Tương quan giữa Giáo Hội và Nhà nước tại Việt Nam

Tương quan giữa Giáo Hội và Nhà nước tại Việt Nam

Mời bấm vào link sau đây để đọc toàn bài viết:
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/tuongquangiuagiaohoivanhanuoctaivietnam.pdf 

Kitô giáo tự bản chất là một tôn giáo nhập thể và nhập thế. Theo giáo huấn của Đức Kitô, Giáo Hội không thể đứng bên lề lịch sử hay ngoài trần gian, mà cũng chẳng có thể đồng hoá với bất cứ một chế độ chính trị, một hệ thống kinh tế hay một nền văn hoá nào. Nhưng suốt dọc hơn 2000 năm lịch sử, Kitô giáo đã giới thiệu nhiều cách thể sống, hình thức diễn tả và mô hình Giáo Hội khác nhau. Có thể nói mỗi mô hình là một cố gắng cụ thể của người tín hữu để thể hiện chương trình của Thiên Chúa, trong những bối cảnh văn hoá, chính trị, xã hội kinh tế nhất định nào đó. Từ các mô hình này sẽ nẩy sinh những khác biệt trong lĩnh vục thần học và mục vụ, cũng như cơ cấu tổ chức và tương quan với xã hội trần thế.

Những dòng dưới đây là một vài nét sơ thảo về mối tương quan giữa Giáo Hội Công giáo và Nhà nước tại Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đến nay.

I. Giáo Hội mở cửa ra thế giới 
Chủ trương “canh tân và thích nghi” nói chung và đường hướng đối thoại với thời đại nói riêng đã khai mở một giai đoạn mới trong tương quan giữa Giáo hội Công giáo với thực tại trần thế. Tất cả được khơi nguồn nhờ một con người đặc biệt: Đức Chân phước Gioan XXIII. Sau triều đại dài của Đức Piô XII, một số người nghĩ rằng Đức Gioan XXIII sẽ chỉ là một giáo chủ “tạm thời” và không gây nhiều chuyện cho giáo triều. Nào ngờ ngày 25-1-1959, nghĩa là chỉ gần 90 ngày sau khi đảm nhận trọng trách kế vị Thánh Phêrô, vị “giáo chủ chuyển tiếp 78 tuổi” này đã bất ngờ công bố một quyết định quan trọng: triệu tập Công đồng Vatican II. Quyết định này gây ngạc nhiên cho rất nhiều người, đặc biệt là hồng y đoàn.[1]

Bất chấp mọi chướng ngại vật. Đức Gioan XXIII luôn lạc quan và tin tưởng, nhất quyết thực hiện công cuộc canh tân và cải tổ Giáo Hội. Trong bài giảng ngày khai mạc sứ vụ, ngài đã bộc lộ “quyết tâm đảm nhận một cách nghiêm chỉnh sứ vụ giám mục Roma, giám mục của một Giáo Hội địa phương, anh em của tất cả giám mục hoàn vũ”. Ngài ý thức sâu xa là Giáo Hội lúc đó quá xa lạ với con người và thế giới hiện đại. Nhiều dân tộc và nhiều vùng văn hoá đang ở ngoài tầm nhìn cũng như tầm ngắm của giáo triều. Ngài đặc biệt quan tâm đến các Giáo Hội và các tôn giáo ngoài Công giáo, các nước đang phát triển, cũng như các nước cựu thuộc địa.

Trong diễn văn khai mạc Công đồng ngày 11-10-1962, ngài yêu cầu các Kitô hữu cần can đảm và sáng suốt khám phá sự hiện diện nhiệm mầu của Đấng Quan Phòng giữa những thăng trầm và biến đổi của xã hội nhân loại. Theo ngài, nếu trong quá khứ, Giáo Hội không ngừng chống lại những sai lầm và “đã thường xuyên khắt khe kết án chúng. Hôm nay, Hiền Thê của Đức Kitô thích sử dụng phương thuốc của lòng từ bi nhân hậu hơn là biện pháp hà khắc. Giáo Hội nghĩ rằng sẽ trả lời tốt hơn cho những những nhu cầu của thời đại bằng cách làm sáng tỏ các giá trị phong phú nơi đạo lý của mình hơn là kết án”.[2]

Khi bế mạc khoá I của Công đồng, ngài đã long trọng lặp lại một lần nữa ước vọng thâm sâu của ngài: “Công đồng sẽ đích thực là “Lễ Hiện Xuống mới”, làm cho Giáo Hội được triển nở trong nguồn năng lực nội tại và mở rộng ra tất cả mọi lĩnh vục của hoạt động nhân loại”.[3]

Ngày 11-4-1963, Đức Gioan XXIII công bố thông điệp “Hoà bình trên Trái đất”. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi đến các giám mục và người Công giáo, mà còn gửi đến tất cả “những người thành tâm thiện chí”, trong một thế giới đa văn hoá và đa tôn giáo. Thông điệp mở đầu với xác tín tâm linh: “Hoà bình trên thế giới, ước nguyện thâm sâu của tất cả nhân loại trải dài qua đời lịch sử, chỉ có thể thiết lập và củng cố khi người ta nghiêm chỉnh tôn trọng trật tự thiết định bởi Thiên Chúa”.[4]

