Những khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây

 

Khác biệt văn hóa Đông Tây

 

Sau hàng nghìn năm lịch sử, bằng bàn tay và khối óc, con người đã xây dựng nên điều hôm nay chúng ta vẫn gọi là văn hóa. Và văn hóa đã trở thành bệ đỡ, là bệ phóng đưa con người đi từ dã man tới văn minh.

 

Tuy nhiên, do văn hóa là sự lựa chọn của mỗi cộng đồng người trong các điều kiện địa lý – kinh tế riêng nên ngay từ đầu, dù cùng một mẫu số chung, nhưng mỗi cộng đồng lại có các lựa chọn văn hóa khác nhau, với kiểu tư duy khác nhau khi tiếp cận thế giới, đẩy tới các kiểu quan niệm, các phương thức sinh tồn, các phong cách sống, các tập quán và thói quen… khác nhau.

 

Vì thế, đến thời hiện đại, để tổng kết một (các) lĩnh vực hoạt động của một dân tộc, không thể không xem xét một (các) lĩnh vực ấy theo chiều lịch đại, tức là phải xem xét trong tính lịch sử.

 

Từ khác nhau trong văn hóa…

 

Hàng nghìn năm trước, khi cư dân Trung Hoa, Ấn Độ… bắt đầu phác họa các đường nét đầu tiên của văn hóa dân tộc mình, hẳn họ không ý thức được tầm vóc vĩ đại của những gì do họ làm ra.

 

Sự kính trọng mà nhân loại dành cho các thành tựu này, hành trình mà giới nghiên cứu phương Tây đi về phương Đông để cố gắng khám phá những điều “thần bí phương Đông” đã cho chúng ta thấy điều đó.

 

Tất nhiên, phương Đông không chỉ là Trung Hoa và Ấn Độ, nhưng với những gì mà người Trung Hoa, người Ấn Độ đã làm được trong quá khứ khiến cho nhiều tác giả khi nhắc tới văn hóa – văn mình phương Đông thường coi hai nền văn hóa – văn mình này là tiêu biểu.

 

Vì thế trong bài viết này, khi đề cập tới phương Đông cũng không nằm ngoài quan niệm về sự “thường coi” đó, và hoàn toàn không có ý định coi phương Đông chỉ là Trung Hoa, Ấn Độ.

 

Tương tự như vậy, để không rơi vào cuộc tranh luận chưa có hồi kết về một nguồn gốc một số thành tựu văn hóa – văn minh của người Trung Hoa là có nguồn gốc Trung Hoa hay phương Nam, bài viết này chỉ đề cập tới một số quan niệm vũ trụ, nhân sinh của người Việt (như quan hệ âm – dương chẳng hạn) có thể thực chứng qua hàng nghìn năm lịch sử và ít nhiều vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay.

 

Với ý nghĩa đó, khi đề cập tới văn hóa – văn minh cổ truyền ở Việt Nam, thường khi có thể nhận diện qua sự đan xen phức tạp giữa các giá trị văn hóa – văn minh bản địa với nhiều giá trị văn hóa – văn tiếp nhận từ Trung Hoa và Ấn Độ…

 

Sinh tồn ở khu vực gần gũi với các nền văn minh lớn ở phương Đông, từ hàng ngàn năm trước, nền văn hóa sơ khởi của người Việt đã chịu ảnh hưởng và phần nào có thể nói, đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh Trung Hoa, Ấn Độ.

 

Các đoàn thương nhân, các nhà tu hành,… và các đạo quân xâm lược dẫu có để lại hình ảnh không đẹp đẽ trong quá khứ, thì họ cũng góp phần đưa tới một hiện tượng độc đáo là giúp cho cơ tầng văn hóa Việt bản địa phối kết với vô số thành tựu văn hóa bên ngoài, từ đó hình thành nên một văn hóa Việt mới, với một hệ thống khá ổn định về bản sắc.

 

Tạo lập cộng đồng trên vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa, nơi hàng ngàn năm trước sử sách Trung Hoa từng miêu tả là “nơi con chim không cất cánh bay lên được” (Hậu Hán thư), các thế hệ người Việt đã nối tiếp nhau để dựng nước và giữ nước.

