Đầu tư cho GIÁO DỤC, đầu tư cho TƯƠNG LAI

Đầu tư cho GIÁO DỤC, đầu tư cho TƯƠNG LAI
|

LTS: Bài góp ý sau đây của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thái Hợp hiện là Giám Mục Giáo phận Vinh đã được phổ biến trên nhiều báo in và báo điện tử tại Việt Nam. Đây là một nghiên cứu rất khoa học, công phu và ý nghĩa. Xin mời đọc để cùng học hỏi và gia tăng kiến thức có lợi ích chung.
|

Giáo dục và đào tạo phải là quốc sách hàng đầu trong chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ở giai đoạn toàn cầu hóa. Đầu tư cho giáo dục, vì vậy, chính là đầu tư cho tương lai. Nhưng nền giáo dục Việt Nam hiện nay quá yếu kém, bất cập, mất định hướng, thiếu triết lý giáo dục và tụt hậu thê thảm so với nhu cầu của thời đại. Mặc dù vẫn rất khó đạt được đồng thuận về định hướng và giải pháp cho việc cải tổ giáo dục Việt Nam, nhưng chắc hẳn nhiều người sẽ đồng ý với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi cho rằng “đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt để có tính cách mạng nền giáo dục là một điều kiện tiên quyết để đưa nước ta tiến lên nhanh và vững trên con đường hiện đại hóa đất nước”[1].
|
1-Khủng hoảng giáo dục
Nhờ chủ trương “mở cửa” Việt Nam đã đạt được những bước thành công trên con đường hội nhập quốc tế. Chính sách “đổi mới” kinh tế đang đưa đất nước dần dần ra khỏi tình trạng nghèo đói và lạc hậu. Trong tiến trình đổi mới này đáng lẽ ra giáo dục phải giữ vai trò quan trọng và đi tiên phong. Rất tiếc là nền giáo dục của chúng ta vẫn bị khống chế bởi “cơ chế bao cấp” và hệ tư tưởng cũ.
|
Trong một bài viết cách đây bốn năm, giáo sư Hoàng Tụy ví von nền giáo dục hiện tại của chúng ta với các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. “Thực chất vẫn là cái nhà cổ lỗ ấy xây dựng từ ba, bốn mươi năm trước, càng sửa chữa, cơi nới càng dị dạng, bỏ thì thương vương thì tội. Giáo dục của ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền giáo dục bình thường ở các nước. Được xây dựng và quản lý theo quan niệm cũ, nó không giống ai, không theo qui củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý vì qui mô và chất lượng hầu như đã đạt đến mức giới hạn trong điều kiện vật chất cho phép của đất nước hiện nay”[2]. Nói rõ hơn, cái bi đát của nền giáo dục chúng ta nằm ở giải pháp lỡ làng đó: Không thể giữ nguyên trạng cái cũ, cũng chẳng muốn phá đi để xây dựng một cái mới hoàn toàn, mà cứ loay hoay cơi nới và vá víu ngôi nhà cũ. Nhưng càng cơi nới, vá víu, tu bổ thì ngôi nhà càng dị dạng và xuống cấp.
|
Hậu quả thê thảm của nền Giáo dục dị dạng này ngày càng hiện rõ. Bản “Báo cáo về Phát triển trên Thế giới” năm 2006 của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt nam tụt lại phía sau rất xa các nước khác trong khu vực và chỉ có 2% dân số được đi học đủ 13 năm hoặc hơn nữa. Cũng theo báo cáo này thì Việt nam đứng chót trong khu vực vì chỉ có 10% thanh thiếu niên trong hạng tuổi từ 20 đến 24 ghi danh vào các trường đại học hoặc cao đẳng. Trái lại, Trung quốc có 15% thanh niên trong hạng tuổi này đã ghi danh, Thái lan có 41% và Nam Hàn có con số thật ấn tượng là 89%”.
