho, chúng ta nên nói : cám ơn ông, cám ơn bà. Chúng ta bán hàng, trao hàng cho khách và nhận tiền, nhận xong, chúng ta nên nói : cám ơn.

Tóm lại, đối với bất cứ ai đã giúp chúng ta làm một việc gì dù nhỏ, chúng ta hãy nhớ nói tiếng cám ơn để biểu lộ tình cảm đối với người đó. Chỉ có hai tiếng cám ơn đơn sơ, nhưng nó dễ dàng gây thiện cảm với bất cứ người nào chúng ta gặp.

Khi gặp một người nói cám ơn, chúng ta đừng toét miệng cười, không biết trả lời ra sao. Chúng ta đang lên cầu thang, gặp một người già, chúng ta lịch sự nhường bước cho người đó lên trước. Người đó nói : cám ơn. Chúng ta khiêm tốn trả lời : thưa không có chi ạ. Đi đường gặp một em bé té ngã, chúng ta vội đỡ em dậy, ba má em cám ơn, chúng ta nên nói : thưa có gì đâu ạ, đó là bổn phận của tôi. Đưa quà biếu tới một người quen của ba má, người ta gửi lời cám ơn ba má, chúng ta nên nói : có đáng gì ạ, chỉ có một chút gọi là.

 

2. Xin Lỗi, Xin Phép, Phiền Ông/Bà

Chúng ta có việc gấp, cần lên cầu thang vội, khi vượt qua người đi trước, chúng ta hơi cúi đầu và nói : xin phép ông, xin phép bà. Những câu nói : xin lỗi, phiền ông, phiền bà, xin phép tuy là những câu nói vắn tắt, nhưng nó sẽ giúp chúng ta d6ẽ gây thiện cảm với mọi người, và tránh được rất nhiều những xích mích nhỏ nhen.

 

3. Tôi Lầm. Anh/Chị Có Lý. Anh/Chị Nói Đúng

Tuy những câu nói : tôi lầm, anh có lý, anh nói đúng là những câu nói mọi người ngại dùng, nhưng thật ra dùng những câu đó, chúng ta đã không tự hạ giá mà còn dễ chinh phục người khác. Mỗi khi sai lỗi, hoặc nói gì không đúng, chúng ta hãy cố can đảm dùng tiếng ‘tôi lầm’ để nhận lỗi với người khác.

Cần tránh những lời nói chạm tự ái người khác, cũng đừng biểu lộ cử chỉ bất mãn. Trái lại hãy thành thực cảm phục người khác nếu họ có những điểm tốt, điểm hay. Làm như thế, chúng ta sẽ có thêm những bạn bè mới. Hãy biết lắng nghe và đừng cắt lời khi người khác đang nói.

Vào rạp hát, trong lúc qua mặt người khác, chúng ta sơ ý đụng mạnh vào họ : hãy nói : xin lỗi ông/bà. Một người bạn đang chép bài, chúng ta sơ ý đụng vào tay họ, hãy nói : xin lỗi anh. Cũng nên nhắc lại trường hợp chúng ta bị người khác sơ ý làm phiền, người ta xin lỗi, chúng ta cũng nên lịch sự bỏ qua và vui vẻ trả lời : thưa không có chi. Đừng lườm nguýt cũng đừng tỏ ra bất mãn. Làm vậy, chẳng những không lợi gì cho chúng ta mà chỉ gây ác cảm với họ.

Chúng ta nhận lỗi về phần chúng ta thì người khác cũng dễ nhận ra lầm lỗi của họ. Nếu chúng ta lúc nào cũng cho mình là đúng, chúng ta sẽ trở thành đối tượng của sự ghen ghét, và thù oán của mọi người.

Khi nói chuyện với người khác, chúng ta cố gắng nhận ra cái lý của họ và thành thực cảm phục họ bằng cách dùng câu nói : anh có lý; chị nói đúng. Làm vậy chúng ta sẽ gây được cảm tình và có thêm bạn bè mới.

Khi không đồng ý với ai về một vấn đề, chúng ta muốn đưa ý kiến chúng ta ra, thì hãy mở đầu bằng câu nói : anh có nói đúng, nhưng có chi tiết ny, chúng ta cần nhận xét lại xem. Nói thế, chúng ta sẽ tránh được làm phiền và chạm tới tự ái người khác.

 

4. Tóm lược

Đối với bất kỳ ai đã giúp chúng ta làm một việc gì, dù nhỏ, chúng ta hãy nhớ nói tiếng ‘cám ơn’ để biểu lộ tình cảm đối với người đó. Trái lại, khi người khác cám ơn chúng ta, chúng ta hãy biết thưa lại bằng câu : thưa không có gì; đó chỉ là bổn phận của tôi mà; tôi rất vui được như vậy.

Khi lỡ làm phiền ai sự gì, chúng ta nên nói : xin lỗi; phiền ông; xin phép bà. Khi chúng ta sai, nên nhận lỗi bằng câu : tôi lầm; anh có lý; anh nói đúng. Những câu nói này tuy đơn sơ, nhưng sẽ gây được cảm tình nơi những người chung quanh. Từ đó chúng ta sẽ có thêm được bạn mới & bớt thù cũ.”

 

(Còn tiếp).

 

Nam Việt
(08/07/2008 - 655 lượt xem)