Ở giai đoạn chiến tranh lạnh đó, người ta vẫn nghĩ rằng “hoà bình chỉ có thể thực hiện được dựa trên sự quân bình về vũ trang”. Đối với thông điệp, chính cái “logic chạy đua vũ trang” sẽ đẩy nhân loại vào ngõ cụt “đau thương tàn khốc”. Vì vậy, Đức Gioan XXIII kêu gọi nhân loại “khẩn cấp ngưng các cuộc chạy đua vũ trang, và các nước hiện đang sở hữu vũ khí cần giải trừ binh bị và huỷ bỏ vũ khí nguyên tử”.[5] Nhưng nhân loại chỉ thực sự giải trừ vũ khí này, khi thực hiện được “cuộc giải giới toàn diện, nghĩa là một cuộc giải giới trong tâm hồn”. Nói rõ hơn cần thay thế quan niệm về “xây dựng hoà bình dựa trên sự quân bình vũ khí để xây dựng hoà bình dựa trên lòng tin tưởng lẫn nhau”.[6]

Mối tương quan giữa người Công giáo với những người thuộc các ý thức hệ và các tôn giáo khác cũng được cải thiện một cách đặc biệt nhờ thái độ ngôn sứ của Đức Gioan XXIII. Thông điệp “Hoà bình trên Trái đất” đề nghị chấm dứt “giai đoạn đối đầu, thù hận” để khai mở cuộc đối thoại giữa Công giáo với Cộng sản. Nơi thông điệp, chúng ta tìm gặp hai biện phân quan trọng về lý thuyết, mang tính khai mở và định hướng cho hoạt động chính trị - xã hội của người Công giáo:

Nguyên tắc thứ nhất, đòi hỏi phải biện phân sáng suốt “giữa sai lầm với người sai lầm (…). Bởi vì, mặc dù sai lầm, con người không phải vì thế bị tước bỏ điều kiện làm người, và cũng chẳng bao giờ tự động bị tước mất phẩm giá con người”.[7]

Nguyên tắc thứ hai là biện phân sáng suốt giữa lý thuyết triết học với các trào lưu lịch sử trong lĩnh vục chính trị - xã hội. Thông điệp viết: “Cũng rất cần thiết phân biệt giữa các lý thuyết triết học sai lầm về bản tính, nguồn gốc, cùng đích của thế giới và con người với những trào lưu kinh tế và xã hội, văn hoá hoặc chính trị, mặc dù các trào lưu này bắt nguồn và gợi hứng từ các lý thuyết triết học nói trên.

Một học thuyết khi đã được kiến tạo và xác định thì không còn thay đổi nữa. Trái lại, các trào lưu nói trên, vì phát triển giữa những điều kiện đổi thay, do đó đương nhiên lệ thuộc vào sự biến thiên không ngừng. Ngoài ra, ai có thể phủ nhận rằng trong mức độ mà các trào lưu này cố gắng thích ứng với tiếng nói của lý trí và phản ánh một cách trung thực nguyện vọng chính đáng của con người, có thể chứa đựng những yếu tố tích cực đáng được chấp nhận?”[8]

Công đồng Vatican II cố gắng thể hiện đường hướng đối thoại này qua hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay”. Dưới ánh sáng Tin Mừng, Công đồng đặc biệt tìm hiểu “thuyết vô thần” và coi đó là “một trong những sự kiện quan trọng nhất ở thời đại chúng ta”. Theo Công đồng, “vô thần hiện đại” là một hiện tượng phức tạp và đa dạng: “Có người minh nhiên phủ nhận Thiên Chúa, có người lại nghĩ rằng con người không thể quả quyết gì về Thiên Chúa. Một số người khác trình bày vấn đề Thiên Chúa theo cách thức làm cho nó như mất hẳn ý nghĩa. Nhiều người đã vượt quá giới hạn khoa học thực nghiệm để chủ trương rằng chỉ duy lý luận khoa học giải thích tất cả, hoặc trái lại, cho rằng không có chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi làm cho niềm tin nơi con người trở nên vô nghĩa, hình như họ muốn đề cao con người hơn là chối từ Thiên Chúa. Một số khác tự vẽ lên một hình ảnh về Thiên Chúa, để rồi Đấng mà họ bác bỏ chẳng liên hệ gì với Thiên Chúa của Tin Mừng… Chủ nghĩa vô thần nói chung không phát sinh do một nguyên nhân duy nhất, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến phản kháng chống lại các tôn giáo, và đặc biệt ở một vài nơi, phê phán chính Kitô giáo. Vì thế, các tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi sao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội”.[9]

Khi phân tích vô thần có hệ thống, Công đồng đặc biệt để ý đến Chủ nghĩa Cộng sản: “Trong số những hình thức vô thần hiện nay, người ta không thế bỏ qua hình thức vô thần nhằm giải phóng con người, nhất là về phương diện kinh tế và xã hội. Hình thức vô thần này cho rằng tôn giáo, tự bản chất, cản trở công cuộc giải phóng nói trên, bởi vì khi hướng tâm trí con người về niềm hy vọng ở cuộc sống vị lai và hão huyền, tôn giáo đã làm cho họ xao lãng việc xây dựng xã hội trần thế. Do đó, khi những người chủ trương lý thuyết vô thần này nắm quyền, họ sẽ kịch liệt chống lại tôn giáo, sử dụng tất cả mọi thứ áp lực của công quyền, đặc biệt trong lĩnh vục giáo dục thanh thiếu niên, để truyền bá lý thuyết vô thần.”[10]

Trung thành với Thiên Chúa cũng như với con người, Công đồng không thể không tiếp tục lên án chủ nghĩa vô thần với tất cả sự cương quyết, như đã từng lên án trước đây.[11] Nhưng đồng thời Công đồng tha thiết kêu mời mọi người, có tín ngưỡng hay vô thần, phải cộng tác với nhau để xây dựng một thế giới tiến bộ và nhân bản hơn. Đặc biệt, đối với các tín hữu, Công đồng nhắc lại rằng cần phải “tôn trọng và yêu thương ngay cả những người không cùng cảm nghĩ hoặc đường hướng hành động với chúng ta trong lĩnh vục xã hội, chính trị hay tôn giáo nữa. Thực vậy, càng cố gắng tìm hiểu cảm nghĩ của họ với nhân ái và yêu thương, chúng ta càng dễ dàng để thiết lập một cuộc đối thoại với họ”.[12]