|
Đó mới chỉ đề cập đến số lượng. Nếu so sánh về chất lượng thì càng thấy rõ tình trạng tụt hậu của Việt Nam so với các quốc gia lân cận: “Năm 2006, các giáo sư và sinh viên Đại học Quốc gia Seoul (Hán Thành) công bố 4,556 ấn phẩm khoa học. Trường Đại học Bắc Kinh có gần 3,000. Trong khi đó cả Đại học Quốc gia Hà Nội lẫn trường Kỹ thuật Quốc gia Hà Nội chỉ công bố 34 ấn phẩm. Số đơn xin bằng sáng chế là thước đo hữu dụng để biết khả năng phát minh của một quốc gia. Báo cáo năm 2006 của Ngân hàng Thế giới cho biết Trung Quốc có 40,000 đơn xin bằng sáng chế, trong khi ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn 2 đơn”.
|
Người ta vẫn không biết dựa trên tiêu chuẩn nào mà Mục tiêu chiến lược của Bộ GD và ĐT tham vọng rằng, đến năm 2020, Việt Nam có 02 trường Đại học đứng trong top 200 Đại học hàng đầu thế giới[3]. Điều người ta biết chắc là theo kết quả xếp hạng các trường Đại học trên thế giới năm 2009 (ARWU) của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải thì không thấy tên bất cứ Trường Đại học nào của Việt Nam trong top 500 (!). Còn theo kết quả xếp hạng các Đại học châu Á 2010 do Tổ chức quốc tế Khảo sát chất lượng (Quacquarelli Symonds) thực hiện thì, trong số 200 Đại học hàng đầu của châu Á, vẫn chưa có tên các trường Đại học của Việt Nam[4].
|
Thật khó mà nói vống thêm nữa về sự nghiêm trọng của những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong giáo dục đại học. Chúng tôi cho là nếu không có những cải cách nhanh chóng và tận gốc dành cho giáo dục đại học, Việt Nam sẽ không thể phát huy tiềm năng to lớn của mình. Phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa phát triển và giáo dục đại học. Mặc dù mỗi một quốc gia thịnh vượng nhất trong khu vực này – Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc – đã đi theo hướng phát triển đặc thù của mình, nhưng quyết tâm xây đắp cho một một nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phẩm chất cao luôn là mối quan tâm chung. (…). Điều này chẳng hé lộ điều gì tốt lành cho tương lai Việt Nam cả, vì các đại học Việt Nam lạc hậu quá, so ngay cả với các nước láng giềng không có gì đặc sắc tại Đông Nam Á.
|
Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thẳng thắn công nhận “nền Giáo dục và đào tạo của nước nhà vẫn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, từ việc xác định quan điểm và mục tiêu Giáo dục đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp, đội ngũ thầy giáo, hệ thống tổ chức cho đến công tác quản lý (…). Nhìn chung, hệ thống Giáo dục và đào tạo của nước ta đang tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”[5].
|
2-Cần đổi mới “triết lý giáo dục”
Đối diện với một nhân loại đang tiến từ thời công nghiệp sang giai đoạn hậu công nghiệp, mà có người gọi là nền văn minh trí tuệ, tư bản nhân văn (Human Capital)[6] trở thành yếu tố cơ bản của phát triển kinh tế – xã hội. Hàm lượng về vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên, lao động cơ bắp… trong mỗi sản phẩm cao cấp ngày càng giảm thiểu, nhưng ngược lại thông tin và hàm lượng trí tuệ ngày một gia tăng. Chất xám được coi là tấm hộ chiếu của thế kỷ 21 và tài nguyên tương lai của mỗi quốc gia hoàn toàn tùy thuộc ở óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, tốc độ và tài sử dụng thông tin để tạo thêm những giá trị gia tăng.
|
Từ đó nhu cầu khẩn thiết là phải cải tổ hệ thống giáo dục ngõ hầu trả lời cho những thách đố của một xã hội biến đổi không ngừng. Người xưa nói: “Nếu muốn lên kế hoạch một năm thì trồng lúa, mười năm thì trồng cây và trăm năm thì trồng người”. Yêu cầu “trồng người” này càng trở nên khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Thật vậy, để có thể đồng hành với nhân loại và trả lời cho thách đố của thời đại, đầu tư vào tư bản nhân văn được coi là đầu tư hữu hiệu nhất cho phát triển kinh tế – xã hội[7].
