Khoa Học về Hạnh Phúc

LTS: Năm 1998, nhà tâm lý Martin Seligman thuộc Đại học Pennsylvania mời một số nhà tâm lý hàng đầu nước Mỹ đến thành phố Akumal, tiểu bang Mexico để chia sẻ một mục tiêu mới của khoa tâm lý học: Nghiên cứu Hạnh Phúc. Ba người có công nhất trong việc hình thành khoa học này là Seligman, Diener, và Csikszentmihalyi. THNS Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ từ tạp chí "Time" để quý anh chị NS và độc giả Liên Nghĩa cùng tìm hiểu và sống hạnh phúc. BBT Liên Nghĩa xin cám ơn thầy Nguyễn Trọng Đa.

 

Khoa Học về Hạnh Phúc

 

Nghệ thuật sống

Năm 1998, nhà tâm lý Martin Seligman thuộc Đại học Pennsylvania mời một số nhà tâm lý hàng đầu nước Mỹ đến thành phố Akumal (tiểu bang Mexico) để chia xẻ một mục tiêu mới của khoa tâm lý học: Nghiên cứu Hạnh phúc. Ba người có công nhất trong việc hình thành khoa học này, ngoài Seligman, còn có nhà tâm lý Edward Diener thuộc Đại học Illinois, với biệt hiệu "Tiến sĩ Hạnh Phúc," và nhà tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi (người Mỹ gốc Hungary).

Hạnh phúc là gì?

Khoa Hạnh phúc nghiên cứu các yếu tố làm nên hạnh phúc cho con người. Những nghiên cứu của các nhà tâm lý làm chúng ta ngạc nhiên, vì có những yếu tố chúng ta tưởng là mang lại hạnh phúc, nhưng thật sự là không hoặc không đáng kể. Lấy thí dụ về tiền bạc, và mọi thứ mà tiền bạc mua được. Một khi chúng ta có đủ các nhu cầu cần thiết rồi, thu nhập thêm chỉ nâng chút ít cho sự hài lòng với cuộc sống chúng ta mà thôi. Nền giáo dục tốt ư? Bằng cấp và giáo dục của cha mẹ không quan trọng bằng chỉ số thông minh (IQ), vì chỉ số IQ cao dọn đường cho hạnh phúc. “Hạnh phúc là yêu mến biết bao cuộc sống mà ta đang sống. Người ta có thể sống trên thiên đàng mà vẫn không có hạnh phúc, bởi vì họ cứ bám lấy mọi sự trong cuộc sống của mình” - định nghĩa về hạnh phúc của Giáo sư Ruut Veenhoven, sau 25 năm nghiên cứu về hạnh phúc.

Hạnh phúc là Tuổi trẻ?

Không phải! Thật ra người lớn tuổi bằng lòng với cuộc sống hơn người trẻ tuổi. Một thăm dò của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Mỹ cho thấy những người trong số tuổi 20-24 có trung bình 3,4 ngày buồn mỗi tháng, trong khi những người trong 65-74 tuổi chỉ buồn 2,3 ngày/tháng.

Hạnh phúc là hôn nhân?

Đây là một hình ảnh phức tạp: người có gia đình thường hạnh phúc hơn người độc thân, nhưng họ chỉ sẽ hạnh phúc hơn, nếu luôn khởi đầu cuộc sống chung lại. Xem ti-vi ư? Không đúng đâu. Những người xem ti-vi hơn ba giờ mỗi ngày không hạnh phúc hơn những người xem ti-vi ít giờ hơn. Về mặt tích cực, niềm tin tôn giáo thường nâng cao tinh thần con người.

Hạnh phúc là bạn bè?

Rất đúng. Một nghiên cứu năm 2002 của Seligman cho thấy những người phát triển các kỹ năng xã hội, giao tiếp bạn bè nhiều và làm công tác xã hội thường hạnh phúc hơn người ít giao tiếp. Ruut Veenhoven, giáo sư nghiên cứu hạnh phúc thuộc Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) đã xuất bản báo Journal of Happiness Studies (Tạp chí nghiên cứu hạnh phúc) và quản lý cơ sở dữ liệu thế giới về hạnh phúc trên trang web* với một kho tư liệu về hạnh phúc trên toàn thế giới. Ông nêu ra một số yếu tố khác của hạnh phúc, chẳng hạn những người uống 1-2 ly rượu mỗi ngày thì hạnh phúc hơn người không uống giọt rượu nào; những người trong độ tuổi 30-50 ít hạnh phúc hơn người thuộc các độ tuổi khác, vì trong tuổi trung niên này người ta “ít tự do hơn và nhiều trách nhiệm hơn” đối với con cái, việc làm; người ta hạnh phúc nhất trong công ăn việc làm, vốn đem lại cho người ta nhiều tự do và quyền quyết định.  