Sau khi lặp lại biện phân lịch sử của Đức Gioan XXIII và áp dụng vào các trào lưu lịch sử nói chung và trào lưu xã hội nói riêng. Đức Phaolô VI yêu cầu các Kitô hữu cần có một nhận định sáng suốt, bởi vì dưới danh xưng trào lưu xã hội chứa đựng nhiều phong trào và mô hình xã hội rất khác biệt. Chủ nghĩa Mác là một trong các dạng thức của phong trào xã hội và ngay trong lòng chủ nghĩa Mác cũng có nhiều khuynh hướng hay phe nhóm khác nhau. Trên thực tế, có người coi chủ nghĩa Mác là một chủ trương triệt để đấu tranh giai cấp; có người lại nhìn nó như một hình thức “dân chủ tập trung”, dưới quyền lãnh đạo của một Đảng duy nhất; một số người đề cao chủ nghĩa Mác như một phương pháp phân tích xã hội có khả năng đưa ra một phê phán có tính khoa học về thực trạng xã hội; nhiều người khác lại quan niệm chủ nghĩa Mác như một ý thức hệ vô thần, xây dựng trên chủ nghĩa duy vật lịch sử và phủ nhận mọi chiều kích siêu việt.

Vào giai đoạn đó, một số người Công giáo dấn thân trong lĩnh vực xã hội thường đề cao giá trị phân tích của chủ nghĩa Mác và cho rằng có thể tách rời phương pháp phân tích xã hội này khỏi những yếu tố cấu trúc khác, như quan niệm về con người, chủ trương vô thần, đấu tranh giai cấp… Đức Phaolô VI sáng suốt cảnh báo: “Nếu trong chủ nghĩa Mác hiện thực có thể phân biệt các chiều kích khác nhau đó, những chiều kích đang đặt ra cho các Kitô hữu nhiều nghi vấn để suy nghĩ và hành động, thì quả là ảo tưởng và nguy hiểm lãng quên mối tương quan chặt chẽ nối kết chung với nhau.”[13]

Nói chung, cuộc canh tân và thích nghi của Vatican II đã khai mở một mùa xuân cho Giáo hội Công giáo, đồng thời đã tháo gỡ nhiều rào cản trong hoạt động chung giữa người Công giáo với những người thuộc các tôn giáo và ý thức hệ khác. Giáo hội Công giáo tích cực dấn thân vào con đuờng phục vụ vừa mang tính Tin Mừng, vừa thấm đượm tình người. Ngoại trừ một số nhỏ Giáo Hội địa phương vẫn luyến tiếc cơ chế cũ, đại đa số các Giáo Hội đã hăng hái dấn thân xây dựng một thế giới công bằng, phát triển, nhân ái và an hoà hơn.

Đây cũng cũng là giai đoạn năng động và nhiều sáng kiến nhất trong lĩnh vục tư tưởng, với nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, toạ đàm, hội nghị giữa Công giáo với Cộng sản.[14] Những cuộc đối thoại này như thổi thêm sinh khí vào một số hoạt động chung nhằm kiến tạo hoà bình và tranh đấu cho công bằng xã hội vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70. Nhưng chẳng bao lâu những khó khăn ập tới và niềm lạc quan ban đầu giảm dần theo năm tháng. Theo nhiều chuyên viên, để cuộc đối thoại này thực sự triển nở, cần thiết một “canh tân và thích nghi” khác trong lòng các phong trào Cộng sản thế giới. Cho dù đã chuyển từ một “stalinisme cứng rắn” sang một “stalinisme ôn hoà”, các đảng Cộng sản cầm quyền ở giai đoạn đó vẫn quá giáo điều, độc tài, khép kín. Chính vì vậy, những cuộc đối thoại nói trên cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu, vì chỉ là những trao đổi bên lề giữa các trí thức Công giáo cấp tiến với các trí thức tân mácxít hay mácxít phi truyền thống.

II. Biến chuyển về nhận thức nơi người Công giáo Việt Nam 
Do vòng xoáy của lịch sử và điều kiện nghiệt ngã của thời cuộc, nhiều lần trong quá khứ mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà nước ở Việt Nam đã rơi vào tình trạng bế tắc, căng thẳng, xung đột, bạo động… Đôi lúc, người Công giáo Việt Nam hầu như không còn cơ hội để chọn cái tốt hơn, mà đành phải chọn cái ít xấu hơn giữa những giải pháp nghiệt ngã. Có những lần hoàn cảnh cũng không cho phép người Công giáo đảm nhận đồng thời vai trò “công dân tốt” và “Công giáo tốt”, mà hầu như bó buộc phải chọn lựa một trong hai. Với ước nguyện “ôn cố tri tân”, chúng ta cùng nhau nhìn lại một cách sơ lược vấn đề phức tạp này.

Ngày 7-5-1954, Điện Biên Phủ thất thủ và giấc mộng bá chủ của thực dân Pháp tan vỡ thê thảm. Cùng với các đồn bốt cuối cùng của Pháp, các làng tự trị Công giáo cũng theo nhau hạ súng. Nhưng Hiệp định Genève đã chia đôi đất nước và lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới cho hai Nhà nước và hai ý thức hệ đối kháng. Cơn lốc chính trị mới xuất hiện, kéo theo một cuộc di cư vĩ đại chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hơn 1 triệu người Công giáo bỏ miền Bắc di cư vào miền Nam với 2/3 số linh mục và 6/10 giám mục miền Bắc vĩ tuyến 17.

