GP Đà Nẵng: 100 Nữ tu từ 23 tỉnh và thành phố về tham dự Thường huấn SPC Hè 2015 (do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh phụ trách)

 GP Đà Nẵng: 100 Nữ tu từ 23 tỉnh và thành phố về tham dự Thường huấn SPC Hè 2015 (do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh phụ trách)

Thường huấn SPC Hè 2015

Saint Paul de Chartres (SPC) là tên Dòng Thánh Phaolô thành Chartres được thành lập tại Việt Nam cách nay trên 150 năm. Thường huấn các nữ tu SPC đã được tổ chức hằng năm nhằm thỏa đáp nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng sống theo Tin Mừng và nghệ thuật phục vụ dân Chúa khắp nơi. Trong tinh thần đó, trên 100 Sœurs Dòng Thánh Phaolô đã về tham dự Khoá Thường huấn Hè 2015 được tổ chức tại tỉnh Dòng Đà Nẵng. Các Sœurs về tham dự thường huấn năm nay đến từ 57 cộng đoàn và 10 giáo điểm tại 7 Giáo phận trải dài trong 23 tỉnh và thành phố Việt Nam (như Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Pleiku, Qui Nhơn, Vinh, Bình Định, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Kontum, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên).

Phong cách Sống và Lãnh đạo theo Tin Mừng

Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, đã đặc biệt khuyến khích các giáo sĩ và tu sĩ nam nữ áp dụng Phong cách Sống và Lãnh đạo theo Tin Mừng. Chúa đến để chúng ta được sống và sống phong phú và dồi dào, sống theo Tin Mừng. Chúng ta phải nỗ lực đem Tin Mừng yêu thương đến cho những anh chị em khác qua phong cách lãnh đạo theo Tin Mừng, để những anh chị em ấy cũng được sống phong phú và dồi dào như chúng ta. “Tre già, măng mọc”, vì vậy chúng ta có bổn phận phải giúp thế hệ trẻ “sống theo Tin Mừng” và chuẩn bị cho họ đóng vai trò “lãnh đạo theo Tin Mừng” thay thế cho thế hệ của chúng ta. Thế hệ trẻ là tương lai còn lại của giáo xứ, giáo phận, giáo hội.

Phong cách Sống theo Tin Mừng

Học trình Thường huấn gồm 3 phần: 1) Kỹ năng Sống; 2) Nghệ thuật Lãnh đạo; 3) Hành trang Phục vụ. Riêng về môn Kỹ năng Sống, học trình bao gồm Kỹ năng Sống theo học trình Liên Hiệp Quốc (LHQ), Kỹ năng Sống theo học trình Tâm lý học (TLH), Kỹ năng Sống theo tinh thần Tân Phúc Âm (TPA). Bên cạnh các đề tài về đời sống chung như “Nghệ thuật Sống và Phục vụ trong Cộng đoàn”, “Phương cách Hướng dẫn và Khích lệ Cộng đoàn”, “Cảm xúc và Tình cảm trong Cộng đoàn”, “Phương cách Điều hành các Cuộc họp của Cộng đoàn”, chương trình thường huấn năm nay còn đề cập đến Kỹ năng Sống theo TPA/Tin Mừng mà cụ thể là Năm Điều Hướng đã được ân cần chia sẻ trong lớp và cổ vũ sống tha thứ cách tích cực trong các cộng đoàn như sau:

Như vậy, những bước đi thực tập kỹ năng sống theo TPA/Tin Mừng là (1) Hãy bắt đầu bằng những gì mà mình và người đã có những điểm giống nhau; (2) Nếu có bất đồng, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người để cảm thông và thấu hiểu; (3) Thiết lập sự hoà hợp tâm hồn giữa mình với người; (4) Tích cực trong việc hoà giải yêu thương; và (5) Kiên nhẫn cầu nguyện với ước muốn trở nên người đồng hành êm dịu.

Phong cách Lãnh đạo theo Tin Mừng

Tin Mừng là khiêm hạ và yêu thương: Ở đâu có khiêm hạ, ở đó có bác ái (Ubi humilitas, ibi caritas). Ở đâu có bác ái và yêu thương, ở đó có Thiên Chúa (Ubi caritas et amor, Deus ibi est). Vì vậy, người lãnh đạo theo Tin Mừng là người thể hiện những phong cách khiêm nhu như Đức Phanxicô đã làm gương: (1) Khiêm hạ là đức tính cao quý nhất trong các đức tính của người lãnh đạo vì nếu áp dụng trung thực, khiêm hạ tạo sức mạnh phi thường cho người lãnh đạo; (2) Phục vụ là quyền lực cao trọng nhất trong số các quyền lực vì người lãnh đạo dồn mọi nỗ lực vào việc giúp ích người khác, nhất là người nghèo khổ nhất, yếu đuối nhất, kém quan trong nhất trong xã hội; (3) Quyền lực của người lãnh đạo khiêm hạ nằm ngang hàng hay thấp hơn so với quyền lực của người mình phục vụ; (4) Biên giới của người lãnh đạo khiêm hạ và của người mình phục vụ phải là zero. Vì vậy người lãnh đạo phải tìm mọi cách để giảm thiểu những hàng rào ngăn cách người lãnh đạo và người được lãnh đạo; và (5) Bình đẳng là khi người lãnh đạo biết thoát mình ra khỏi vùng “an thân” để tiến vào vùng “dấn thân” - nơi đó sáng tạo được trân trọng, phước hạnh của mọi người được trân quý và vinh dự của người lãnh dạo khiêm hạ được nâng cao.

Được biết, Dòng Thánh Phaolô đã hiện diện tại Việt Nam trên 150 qua. Hội dòng đã và đang có những đóng góp lớn lao về giáo dục, xã hội, y tế và đặc biệt là thực hiện sứ vụ truyền giáo trong 4 Tỉnh dòng: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam hiện có trên 1.000 nữ tu, chiếm ¼ tổng số nữ tu của Hội dòng Thánh Phaolô trên toàn thế giới. Trong năm 2015, Tỉnh dòng SPC Đà Nẵng có 460 Soeurs, phục vụ tại 57 Cộng đoàn và 10 Giáo điểm trải dài trên 7 Giáo phận. Huynh Trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Trung Hiếu, Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xavier, đã được Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng mời về hướng dẫn khoá thường huấn năm nay.

- Cao Thị Khuê Các

-----------------------------------------------------------

Thông tin liên hệ:
[1] Dòng Thánh Phaolô Việt Nam
https://www.youtube.com/watch?v=wj5pxAN3tLo
[2] Hình ảnh Thường huấn Hè 2015
http://www.nghiasinh.org/?mode=pic_dsalbum&id_album=239
[3] Chương trình Thường huấn GS & TS
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/chuongtrinhthuonghuangiaosi&tusivietnam.pdf

 

Cao Thị Khuê Các
(15/09/2015 - 1542 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Cao Thị Khuê Các