Vĩnh biệt Nelson Mandela (17/7/1918 – 5/12/2013)

Vĩnh biệt Nelson Mandela (17/7/1918 – 5/12/2013) !
******************

Đương kim Tổng thống Nam Phi, ông Zacob Zuma xúc động thông báo tin buồn trên truyền hình quốc gia vào lúc 21h57" ngày 5/12 (tức là vào 4h57" sáng ngày hôm nay theo giờ Hà Nội): "Hỡi những người anh em Nam Phi của tôi, Nelson Mandela yêu quý của chúng ta, vị tổng thống sáng lập nên nền dân chủ của chúng ta, đã ra đi. Ông qua đời bình yên trong vòng tay của gia đình vào lúc 20h50" ngày 5/12/2013. Ông đã yên nghỉ... Giờ đây Mandela đã yên nghỉ. Đất nước chúng ta vừa mất người con trai vĩ đại nhất. Nhân dân mất một người cha. Những điều khiến Mandela vĩ đại chính là những điều rất con người. Khi nhìn vào ông ấy, chúng ta thấy những thứ mà chúng ta tìm kiếm cho bản thân. 

 

Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ tới, chẳng điều gì có thể làm thuyên giảm nỗi mất mát sâu sắc của chúng ta. Cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì tự do đã khiến ông được thế giới kính trọng. Sự khiêm tốn, đam mê và nhân đạo của ông khiến ông được thế giới yêu mến".

 

Cựu Tổng thống Nam Phi, biểu tượng của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đã qua đời tại nhà riêng ở Houghton, thuộc khu vực ngoại ô thủ đô Johannesburg sau khoảng thời gian chống chọi với nhiều căn bệnh. Từ tháng 9 tới nay, ông Mandela phải nhập viện nhiều lần để điều trị chứng nhiễm trùng phổi tái phát. Và kể từ tháng 9 đến nay, ông liên tục phải điều trị bệnh ở nhà.

 

Nam Phi sẽ tổ chức quốc tang cho ông Mandela. Ông Zuma ra lệnh cả nước treo cờ rủ từ hôm nay tới khi quốc tang của vị anh hùng dân tộc kết thúc.

 

Cựu Tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela sinh ngày 17/7/1918 tại Mvezo, tỉnh Cape, Nam Phi. Mandela là con người huyền thoại, là biểu tượng của phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Ông đã từng phải ngồi tù 27 năm trước trong nhà tù đảo Robben. Khi được thả vào năm 1990, ông  dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da màu.

 

Ông làm tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999 và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc.

 

Với nỗ lực chống phân biệt chủng tộc của mình, ông Mandela đã khiến rất nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác tôn kính và ngưỡng mộ.

 

Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng Frederik Willem de Klerk, lãnh đạo Nam Phi da trắng từng ra lệnh thả ông. Bức ảnh khi Mandela giơ cao nắm tay khi được ra tù trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh kiên cường của ông chống phân biệt chủng tộc. Một trong những câu nói của ông Mandela khiến nhiều người cảm phục và yêu mến ông đó là "Những lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự tự do của dân tộc họ". 

 

Sau khi biết tin ông Mandela từ trần, rất nhiều các vị lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cựu Tổng thống, đồng thời thể hiện sự tiếc thương vô hạn trước mất mát lớn lao này. 

 

Ngày 6/12, AFP dẫn lời Tổng thống Obama cho biết “Bằng phẩm chất mãnh liệt và ý chí bất khuất sẵn sàng hi sinh tự do của chính mình để giành tự do cho những người khác, ông ấy đã biến đổi Nam Phi và làm tất cả chúng ta xúc động."

 

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ca ngợi ông Mandela là một “tượng đài công lý”, người đã khơi dậy cho các phong trào đấu tranh vì tự do trên toàn thế giới.

 

Bày tỏ về sự ra đi của ông Nelson Mandela, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã lên tiếng cho rằng“một ánh sáng vĩ đại đã vụt tắt”.

 

“Một ánh sáng vĩ đại đã vụt tắt. Nelson Mandela là nhân vật vĩ đại trong thời đại của chúng ta, một người anh hùng quốc tế thật sự. Được gặp gỡ ông ấy là vinh dự lớn lao cho cuộc đời tôi. Tôi xin chân thành chia buồn với gia đình ông và với toàn thể người dân Nam Phi”, Thủ tướng Anh phát biểu.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Tony Abbott chia sẻ rằng ông Nelson Mandela là “một con người vĩ đại”, còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì bày tỏ sự tiếc thương, ví ông Nelson Mandela là “người cha già của Nam Phi”. 

 

- Thông Tín Viên

Nguồn: kenh14.vn

 

Những nhận định đó đây về Nelson Mandela

Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên ở TP Hồ Chí Minh, cho BBC Tiếng Việt biết cảm xúc của ông về tấm gương Mandela:

"Mandela là một nhân vật vĩ đại của một phần thế kỷ trước và cả ở thế kỷ này."

"Ông là con người rất cách mạng, đấu tranh giải phóng người da đen ở Nam Phi nhưng cũng là một người rất nhân bản. Ông là người tôi cảm phục nhất trên thế giới này."