"Cân" hạnh phúc

Lẽ tất nhiên, hạnh phúc không phải là một trạng thái tĩnh. Ngay cả những người hạnh phúc nhất (chiếm khoảng 10%) vẫn có những ngày buồn bã hết sức. Và ngược lại những người sầu buồn nhất cũng có những ngày hạnh phúc hiếm có. Đây là một thách đố cho những nhà xã hội học muốn đo lường hạnh phúc.  Họ đã tìm ra nhiều phương pháp đo lường và đánh giá hạnh phúc. Năm 1980, "Tiến sĩ Hạnh Phúc," nhà tâm lý Diener tạo ra một trong những công cụ cơ bản và được sử dụng rộng rãi nhất, gọi là “thang hài lòng với cuộc sống.” Ông cho rằng thang này phù hợp với các cách đo lường khác về hạnh phúc, chẳng hạn ấn tượng từ bạn bè và gia đình, sự diễn tả cảm xúc tích cực và dấu chỉ thấp của sự phiền muộn. Trong khi đó, giáo sư Csikszentmihalyi đưa ra phương pháp sử dụng thiết bị phát tiếng “bíp bíp” và dùng computer để tiếp xúc với đối tượng bất cứ lúc nào, với một loạt câu hỏi như: bạn đang làm gì, bạn vui thích không, bạn làm một mình hay với ai nữa? Phương pháp này gọi là "lấy mẫu kinh nghiệm," tuy tốn tiền và mất nhiều thì giờ, nhưng cho biết một hình ảnh tốt về sự hài lòng trong khi làm một công việc.

Nhà tâm lý Martin Seligman

Mới đây, nhà tâm lý Daniel Kahneman (Đại học Princeton), người được trao giải Nobel kinh tế 2002, đưa ra một công cụ mới xem xét hạnh phúc gọi là "phương pháp lượng giá ngày hôm trước." Theo phương pháp này, những người tham gia ghi lại các việc làm của mình trong ngày trước đó, sống với ai, làm gì với ai, lượng giá mỗi việc làm và mỗi cảm xúc theo thang bảy điểm.

Theo ông Kahneman, các nhà tâm lý nên chú trọng đến các cảm nghiệm của người ta hơn là chỉ thăm dò cảm nghĩ của họ. Trái lại, Seligman nhấn mạnh đến việc nhớ lại bản thân, vì nghiên cứu các cảm nghiệm là nhấn mạnh quá nhiều đến các vui thú và bất mãn chóng qua. Trong Authentic happiness (Hạnh phúc đích thực) xuất bản năm 2002, ông nêu ra ba thành phần của hạnh phúc: lạc thú ("hình mặt cười"), dấn thân (tương quan với bà con họ hàng, bạn bè, công việc, sự lãng mạn) và ý nghĩa (dùng sức mạnh bản thân để phục vụ mục đích cao hơn). Ông nói trong ba con đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn, lạc thú là ít quan trọng hơn cả và đó là điều báo chí cần cảnh báo "bởi vì quá nhiều người xây dựng cuộc sống của họ quanh việc theo đuổi lạc thú.”

- Nguyễn Trọng Đa (theo Time)

----------------------------------------------------------------

* Trang web: www2.eur.nl/fsw/research/happiness

 

 

Nguyễn Trọng Đa
(05/07/2010 - 1050 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Trọng Đa
1 - Lòng Biết Ơn… Nhiệm Mầu (16/02/2021 - 969 lượt xem)
3 - Tam Giác Liêm Khiết (03/09/2009 - 977 lượt xem)
4 - LÀM LÀNH LÁNH DỮ (16/01/2009 - 989 lượt xem)
5 - Lời Mẹ Dặn Con (10/11/2008 - 961 lượt xem)
6 - TẤT CẢ ĐỀU CÓ THỂ (20/10/2008 - 1013 lượt xem)