 

Và từ điều kiện địa lý, người Việt đã lựa chọn canh tác nông nghiệp lúa nước làm phương thức sinh tồn chủ yếu và vì thế, nông nghiệp lúa nước trở thành quy chiếu quy định nét riêng của văn hóa Việt về vật chất và tinh thần.

 

Với thế giới quan coi con người và thế giới đều cấu trúc theo mô hình âm – dương mang tính phổ quát, người Việt sớm tìm một lối sống hòa đồng với tự nhiên, tự coi mình là bộ phận của tự nhiên.

 

Nguyên tắc xem xét thế giới với tính cách một thế giới hoàn chỉnh trong sự kết hợp hài hòa âm- dương, được xác lập bởi các thành tố thiên – địa – nhân (tam tài giả thiên địa nhân) đã quán xuyến mọi quan hệ, không chỉ trong cách thức ứng xử với tự nhiên mà cả trong quan hệ, cách thức ứng xử giữa con người với con người, và cách ăn, mặc, ở… đến quan niệm về trạng thái tồn tại của mọi sự vật – hiện tượng.

 

Sự ra đời sớm của tổ chức cộng đồng, yêu cầu cố kết trong canh tác nông nghiệp lúa nước, cố kết chống lại các cuộc xâm lăng từ bên ngoài,… sớm làm hình thành nên ý thức cộng đồng – yếu tố cực kỳ quan trọng trong trường tồn lịch sử của người Việt.

 

Cộng đồng và cá thể, cá thể và cộng đồng, cùng lo nỗi lo, cùng chia sẻ niềm vui. Sống giữa “biển làng xã”, người Việt thấy vững tâm khi sống giữa cộng đồng, thấy lẻ loi khi vì lý do nào đó phải xa rời những mối quan hệ huyết thống, quan hệ láng giềng…

 

“Sống bằng mồ mả không ai sống bằng cả bát cơm”, “một giọt máu đào hơn một ao nước lã”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”,… những lời răn dạy trong xử lý quan hệ huyết thống, quan hệ cộng đồng thoạt nghe như phủ nhận lẫn nhau, nhưng xét đến cùng, chính là sự đề cao, khẳng định vai trò quan trọng của các quan hệ.

 

Nhưng có lẽ, vấn đề quan thiết với cư dân nông nghiệp lúa nước là vòng quay không đổi của chu kỳ canh tác: cày bừa – gieo mạ – cấy – làm cỏ bón phân – gặt mùa, rồi tiếp tục cày bừa – gieo mạ,… đã tạo nên một tiết tấu khá ổn định của cuộc sống qua các thế hệ.

 

Xuân – hạ – thu – đông, tết đến xuân về, vụ chiêm – vụ mùa, mọi thứ hầu như không biến động, không thể đi gặt vào tháng giêng, cũng không thể đón tết vào ngày Đông chí! Nghĩa là con người sống và làm việc theo một chu kỳ đã được xác lập, chỉ có thể nương theo chứ không thể làm biến đổi.

 

Điều kiện địa lý – kinh tế riêng, sự lặp lại dường như là bất đổi của vạn vật,… dường như không làm nảy sinh nhu cầu phân tích sự vật hiện tượng xung quanh, không làm nảy sinh nhu cầu tổng kết, khái quát lý luận; các kinh nghiệm đã rút đúc, các vốn liếng kinh nghiệm đã tích lũy cũng đủ để phục vụ nhu cầu sinh tồn thiết yếu.

 

Do vậy, mọi sáng tạo vật chất – tinh thần đều nhằm hoàn chỉnh “cái đã có” chứ không nhằm tìm tới “cái phải có”. Nói cách khác, cha ông chọn một lối sống dựa trên nền tảng một “triết lý quân bình”, giữ hài hòa mọi quan hệ.

 

Không ngẫu nhiên, cách đây hơn mười thế kỷ khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn trở thành chuẩn mực có tính nguyên tắc chi phối một số tiêu chí văn hóa bản địa khác.

 

Kính nhi viễn chi, ôn cố tri tân, tập kỳ đại thành,… các quan niệm của Nho giáo đã thống trị trong tâm thức nhiều thế hệ, chúng không góp phần thúc đẩy tinh thần khám phá, mà chủ yếu yêu cầu đi tìm sự thích nghi.

