Gương trợ giúp nhân đạo: Đức Quốc giúp dân Việt từ đại học tới tàu bệnh viện

 Gương trợ giúp nhân đạo: Đức Quốc giúp dân Việt từ đại học tới tàu bệnh viện

Vào tháng 8 năm 2014 tại thành phố Hamburg đã có buổi lễ kỷ niệm 35 năm con tàu Cap Anamur đầu tiên ra khơi, tại thành phố này cũng có bia tưởng niệm thuyền nhân, trong buổi lễ này có sự hiện diện của tiến sĩ Neudecker [sau thế chiến thứ hai là người ty nạn phải rời bỏ thành phố sinh ra và lớn lên (Gdansk bây giờ thuộc Ba Lan) để di cư qua Tây Đức], người sáng lập ra phòng trào "một con thuyền cho Việt Nam" (ein Ship fuer Vietnam) và chỉ trong một thời gian ngắn vài tuần là quyên được hàng triệu Đức Mã (đơn vị tiền tệ của Đức Quốc: Deutsche Mark), hồi đó chưa có đơn vị tiền tệ Euro, nhờ lòng hảo tâm của dân tộc Đức và thuê được con tàu Cap Anamur đầu tiên để ra khơi cứu giúp các người đang từ Việt Nam vượt biển tìm tự do. Bác sĩ Roesler một người gốc Việt, được nhận từ một viện mồ côi ở Việt Nam khi mới có vài tháng (1973), sau trở thành phó thủ tướng và bộ trưởng kinh tế cùng thuật lý của Đức Quốc (2011-2013) cũng hiện diện trong buổi lễ nầy.

---------o0o---------

Trong khoảng hơn một thập niên, khởi đầu từ 1960, quốc gia trợ giúp VNCH nhiều nhất trong tinh thần nhân đạo, vô vị lợi là Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc (Bundesrepublik Deutschland). Các viện trợ chú trọng nhiều vào giáo dục và y tế, âm thầm không nổi bật như nhân viên giảng huấn và học cụ cho các trung học kỹ thuật, có ảnh hưởng rộng lớn với kết quả mỹ mãn song có nhiều nét bi thảm là trợ giúp Đại Học Y Khoa thuộc Viện Đại Học Huế, giúp đỡ trầm lặng như tổ chức Làng Hòa Bình và được biết đến rất nhiều với Tàu Bệnh viện Helgoland.

Đại Học Y Khoa Huế thuộc Viện Đại Học Huế khai giảng khoá đầu tiên năm 1961; vào năm 1960 đại học Freiburg, một đại học có tiếng tại miền Tây Nam Đức Quốc nhận trợ giúp với nhân viên giảng huấn, tài liệu, dụng cụ, ngân khoản, trong chương trình viện trợ văn hóa giáo dục của chính phủ Đức Quốc. Freiburg (im Breisgau) là một thành phố thuộc tiểu bang Baden-Wrttemberg, với dân số 230,000, bên sông Dreisam, cạnh Hắc Lâm (Schwarzwald), thành phố có nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn học nghệ thuật, êm dịu, hiền lành và trí thức trong một vị trí rất đẹp với núi, rừng hòa nhịp trong thiên nhiên.

Giáo sư Horst-Guenter Krainick và phu nhân, bà Elizabetha Krainick một nhân viên điều dưỡng cao cấp, lãnh đạo phái đoàn giảng huấn, với sự phụ tá của giáo sư Raymund Disher; được biết đến rất nhiều với tài năng và đức độ nên đã thu hút thêm rất nhiều giảng sư như Bác sĩ Alois Altekoester, giảng viên, các bác sĩ đến phụ giúp đại học y khoa Huế. Bốn vị này đã bị thảm sát trong biến cố Tết Mậu Thân tại Huế vào đầu năm 1968. Năm 1991, các cựu nhân viên, các giáo sư, sinh viên của đại học y khoa Huế đến thành phố
Freiburg để dựng bia, đặt vòng hoa và làm lễ tưởng niệm các vị bác sĩ nhân từ đã quá cố này. Tưởng cũng nên ghi nhận là trong khoảng thời gian từ 1968 đến sau đó, bác sĩ Daniel Trương Dũng đã du học tại đại học Freiburg, hiện ông là một chuyên gia nổi tiếng quốc tế về bệnh Parkinson"s disease và cư ngụ tại Orange County, California, Hoa Kỳ.

Helgoland được hạ thủy năm 1963, chuyên chở du khách từ thành phố 
Cuxhaven (Hamburg) ra hòn đảo Helgoland ở Bắc Hải. Du khách ra đảo này để tránh sự ồn ào của đô thị và có thể nghỉ ngơi trong sự yên tĩnh với cảnh đẹp thiên nhiên của biển cả và núi rừng. Đây là một con tàu hạng trung sức tải là 3,000 tấn, với chiều dài 100 thước và chiều ngang 14 thước (nơi chỗ rộng nhất); vào năm 1966, sau khi được trang bị thành một tàu bệnh viện, với thủy thủ đoàn 30 người, tàu đã trải qua một hành trình dài 12,000 dặm (7,500 cây số), và cảng tới đầu tiên ở Việt Nam là Saigon. Helgoland có 150 giường cho bệnh nhân, 3 phòng mổ, có phòng hồi sinh sau giải phẫu (critical care unit), phòng cách ly (observation care unit), phòng chiếu điện (radiology), phòng khám răng (dental care), văn phòng cho dược sĩ và dược phẩm (pharmacy).