|
Nhờ chủ trương “mở cửa” về kinh tế Việt Nam đang dần dần ra khỏi tình trạng nghèo đói và lạc hậu. Đáng lẽ ra giáo dục phải giữ vai trò quan trọng và đi tiên phong trong công cuộc “đổi mới” này. Rất tiếc là nền giáo dục của chúng ta vẫn bị khống chế bởi “cơ chế bao cấp” và hệ tư tưởng cũ. Hiện nay mọi người đều thấy rõ hệ thống giáo dục đó như một ngôi nhà cổ lỗ, chẳng theo qui củ thông thường, càng phát triển, cơi nới và sửa chữa thì càng dị dạng[8].     
|   
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng “giáo dục của chúng ta hiện nay đang có vấn đề trong cả hệ thống của nó, hầu như tất cả các lãnh vực của nó đều có vấn đề, cái hỏng của nó có tính chất hệ thống chứ không phải cục bộ”. Nói cho cùng giáo dục dù sao cũng chỉ là “hệ thống con trong hệ thống mẹ, hệ thống con không thể không có vấn đề khi cả hệ thống mẹ có vấn đề”. Cuộc canh tân giáo dục hiện nay, do đó, trở nên phức tạp và nan giải, bởi vì muốn giải quyết tận gốc vấn đề giáo dục đòi hỏi phải thay đổi cả hệ thống mẹ. Và ông thú nhận “làm việc đó ở đây, bây giờ, là ảo tưởng”. Tuy nhiên, ông rất có lý để tin rằng “không phải khi hệ thống mẹ chưa có chuyển biến thì hệ thống con cứ phải bó tay ngồi đó mà chờ”. Trái lại, “những thay đổi tích cực trong hệ thống con theo một cách nào đó và ở một mức độ nào đó vẫn có thể có ảnh hưởng tích cực đến hệ thống mẹ”[9].
|
Trong viễn tượng đó, phải công nhận là một dấu hiệu tích cực việc Bộ GD – DT đã công bố bản Dự thảo “Chiến lược giáo dục Việt Nam 2009-2020”, ngày 18-12-2008. Ngay từ những dòng đầu tiên, bản Dự thảo nhìn nhận: “Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nguồn lực con người Việt Nam càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phát triển đất nước. Giáo dục ngày càng có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Điều này đòi hỏi giáo dục phải có chiến lược phát triển đúng hướng, hợp quy luật, xu thế và xứng tầm thời đại”. Đặc biệt hơn, ở phần III về “Quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục”, bản Dự thảo xác định rõ rệt: “Phát triển sự nghiệp giáo dục phải dựa trên một hệ thống triết lý”.
|
Mấy năm vừa qua, dư luận bàn nhiều đến “triết lý giáo dục” và coi nó là chìa khóa của vấn đề giáo dục hiện nay[10]. Đại đa số cho rằng nguyên nhân cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước ta là do cái “triết lý giáo dục” vừa lạc hậu, vừa mất định hướng. Cần cấp tốc thay đổi cái “triết lý giáo dục” nặng giáo điều và bao cấp hiện tại, rồi sau đó mới bàn tới việc thay đổi phương thức quản lý giáo dục, phân bố lại chương trình học, bỏ hay thay đổi chế độ thi cử, thiết lập Đại học cộng đồng, trường công hay trường tư, trường quốc tế hay quốc nội, soạn sách giáo khoa, lương giáo viên, tăng học phí, dạy thêm, v.v…
|
Có khá nhiều quan niệm về “triết lý giáo dục”. Tôi tạm hiểu triết lý giáo dục là một quan niệm nhất quán về định hướng, mục tiêu, bản chất và lí tưởng của giáo dục. Nó bao gồm một nhân sinh quan, xã hội quan và vũ trụ quan chi phối tất cả bộ máy giáo dục, cơ cấu tổ chức và phương thức quản lý. Mục đích của giáo dục là gì? Phải chăng là để tạo ra những con người có nhân cách, có đạo đức, có suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo, biết lấy quyết định, dám nhận trách nhiệm, có khả năng vận dụng kiến thức mới và trả lời cho những thách đố của thời đại? Phải chăng sứ vụ của giáo dục là chuyển giao một cách có phương pháp tri thức, kinh nghiệm, cũng như kỹ năng, lối sống, giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa để hình thành một nhân cách?