 

Cũng như các dân tộc ở phương Đông, trong quá khứ, người Việt tỏ ra thiếu khát vọng tìm kiếm cái mới, không thích lập kỷ lục… Họ không có hứng thú lặn xuống biển sâu, bay vào vũ trụ, không tự hỏi “hai vạn dặm dưới đáy biển” có gì.

 

Họ không có hành động để chứng tỏ con người bình đẳng với tự nhiên, bởi chưa bao giờ trong ý thức xuất hiện ý niệm về điều đó. Họ dễ bằng lòng với “cái đã có”, họ thường đánh giá các quan hệ, đánh giá sự vật – hiện tượng theo những tiêu chí do thế hệ trước trao truyền lại.

 

Và tình trạng này đã tạo nên một “kiểu sống” không chứa đựng thói quen giải thích thế giới và được phản ánh khá rõ qua một giai thoại được Liệt Tử kể rằng: Khổng Tử gặp hai đứa trẻ cãi nhau không biết buổi sáng mặt trời ở gần hơn hay buổi trưa ở gần hơn.

 

Một đứa bảo buổi sáng mặt trời gần hơn vì to hơn buổi trưa. Một đứa bảo buổi trưa mặt trời gần hơn vì nóng bức hơn. Tranh luận mãi không lại, hai đứa nhờ Khổng Tử giải đáp. Khổng Tử nghe mà không biết giải quyết ra sao.

 

Hai đứa trẻ cười bảo: “Thế thì cho ông là người học rộng, hiểu nhiều thế nào được”. Phải chăng đây chính là bi kịch của học thuật Trung Hoa, nhìn rộng ra là bi kịch của học thuật phương Đông truyền thống?

 

Không quan tâm trả lời câu hỏi tại sao trước thế giới tức là chưa có các tiền đề đầu tiên cho phát triển của khoa học, đó là căn nguyên lý giải tại sao phương Đông đi trước nhưng nhanh chóng tụt hậu so với phương Tây?

 

Nếu thừa nhận với văn hóa, chỉ có sự khác nhau và không có sự hơn kém, thì cần khẳng định văn hoá phương Đông, trong đó có văn hóa Việt Nam, là một hệ thống khá hoàn chỉnh đã hình thành từ hàng nghìn năm trước và có sự khác nhau nhất định nếu so sánh với văn hóa phương Tây.

 

Sự khác nhau này thể hiện trước hết ở hệ thống các quan niệm về thế giới, quan niệm về sự tồn tại của con người và ở các quan niệm, các quy ước văn hóa, các tiêu chí định danh và định tính sự vật hiện tượng…

 

Một ví dụ điển hình, không kém phần thú vị về sự khác nhau này thể hiện qua hai cuộc hành trình vòng quanh thế giới của Magenllan và Trịnh Hòa. Chuyến vượt biển của Trịnh Hòa đời Minh đã được tiến hành trước Magenllan hàng trăm năm nhưng không được ghi nhận là một cuộc thám hiểm.

 

Còn Magenllan, với chuyến vượt biển của ông, đã để lại tên tuổi như người đầu tiên đi vòng quanh thế giới để khám phá. Sự khác nhau được thể hiện hầu như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Như bữa ăn gia đình chẳng hạn.

 

Bữa ăn gia đình của người Việt chủ yếu lấy cộng đồng làm đơn vị cơ bản, họ ăn cùng mâm, gắp cùng đĩa, và chấm cùng bát…

 

Đặt sang một bên việc bữa ăn cộng đồng cho phép mọi người có thể nhường nhịn lúc đói kém, thì tới hôm nay, dù đời sống vật chất được cải thiện hơn trước thì người Việt vẫn khó thích nghi với kiểu ăn mỗi người một đĩa.

 

Lối ăn theo định xuất chỉ được chấp nhận trong công việc “ca, kíp”, hoặc bữa trưa của viên chức. Còn về cơ bản trong một ngày, gia đình vẫn quần tụ quanh mâm cơm như là hành động biểu thị cho giá trị gia đình.

