Tân Hoa Xã: Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh rằng giải pháp cho nông thôn Trung Quốc là “tự quản” – “self-governess”

 
Tân Hoa Xã: Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh rằng giải pháp cho nông thôn Trung Quốc là “tự quản” – “self-governess”
 
Thủ tướng Trung Quốc lên tiếng về nạn cưỡng chế đất ở nông thôn Trung Quốc và cho rằng ‘tự quản’ là cách tốt nhất để cải thiện bộ máy chính quyền ở các vùng quê.
 
Lặp lại chuyến tuần du phương Nam 20 năm trước của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo đã đến tỉnh Quảng Đông hai hôm cuối tuần qua và nói về nhu cầu tăng cường cải cách.
 
Báo chí Trung Quốc hôm 5/2/2012 đồng loạt trích đăng lời ông Ôn phát biểu rằng chỉ có tiếp tục cải cách và khai phóng (mở cửa) mới giúp đất nước giải quyết được các khó khăn hiện thời.
 
Ông cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền của nông dân và để họ được bỏ phiếu nhằm cải thiện bộ máy chính quyền cấp xã.
 
Tân Hoa Xã trích lời ông nói: “Khai phóng và cải cách phải được thực hiện không suy chuyển, nếu không sẽ chỉ có con đường đi vào ngõ cụt.”
 
Ông Ôn Gia Bảo trích lời cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình phát biểu cũng tại Quảng Đông hai thập niên trước và nhấn mạnh đến “tính quyết tâm, lòng dũng cảm” để cải cách dài hạn.
 
Ông nêu bật nhu cầu cho người nông dân quyền bỏ phiếu chọn ra các cấp ở xã, từ chủ tịch trở xuống.
 
Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người thường tỏ ra gần dân, trong một chuyến thăm nhà máy Ông ra lệnh cho các cấp chính quyền phải thực hiện “nhiệm vụ quan trọng” này.
 
Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh rằng giải pháp cho nông thôn Trung Quốc là "tự quản" ("self-governess", theo bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã 05/2).
 
Ông Ôn cho rằng đây là con đường duy nhất để cải cách bộ máy hành chính địa phương, làm sao cho bộ máy này “công khai, công bằng và trong sạch”.
 
"Cải cách hay là chết"
 
Báo chí Trung Quốc cũng nhắc rằng những tuyên bố mạnh mẽ của thủ tướng nước này được đưa ra trong bối cảnh vụ Ô Khảm làm chấn động dư luận trong nước.
 
Trong mấy tháng cuối năm 2011, gần 20 nghìn người dân làng Ô Khảm ở Quảng Đông đã tự quản bằng cách đuổi hết công an và cán bộ xã sau khi tranh chấp đất trở nên căng thẳng vì một người đại diện của dân làng bị chết.
 
Giải pháp mà bí thư Quảng Đông, ông Uông Dương, đưa ra chính là cách chức hai cán bộ lãnh đạo xã và cho ông Lâm Tổ Luyến, lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân Ô Khảm, làm chủ tịch xã mới.
 
Người dân làng cũng được quyền bầu ban lãnh đạo xã mới, trong nỗ lực của chính quyền muốn giải tỏa các bức xúc của dân.
 
Vụ Ô Khảm đã cho thấy nhiều vấn đề tích tụ từ chính sách đất đai bất cập của Trung Quốc.
 
Cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã công du các tỉnh duyên hải phía Nam Trung Quốc 20 năm trước, mở đầu phong trào Khai Phóng
 
Có ý kiến cho rằng việc cách chức một số quan chức địa phương chỉ cho thấy sự bất lực trong việc dùng pháp luật để giải quyết vụ Ô Khảm mà phải dùng tới quyết định chính trị qua bộ máy Đảng.
 
Nhưng trong một năm quan trọng, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kỳ đại hội "chuyển giao quyền lực" vào cuối 2012, chính quyền không hề muốn căng thẳng kéo dài ở Ô Khảm.
 
Viết trên Wall Street Journal, Stanley Lubman, giáo sư về luật Trung Quốc tại Đại học California, Berkeley, nói vụ Ô Khảm đặt ra hai mô thức cho chính trị Trung Quốc trong quan hệ giữa Chính quyền với Nhân dân.
 
Một mô thức là quy kết ai phản đối thành kẻ thù, còn mô thức kia là nhấn mạnh đến quyền dân sự của xã hội.
 
Có vẻ như Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người dự kiến sẽ chuyển quyền cho ông Lý Khắc Cường vào một thời điểm trong tương lai, muốn để lại di sản "tích cực" qua việc nhấn mạnh đến xu thế "xã hội dân sự" và quyền của nông dân Trung Quốc.
 
Nhưng các phát biểu của ông chưa cho thấy về mặt pháp luật, Nhà nước Trung Quốc có muốn thay đổi cơ chế "sở hữu toàn dân" về đất có từ khi chính thể cộng sản lên nắm quyền năm 1949 hay không.
 
- Thông Tín Viên
Nguồn: BBC
 

 
Thông Tín Viên
(10/02/2012 - 20516 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Thông Tín Viên
175 - VietJetAir bị phạt vì (08/08/2012 - 18874 lượt xem)