NASA: Bão mặt trời khổng lồ với tốc độ 6 triệu cây số 1 giờ có thể gây gián đoạn cho các hệ thống liên lạc vô tuyến toàn cầu

 
NASA: Bão mặt trời khổng lồ với tốc độ 6 triệu cây số 1 giờ có thể gây gián đoạn cho các hệ thống liên lạc vô tuyến toàn cầu
 
Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng Không và Không gian Hoa Kỳ, NASA, nói họ quan sát 2 vết lóa mặt trời hôm thứ Ba, cùng với hai vụ phun trào nhật hoa, phóng ra những khối năng lượng lớn và các hạt điện tích thoát ra từ mặt trời.

Các nhà dự báo nói rằng các hạt điện tích mặt trời sẽ ập xuống trái đất với tốc độ vượt quá 6 triệu km-giờ. Cơn bão có thể gây gián đoạn cho các hệ thống liên lạc vô tuyến, mạng vệ tinh, các hệ thống định vị toàn cầu và lưới điện.

Một nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại Dương và Khí quyển Quốc gia của Hoa Kỳ nói rằng một số hãng hàng không đã bắt đầu hủy bỏ một số chuyến bay, như một biện pháp đề phòng.

Cơ quan NASA nói họ không tin rằng trận bão mặt trời này sẽ tác động tới Trạm Không gian Quốc tế và 6 phi hành gia đang có mặt trên trạm.

Cơn bão cũng có thể tạo ra hiện tượng cực quang ở hai địa cực Bắc và Nam, hiện tượng này xảy ra khi các hạt phóng ra từ mặt trời quyện vào với từ trường của Trái đất.
 
Một cơn bão mặt trời khổng lồ có thể ập xuống trái đất trong ngày hôm nay, làm đảo lộn mọi thứ, từ điện thoại di động cho tới các chuyến bay.
 
Những dữ kiện về bão mặt trời
 
Một vết lóa mặt trời là một bùng phát năng lượng từ tính có trong bầu khí quyển mặt trời tạo ra một đợt sóng những hạt điện tích.
 
Một vụ nổ tại mặt trời sẽ tỏa ra một vụ phun trào nhật hoa làm phát ra những khối lượng lớn bức xạ điện từ có thể gây gián đoạn cho từ trường trên trái đất.
 
Các nhà thiên văn quan sát những vết lóa thấy những ánh sáng trắng chói chang.
 
Những vết lóa mặt trời là vụ nổ lớn nhất trong hệ mặt trời.
 
Cơn bão mặt trời đầu tiên được một nhà thiên văn trẻ ghi nhận tại Anh năm 1859.
 
- Thông Tín Viên
Nguồn: VOA
 

 

Thông Tín Viên
(19/03/2012 - 21043 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Thông Tín Viên
175 - VietJetAir bị phạt vì (08/08/2012 - 18874 lượt xem)