|
Giáo dục trước tiên là chuyển giao một cách có phương pháp tri thức, kinh nghiệm, cũng như kỹ năng, lối sống và giá tri đạo đức để hình thành một nhân cách. Người xưa nói rất chính xác: dạy chữ để dạy người. Khi xa rời với mục tiêu “đào tạo con người” thì Giáo dục sẽ đánh mất sứ vụ chính yếu của mình, không còn tạo nên người thật, mà chỉ còn sản xuất ra những “người máy” mà thôi.
|
Bác học Albert Einstein đã có những nhận định sâu sắc về vai trò của triết lý giáo dục: học sinh “phải được dạy để có một ý thức sống động về cái đẹp và cái thiện”. Nền giáo dục có giá trị cần phát huy “lối tư duy phê phán độc lập”. Nếu “quá nhấn mạnh đến hệ thống ganh đua cũng như chuyên ngành quá sớm vì tính hữu dụng trực tiếp sẽ giết chết tinh thần”. Đường hướng giáo dục này có nguy cơ làm cho học sinh trở thành “một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá”[11].
|
Để chu toàn công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay thiết tưởng một định hướng giáo dục đúng đắn phải đề cao việc “phát huy nội lực”. Ngay từ đầu thế kỷ XX, cụ Phan Chu Trinh đã ý thức rõ rệt sứ mệnh của giáo dục trong việc phát triển nội lực này. Trái với khuynh hướng chủ trương dùng bạo động và dựa vào sự trợ lực của nước ngoài của nhiều nhà cách mạng thời đó, Phan Chu Trinh cho rằng “vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử”. Cụ chủ trương “tự lực khai hóa” và đề nghị phát động phong trào duy tân nhằm mục đích “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Mấy dòng tâm huyết viết từ Côn Đảo bộc lộ rõ rệt quan điểm của cụ: “Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dẫu có nhờ cậy sức nước ngoài chỉ diễn cái trò “đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai”, không ích gì (…). Mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu địch của mình. Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng. Người Nhật chắc gì hơn người Pháp”[12].
|
Giới Công giáo đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục này[13]. Nói một cách tổng quát, theo quan điểm của Kitô giáo, mọi định hướng giáo dục phải lấy con người làm trọng tâm, phải hướng tới sự phát triển đồng đều giữa Trí và Tâm. Tâm đây dĩ nhiên là chữ tâm, tấm lòng nhân ái, nhưng cũng còn là chiều kích tâm linh. Theo Công đồng Vatican II, “do phẩm giá của mình, tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hay điều kiện xã hội, đều hưởng một quyền bất khả tương nhượng về một nền giáo dục có khả năng trả lời cho sứ vụ (làm người), phù hợp với đặc tính, với sự khác biệt về giới tính, văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời biết mở rộng cho việc trao đổi huynh đệ với các dân tộc khác để hỗ trợ việc hiệp nhất đích thực và hòa bình thế giới. Do đó, mục tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người, nhằm đạt tới mục đích tối hậu, cũng như lợi ích của các xã hội, mà con người là thành viên và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành”[14]
|
Trong viễn ảnh đó, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy bản Dự thảo vẫn hiểu một cách đơn giản và giáo điều “triết lý giáo dục” chỉ là “một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn giai đoạn mới”. Chúng tôi nghĩ rằng nếu không cấp tốc thay đổi cái “triết lý giáo dục” vừa lạc hậu, vừa bao cấp và nặng giáo điều này thì chẳng hy vọng đạt được một nền giáo dục tiên tiến, phát triển đúng hướng, hợp quy luật, xu thế và xứng tầm thời đại!