 

Bữa ăn cuối ngày (bữa chiều) của đa số gia đình Việt Nam (kể cả ở đô thị) hiện tại, trở thành một “cuộc họp”. Ở đó, mọi người không chỉ ăn mà còn hỏi han, bàn soạn công việc, nhắc nhở việc học hành…

 

Ngược lại, người phương Tây lại lấy cá nhân làm đơn vị cơ bản trong bữa ăn gia đình, mỗi người một đĩa, mỗi người tự cắt, xẻ thức ăn và người ta dễ thích nghi với fastfood – thức ăn nhanh.

 

Sự cố kết lấy cộng đồng làm đơn vị cơ bản thường tạo ra cho cá thể sức mạnh của số đông đứng sau, đứng cạnh và thường làm cho cá thể khó tách ra khỏi cộng đồng để tự sinh tồn.

 

Điều này hoàn toàn khác với kiểu tổ chức khá “lỏng lẻo” của các cộng đồng phương Tây, K. Marx đã nhận ra điều này khi ông sử dụng hình ảnh “củ khoai tây” và “bị khoai tây” để nhận xét về khả năng liên kết giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân ở Pháp trong Công xã Pari (1871).

 

Vài thập kỷ gần đây, trước ảnh hưởng của một số vấn nạn có nguồn gốc từ văn minh công nghiệp tác động không lành mạnh tới sự phát triển của xã hội – con người, đã xuất hiện một xu hướng là tìm về với các thành tựu của văn minh phương Đông.

 

Điều này là cần thiết, chỉ tiếc rằng, trong khi say sưa với quá khứ phương Đông, một số tác giả lại đề cao nó đến mức cực đoan, hy hữu có trường hợp còn tỏ ra quyết liệt đến mức phủ nhận thành tựu của văn minh phương Tây.

 

Chuyện không đơn giản như vậy, nếu thừa nhận một thế giới thống nhất thì cần thừa nhận việc xem xét phương Đông và phương Tây chỉ là xem xét hai mặt của một chỉnh thể.

 

Không thể bằng tuổi lịch sử của một nền văn hóa để đánh giá nó mạnh hay yếu, quan trọng hơn là nền văn hóa ấy đã đạt những thành tựu và đóng góp gì cho văn hóa nhân loại.

 

Với kiểu tư duy khác nhau khi tiếp cận thế giới, đẩy tới các kiểu quan niệm, các phương thức sinh tồn, các phong cách sống, các tập quán và thói quen… khác nhau. Vì thế, đến thời hiện đại, để tổng kết một (các) lĩnh vực hoạt động của một dân tộc, không thể không xem xét một (các) lĩnh vực ấy theo chiều lịch đại, tức là phải xem xét trong tính lịch sử.

 

Mấy chục thế kỷ trước, văn hóa Hy Lạp ra đời. Điểm độc đáo của nền văn hóa này là ở chỗ nó phối kết và phát triển lên một trình độ cao những thành tựu về tổ chức xã hội, về toán học, thiên văn học, kỹ thuật chế tạo kim loại, canh tác nông nghiệp, văn tự Phénicie,… đã tiếp thu từ văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư…

 

Kinh tế thương nghiệp, sự ra đời của các thành bang, ngay từ đầu đã làm cho văn hóa Hy Lạp – cái nôi của văn hóa phương Tây, đi theo khuynh hướng khác hẳn phương Đông.

 

Thật ra, xét về nguồn gốc thì phương Đông hay phương Tây đều có điểm xuất phát từ kinh tế – văn hóa nông nghiệp dưới hai hình thức chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Tới khi kinh tế thương nghiệp xuất hiện ở hai vùng đất này thì cũng đồng thời xuất hiện những xu hướng phát triển khác nhau.

 

Với Phật giáo, câu chuyện cũng không khác biệt nhiều, cõi Niết bàn (Nivrada) cũng không được mô tả cụ thể, chỉ biết rằng, đó là cõi thiêng liêng giúp con người “siêu thoát” về tinh thần một khi con người “ngộ” ra con đường đi tới chân lý tâm linh được phác dựng trong “tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên...”.

 

Thương nghiệp dưới dạng sơ khai ở các quốc gia nông nghiệp lúa nước thời cổ đại không cần tới quy mô lớn, trao đổi hàng hóa thường chỉ để thỏa mãn trong phạm vi địa phương hay phạm vị vùng là đủ.