Sau cuộc di cư, Giáo Hội miền Bắc mất quá nhiều nhân lực và sinh lực. Tiếp đến, trong cuộc cải cách ruộng đất, đầy nước mắt và máu, rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân bị tù tội, trong khi đó ruộng đất của Giáo Hội bị tịch thu. Thế rồi, khi Nhà nước Việt Nam quyết định xây dựng Xã hội Chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc thì các tín đồ Công giáo càng bị khinh miệt và loại trừ. Người Công giáo không những không được làm công nhân viên Nhà nước, mà cũng chẳng được vào cao đẳng hay đại học. Ngay cả việc thi hành nghĩa vụ quân sự cũng không được phép, mà chỉ được làm dân công tải lương thực và đạn dược cho chiến trường. Mãi đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ mới có sự hiện diện của thanh niên Công giáo trong quân đội.

Giáo Hội miền Bắc trở thành một Giáo Hội thầm lặng và bị cô lập với thế giới bên ngoài, cũng như với đồng bào và xã hội chung quanh. Các giám mục hoàn toàn bị cắt đứt mọi liên lạc với Toà Thánh. Chẳng có giám mục nào tham dự Công đồng Vatican II, và mãi đến sau năm 1975, các văn kiện của Công đồng mới bắt đầu được phổ biến ở miền Bắc. Trong suốt thời chiến tranh lạnh, Công đồng chẳng có ảnh hưởng gì trên người Công giáo miền Bắc.

Giáo Hội miền Nam, trái lại, được tăng nhân lực và khí thế do hàng giáo sĩ và giáo dân di cư thổi vào. Chiêu bài “bất cộng đái thiên” (không đội trời chung với Cộng sản) được triệt để khai thác. Sự hiện diện của tổng thống Công giáo càng làm cho nhiều người xác tín nơi lý tưởng xây dựng một Việt Nam tiến bộ, độc lập, tự do và hữu thần. Nhiều giáo sĩ và giáo dân có vị thế quan trọng trong chính quyền miền Nam. Một số làng Công giáo di cư được xây dựng như một thứ “pháo đài chống Cộng”.

Thư Chung 1960 của các giám mục miền Nam tiếp tục nói về vấn đề “Cộng sản vô thần” để giúp người tín hữu “thấu hiểu nó nguy hại và nham hiểm đến mức nào trong việc tiêu diệt đức tin của chúng ta”. Sau khi khẳng định giữa học thuyết Công giáo và Cộng sản “không thể đi đôi với nhau”, Thư Chung kết luận: “Muốn cho Đạo thánh được nguyên vẹn, người Công giáo phải phủ nhận lý thuyết Cộng sản và những áp dụng của nó đến tận cùng.” Để củng cố cho lập luận ở trên, Thư Chung 1960 trích dẫn nhiều khoản của Thư Chung 1951.[15]

Giáo hội Công giáo được ưu đãi, có nhiều ảnh hưởng và muốn góp phần vào việc tìm một giải pháp cho Việt Nam. Người Công giáo hăng say dấn thân vào tất cả các lĩnh vục chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, bác ái, từ thiện… Nhưng sau cuộc đảo chính 1963 và cái chết bi thảm của ba anh em gia đình họ Ngô, một số người đã ngỡ ngàng nhận ra cái ảo tưởng và cái giá của con đường độc lập - tự do theo “mô hình Mỹ”. Sau một thời gian chao đảo vì cuộc đảo chính 1963, Giáo Hội đã tái lập mối lương quan với nhà nước của Đệ II Cộng hoà và tiếp tục ủng hộ “chủ nghĩa Quốc gia”. Vì thế, có thể nói Giáo Hội cũng chia sẻ phần nào những ưu và khuyết điểm của chế độ này!

Công đồng Vatican II, hướng đi của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI đã giúp một số tín hữu Công giáo miền Nam Việt Nam thức tỉnh và thay đổi quan điểm về chiến tranh và hoà bình. Xuất hiện “Phong trào Công giáo” chống chiến tranh và kêu gọi hoà bình. Họ không chấp nhận chống Cộng sản bằng bất cứ giá nào và cho đến người cuối cùng. Nổi bật nhất là những người mệnh danh “Công giáo Tiến bộ”, gồm cả linh mục lẫn giáo dân, thuộc nhiều phong trào và nhóm khác nhau. Một số sự kiện nổi bật nhất của “Phong trào” này là: Lá thư của “Một số linh mục Việt Nam trước vấn đề hoà bình của dân tộc” (l-1-1966); việc thành lập “Phong trào Công giáo xây dựng hoà bình” (24-11-1970); Thỉnh nguyện thư gửi Giáo quyền của 10 linh mục Việt Nam và 2 linh mục người Mỹ (1-10-1971) yêu cầu xét lại tinh thần Thư Chung 1951,…

Trong thực tại lịch sử của giới Công giáo miền Nam lúc bấy giờ, “Phong trào Công giáo Tiến bộ” chẳng có ảnh hưởng bao nhiêu trên đại chúng. Nhiều người còn cho rằng họ ảo tưởng, ngây thơ và làm lợi cho Cộng sản hay thuộc loại Cộng sản nằm vùng. Trên thực tế, các diễn biến sau 1975 hình như đã kiểm chứng một số dư luận trước đây về một số thành viên của phong trào này.

