Quan niệm xưa và nay về phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”

 Quan niệm xưa và nay về phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”

Quan niệm ngày xưa

“Tiên học lễ, hậu học văn” là phương châm giáo dục phát xuất từ quan niệm sư phạm của các nhà Nho ngày xưa. "Lễ" là một phạm trù triết học đạo đức rất quan trọng của đức Khổng Tử:

“Cái gì không hợp lễ thì chớ nhìn.
Tiếng nào không hợp lễ thì chớ nghe.
Lời nào không hợp lễ thì chớ nói.
Việc nào không hợp lễ thì chớ làm.”

Cụ Nguyễn Du coi “lễ” như là quy tắc ứng xử của con người và Cụ Nguyễn Ðình Chiểu xem “lễ” là khuôn vàng thước ngọc được dùng để đo lường giá trị của con người.

Lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa, lễ nghi, lễ phục là những chuẩn mực đo lường con người. Lễ nghĩa đã ăn sâu vào trong lòng chúng ta từ lâu như là những giá trị văn hóa và đạo đức của người Việt.

Để hiểu được giá trị của phương châm giáo dục ấy, chúng ta cần hiểu rõ hai từ “lễ” và “văn” cùng những tương giao mật thiết giữa hai chức năng học thuật nầy.

“Lễ” là cách cư xử trong giao tiếp giữa người với người dựa trên những tiêu chuẩn xã hội và giá trị đạo đức của một ranh giới không gian và thời gian như tại Trung Hoa (không gian) ở Thế kỷ 16 (thời gian). Như vậy, trong giao tiếp, “lễ” là phải biết kính trên nhường dưới, biết đặt lợi ích riêng sau lợi ích chung.

“Văn” là chữ nghĩa, được hiểu là kiến thức và khả năng của con người trong một không gian và thời gian nào đó như tại Nhật Bản (không gian) ở Thế kỷ 21 (thời gian).

Trong việc giáo dục, “lễ” và “văn” đều cần thiết và không thể tách rời nhau. Nhưng xét về ưu tiên, các Nho gia ngày xưa chủ trương phải dạy lễ nghĩa cho học trò của mình trước rồi mới dạy văn chương, kiến thức sau vì lễ nghĩa là nền tảng của một xã hội có nhân bản, có văn hóa và văn minh.

Có lẽ ai trong chúng ta đã từng trải nghiệm trong cuộc sống cũng đồng quan niệm rằng một người có tài mà không có đức là phi nhân -- bị chê trách, không được trọng dụng.

Phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” là sự phối hợp giữa giáo dục đạo đức và truyền thụ tri thức, đề cao giáo dục đạo đức. Đây là nguyên tắc đào tạo ưu việt tổ tiên chúng ta đã thu thập, đúc kết nên thành khuôn khổ và lưu truyền lại cho con cháu.

Quan niệm ngày nay

Ngày nay, với đà văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta không còn dùng từ “lễ” và “văn” nữa. Thay vào đó, người ta đã dùng Kỹ năng mềm (Soft skills) để thay cho “lễ” -- là cách cư xử trong giao tiếp giữa người với người và Kỹ năng cứng (Hard skills) để thay cho “văn” -- là chữ nghĩa, kiến thức và kỹ năng con người có được.

 

Tầm quang trọng của “Lễ” (hay là Kỹ năng mềm)

Kỹ năng mềm (Soft skills) bao gồm nhân cách, lòng biết ơn, cách ăn nói, thói quen tốt, sự thân thiện, tinh thần phục vụ, v.v… kỹ năng mềm là một trong các yếu tố hàng đầu mà nhà tuyển dụng nhìn vào để tìm ra những ứng viên thực sự bên cạnh trình độ chuyên môn của họ.

·          “Lễ” 75% & “Văn” 25%

Theo kết quả cuộc nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Klaus vào năm 2010, một nhân viên thành công trong công việc của mình làm thì 75% là dựa vào kỹ năng mềm (“lễ”) và 25% là dựa vào kỹ năng cứng (“văn”).

·          “Lễ” 85% & “Văn” 15%

Theo kết quả cuộc nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Watts được ấn hành vào năm 2009, một nhân viên thành công trong công việc của mình làm thì 85% là dựa vào kỹ năng mềm (“lễ”) và 15% là dựa vào kỹ năng cứng (“văn”).

·          “Lễ” = quan trọng số 1

Theo kết quả cuộc nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Wilhelm được ấn hành vào năm 2004, kỹ năng mềm (“lễ”) là ưu tiên số 1 khi chủ nhân tuyển chọn nhân viên vào làm những việc làm mới và căn bản. Chủ nhân thường tuyển chọn những nhân viên có hạnh kiểm tốt, trưởng thành trong cách cư xử và dễ dàng thích nghi với môi trường xã hội.

Thay lời kết

Dù được gọi là “lễ” hay kỹ năng mềm, trong mọi thời đại, nhân cách -- lời ăn tiếng nói, cách cư xử hòa ái của một người đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của họ trong gia đình, ngoài xã hội, trong cộng đoàn hay cộng đồng cũng như trong sở làm. Như vậy, làm việc gì thì làm, trước hết phải biết lễ giáo.

- Paul Trần

Paul Trần
(23/12/2014 - 640 lượt xem)