Luôn có khoảng 7-10 bác sĩ, 29-30 nhân viên y tá cùng điều dưỡng, 4 nhân viên phụ trách phòng thí nghiệm, 4 nhân viên hành chánh; dược phẩm, dược liệu, y cụ và máu được chuyển đều đặn bằng đường hàng không từ Đức Quốc sang. Tiêu chuẩn bệnh viện như được quy định cho một bệnh viện tân tiến tại Âu Châu.

Lúc đó trung bình là cứ 17,000 dân thì có một bác sĩ (dân số VNCH gần 17 triệu với khoảng 1100 bác sĩ, có 1,000 bác sĩ hành nghề, có một số không hành nghề đi vào chính trị hay làm việc khác hoặc hồi hưu).

Đến hải cảng Saigon vào tháng 9 năm 1966 và phục vụ tại đó hơn 10 tháng; sau đó tàu ra Đà Nẵng vào năm 1967 vì tình trạng tại miền địa đầu giới tuyến có nhu cầu y tế cao hơn (và tại miền Nam lúc đó chỉ có 2 hải cảng có thể tàu này cặp bến được là Saigon và Đà Nẵng), theo sự thoả thuận với chính phủ VNCH (và ngầm với phía cộng sản) tàu bệnh viện Helgoland chữa trị cho tất cả dân chúng (thường dân chứ không phải quân nhân), không hỏi lý lịch bệnh nhân và được coi như trung lập theo thoả ước Geneve về nhân đạo (Geneva International Convention).

Trong một cuộc pháo kích vào thành phố (Oct 70), một miểng đạn rơi vào cửa kính của thư viện trên tàu, sau đó đề phòng ngừa vào nhiều chiều tàu rời hải cảng ra vịnh để tránh pháo kích, buổi sáng lại cặp bến. Dân chúng gọi tàu Helgoland là "con tàu hy vọng" ("
Helgoland" the "(white) ship of hope.").

Được coi là một trong những bệnh viện tân tiến nhất tại miền
Nam, tàu là nơi có thể chữa trị tất cả chỉ trừ giải phẫu tim và giải phẫu óc. Các điều trị đều miễn phí. Tàu được trang bị để có thể tự túc được trong 4 tuần khi gặp trường hợp nguy cấp phải chạy ra khơi. Điều này được bàn thảo khi xảy ra biến cố Mậu Thân (Jan 1968) với sự chiếm đóng Huế của phía cộng sản trên một tháng và sát hại các giáo sư Y Khoa của đại học Freiburg đã ở lại đại học y khoa Huế và không di tản; và sau cùng chính phủ Đức Quốc quyết định cho tàu bệnh viện Helgoland ở lại như đã dự định từ lúc đầu (cho đến Dec 71). Khi chấm dứt nhiệm vụ khoảng cuối năm 1971, tàu Helgoland quay trở về Đức Quốc, đã chữa trị cho trên 11,000 bệnh nhân trên tàu.

Vì nhu cầu chẩn bệnh và chữa trị rất cao nên tàu có thiết lập chẩn y viện trên bờ tại nơi tàu đỗ để có thể khám bệnh, phát thuốc, chữa trị các trường hợp nhẹ (outpatient). Với các trường hợp nặng phải chữa trị hay giải phẫu trên tàu thì con tàu hoạt động ngày đêm, khi ở bến hay lúc chạy ra vịnh vào ban đêm để tránh pháo kích.

Các nhân viên bao gồm thuỷ thủ đoàn, y tá, điều dưỡng, các bác sĩ sau đó đã lập một hội thiện để tiếp tục trợ giúp y tế cho các trẻ em tại Việt nam. Khi rời Việt Nam vào Jan 1972, ông thị trưởng Đà Nẵng (1968-1972), đại tá Nguyễn Ngọc Khôi đã bày tỏ lòng tri ân của người dân Việt gửi đến dân tộc Đức điển hình qua việc gửi con tàu và trực tiếp qua việc điều trị cứu thương dân chúng tại Đà Nẵng và tất cả mọi người đến tàu xin trợ giúp về y tế.