Nhiều người đã nhận ra thế kẹt của người miền Nam nói chung và giới Công giáo nói riêng trước gọng kìm của các thế lực quốc tế và cơn lốc thời đại. Một mặt, chủ nghĩa Mác cổ điển vẫn chủ trương “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản”, “duy vật biện chứng” và coi “tôn giáo là thuốc phiện”, vì vậy, nhiều thành phần khác của dân tộc tiên thiên bị loại trừ hay bị liệt vào “công dân hạng hai hay hạng ba”. Mặt khác, nhiều vị lãnh đạo ở miền Nam vẫn nhất quyết lấy cuộc chiến vì lý do ý thức hệ để biện minh cho tất cả. Thêm vào đó, các thế lực chính trị đã khéo léo lợi dụng sự đối kháng này để phục vụ cho ý đồ riêng.

Trong rất nhiều trường hợp, câu nói “giữa Quốc gia và Cộng sản, không thể đội trời chung” hình như đã trở thành một thứ nguyên tắc! Đối diện với sự đối kháng nghiệt ngã này, hầu như không còn giải pháp thứ ba, chỉ có thể một mất một còn và hệ luận tất nhiên của nó là phải chiến đấu cho đển viên đạn cuối cùng. Hoà bình, nếu có, chỉ có thể thực hiện khi hoàn toàn tiêu diệt hay đè bẹp đối phương.[16]

Nguy hiểm nhất là các thế lực ngoại bang đều biết khai thác, lợi dụng chiêu bài chống Cộng. Một số người, vì nhiều lý do, đã trở thành lực lượng hậu thuẫn cho họ. Những thân phận ấy bị hút vào cơn lốc “giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên, tan tác mọi ngã, rồi tự rơi xuống”.

Tuy nhiên, cuối cùng quan điểm của Vatican II, của Đức Gioan XXIII và nhất là của Đức Phaolô VI đã ảnh hưởng tích cực trên nhận thức và thái độ của các giám mục Việt Nam đối với cuộc chiến. Đối diện với cuộc chiến tranh ngày càng tàn khốc tại Việt Nam, Đức Phaolô VI tuyên bố, với tư cách một người lãnh đạo tôn giáo, ngài không thể không lên tiếng. Kể từ Lễ Giáng Sinh năm 1964, ngài đã đưa ra nhiều đề nghị và sáng kiến hoà bình cho Việt Nam bằng con đường thương thảo. Ngày 13-2-1965, ngài gửi thư cho các giám mục Việt Nam để chia sẻ những nỗ lực vận động của ngài cho hoà bình Việt Nam. Trong cuộc triều yết ngày 29-11-1965, ngài cho biết “hằng mong ước cùng cầu nguyện để được thấy ngày mà tiếng súng sẽ im bặt và nền hoà bình thực sự sẽ chiếu dọi trên đất nước Việt Nam, trong niềm hân hoan và hoà hợp dân tộc”.[17] Qua Thông điệp Mân Côi, ngày 15-9-1966, ngài lại kêu gọi hai miền Nam Bắc chấm dứt chiến tranh và thương thuyết.

Hơn thế nữa, ngài đã gửi đặc sứ là TGM Sergio Pignedoli tới Sài Gòn để gặp gỡ các giám mục Việt Nam từ ngày 30-9 đến ngày 6-10-1966 nhằm thúc đẩy tinh thần hoà bình và hoà giải. Nhờ cuộc gặp gỡ và trao đổi này, các giám mục Việt Nam đã hoàn toàn hiệp nhất với Đức Giáo hoàng để lặp lại lời kêu gọi thiết tha: “Nhân danh Chúa, xin hãy dừng lại. Hãy gặp gỡ nhau, hãy đi tới bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết. Ngay bây giờ hãy giải quyết các mối bất hoà tranh chấp, dù có phải chịu thiệt thòi chút ít, vì thế nào rồi cũng phải hoà giải, nhưng có lẽ với nhiều tai hoạ thảm khốc hơn, mà hiện nay không ai lường được”.[18]

Cũng chính Đức Phaolô VI đã tiếp kiến phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do ông Xuân Thuỷ dẫn đầu, mà từ chối tiếp kiến ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Sự kiện này khiến cho nhiều người ở miền Nam lúc đó rất ngỡ ngàng và bất bình với Vatican.

Nhưng đã bắt đầu hình thành một số biến chuyển ngày càng rõ nét trong nhận thức của hàng giáo sĩ về chiến tranh và hoà bình. Thông cáo ngày 5-1-1968 được xem như một lời kêu gọi hoà bình, thúc giục người Công giáo hành động cho hoà bình, trước hết bằng cách thực thi một đời sống tốt lành, phù hợp với Tin Mừng, bằng lời cầu nguyện và bằng học hỏi về hoà bình chân chính. Đây cũng là lần đầu tiên, các giám mục miền Nam nhắc đến nhà cầm quyền miền Bắc: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi thiện chí của chính quyền hai miền Nam và Bắc, hãy cùng nhau kiến tạo hoà bình. Nhân danh Thiên Chúa, xin hãy dừng lại! Hãy gặp nhau, hãy đi đến bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết”.[19]

Thư Luân lưu 1969, nhân dịp cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục miền Nam, tiếp tục suy tư, nghiên cứu và thảo luận về vấn đề “làm sao góp phần xây dựng hoà bình”. Từ viễn quan Kitô giáo, các giám mục nhận định: “Hoà bình phải là thăng tiến nhân quyền. Hoà bình là trật tự trong công lý và khôn ngoan, là sự hoà hợp của cộng đồng dân tộc để cùng nhau mưu cầu công ích, là kết quả của tình thương quảng đại bao dung, xoá bỏ hận thù, là nỗ lực không ngừng để cải thiện đời sống xã hội và đem ích chung cho mọi tầng lớp người dân”.[20]

