Học viện Nghĩa Sinh: Khoa trưởng Đại học Công lập Chicago chủ tọa Lễ Đúc kết Khóa Anh ngữ Quốc tế Thứ VIII dành cho linh mục, tu sĩ và GLV ngày 17/03/2022

Học viện Nghĩa Sinh: Khoa trưởng Đại học Công lập Chicago chủ tọa Lễ Đúc kết Khóa Anh ngữ Quốc tế Thứ VIII dành cho quý linh mục, tu sĩ và giáo lý viên ngày 17/03/2022 tại Chicago


LỄ ĐÚC KẾT KHÓA ANH NGỮ QUỐC TẾ THỨ VIII

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 17/03/2022, Khoa trưởng Đại học Công lập Chicago, Tiến sĩ Richard Darga, đã đến chủ tọa Lễ Đúc kết Khóa Anh ngữ Quốc tế Thứ VIII được tổ chức trực tuyến từ Chicago. Hiện diện trong lễ đúc kết có 25 linh mục, tu sĩ, huynh trưởng và giáo lý viên tham dự Khóa Anh ngữ Quốc tế nầy.

Nội dung chương trình lễ đúc kết khóa học như sau.

1. Lời nguyện Khai mạc – Linh mục Trần Đức Trí

2. Huấn từ của Khoa trưởng Đại học – Tiến sĩ Richard Darga

3. Trao tặng Chứng chỉ Mãn khóa – Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu

4. Cảm nhận về Khóa học Anh ngữ – Cô Nguyễn Hoàng Lan

5. Cảm nhận về Chương trình Thạc sĩ – Anh Phan Văn Thức

6. Thánh ca Tạ ơn – Anh Phan Hữu Sinh

7. Lời nguyện Bế mạc & Phép lành – Linh mục Chu Văn Liên 


HUẤN TỪ CỦA KHOA TRƯỞNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP CHICAGO

Sau lời nguyện khai mạc của Linh mục Trần Đức Trí là huấn từ của Khoa trưởng Đại học, chủ tọa nghi thức đúc kết khóa học hôm nay. Nội dung bài huấn từ song ngữ của Tiến sĩ Richard được ghi nhận như sau.

TRAO CHỨNG CHỈ MÃN KHÓA ANH NGỮ QUỐC TẾ THỨ VIII

Sau huấn từ, Tiến sĩ Khoa trưởng đã lần lượt trao tặng các Chứng chỉ Mãn khóa VIII lớp Anh ngữ Quốc tế (International English Language – IEL) cho 25 Linh mục, Nữ tu cùng quý anh chị Huynh trưởng và Giáo lý viên. Đặc biệt trong khóa học nầy còn có sự tham dự quý báu của hai Thầy ban Thần học Đại Chủng Viện.

Các tham dự viên chăm chuyên, đạt chuẩn điểm lớp và hiện diện trong tất cả các lớp học trong toàn khóa học đã được Tiến sĩ Khoa trưởng trao tặng Bằng Hiện diện Hoàn hảo (Perfect Attendance Award), trong đó có một Linh mục và một Nữ tu đã đạt chuẩn điểm hiện diện 100% trong tất cả các lớp học trong 1 năm 6 tháng qua (từ ngày 1/9/2020-17/3/2022).

Nhị vị giáo sĩ và tu sĩ nầy đã là gương sáng sống động về tinh thần hiếu học và cần mẫn cho tất cả các học viên trong Chương trình Anh ngữ Quốc tế (International English Language Program – IELP) do Học viện Lãnh đạo Nghĩa Sinh tổ chức với sự hợp tác của Đại học Công lập Chicago từ ngày 30-8-2018 đến nay (17/3/2022).

CẢM NHẬN VỀ KHÓA HỌC ANH NGỮ QUỐC TẾ

Giáo viên Nguyễn Hoàng Lan đã được mời chia sẻ cảm nghiệm về giảng huấn. Cô cho biết khi được Thầy Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Đại học Công lập Chicago mời tham gia điều hợp các lớp IEL, cô cảm nhận được một vinh dự vô cùng lớn lao và là một vinh dự chỉ có một không hai trong đờì – vì lớp học có các Cha, các Sơ, các Thầy và các nhà giáo kinh nghiệm thâm niên.

Sau một năm rưỡi đảm nhận trọng trách nầy, cô cảm thấy rất hài lòng về sự tham dự đông đủ và đều đặn của các học viên. Trước giờ học: học viên đã đọc bài và làm bài bài tập chu đáo. Trong giờ học: học viên chăm chú ghi chép, chủ động đóng góp ý tưởng và tham gia các sinh hoạt lớp như anh chị em trong một gia đình đầm ấm, yêu thương…

CẢM NHẬN VỀ CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ

Anh Phan Văn Thức hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Khoa học TPS chuyên luyện ngành Quản trị và Lãnh đạo tại Đại học Công lập Chicago. Anh cho biết anh rất phấn khởi và vui mừng được theo học chương trình Master of Science in TPS with emphasis in Performance Management and Leadership.