Theo tin tức từ nhật báo Sarasota Herald Tribune số Jan 17, 1972:

- 11,100 cuộc giải phẫu, mỗi tháng trung bình 300 bệnh nhân cần phải mổ

- 157,500 bệnh nhân được điều trị tại chẩn y viện dưới bến, khám bệnh, phát thuốc, về nhà, tái khám (outpatient)

- Có nhiều bệnh nhân đến tàu bệnh viện Helgoland thì bệnh tình quá trầm trọng, mọi cứu chữa đều vô hiệu, con số thương vong cao nhất là 15 người (mỗi tháng)

- Theo thoả thuận dựa theo quy ước Geneve về cứu trợ y tế (Geneva Convention) tàu chữa trị cho thường dân, song có vài trường hợp khẩn cấp khi quá nặng, tàu cũng cứu chữa cho một vài quân nhân

- Tổng cộng có 266 nhân viên y tế phục vụ trên tàu từ khi cặp bến Saigon (Sept 66), sau đó ra Đà Nẵng (Oct 67 - Dec 71), mọi nhân viên tình nguyện phục vụ 6 tháng và có thể gia hạn một lần, tổng cộng là 1 năm, một số nhỏ xin về lại Đức Quốc khi chưa hết giao kèo

- Tàu bị trúng một miểng đạn vào cửa kính thư viện vào Oct 1970

- Một bệnh viện của Đức Quốc được thiết lập sau đó trên bờ (Knights of Malta) và tuyển dụng hầu hết các nhân viên y tế đã được huấn luyện và phục vụ trên tàu Helgoland (65)

- Đại tá thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi (1968-1972) đã tỏ lòng tri ân dân tộc Đức đã trợ giúp nhân đạo dân Việt quả việc gửi tàu Helgoland, ông nhấn mạnh "dân Việt sẽ mãi mãi ghi nhớ nghĩa cử này" (the mayor of Da Nang, colonel Nguyen Ngọc Khoi says" we will never forget the Helgoland, we will never forget what the German people have done for us")

Trải qua thế chiến, chịu những hệ lụy của chiến tranh với tan nát, khổ đau, chia lìa, mất mát, cộng thêm sự nhục nhằn của một dân tộc bại trận, người dân Đức Quốc đã cần cù chăm chỉ vươn lên, và sau 15 năm khi trở thành cường quốc kinh tế trong một quốc gia dân chủ tự do, đã thông cảm và hiểu rõ chúng ta đang trong chiến tranh, đã rộng lượng và quảng đại giúp đỡ, những giúp đỡ tại quê hương Việt Nam: nhân đạo (tàu bệnh viện Helgoland) và giáo dục (với những hậu quả bi thương tại Huế) và những trợ giúp cho sinh viên du học tại đại học Freiburg (cho giảng viên, giáo sư từ đại học y khoa Huế) và dành một số chỗ tại các đại học cho sinh viên du học đi từ VNCH, đó là những nghĩa cử mà dân tộc Việt sẽ ghi nhớ mãi mãi và tri ân dân tộc Đức.

Không ai có thể ngờ và đoán trước được là chưa tới 10 năm sau ngày tàu bệnh viện Helgoland (1972) về nước thì một đoàn tàu khác Cap Anamur (1979) lại ra khơi lần này không cặp bến song ở ngoài khơi của Việt Nam để vớt đồng bào vượt biên sau biến cố 30 tháng tư năm 1975. Hai con tàu định mệnh đều xuất phát từ Bắc Hải (Hamburg) và người dân Đức Quốc lại thêm một lần mở rộng vòng tay cứu giúp người dân ty nạn đến từ Việt Nam; cứu giúp khoảng trên 10,000 người đang lênh đênh trên biển Đông, giúp họ được định cư trên lãnh thổ của Đức Quốc, sau đó được xum họp với các thân nhân trong chương trình đoàn tụ gia đình.

Vào tháng 8 năm 2014 tại thành phố Hamburg đã có buổi lễ kỷ niệm 35 năm con tàu Cap Anamur đầu tiên ra khơi, tại thành phố này cũng có bia tưởng niệm thuyền nhân, trong buổi lễ này có sự hiện diện của tiến sĩ Neudecker [sau thế chiến thứ hai là người ty nạn phải rời bỏ thành phố sinh ra và lớn lên (Gdansk bây giờ thuộc Ba Lan) để di cư qua Tây Đức], người sáng lập ra phòng trào "một con thuyền cho Việt Nam" (ein Ship fuer Vietnam) và chỉ trong một thời gian ngắn vài tuần là quyên được hàng triệu Đức Mã (đơn vị tiền tệ của Đức Quốc: Deutsche Mark), hồi đó chưa có đơn vị tiền tệ Euro, nhờ lòng hảo tâm của dân tộc Đức và thuê được con tàu Cap Anamur đầu tiên để ra khơi cứu giúp các người đang từ Việt Nam vượt biển tìm tự do. Bác sĩ Roesler một người gốc Việt, được nhận từ một viện mồ côi ở Việt Nam khi mới có vài tháng (1973), sau trở thành phó thủ tướng và bộ trưởng kinh tế cùng thuật lý của Đức Quốc (2011-2013) cũng hiện diện trong buổi lễ nầy.

Xin cảm ơn Đức Quốc về gương sáng trợ giúp nhân đạo bất vụ lợi cho dân Việt và các dân tộc khác trên thế giới.

- Nguyễn Viết Kim


Nguyễn Viết Kim
(12/09/2014 - 543 lượt xem)