Trong Thông cáo tháng 7-1971, các giám mục ý thức rằng Việt Nam đang rơi vào cơn lốc của lịch sử và vòng xoáy của cuộc chiến tranh bi thảm do Hoa Kỳ và Liên Xô lãnh đạo: “Cả Bắc lẫn Nam, Việt Nam đang bị giằng co giữa hai thế lực tranh giành ảnh hưởng. Người Việt Nam đang là nạn nhân của tình trạng quốc tế chúng tôi vừa phác hoạ trên đây.” Với tư cách mục tử, các giám mục “muốn cho đất nước này được tự do, dân chủ, trong đó, mọi tự do - nhất là tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng - được bảo đảm chắc chắn”.[21]

Trong Thư Chung ngày 3-2-1973, công bố một tuần lễ sau Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, các giám mục nhắc lại những nỗ lực vận động cho hoà bình của Đức Phaolô VI và của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đồng thời cũng lặp lại quan niệm Kitô giáo về một nền hoà bình đích thực. Lại một lần nữa các giám mục miền Nam trực tiếp đề cập đến chủ nghĩa duy vật vô thần. Các vị cũng dự đoán rằng trong tương lai “sẽ diễn ra cuộc xung đột ý thức hệ rút gọn nằm trong cuộc tranh chấp đại quy mô hết sức gây cấn trên khắp toàn cầu, giữa hai quan niệm về đời sống: một bên là vô thần và duy vật dưới mọi hình thức và một bên là Thiên Chúa, Đức Kitô, Phúc âm, Giáo Hội, với tất cả những giá trị thiêng liêng của con người”.[22]

Ngày 10-1-1974, nhân dịp kỷ niệm 1 năm Hiệp định Paris, nhưng đất nước vẫn chìm ngập trong khói lửa, các giám mục miền Nam “tha thiết yêu cầu chánh phủ hai miền Nam - Bắc, cùng một lượt và song phương, trong tình thương dân tộc, ngưng hẳn mọi hoạt động chiến tranh (…), trao trả hết tù binh, quân sự và dân sự”. Đối với chính phủ miền Nam, các giám mục xin “một đàng mở rộng thêm tự do dân chủ trong sinh hoạt chính trị, một đàng từ bỏ đàn áp đối lập bằng vũ lực (…) ân xá và huỷ án tất cả các chính trị phạm (…) giao hoàn tài sản lại cho nhũng người bị tịch thu (…), đàng khác, thẳng tay diệt trừ những tệ đoan xã hội, nhất là nạn tham nhũng hối lộ, và hết sức nâng đỡ giới lao động khó nghèo”.

Đối với chính phủ miền Bắc, các giám mục xin “ban hành mọi tự do dân chủ, nhất là tự do tôn giáo thực sự cho bất cứ tôn giáo nào trên đất Bắc”. Riêng đối với Công giáo, các vị xin “cho giáo dân có những điều kiện thuận lợi để họ thực hiện tín ngưỡng của mình; cho các linh mục tu sĩ được tự do thi hành sứ mệnh mục vụ của họ; cho tất cả chủng viện được mở cửa lại (…); cho các đức giám mục, anh em đáng kính của chúng tôi, được năng gặp gỡ nhau bàn về giáo sự, được liên lạc với chúng tôi và nhất là được liên lạc với Toà Thánh Roma”. Cuối cùng, các giám mục xin tất cả mọi người “xoá bỏ những hiềm khích bất hoà, sẵn sàng chấp nhận những dị biệt và chánh kiến, sẵn sàng tha thứ”.[23]

III. Một biến cố, nhiều ý nghĩa tương phản
Những ai theo dõi tin tức đầy đủ sẽ dễ dàng nhận thấy số phận của chế độ Sài Gòn đã được quyết định tại Hội nghị Paris vào tháng 1-1973.[24] Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam lúc đó, một số người hình như vẫn cố ôm ghì niềm hy vọng hão huyền về một giải pháp chính trị hay một quyền lực vạn năng nào đó có khả năng đảo ngược tình thế. Và nói chung, biến cố 30-4 đã thực sự gây bàng hoàng cho nhiều người ở miền Nam.

Tuy nhiên, khác với cuộc di cư 1954, lần này không một giám mục nào bỏ giáo phận của mình để di tản ra nước ngoài. Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam đã nhất quyết ở lại trên quê hương. Nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ có phương tiện để ra đi, nhưng đã từ chối để được đồng hành với đồng bào mình. Các dòng tu cũng quyết định ở lại Việt Nam và không chủ trương tổ chức di tản.

Ngày 1-4-1975, nghĩa là chỉ một tuần sau khi tiếng súng im bặt trên thành phố Huế, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã gửi cho các tín hữu một bức tâm thư, vừa thấm đậm tinh thần Tin Mừng, vừa chứa chan tình dân tộc: “Chiến tranh đã chấm dứt trên Tổng Giáo phận Huế (…). Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân quý giá này (…) Giờ đây, đã đến lúc chúng ta hoan hỉ, sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng, để xây dựng lại quê hương sau bao đổ vỡ tang tóc, hầu đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, yêu thương và phục vụ người khác (…). Giờ đây, chúng ta hãy khoan dung tha thứ mọi lỗi lầm, đừng nghi ngờ, thù hận ai và gây sợ hãi cho ai”.[25]

Một tuần sau, ngày 9-4-1975, tại lễ ra mắt của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thành phố Huế, Tổng Giám mục lại bộc lộ những cảm nghĩ chân thành, thâm thuý, đầy ắp tình người lẫn chiều kích tâm linh: “Ở đời này, không có gì quý hơn mạng sống con người, không có gì quý hơn độc lập tự do. Bao nhiêu mạng sống con người được bảo tồn, nếu chiến tranh chấm dứt sớm đi một ngày. Chiến tranh đã chấm dứt trên một phần lớn quê hương chúng ta. Độc lập hôm nay là một sự thực cho cố đô Huế. Còn tự do thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng bảo đảm cho toàn thể đồng bào, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào các tôn giáo.

