Các Bề trên Phụ trách Cộng đoàn tham dự TH Kỹ năng LĐ Phục vụ do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách

Các Bề trên Phụ trách Cộng đoàn tham dự TH Kỹ năng Lãnh đạo Phục vụ do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách

 Mời xem hình:
http://www.nghiasinh.org/?mode=pic_dsalbum&id_album=220

Sau 7 ngày tĩnh tâm và bồi dưỡng đời sống tinh thần với khóa Linh Thao thường niên, trên 90 Soeurs Bề trên Phụ trách các cộng đoàn và giáo điểm thuộc Hội dòng Thánh Phaolô (Tỉnh dòng Đà Nẵng) đã tham dự Khóa Thường huấn Kỹ năng Lãnh đạo Phục vụ từ ngày 28 đến 31 tháng 1 năm 2015. Các Soeurs đến từ 18 tỉnh và thành phố Việt Nam như Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (giáo tỉnh Hà Nội) và các tỉnh Thừa Thiên, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Kon Tum, Nha Trang, Qui Nhơn (giáo tỉnh Huế).

Trong khóa thường huấn 2015, nhiều đề tài về lãnh đạo đã được trình bày và thảo luận trong đó có 5 đề tài sau đây:

·         Phong cách Lãnh đạo Kinh điển (Charismatic Leadership)

·         Phong cách Lãnh đạo Trao đổi (Transactional Leadership)

·         Phong cách Lãnh đạo Thăng hóa (Transformational Leadership)

·         Phong cách Lãnh đạo Liên minh (Coalitional Leadership)

·         Phong cách Lãnh đạo Phục vụ (Servant Leadership).

Bàn về Phong cách Lãnh đạo Phục vụ, các tham dự viên đã ghi nhận 10 đức tính căn bản của một người lãnh đạo phục vụ đã được Robert K. Greenleaf (1904-1990) chủ xướng và giải thích như sau:

1. Lắng Nghe

Người lãnh đạo phục vụ cần phải lắng nghe cấp dưới một cách tích cực và hỗ trợ cho cấp dưới trong việc nhận định và quyết định. Người lãnh đạo phục vụ cần phải chú ý đến những gì cấp dưới nói ra và những điều cấp dưới chưa nói ra. Điều này có nghĩa là dựa vào tiếng nói nội tâm của người lãnh đạo để lắng nghe và suy diễn ra những gì mà cấp dưới đang diễn tả bằng lời nói và cử chỉ với cấp trên -- qua truyền thông ngôn ngữ (verbal communication) và phi ngôn ngữ (nonverbal communication).

2. Thấu cảm

Người lãnh đạo phục vụ đối xử với cấp dưới như là những cộng sự viên bình đẳng và thân thiện. Cố gắng tìm hiểu họ bằng trí óc, nhưng quan trọng hơn là thấu cảm bằng trái tim của mình. Không chỉ xem cấp dưới là là nhân viên mà còn xem họ là những người đồng hành cần được tôn trọng và đánh giá cao cho những sở trường và tư cách cá nhân của họ. Kết quả là người lãnh đạo phục vụ dùng tình cảm để giúp cộng sự viên của mình phát triển nhân cách, ưu điểm, và sự sáng tạo.

3. Chữa lành

Một sức mạnh lớn lao của người lãnh đạo phục vụ là khả năng chữa lành chính mình và chữa lành những người khác. Người lãnh đạo phục vụ cố gắng giúp mọi người giải quyết các vấn đề và giải tỏa các xung đột trong các mối quan hệ. Điều này dẫn đến sự hình thành một nền văn hóa hoạt động và sống động, trong đó môi trường làm việc là năng động, vui vẻ, thoải mái và không sợ thất bại.

4. Nhận thức

Người lãnh đạo phục vụ cần nâng cao nhận thức chung và nhất là tự ý thức mình. Cần có khả năng xem xét các tình huống và lựa chọn phong cách lãnh đạo thức thời – vừa thích nghi với tình huống và vừa phù hợp với lòng người. Kết quả là người lãnh đạo và các cộng sự của mình có một sự hiểu biết tốt hơn về đạo đức và các giá trị của công việc đang và sẽ thực hiện.

5. Thuyết phục

Người lãnh đạo phục vụ không lợi dụng quyền lực và quy luật của mình bằng cách ép buộc người khác phải tuân thủ; thay vào đó, người lãnh đạo cố gắng thuyết phục những người dưới quyền mình như những người bạn đồng hành. Yếu tố này phân biệt phong cách lãnh đạo phục vụ rõ ràng nhất với các phong cách lãnh đạo độc tài và độc đoán.

