Bão số 10 ập vào miền Trung: hàng chục ngàn dân phải sơ tán và hàng trăm ngàn nhà bị phá hủy

Bão số 10 ập vào miền Trung: hàng chục ngàn dân phải sơ tán và hàng trăm ngàn nhà bị phá hủy

 

Hàng chục ngàn dân ở miền Trung Việt Nam được lệnh sơ tán trước cơn bão số 10 tức bão Wutip.

Cơ quan dự báo thời tiết cho biết bão số 10 với sức gió trên 140 cây số/giờ sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung trong ngày hôm nay 30/9.

Giới hữu trách Việt Nam cho hay hơn 8.000 cư dân tỉnh Quảng Trị tối 29/9 đã được sơ tán tới nơi an toàn và 35.000 người khác sinh sống tại các khu vực bị lũ lụt, đất chuồi, và lũ quét đe dọa cũng được lệnh dời đi nơi khác.

Tổng cộng có hơn 140.000 cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung đã có lịch sơ tán hôm nay.  
 
Từ Thừa Thiên-Huế tới Hà Tĩnh  đã chuẩn bị các phương án đối phó với bão số 10. Trường học bị đóng cửa, thuyền bè được lệnh vào bờ tránh bão.

Trước khi đổ vào Việt Nam, cơn bão đã nhận chìm 3 tàu cá của Trung Quốc ở Hoàng Sa, khiến ít nhất 75 ngư dân mất tích.

Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất đánh vào Việt Nam trong mùa này.

Tính tới nay, bão nhiệt đới dữ dội nhất ở Châu Á trong năm là bão Usagi đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 33 người ở Philippines và Trung Quốc trước đây trong tháng.

Việt Nam thường xuyên hứng chịu bão lũ, với hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu đôla thiệt hại về kinh tế mỗi năm.

Cập nhật: Hai đập ở Thanh Hóa bị vỡ vào rạng sáng 1/10 do mưa lớn suốt đêm trước đó, khiến Quốc lộ 1A và hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Tĩnh Gia chìm trong nước

Hai hồ đập lớn nhất huyện Tĩnh Gia, hồ Đồng Đáng thuộc xã Trường Lâm và hồ Khe Luồng, xã Tân Trường có dung tích chứa hơn 600 nghìn mét khối nước bị vỡ, kết hợp với mưa lớn 550mm đã khiến hơn 1.000 hộ dân bị cô lập, báo trong nước dẫn nguồn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Theo Người Lao Động, tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Tĩnh Gia đang bị ngập rất nặng hoặc ngập toàn bộ và công an tỉnh đã phải huy động lực lượng để chốt chặn, hướng dẫn phương tiện giao thông chuyển hướng sang đường mòn Hồ Chí Minh.

Hiện, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng trăm người và hàng chục xuồng máy để tiếp tế lương thực cho các hộ dân đang bị cô lập, Người Lao Động cho biết thêm.

Người Lao Động cũng nhận định mực nước tại đây có nơi trên 0,5 mét, trong khi có báo nói mực nước lên tới trên 1 mét.

Cùng lúc này, tại Nghệ An, chính quyền đã cho xả nước lũ từ hồ Vực Mấu do mưa lớn kéo trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.

Tờ Dân Trí cho biết hàng trăm hộ dân ở nhiều xã thuộc huyền Quỳnh Lưu ngập trong nước sâu từ 1-3 mét, có nơi ngập tới 4 mét do xả lũ. Ít nhất ba người đã bị thương.

Cùng ngày 1/10, hãng thông tấn AFP ước tính ít nhất ba người đã thiệt mạng và 26 người bị thương kể từ khi bão Wutip tiến vào khu vực miền Trung Việt Nam.

Khoảng 250 nghìn ngôi nhà đã bị hư hại và hàng chục nghìn héc ta lúa bị ngập nước sau khi cơn bão với vận tốc gió mạnh nhất lên đến 103 km/h tiến vào đất liền hôm 30/9, truyền thông chính phủ cho biết.

Tại Trung Quốc, tàu chiến và máy bay đã được triển khai để tìm kiếm người sống sót sau khi ba tàu cá nước này bị cơn bão nhấn chìm ở gần khu vực Quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển phía nam Trung Quốc khoảng 330 km.

Hơn 70 người bị cho là đã mất tích, Tân Hoa xã đưa tin.

Vào thứ Ba 1/10 cơn bão đã suy yếu và trở thành áp thấp nhiệt đới trước khi tiến sang Lào, AFP dẫn lời các chuyên gia khí tượng Việt Nam cho biết.

Thiệt hại nặng

Tại tỉnh Quảng Bình, hai người đã thiệt mạng sau khi gió mạnh khiến cột ăng-ten của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đồng Hới bị sập. Một người thứ ba bị đứt lìa tay và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Cũng tại Quảng Bình, một thiếu niên 14 tuổi đã thiệt mạng sau khi bị rơi xuống từ mái nhà.

Nhiều nơi đã rơi vào tình trang mất điện, tuy nhiên vào ngày 1/10, thông cáo của Tập đoàn Điện lực nói đã khôi phục xong các đoạn đường dây 220 kV bị sự cố trong vùng bão.

Gió lớn khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái và nhiều cây bị bật rễ, trong lúc mưa lớn khiến nhiều ngôi làng và cây trồng bị ngập nước.

Tại Quảng Bình, nơi được cho là tâm bão, 26 ngôi nhà đã bị sập và gần 90 nghìn nhà bị tốc mái, trong đó có 3 trường học và một bệnh viện, VnExpress dẫn báo cáo địa phương cho biết.

Hơn 70 nghìn người đã được di tản khỏi khu vực ven biển trước khi cơn bão đổ bộ.

Giới chuyên gia đã cảnh báo mưa lớn sau cơn bão có thể gây ngập lụt và lỡ đất ở một số khu vực, trong đó có cả những điểm du lịch như Phố cổ Hội an, hay Cố đô Huế.

Báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát, cho rằng cơn bão lần này có cường độ và sức tàn phá "10 năm qua chưa có".

Việt Nam phải hứng chịu trung bình từ 8-10 cơn bão nhiệt đới một năm, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

- Thông Tín Viên

Nguồn: BBC, VOA, the Guardian & Reuters

 

 

 

Thông Tín Viên
(01/10/2013 - 10361 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Thông Tín Viên
174 - VietJetAir bị phạt vì (08/08/2012 - 18868 lượt xem)