Mạng sống của con người, độc lập của đất nước, tự do của nhân quyền được đảm bảo, như vậy niềm vui mừng của chúng tôi, của những người công dân Công giáo Việt Nam yêu nước, được trọn hảo. Như vậy, đồng bào Công giáo nguyện tích cực góp phần với tất cả đồng bào ruột thịt để cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng xây dựng một xã hội đầy tình thương, tự do, dân chủ, thịnh vượng, hoà bình, trong đó chúng tôi được chu toàn bản phận đối với Tổ quốc và đối với Thiên Chúa.”

Rất tiếc, những khó khăn, hiểu lầm và thái độ giáo điều, kỳ thị tôn giáo… hầu như cắt đứt mọi nhịp cầu đối thoại.[26] Chỉ một thời gian sau, những căng thẳng, khó khăn và xung đột đã hiện rõ trong cuộc sống. Trong cuộc họp do UBMTTQ-VN Bình Trị Thiên tổ chức ngày 15-4 (về vụ Phật giáo Ấn Quang) và ngày 22-4-1977 để góp ý với báo cáo Đại hội Đảng bộ Bình Trị Thiên, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền khẳng khái phát biểu đại khái như sau: “Vì chỉ có tự do tín ngưỡng trên văn bản, chứ không có trong thực hành, nên mới có sự chống đối như trong vụ Nhà thờ Vinh Sơn và vụ phản động trong giới Phật giáo Ấn Quang.”

Các phát biểu này và một phát biểu khác của ngài đã được phổ biến ngầm trong giới Công giáo và cả Phật giáo. Ở hải ngoại, người ta tặng cho ngài danh hiệu “Tổng Giám mục dũng cảm” và nhiều phe nhóm chính trị đã triệt để khai thác các bài phát biểu của ngài để đả kích Nhà nước. Quan hệ giữa ngài với chính quyền ngày càng gay gắt hơn. Ngài phải làm việc nhiều lần với công an và bị quản thúc. Tuy vậy, trong thư ngày 15-12-1986 gửi ông Chủ tịch UBMTTQ VN Bình Trị Thiên, một lần nữa, ngài đã nhắc lại một phát biểu vào năm 1967 tại Roma, để xác định lập trường cố hữu của mình: “Là giám mục Công giáo, tôi không thể theo chủ nghĩa Cộng sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam là anh em của tôi.” Và khẳng định thêm: “Hiện nay tôi vẫn một lòng yêu mến Tổ quốc Việt Nam của tôi và trong phạm vi bổn phận của mình, cùng đồng bào cả nước góp phần xây dựng một đất nước an bình, thịnh vượng, hạnh phúc.” Đối với “những vướng mắc trên thực tế với chính quyền về mặt tôn giáo”, ngài cho rằng “lý do là vì chưa đủ hiểu nhau để có thể xóa được mọi khoảng cách tồn tại”.[27]

Tại Sài Gòn, 5 ngày sau khi thủ đô Việt Nam Cộng hoà thất thủ, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cảm tạ Thiên Chúa vì “chiến tranh đã chấm dứt, từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân ly (…). Đây là niềm vui chung của cả một dân tộc, và với cái nhìn theo đức tin của người tín hữu, đây cũng là một hồng ân của Thiên Chúa”. Ngài kêu gọi người Công giáo “nỗ lực tối đa góp phần vào công cuộc hoà giải và hoà hợp dân tộc, phát động tình thương, sự hiểu biết, lòng tha thứ và quảng đại (…). Quan trọng là biết hướng về tương lai, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, một xã hội tiến bộ, công bình, giàu tình thương”.[28]

Ngày 12-6-1975, ngài gửi Thư luân lưu về bổn phận của người Công giáo đối với Đất nước và Giáo Hội. Sau nhắc lại quan điểm truyền thống của Giáo Hội về bổn phận đối với quyền bính dân sự, ngài kêu gọi người Công giáo “tham gia vào việc xây dựng quốc gia và hợp tác với chính quyền trong mọi công cuộc ích quốc lợi dân (…). Điều cần là, theo ánh sáng đức tin, mỗi người tuỳ theo khả năng hãy tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá… để góp phần xây dựng hoà bình, củng cố độc lập, tái thiết quê hương”.[29]

Bất chấp những khó khăn với chính quyền Cách mạng như đa số cơ sở tôn giáo bị trưng thu, Đức Tổng Giám mục phó Nguyễn Văn Thuận bị bắt, Đức Khâm sứ Toà Thánh bị trục xuất…, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình vẫn kiên trì đi theo con đường canh tân, đối thoại, hoà giải và hợp tác. Ngài đem hết tâm lực để trả lời và giải quyết hai câu hỏi căn bản: Chỗ đứng nào cho người Công giáo trong cộng đồng dân tộc? Phải sống đạo như thế nào trong xã hội mới do Đảng Cộng sản lãnh đạo?[30]

Có những người không đồng tình với chọn lựa này đã gán cho ngài danh hiệu “Giám mục đỏ”. Trong thực tế, đây là một chọn lựa can đảm, phù hợp với hoàn cảnh và đã góp phần hình thành đường hướng mục vụ được phản ảnh qua Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đức TGM Nguyễn Văn Bình biểu lộ diện mạo một mục tử nhân hậu, can đảm, sinh động và đã đem lại nhiều khởi sắc cho Tổng Giáo phận Sài Gòn. Nhưng, trong một bài phỏng vấn được thực hiện 2 tháng trước khi từ trần, chính ngài đã bộc bạch: “Thú thật, trước đây vì nghe và đọc thấy là ở Liên Xô và Đông Âu cũ cũng như ở Trung Quốc và miền Bắc xưa kia Công giáo gặp khó khăn, tôi tự nhiên cũng rất sợ Cộng sản.” Và khi được hỏi “sau 20 năm hoạt động dưới chế độ Cộng sản, cụ còn sợ Cộng sản nữa không?”, ngài thẳng thắn tra lời: “Vẫn còn sợ”. Thế rồi, ngài cho biết nguyên nhân của nỗi sợ này là do: lời nói và việc làm không đi đôi, có nhiều điều thấy dễ ở cấp cao nhưng khó ở cấp dưới, một số vụ việc “được xử lý quá mức cần thiết”.