 

Vì thế, sự xuất hiện của các đô thị với ý nghĩa là một trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa dường như không thật sự là đòi hỏi tất yếu.

 

Sự phồn thịnh rồi suy tàn nhanh chóng của kiểu đô thị – kinh tế như Phố Hiến, Hội An ở Việt Nam là ví dụ cụ thể (nên lưu ý, hiện tượng này xảy ra vào thời cận đại, tức là cách chúng ta không xa).

 

Nó khác biệt hoàn toàn với sự ra đời của các thành bang Hy Lạp cùng với sự phát triển của thương nghiệp. Và đô thị cùng thương nghiệp ở phương Tây đã đem tới nhiều thành tựu hoàn toàn toàn khác so với phương Đông cùng thời kỳ.      

 

Có thể lấy ví dụ về sự khác nhau giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây trong cách thức tổ chức xã hội. Ở phương Đông, dưới danh nghĩa thiên tử – con trời, ông vua chuyên chế thường thiết lập hệ thống cai trị từ trung ương đến địa phương.

 

Tình trạng rạn nứt trong quan hệ giữa trung ương với địa phương, hoặc tình trạng xuất hiện các lãnh chúa cát cứ, thường chỉ xuất hiện khi triều đại nào đó đã qua thời thịnh trị, hay nói như ngôn ngữ ngày nay là đã “quá đát”, cần thay thế.

 

Tuy nhiên, sự thay thế chỉ diễn ra với ý nghĩa thay đổi triều đại, tập đoàn cai trị này thay thế tập đoàn cai trị khác, còn mọi thứ hầu như vẫn nguyên vẹn, không có biến động lớn. Thần dân không bị biến động về địa vị hay quyền lợi, họ tiếp tục sinh sống để thực thi hai chức phận chủ yếu là:

 

Tự cung tự cấp để nuôi sống mình và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà vua, bất kể đó là vị vua nào. Trong bối cảnh ấy, ông vua chuyên chế ở phương Đông không quan tâm tới một (các) cuộc cải cách, cũng không khuyến khích một (các) ý tưởng cải cách nếu xuất hiện.

 

Trong bối cảnh như thế, thần dân của ông ta, như cách nói của GS Trần Đình Hượu, đã bị “thần dân hóa toàn thể”, họ đành yên phận, tự răn mình tất cả là do “mệnh trời”, và con người không có khả năng biến đổi, như câu ca dao mà mọi người Việt Nam đều biết:

 

“Con vua rồi lại làm vua – Con sãi ở chùa lại quét lá đa”! Chúng ta thường nhắc tới tổ chức làng xã và vai trò của làng xã Việt Nam. Ngoài những mặt tích cực của làng xã trong lịch sử, có lẽ không nên quên rằng trong mấy nghìn năm, làng xã đã trở thành nơi trú ngụ tinh thần của không biết bao nhiêu thế hệ.

 

Với làng xã, mỗi người tìm thấy chỗ dựa cho mình, nhưng có nhiều người lại ỷ vào làng xã đến mức quên chính mình phải làm cho làng xã phát triển.

 

Mặt khác, tính chất tự trị của làng xã Việt Nam trong quá khứ chưa tạo cho mỗi làng một tiềm lực, một sức mạnh có thể đương đầu với chính quyền trung ương, thậm chí một liên kết các làng cũng chưa thể tạo ra sức mạnh cần có.

 

Để tồn tại, làng xã vẫn cần tới sự chỉ đạo của chính quyền trung ương, ít nhất cũng có thể nhận thấy qua các quy chế, sắc phong của triều đình cho thành hoàng làng. Cho nên, tự thân làng xã ở Việt Nam (rộng hơn là ở phương Đông) đã không mang các đặc điểm như lãnh địa của các lãnh chúa phương Tây.

 

Với quyền lực tuyệt đối, biểu tượng của ông vua ở phương Đông gắn với rồng – một con vật huyền thoại linh thiêng. Còn ở phương Tây, rồng là ác thú, và câu chuyện dũng sĩ giết rồng cũng từ đó mà ra.