|
Rất may là rải rác trong bản Dự thảo chúng ta cũng gặp thấy một số khái niệm liên quan tới “triết lý giáo dục”. Chẳng hạn, ngay trong số 1 của “Quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục”, Dự thảo viết: “Giáo dục và đào tạo có sứ mạng đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời tạo lập nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Và ở phần “Mục tiêu chiến lược giai đoạn 2009-2020”, Dự thảo đề nghị: “Trong vòng 20 năm tới, phấn đấu xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước”.
|
Dự thảo muốn “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện”, những con người “có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thực, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân”. Nhưng Dự thảo lại chỉ chính thức nhấn mạnh đến ba thuộc tính: hiện đại, khoa học và dân tộc. Dĩ nhiên, đó là những thuộc tính quan trọng của một nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ. Để có một nền giáo dục hiện đại và quân bình, thiết tưởng cần bổ sung thêm hai thuộc tính quan trọng khác là nhân bản và đạo đức.
Cuộc khủng hoảng hiện tại đòi hỏi chúng ta phải đề cao vai trò nhân bản và đạo đức trong giáo dục, vì một nền giáo dục chân chính phải giúp mỗi cá nhân triển nở trọn vẹn và thực hiện được lí tưởng làm người của mình. Người xưa nói rất chính xác: dạy chữ để dạy người. Khi xa rời với mục tiêu “đào tạo con người” thì giáo dục đã đánh mất sứ vụ chính yếu của nó, không còn tạo nên “người thật”, mà chỉ còn sản xuất ra những thứ “người máy” mà thôi.
|
Dự thảo giới thiệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua bằng những con số lạc quan: “Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh với vị thế và diện mạo mới. Kinh tế Việt Nam liên tục phát triển; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Thu nhập bình quân theo đầu người trong 10 năm qua tăng liên tục từ 337 USD năm 1997 đã lên đến 823 USD năm 2007. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng cường công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP ngày càng giảm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt”. Không ai có thể phủ nhận những thành quả đó, tuy nhiên chúng ta cũng không thể quên rằng khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày một tăng cao, hiện tượng giả dối, lừa đảo… tràn lan, chất lượng cuộc sống ngày một giảm và đạo đức suy đồi. Nếu nhìn vào toàn cục, vào cả dân tộc, đúng là một thành công hiển nhiên, nhưng nếu nhìn vào từng gia đình, từng cá nhân, từng phận người cụ thể chưa được chuẩn bị đầy đủ trong văn hóa, trong lịch sử và trong cách thế làm người thì quả thật đầy dẫy rạn nứt và đổ vỡ đau thương!
|
Nhiều người vẫn băn khoăn tự hỏi: Tại sao một dân tộc có truyền thống văn hóa ngàn đời và một quốc gia luôn tự hào với các giá trị tinh thần và đạo đức mà bỗng chốc bị rơi vào tình trạng phi chuẩn mực thê thảm như vậy? Phải chăng đây là cái giá của những bước nhảy vọt hay đốt giai đoạn duy ý chí? Có cách nào tránh hay ít nhất giảm thiểu hiểm họa này không?
|
3-Vai trò của xã hội dân sự
Đọc bản Dự thảo, người ta có cảm tưởng là các tác giả đã liệt kê quá nhiều thành tựu mà nền giáo dục Việt Nam đã đạt được trong 20 năm qua! Tuy nhiên, khi nhìn về tương lai, các tác giả đã phải thú nhận: “Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trên thế giới có thể làm cho khoảng cách kinh tế và tri thức giữa Việt Nam và các nước ngày càng lớn hơn, nước ta có nguy cơ bị tụt hậu xa hơn”.
