Gương 40 năm phục vụ của một cựu Nghĩa Sinh ở Tây Nguyên

Gương 40 năm phục vụ của một cựu Nghĩa Sinh ở Tây Nguyên

 

Mời bấm vào đây để xem hình:

http://nghiasinh.org/?mode=pic_dsalbum&id_album=157

 

 

Ai phục vụ ai ?

 

Người âm thầm đi phục vụ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong 40 năm qua là cựu Nghĩa Sinh Nguyễn Đức Tiếng. Anh hoạt động xã hội thiện nguyện trong đơn vị của cựu Trưởng Dư Quang Nam. Anh đã thao thao bất tuyệt kể lại những kỷ niệm của một thời khoác chiếc áo xanh NS, chào tay trái [tim] và sinh hoạt trong TÂM Nghĩa Sinh. Anh kể tên những người bạn cũ đã từng hoạt động chung với anh như Phan Bích Ngọc, Ngũ Phùng Vân, Đỗ Hà … Anh nói: Anh được như ngày nay là nhờ Nghĩa Sinh. “Nghĩa Sinh đã giới thiệu em vào con đường phục vụ tha nhân và em đã say sưa phục vụ người khác – nhất là người kém may mắn hơn em – là nhờ Nghĩa Sinh đã vun tưới hạt giống phục vụ đó ngay từ thuở ban đầu … Em luôn luôn tri ân Nghĩa Sinh !”

 

Theo tiếng gọi yêu thương, Nghĩa Sinh Nguyễn Đức Tiếng đã từ Sàigòn lên Tây Nguyên giúp người dân tộc thiểu số với tinh thần Nghĩa Sinh và với sứ vụ của một tu sĩ tận hiến của Tu hội Dòng Tiểu Đệ. Ngoài bổn phận hướng dẫn một đội ngũ kỹ thuật với nhiệm vụ bảo trì các cơ sở từ thiện, bác ái, giáo dục và tôn giáo của giáo phận, Thầy Tiếng đã dấn thân trong công tác giúp đỡ các bệnh nhân phong cùi, hướng dẫn một số thanh thiếu niên miền Tây Nguyên. Ưu tiên cho những thanh thiếu niên “nghèo nhất” và “học giở nhất,” Thầy đã tìm cách đưa các em về thành phố để học nghề, để tự mưu sinh, để giúp gia đình … Nghĩa Sinh Nguyễn Đức Tiếng đã ôm choàng lấy tôi như hai anh em ruột thịt -- rất thương mến nhau nhưng đã phải xa nhau lâu không được gặp -- với nhịp đập yêu thương của trái tim anh và đôi môi liên tục ca ngợi Nghĩa Sinh. Thầy Tiếng nói: “Không có Nghĩa Sinh thì không có em như ngày hôm nay !”

 

Phục vụ thế nào ?

 

Phục vụ có nhiều cách thế: (1) Phục vụ là làm tròn bổn phận với người trao công tác cho mình; (2) Phục vụ là lấy công sức của mình để giúp ích cho kẻ khác; (3) Phục vụ là nâng đỡ những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình và cần đến sự giúp đỡ của ta trong lúc nguy khó, bệnh tật; và (4) phục vụ trong tinh thần “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.” Theo Mẹ Têrêxa, điều quan trọng của phục vụ không phải là “những con tàu chở đầy ắp những tặng vật cứu trợ mà là con tim đầy tràn tình thương.” Mẹ chỉ xin người đi phục con tim để yêu thương và đôi tay để phục vụ. Mẹ thường nói: “Cơn bệnh nguy hiểm đang hành hạ nhân loại không phải là bệnh lao, bệnh cùi, ung thư … nhưng là bệnh thiếu tình thương, thiếu quảng đại nhân ái.”

 

Người viết được lưu lại nơi Thầy Tiếng đã phục vụ trong nhiều ngày và được hưởng “lây” hương thơm phục vụ của Thầy. Tinh thần phục vụ và bàn tay phục vụ của Thầy đã thể hiện như ‎‎‎ý tưởng của Mẹ Terêxa: Mẹ chỉ xin Thầy con tim để yêu thương và đôi tay để phục vụ và Thầy Tiếng đã trọn vẹn đáp ứng. Thầy vui biết điều kiện phục vụ Mẹ Terêxa đặt ra không phải là “những con tàu chở đầy ắp những tặng vật cứu trợ mà là con tim đầy tràn tình thương.”  Là một tu sĩ, Thầy Tiếng sống đời sống khó nghèo, đơn giản, khiêm hạ. Thầy hăng hái lên đường phục vụ với con tim để yêu thương và đôi tay để phục vụ. Chỉ có thế mà bao nhiêu thanh thiếu niên Tây Nguyên kém may mắn đã có cơ hội “Tự giác, Tự giải & Tự giúp” -- những giá trị được thể hiện trên huy hiệu Nghĩa Sinh trong 50 năm qua (1963-2013). 

 

- Thắng Hưng

Những ngày ở Tây Nguyên (7-2013)

 

 

 

 

Thắng Hưng
(05/07/2013 - 9549 lượt xem)