 

Tại nhiều quốc gia phương Tây, ông vua chuyên chế có quyền lực không hoàn toàn tuyệt đối, dưới ông ta là một hệ thống lãnh địa do các lãnh chúa đứng đầu. Tình trạng này tồn tại tới cả sau cách mạng tư sản Pháp (1789).

 

Với cách thức tổ chức như thế, nhiều vị hoàng đế ở phương Tây có thực quyền không lớn. Khi đường lối của triều đình do nhà vua đứng đầu phù hợp với yêu cầu của các lãnh chúa, ông ta sẽ nhận được sự ủng hộ.

 

Còn khi giữa nhà vua và các lãnh chúa (thậm chí chỉ một vài lãnh chúa) có sự bất đồng thì không phải khi nào nhà vua cũng thiết lập được trật tự; có trường hợp nhà vua còn bị lãnh chúa cưỡng bức rời khỏi ngai vàng.

 

Tình trạng nhà vua phải liên kết, phải dựa vào một hoặc một số lãnh chúa là khá phổ biến trong lịch sử phương Tây. Lãnh chúa phương Tây trở thành ông vua trong lãnh địa riêng. Sự tồn tại dai dẳng của cái gọi là “quyền lãnh chúa” đã cho thấy điều đó.

 

Trong thế giới riêng của mình, lãnh chúa thiết lập hệ thống cai trị theo ý muốn của ông ta, với quân đội, bộ máy hành chính riêng… Trong các hoạt động nhằm duy trì, phát triển lãnh địa, không ngẫu nhiên, lãnh chúa thường đãi ngộ các văn nghệ sĩ, nhà khoa học…

 

Ngoài ý nghĩa như một thứ mode, qua hành động này, mỗi lãnh chúa như muốn tăng uy tín và thế lực của bản thân, tạo ra đối trọng cần thiết với chính quyền nhà vua. Đây cũng là tiền đề quan trọng khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

 

Dường như đây cũng là lý do khiến nhiều ông vua ở phương Tây xưa kia nhanh chóng tận dụng vai trò của Kitô giáo?

 

Vì, nếu bên cạnh nhà vua không có giáo chủ – như Richelieu ở nước Pháp, thì nhà vua cũng phải được Giáo hoàng thụ phong, ngay cả ông vua hùng mạnh như Napoléon Bonaparte cũng không hoàn toàn dám đặt mình đứng ngoài thông lệ này, dẫu khi đó quyền lực của ông hầu như là tuyệt đối ở châu Âu, lấn át cả Giáo hoàng?

 

Cách thức tổ chức cộng đồng ở phương Đông cổ đại cũng mang những đặc điểm riêng. Cho đến nay, việc khẳng định phương Đông cổ đại không hình thành một chế độ chiếm hữu nô lệ hoàn chỉnh, chặt chẽ như như mô hình chế độ chiếm hữu nô lệ ở phương Tây cổ đại hầu như là chuyện không còn phải bàn cãi.

 

Dấu tích của sự tồn tại một “kiểu nô lệ trong gia đình” và việc xã hội không hình thành một giai cấp nô lệ cho thấy thân phận tầng lớp “dân đen, dưới đáy” không thật sự rõ ràng, và quyền lợi dù ít ỏi cũng không đủ khuyến khích họ hình thành ý thức phản kháng, hay khát vọng phải thay đổi cuộc sống.

 

Còn ở phương Tây cổ đại, vấn đề diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình ở phương Tây đã đẩy tầng lớp cùng khổ của xã hội tới ý thức về thân phận, hình thành tinh thần phản kháng nhằm thay đổi thân phận.

 

Phải chăng vì thế, tuy cùng là công dân một kiểu xã hội nhưng ở phương Đông, con người dù ở đẳng cấp nào cũng chỉ dừng lại ở tư cách cá thể xã hội, họ luôn sống giữa một tập hợp những quan hệ sinh tồn liên đới lẫn nhau từ huyết thống tới lợi ích…?

 

Họ không muốn, và cũng khó dứt khỏi những quan hệ sinh tồn liên đới? Ở Việt Nam, có lẽ phải đến thời mở mang bờ cõi về phương Nam, trong cộng đồng người Việt mới xuất hiện một bộ phận dám để lại phía sau các ràng buộc huyết thống và quyền lợi để khai phá vùng đất mới.