6. Viễn kiến

Người lãnh đạo phục vụ nghĩ và nhìn xa hơn các thực tại thường ngày. Điều đó có nghĩa là người nầy có khả năng nhìn xa hơn các giới hạn hoạt động của tổ chức và tập trung vào các mục tiêu hoạt động dài hạn. Người lãnh đạo này xây dựng một tầm nhìn cá nhân có ý nghĩa và khả thi cho tổ chức của mình và chia sẻ tầm nhìn của mình với các cộng sự để đi đến sự đồng thuận và đồng hành trong công việc phục vụ lợi ích chung.

7. Tiên liệu

Tiên liệu là khả năng thấy trước kết quả có thể xảy ra của một tình hình. Nó cho phép người lãnh đạo phục vụ học hỏi từ quá khứ và có được một sự hiểu biết tốt hơn về thực tế hiện tại. Nó cũng cho phép người lãnh đạo phục vụ xác định các hệ quả về trong tương lai. Đặc tính này liên quan chặt chẽ đến sự khái niệm hóa – như số 6 ở trên.

8. Quản lý

Giám đốc điều hành, ban chấp hành và ủy viên quản trị của một tổ chức có nhiệm vụ duy trì tổ chức của họ sao cho hợp với công ích của xã hội. Vì vậy, sự lãnh đạo phục vụ được xem như là một nghĩa vụ để giúp đỡ và phục vụ người khác. Sự cởi mở và thuyết phục trong việc quản lý thì quan trọng hơn sự kiểm soát.

9. Phát triển con người

Người lãnh đạo phục vụ tin rằng mọi người đều có những giá trị nội tại vượt ra ngoài những đóng góp của họ với tư cách là nhân viên. Vì vậy, nhà lãnh đạo nên nuôi dưỡng sự tăng trưởng cá nhân, nghề nghiệp và tinh thần của nhân viên bằng cách khuyến khích cộng sự trau dồi thêm kiến thức và bồi dưỡng thêm kỹ năng, trả học phí cho nhân viên đi học thêm, tăng lương cho những người tốt nghiệp những kỹ năng mới. Người lãnh đạo phục vụ đón nhận các ý tưởng của nhân viên và cho phép các cộng sự tham gia trong các quyết định của tổ chức.

10. Xây dựng cộng đồng

Người nhà lãnh đạo phục vụ xác định các biện pháp để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và ý nghĩa trong tổ chức của mình. Hơn thế, người lãnh đạo phục vụ phải nhất tâm hướng dẫn tổ chức của mình biết lien kết với các tổ chức khác để tiến tới việc xây dựng một cộng đồng nhân loại và nhân ái.

Chương trình thường huấn năm nay đã được Thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu tận tâm hướng dẫn. Ngoài phần giảng huấn về kỹ năng lãnh đạo, Thầy Giuse còn chia sẻ những cảm nghiệm của thầy trong vai trò lãnh đạo các tổ chức công và tư, các đoàn thể tôn giáo, xã hội, y tế và giáo dục. Trước và sau mỗi giờ học, thầy còn tập hát những bài sinh hoạt ca sống động và ý nghĩa. Ngoài tập e-book về Trải nghiệm Lãnh đạo (The Leadership Experience) của Tiến sĩ Richard Daft tái bản năm 2015, Thầy Giuse còn gởi tặng cho mỗi học viên nhiều tập sách quý giá khác như:

·         27 tập sách về kỹ năng lãnh đạo (leadership skills)

·         18 tập sách về kỹ năng truyền thông (communication skills)

·         11 tập sách về kỹ năng phát triển nhân cách (personal development skills).

Được biết, Dòng thánh Phaolô đã hiện diện tại Việt Nam trên 150 qua. Hội dòng đã và đang có những đóng góp lớn lao về giáo dục, xã hội, y tế, và đặc biệt là thực hiện sứ vụ truyền giáo trong 3 tỉnh Dòng: Sàigòn, Cần Thơ và Đà Nẵng. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam hiện có hơn 1000 nữ tu, chiếm ¼ tổng số nữ tu của Hội dòng Thánh Phaolô trên toàn thế giới.

- Cao Thị Khuê Các

 

Cao Thị Khuê Các
(07/02/2015 - 1073 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Cao Thị Khuê Các