|
Dự thảo công nhận hiện đại hóa giáo dục là một công tác rất khó khăn và tốn kém. Mấy năm qua Nhà nước đã tăng đầu tư cho giáo dục. Nhưng một nước nghèo như Việt Nam, mặc dù đầu tư trong ngân sách cho giáo dục đã tăng thì cũng chẳng thể đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Vì vậy, ở giải pháp 6 trong “Giải pháp chiến lược” cho giai đoạn 2008 – 2020, Dự thảo đề cập đến vấn đề “xã hội hóa giáo dục”, hay nói theo ngôn ngữ quốc tế thì đây chính là vấn đề “tư nhân hóa giáo dục”. Xin trích dẫn một đoạn liên quan trực tiếp đến đề tài đang thảo luận:
“- Khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đảm bảo tỷ lệ sinh viên đại học và cao đẳng ngoài công lập là 20% năm 2010, 30% năm 2015 và 40% năm 2020; nâng tỷ lệ học sinh học nghề (ngắn hạn và dài hạn) ngoài công lập lên khoảng 60% vào năm 2020. Triển khai các chính sách cụ thể của Chính phủ đã ban hành để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập cả ở đại học, dạy nghề và phổ thông, trước hết về đất đai, thuế và vốn vay. Xác định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí thành lập cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức kinh tế-xã hội tham gia vào công tác thành lập trường theo quy hoạch phát triển của Nhà nước.”
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho việc mở các trường đại học 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam”.
|
Chúng tôi hoàn toàn tán thành giải pháp chiến lược kêu mời xã hội dân sự cộng tác vào công cuộc cải tổ và hiện đại hóa giáo dục để giúp đất nước hội nhập quốc tế thành công. Muốn đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèo đói và lạc hậu để trở thành một nước phát triển bậc trung, nhất là muốn kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, cũng như giữa hiện đại hóa đất nước và bảo vệ giá trị truyền thống, cần biết nối kết bàn tay vô hình của thị trường với bàn tay pháp lý của nhà nước và bàn tay liên đới của xã hội dân sự. Sự có mặt của “bàn tay liên đới” sẽ giúp chúng ta tạo được một thế chân vạc trong phát triển, trả lời cho những yêu sách sáng tạo của thời đại và giảm thiểu bất quân bình xã hội. Thiết nghĩ đây là một mô hình phát triển phù hợp hơn cho Việt Nam, bởi vì thị trường “được giám sát bởi các lực lượng xã hội và Nhà nước, nhằm thỏa mãn những đòi hỏi căn bản của tất cả xã hội”[15].
|
Theo Báo cáo của Thomas J. Vallely có nhiều nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng hiện tại về giáo dục. Nhưng nguyên nhân trước mắt của cuộc khủng hoảng nằm ở sự thất bại nghiêm trọng của chính sách quản lý của nhà nước. Các đại học Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng những phẩm chất phổ biến tại khắp các đại học từ Boston đến Bắc Kinh: Tự trị Đại học, tuyển dụng theo thành tích, quan hệ quốc tế và chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm, tự do trí tuệ[16].
|
Chính trong viễn ảnh đó, vai trò của xã hội dân sự trong sứ vụ cải tổ và phát triển Đại học. Vì vậy, một lần nữa người viết xin lặp lại một thắc mắc đã nêu lên một vài lần, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời: Tại sao Nhà nước khuyến khích các “tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục” thế mà lại không cho phép các tôn giáo trong nước tham gia trực tiếp vào lãnh vực giáo dục? Riêng Giáo Hội Công giáo có nhiều Dòng tu chuyên lo về giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên bình diện quốc nội, cũng như quốc tế. Nhưng đến bao giờ những tu sĩ này mới có cơ hội đóng góp tim – óc của mình cho giới trẻ Việt Nam?
|
- Giám mục Nguyễn Thái Hợp, O.P.


|
Ghi chú:
[1] Võ Nguyên Giáp, “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà”, trong Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm và giải pháp, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007, tr. 21.
[2]
Hoàng Tụy, “Ba biện pháp cấp bách đưa giáo dục ra khỏi nguy kịch”, Tuổi Trẻ Chủ nhật, 28.12.2003, tr.8.
[3]
http://www.vtc.vn/xahoi/giaoduc/2020-viet-nam-co-2-truong-dh-vao-top-200-the-gioi/201647/index.htm
[4]
http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-university-rankings/overall
[5]
Võ Nguyên Giáp, sđd., tr. 11-12.