 

Sau mấy thế kỷ, binh lính và những người nông dân quả cảm từng bước khai khẩn làm hình thành nên địa vực phía nam của Tổ quốc. Từ họ hình thành nên một tính cách nông dân Nam Bộ có đôi nét khác biệt so với tính cách nông dân Bắc Bộ, như phóng khoáng hơn, lãng mạn hơn…

 

Song dẫu vậy, họ vẫn là cư dân nông nghiệp với phương thức canh tác lúa nước dựa vào tự nhiên, khai thác tự nhiên để phục vụ cuộc sống.       

 

Về đời sống tâm linh, giữa phương Đông và phương Tây cũng có không ít ví dụ để so sánh. Có thể nói, sự khác nhau trong niềm tin về “thế giới bên kia”, về cuộc sống của con người sau khi chết,… giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây cũng là những nội dung rất dễ nhận ra.

 

Với Đạo giáo ở phương Đông, “thiên đường” được hình dung một cách có tổ chức, có lớp lang, do Ngọc Hoàng đứng đầu.

 

Người phương Đông thường không bàn tới việc sau khi chết con người được lên “thiên đường” để sống một cuộc sống no đủ, thanh bình, an lạc, nên mới nảy sinh ra ước mơ “bách niên giai lão” mà ông Bành Tổ – người được cho là đã sống đến 800 tuổi, là một điển hình.

 

Trong phạm vi khảo sát của người viết bài này, chưa thấy một sách vở phương Đông nào khi bàn hoặc mô tả về thiên đình lại đề cập tới thần dân của nó.

 

Thiên đình là triều đình của Ngọc Hoàng, tượng trưng cho “quyền lực tâm linh tối thượng”, nơi chỉ có các phẩm trật, chức tước, và là nơi ban bố các mệnh lệnh xuống trần gian.

 

Xem ra thiên đình chính là “mô hình thiêng liêng” mà mọi triều đình, vua chúa nơi trần gian phải dựa vào, phải phỏng theo để sao chép mà xây dựng cho mình.

 

Với Phật giáo, câu chuyện cũng không khác biệt nhiều, cõi Niết bàn (Nivrada) cũng không được mô tả cụ thể, chỉ biết rằng, đó là cõi thiêng liêng giúp con người “siêu thoát” về tinh thần một khi con người “ngộ” ra con đường đi tới chân lý tâm linh được phác dựng trong “tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên…”.

 

Còn Kitô giáo ở phương Tây lại hình dung về một “thiên đường” rất cụ thể, mô tả chi tiết ở đó con người được ăn cái gì, được sống ra sao…

 

Nên mới có tình huống ngẫu nhiên của lịch sử là môn đồ của Đạo giáo trong khi không được tìm bài thuốc giúp con người “trường sinh bất tử” thì lại rất thông thạo, đến mức thành chuyên gia trong việc sử dụng các loại cây, lá, củ, quả chữa bệnh cho con người.

 

Còn ở phương Tây, một nhà giả kim thuật người Đức trong khi hí hoáy pha chế để tìm công thức luyện vàng thì lại chế ra gốm và ông khắc ở cửa phòng thí nghiệm câu nói: “Đấng sáng thế có những ý đồ khó hiểu, đã bắt một nhà chế tạo vàng thành một anh thợ gốm”!

 

Sự tổng kết mang tính kinh nghiệm của phương Đông có ý nghĩa lịch sử, tuy thế, nếu chỉ hành động bằng kinh nghiệm thì con người khó lòng có thể tiếp tục phát triển. Phương Đông cần tới một “bước nhảy tự thân” về tư duy, nhưng điều đó đã không xảy ra, nên nó vẫn cần tới một tinh thần phương Tây.

 

Về phần mình, khi phương Tây đã “vượt ngưỡng” khả năng duy lý thì sự tự điều chỉnh lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết; vì vậy phải chăng những thành tựu của minh triết phương Đông về sự hài hòa giữa con người với tự nhiên, sự hài hòa giữa con người với xã hội lại có ý nghĩa bổ khuyết?

 

(....)

 

- Nguyễn Hòa

Nguyễn Hòa
(25/05/2012 - 27304 lượt xem)