Cây bút Trần Bình Nam từ Hoa Kỳ cũng viết cho BBC:

"Ông Mandela chứng tỏ là một người có một tấm lòng khoan dung lớn và một cái nhìn rộng. Khi cầm quyền ông không biến 28 năm tù đày thành thù hận mà biến nó thành một tinh thần hòa giải, giúp mang lại sự ổn định quốc gia tránh một cuộc nội chiến chủng tộc và đóng góp không ít cho nền hòa bình thế giới."

Với Việt Nam, quốc gia có nhiều năm chiến tranh và chia cắt đất nước, tấm gương bao dung, hòa giải của ông Mandela đến nay vẫn còn giá trị.

Theo ông Nguyễn Công Khế:

"Khi bị đày ra đảo, ông Mandela buồn chứ không vui khi nghe tin về một vụ ám sát một kẻ thù chính trị...vì ông không đồng ý với cách ám sát hèn hạ như vậy. Vì ông là tấm gương lớn của một con người."

Mandela là một nhân vật vĩ đại của một phần thế kỷ trước và cả ở thế kỷ này.

Ông là người tôi cảm phục nhất trên thế giới này.

Ông là con người rất cách mạng, đấu tranh giải phóng người da đen ở Nam Phi nhưng cũng là một người rất nhân bản.

Sau thống nhất nếu Việt Nam đi theo tư tưởng đó thì đã có thể giải quyết những rạn nứt và hận thù dân tộc kéo dài.

Với nhiều bạn đọc của BBC Tiếng Việt trên trang Facebook, các ý kiến về ông càng cho thấy dư luận ngưỡng mộ ông không phải chỉ về sự nghiệp đấu tranh mà vì cả tinh thần hòa giải vì tự do và tôn trọng cựu thù.

Trên Facebook của BBC Tiếng Việt, bạn đọc Trà Mi viết:

"Một người vĩ đại chiến đấu vì hạnh phúc, hoà bình và tự do chân chính của loài người, chứ không vì lợi ích hay niềm tin của một nhóm cá nhân nào, cho đến suốt cuộc đời. Công sức và thành tựu của ông Mandela sẽ luôn được ghi nhớ và làm gương cho những nhà cách mạng hoà bình trong tương lai. Mong ông yên ngủ."

Nguyễn Sơn thì viết: "Tư tưởng 27 năm ở trong tù mới đúc kết được, học thuộc thì dễ chứ làm theo thì không dễ đâu."

Bạn Vắng Bến so sánh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng không theo kiểu cộng sản của ông Mandela:

"Một con người hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không cần chủ nghĩa cộng sản chỉ đường. Đây là cái may mắn lớn nhất cho người dân Nam Phi."

Cũng như vậy, Alvin Tango viết:

"Một con người giải phóng đích thực cho người dân Nam Phi. Một sự giải phóng hàng triệu người đều vui. Không phải thứ giải phóng mà triệu người vui trên máu của triệu người buồn."

Đây là ý nhắc lại câu của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975 khi "hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn".

Một bạn khác ký tên là Độc Phong thì viết:

"Người tù lương tâm trở thành lãnh tụ vĩ đại. VN có rất nhiều tù nhân lương tâm... hãy chờ đấy."

Dưới chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, ông Mandela, một luật sư nhân quyền đã bị xử tù vì tội danh "kích động lật đổ" và đi lại không có hộ chiếu.

Còn một bạn đọc Facebook khác là Hồ Quang A thì nhận xét ông Mandela với một lãnh tụ cách mạng Việt Nam:

"Một nhà cách mạng giải phóng dân tộc không độc tài như các nhà cách mạng khác. Ông hơn hẳn HCM khi không chơi trò chuyên chính."

Vẫn nhà báo Nguyễn Công Khế, người từng gặp Mandela ở Nam Phi cho rằng điều Việt Nam rất đáng học ở Nam Phi và ông Mandela là làm sao không để "hận thù kéo dài".

"Nếu như sau khi chúng ta thống nhất được Việt Nam và đi theo tư tưởng đó thì đã có thể giải quyết những rạn nứt và hận thù dân tộc kéo dài. Đó là điều người Việt Nam nên học ở Nam Phi và Mandela," ông nói với BBC qua điện thoại.

Hiện có vẻ như các báo chính thống ở Việt Nam không nhấn mạnh vào các ý tưởng tự do cho mọi công dân Nam Phi của ông Mandela mà nêu bật giai đoạn chống apartheid của ông.

Chẳng hạn tựa đề trên Quân đội Nhân dân đăng bài của Thông tấn xã Việt Nam viết: "Nelson Mandela - biểu tượng chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc".

Bài báo ở Việt Nam cũng không nhắc đến vai trò của Tổng thống Nelson Mandela trong việc trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất cho người da đen sau khi chủ nghĩa apartheid chấm dứt.

- Thông Tín Viên

Nguồn: BBC

 

 

Thông Tín Viên
(06/12/2013 - 10731 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Thông Tín Viên
174 - VietJetAir bị phạt vì (08/08/2012 - 18868 lượt xem)