[6]
Có người dịch “Human Capital” là “vốn con người”. Nhưng cách dịch đó chưa lột tả hết ý nghĩa sâu xa của thuật ngữ này vì không phải bất cứ con người và hình thức lao động nào cũng là “vốn quý” trong nền kinh tế tri thức. Để trở thành “vốn quý” ở thời đại toàn cầu hóa này phải là những con người được đào tạo, có phẩm chất, kỹ năng, sáng tạo…
[7]
Xem Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức…, tr. 81-108.
[8]
Xem Hoàng Tụy, “Ba biện pháp cấp bách đưa giáo dục ra khỏi nguy kịch”, Tuổi Trẻ Chủ nhật,
28-12-2003, tr.8.
[9]
Nguyên Ngọc, “Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?”, trong Những vấn đề giáo dục hiện nay…, sđd, tr. 261-263.
[10]
Xem Hoàng Tụy và cộng sự, “Kiến nghị của Hội thảo về chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục”, trong Nhiều Tác giả, Những vấn đề của giáo dục hiện nay. Quan điểm & Giải pháp, NXB. Tri Thức, 2007, tr. 31-48; Nguyên Ngọc, “Lại xôn xao chuyện triết lý giáo dục”, sđd., tr. 279-281; Phạm Hữu Quang, Thử bàn về triết lý giáo dục, Diễn Đàn Forum, ngày 25-2-2008; Phan Đình Diệu, Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người, Vietnam net, ngày 24-2-2008; Nguyễn Thái Hợp (Chủ biên), Tôn giáo – Giáo dục. Một cách tiếp cận, Tp.
HCM, 2009; Trần Trung Phượng, “Sự cần thiết phải xây dựng một tư tưởng triết lý giáo dục mới”, tuần san CG & DT, số 1697, (03-09), 6-7.
[11]
Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức, 2005, tr. 48-49.
[12]
Dẫn theo Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng ngoại, Nam Cường, Sàigòn, 1951, tr. 105.
[13]
Xem Thư Mục vụ của Hội Đồng Giám mục Việt
Nam, Giáo dục Kitô giáo, 2008.
[14]
Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 1.
[15]
Giáo chủ Gioan Phaolô II, Centensimus annus, số 35.
[16]
Xem Thomas J. Vallely, Giáo dục Đại học tại Việt
Nam: Khủng Hoảng và Đáp Ứng, http://tuanvietnam.net/harvard-ban-ve-khung-hoang-giao-duc-dai-hoc-vn.
Nghĩa Sinh
(15/11/2011 - 19896 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nghĩa Sinh
6 - Vì sao lá đổi màu vào mùa thu? (15/11/2011 - 21098 lượt xem)
7 - Mười tật xấu của người mình... (07/11/2011 - 22284 lượt xem)
8 - Ở Mỹ trái tim lạnh cái đầu nóng? (01/11/2011 - 21992 lượt xem)
17 - Nghĩa Sinh: 50 năm thiện nguyện (10/10/2011 - 22111 lượt xem)
50 - GIÁO DỤC HÔM NAY CHO NGÀY MAI (12/07/2011 - 21482 lượt xem)
52 - Nghĩa Sinh gặp lại nhau sau 38 năm (02/07/2011 - 22555 lượt xem)
58 - Con để dành phòng khi đau ốm... (12/05/2011 - 24105 lượt xem)
59 - Chúc mừng Ngày Từ Mẫu: Ngày 8-5-2011 (06/05/2011 - 23040 lượt xem)
69 - Năm Cách Sống Khỏe Tinh Thần (04/04/2011 - 23522 lượt xem)
72 - Tự do - Công lý - Hoà bình (27/03/2011 - 24295 lượt xem)
