VỚI NGHĨA SINH TẾT MANG Ý NGHĨA GÌ?

 

VỚI NGHĨA SINH TẾT MANG

Ý NGHĨA GÌ?

 

TẾT NGUYÊN ĐÁN?

Theo Dương Lịch, năm mới bắt đầu ngày 1 tháng 1 năm 2009. Theo Âm Lịch, năm mới bắt đầu ngày vào ngày mồng một Tết, năm nay nhằm ngày 26-1-2009. Người mình thường hay nói “ăn Tết,” “chúc Tết,” hoặc “vào dịp Tết” và thường nghĩ rằng mỗi năm chỉ có một ngày Tết thôi. Thực ra, trong một năm có nhiều Tết, chẳng hạn như Tết Trung Thu, Tết Trùng Cửụ, Tết Nguyên Đán.

GIAO THỪA

Theo tục lệ xưa, một ngày trước Tết là 30 Tết, người ta làm “cơm cúng” gia tiên. Tối 30 Tết là chuẩn bị đón mừng Tổ Tiên về ăn Tết. Vào 12 gi đêm 30 Tết là đón Giao Thừa: tiễn năm cũ đi và đón năm mới về.

CHÚC TẾT

Sáng mồng một Tết, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên, “chúc Tết” ông bà, các bậc huynh trưởng, và “mừng Tuổi” nhaụ. Theo tục lệ xưa, ở Việt Nam ta mỗi năm chỉ có một ngày “birthday” - “sinh nhật” chung cho mọi người, đó là ngày Tết. Cứ năm mới tới, trẻ già lớn bé gì mỗi người đều được tăng lên một tuổi. Bởi vậy ngày mồng một Tết còn là ngày con cháu “chúc Thọ” ông bà và các bậc cao niên; còn người lớn thì "mừng tuổi" cho trẻ em. Ngày xưa trong ba ngày Tết, thân bằng quyến thuộc thường phải đi “chúc Tết” người trên và “mừng Tuổi” cho nhau. Ngày nay người ta thường gửi thiệp “Chúc Mừng Năm Mới” hay “Cung Chúc Tân Xuân” để thay thế cho tục lệ trên nếu như không phải là chỗ thân thiết lắm.

KIÊNG KỴ

Trong những ngày Tết, người ta tránh không nói những lời bất nhã hay làm những gì xấu vì nó mang đến những điều xui xẻo không may và làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của mình cả năm. Đầu năm mới, người ta cũng cố tránh chửi bới, giận dữ hay cãi cọ nhau và không để chén bát đồ đạc bị đổ vỡ để tránh những điều chẳng may đến cho gia đình mình. Có nhiều gia đình còn “kiêng” không quét nhà và đổ rác vì sợ bỏ mất những sự may mắn tốt lành tới nhà mình trong năm mới.

XÔNG ĐẤT

Ngày mồng một Tết là ngày đầu của một năm. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất là quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cả năm. Vì vậy cho nên cứ cuối một năm, người mình có thói quen đi tìm ai vui vẻ, đạo đức, thành công trong bà con hay láng giềng để nhờ sang thăm nhà trước. Tục này gọi là tục xông đất.

PHÁO TẾT

Đốt pháo cũng là một tập tục khó có thể thiếu rong ngày Tết Việt Nam. Để mừng Xuân, để xua đuổi ma quỷ hoặc sự buồn phiền của năm cũ, người ta đốt pháo vào đêm giao thừạ. Ngoài đêm giao thừa, sáng sớm mồng một Tết, gia chủ thường đốt pháo ở trước cửa nhà để mừng năm mới hay để đón chào người khách đầu tiên đến xông nhà. Còn khách đi xông nhà cũng mang theo một bánh pháo để đốt lên mừng năm mới.

TẾT NGHĨA SINH?

“Nguyên” là bắc đầu hay đầu tiên. “Đán” là buổi sớm mai. Nguyên Đán là ngày đầu tiên của một năm mới âm lịch, tức là ngày mồng Một của tháng Giêng. Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm của người Việt Nam nên người ta còn gọi là Tết Cả. Nhưng bên cạnh những tục lệ ngày xưa kể trên, Tết Nguyên Đán đối với anh chị em Nghĩa Sinh chúng ta còn mang một ý nghĩa nào quan trọng nữa không?

Tết là dịp để chúng ta nhìn về quá khứ với lòng TRI ÂN và nhìn về tương lai với niềm HY VỌNG. Tri ân vì chúng ta đã được sinh ra, được sống và được hạnh phúc lúc ăn, lúc nghỉ, lúc say sưa trong công việc, lúc hân hoan trong sinh hoạt với bạn bè thân thiết. Hy vọng vì những phiền muộn của quá khứ sẽ qua đi với thời gian và một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón chúng ta – những thành viên Nghĩa Sinh: những người có niềm vui trong việc thiện nghĩa và gặt hái được thành quả trong cuộc sống vì biết cải tiến bản thân trong mỗi ngày – biết “làm lành, lánh dữ.”

 

 

Nguyên Thao
(04/01/2009 - 668 lượt xem)