Trên bình diện Giáo hội Công giáo Việt Nam, phải đợi chờ 20 năm sau khi thiết lập Hàng Giáo phẩm, lần đầu tiên các giám mục Việt Nam mới có cuộc họp chính thức với danh nghĩa Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ ngày 24-4 đến ngày 1-5-1980. Qua “Thư Mục vụ 1980”, Hội đồng Giám mục Việt Nam long trọng cam kết: “Hội Thánh vì loài người” và “Hội Thánh trong lòng Dân tộc”. Đường hướng mục vụ được lựa chọn chính là “sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (số 14) và để “xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống Dân tộc” (số 11). Người Công giáo quyết tâm “cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” (số 10), vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

Trong hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội vào thời điểm đó, Thư Mục vụ đã đưa ra một đường hướng mục vụ sáng suốt, thích hợp với tinh thần tha thứ, lòng yêu thương, thái độ dấn thân và phục vụ của Tin Mừng. Trong Hội thảo kỷ niệm 25 năm Thư Mục vụ này, ông Trần Bạch Đằng phát biểu một câu rất ý nghĩa: “Người Công giáo Việt Nam có thể tự hào về lá Thư Chung 1980 vì tinh thần đổi mới của nó đã góp phần thúc đẩy quyết tâm đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.”[31]

Rất tiếc những hy vọng và náo nức ban đầu không kéo dài bao nhiêu. Chế độ bao cấp, óc giáo điều, bệnh chủ quan, say men chiến thắng ở thời hậu giải phóng đã đẩy nền kinh tế Việt Nam đến chỗ phá sản, cuộc sống vật chất cực kỳ khó khăn. Thêm vào đó, việc cải tạo các sĩ quan và công chức chế độ cũ, chính sách hợp tác hoá nông nghiệp, các biện pháp ép dân thành thị đi kinh tế mới, chiến dịch đánh tư sản, chế độ hộ khẩu, lý lịch, phương thức quản lý tôn giáo quá cứng ngắc và bất công… làm cho hàng triệu người, đặc biệt những người có tôn giáo, hầu như không còn đất sống. Nhiều người đã khố sở, đắn đo cân nhắc và hầu như đã nhìn thấy cái chết trước mặt, nhưng rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Làn sóng tị nạn ồ ạt này khiến nhiều người phải nghiêm chỉnh suy nghĩ về mối tương quan giữa chính trị với nhân quyền, giữa vai trò của Nhà nước với quyền lợi của người dân, giữa tôn giáo với chế độ.

Giáo sư Đặng Phong đã nghiên cứu tỉ mỉ giai đoạn khủng hoảng trầm trọng 1976-1985 này. Nghị quyết Trung ương về cải tạo nông nghiệp quyết định “đưa nông nghiệp tiến nhanh lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Nhà nước đã cưỡng bức nhiều dân thành phố về nông thôn, đưa những người buôn bán, phi sản xuất cũng như nhiều nghệ sĩ, kỹ sư, bác sĩ, công nhân viên chế độ cũ… về các vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, về kinh tế, “năm 1976, sản lượng lúa cả năm là 11.827,2 triệu tấn. Kế hoạch 5 năm định là năm 1980 sẽ nâng lên gấp đôi, tức là 21 triệu tấn, nhưng trong thực tế, đến năm 1980 chỉ đạt được 11.647,4 triệu tấn, tức là còn chưa bằng điểm xuất năm 1976. Còn sản lượng bình quân đầu người thì giảm sút ngoài sức tưởng tượng: từ 211 kg năm 1976 xuống còn 157 kg năm 1980. Mức huy động lương thực của Nhà nước năm 1976 là 2,04 triệu tấn, năm 1979 chỉ còn 1,45 triệu tấn. Miền Nam là vựa lúa của cả nước thì mức giảm sút còn nặng hơn: Từ 1,1 triệu tấn năm 1976 còn hơn 800 ngàn tấn năm 1979, tức là giảm khoảng một nửa”.[32]

Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng này, sau khi liệt kê những sai lầm trầm trọng về kinh tế - xã hội - chính trị, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện kết luận: “Dân chúng ngày càng bất mãn và tính hợp pháp của chế độ bắt đầu bị xói mòn (…) Chỉ trong mấy năm, 1,5 triệu người bỏ nước ra đi, cộng đồng hải ngoại tạo thành một yếu tố đích thực mới lạ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.”[33]

Đây là một vấn đề xã hội lớn lao và trách nhiệm trước tiên nằm trong tay những người đang lãnh đạo đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên bố Độc lập, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thẳng thắn đề cập đến vấn đề sinh tử và rất nhạy cảm: Đoàn kết dân tộc. Ông cho rằng, sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền đã đánh mất một cơ hội ngàn vàng để thể hiện đại đoàn kết dân tộc “bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - nguỵ… Tiếp

ĐGM Nguyễn Thái Hợp
(24/05/2013 - 9673 lượt xem)