78 - Trên 12 ngàn tấm hình cổ quý (09/03/2011 - 20774 lượt xem)
79 - Thơ Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ (07/03/2011 - 24266 lượt xem)
80 - Nghĩa Sinh và Tôi (21/02/2011 - 22843 lượt xem)
85 - Ý nghĩa Tết Nguyên Đán (26/01/2011 - 24136 lượt xem)
87 - XUÂN VIỆT (21/01/2011 - 20780 lượt xem)
95 - Noel 1983: Luận về từ “Nghĩa” (16/12/2010 - 24394 lượt xem)
98 - Tổng số người Việt tại Mỹ (12/12/2010 - 25572 lượt xem)
112 - Tình thương không lời (23/08/2010 - 23977 lượt xem)
114 - Đi tìm Hạnh Phúc (18/08/2010 - 23854 lượt xem)
115 - LỜI CẢM TẠ NGHĨA SINH (13/08/2010 - 23551 lượt xem)
118 - Nghĩa Sinh Chicago phân ưu (05/08/2010 - 23534 lượt xem)
119 - Nghĩa Sinh Phước Tuy phân ưu (04/08/2010 - 22783 lượt xem)
122 - Phi cơ bay không cần xăng (29/07/2010 - 23164 lượt xem)
128 - Thư Cám Ơn Nghĩa Sinh (20/07/2010 - 25297 lượt xem)
129 - Nghĩa Sinh Chicago Phân Ưu (15/07/2010 - 29488 lượt xem)
130 - Nghĩa Sinh Phước Tuy phân ưu (15/07/2010 - 29018 lượt xem)
131 - Chúc mừng gia đình Trưởng Mai Nghĩa (05/07/2010 - 28755 lượt xem)
153 - Phân Ưu (19/02/2010 - 23779 lượt xem)
158 - Một cánh cửa hé mở cho NS ? (30/12/2009 - 26017 lượt xem)
160 - NỘI DUNG ĐÍCH THỰC CỦA GIÁNG SINH (22/12/2009 - 23416 lượt xem)
164 - THÀNH THẬT PHÂN ƯU (03/12/2009 - 25665 lượt xem)
166 - Môi trường cho tài năng Việt (17/11/2009 - 23889 lượt xem)
168 - MÓN QUÀ MỘT NỬA (09/11/2009 - 22533 lượt xem)
169 - Chúc mừng Sinh nhật 40 của Internet (31/10/2009 - 25314 lượt xem)
183 - Bàn Tay Nhân Ái (28/08/2009 - 25412 lượt xem)
184 - Người ấy là ai ? (22/08/2009 - 22818 lượt xem)
202 - Chúc mừng Trung Tâm Nghĩa Việt (26/06/2009 - 23017 lượt xem)
206 - Đáp lời kêu gọi thiện nghĩa (16/06/2009 - 21996 lượt xem)
229 - Mười cách để vui sống (11/02/2009 - 24321 lượt xem)
230 - Làm Sao Đọc Được Chữ Việt ? (11/02/2009 - 21828 lượt xem)
231 - Niềm Vui Họp Mặt Nghĩa Sinh (08/02/2009 - 18003 lượt xem)
233 - Thông Tin về Dự Án Trường Nghĩa Sinh (04/02/2009 - 21973 lượt xem)
234 - Sống Hùng Chúc Tết Nghĩa Sinh (02/02/2009 - 23150 lượt xem)
240 - Thông Tin về Dự Án Trường Nghĩa Sinh (16/01/2009 - 21428 lượt xem)
242 - Hoạt Động NS Chicago Ngày 24-1-2009 (09/01/2009 - 24069 lượt xem)
247 - MỪNG CHÚC GIÁNG SINH & NĂM MỚI (24/12/2008 - 24417 lượt xem)
251 - Bài thơ tặng cha mẹ (13/12/2008 - 25179 lượt xem)
252 - CHÚC MỪNG LỄ TẠ ƠN 2008 ! (27/11/2008 - 21796 lượt xem)
255 - GƯƠNG SÁNG NGHĨA SINH PBN (15/10/2008 - 23689 lượt xem)
257 - CHÚC-MỪNG SINH-NHẬT NSPT (08/10/2008 - 22132 lượt xem)
258 - CHÚC MỪNG NS SỐNG HÙNG [Lệ Dung] (08/10/2008 - 24192 lượt xem)
283 - Bảy Bông Sen Vàng [Seven Golden Lotuses] (25/07/2008 - 24107 lượt xem)
305 - 25th NghiaSinh Thanksgiving Celebration (06/05/2008 - 24139 lượt xem)