Trong mùa học Spring 2020 nầy, anh đã lấy hai lớp: TPS 5050 – Professional Practice and Porfolio I và lớp TPS 5058 – Quality Systems and Methods. Qua hai lớp nầy, anh cho biết anh đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích không những cho đời sống cá nhân của riêng anh mà còn có thể áp dụng ngay vào công việc anh hiện đang đảm trách.

Anh chia sẻ vài thí dụ tiêu biểu như môn TPS 5050 đã giúp anh định hướng chương trình học của mình trong hai ba năm sắp tới để biết rõ về tầm nhìn (vision) – mình sẽ đi về đâu, với sứ vụ (mission) gì và để đạt được mục đích (goal) gì? Nhờ đó mỗi nghiên cứu sinh Thạc sĩ thiết lập cho mình một hành trình (journey) hữu ích và ‎ý nghĩa.

Môn TPS 5058 đã giúp anh có một cách nhìn mới về công việc làm của bản thân. Thí dụ một người bán hàng ở ngoài chợ, đa phần người nầy chỉ để ý đến món hàng mà người đó bày bán mà thôi. Lớp học Quality Systems and Methods đã giúp anh có một cách nhìn mới: để ý đến nhu cầu của khách hàng trước khi lựa chọn món hàng gì để bán, nghĩa là tìm hiểu nhu cầu trước khi lập chương trình phục vụ hay mục vụ[1].

CÁC LỚP HỌC DO HỌC VIỆN NGHĨA SINH TỔ CHỨC

Vào ngày 30/08/2018, Viện trưởng Đại học Công lập Chicago và Giám đốc Học viện Lãnh đạo Nghĩa Sinh (NghiaSinh Leadership Academy) đã ký tên vào một thỏa thuận (Memorandum of Agreement) để thực hiện một chương trình Thạc sĩ Trực tuyến, khởi sự bằng việc tổ chức các lớp Anh ngữ cho các linh mục, tu sĩ và huynh trưởng để chuẩn bị theo học Chương trình Thạc sĩ tại Đại học Công lập Chicago.

Hiện tại có 6 lớp học do Học viện Lãnh đạo Nghĩa Sinh tổ chức như sau:

1. Lớp IEL1 – Học tối thứ Tư với sự tham dự của 20 nữ tu.

2. Lớp IEL8 – Học tối thứ Ba và thứ Năm với sự tham dự của 25 linh mục, tu sĩ, huynh trưởng và giáo lý viên.

3. Lớp IEL9 – Sẽ khai giảng ngày 19/04/2022 với sự tham dự của 11 linh mục, tu sĩ, huynh trưởng và giáo lý viên từ lớp IEL8 và 16 thành viên mới (gồm 2 linh mục, 7 nữ tu và 7 huynh trưởng).

4. Lớp Reading & Writing – Học tối thứ Tư với sự tham dự của 11 thành viên gồm linh mục, tu sĩ, huynh trưởng và giáo lý viên.

5. Lớp Kỹ năng Lãnh đạo được tổ chức vào ngày thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần với sự tham dự của 45 thành viên.

6. Lớp Thạc sĩ Khoa học TPIS chuyên luyện về Quản trị và Lãnh đạo: 12 linh mục, tu sĩ và huynh trưởng đã chính thức nhập học chương trình thạc sĩ năm 2021 (3 sinh viên), năm 2022 (9 sinh viên) và sẽ có thêm nhiều sinh viên nhập học vào Khóa mùa Hè và Khóa mùa Thu năm 2022

HỌC TRÌNH THẠC SĨ CHO LINH MỤC, TU SĨ VÀ GIÁO LÝ VIÊN

Sau khi thi IELTS được 6.0 điểm hoặc cao hơn, học viên các lớp Anh ngữ sẽ được nhập học chương trình thạc sĩ với học bổng học phí (tuition scholarships or tuition waivers). Nội dung chương trình Thạc sĩ Khoa học TPS chuyên luyện về Quản trị và Lãnh đạo (Master of Science in TPS with emphasis in Management and Leadership) được tóm lược như sau.


THAY LỜI TÂM KẾT GIÁO DỤC

Người viết thiết nghĩ lễ đúc kết một chương trình giáo dục là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm về triết lý giáo dục, trọng tâm đào tạo, châm ngôn giáo huấn và tiềm năng kiến thức trong công tác giáo dục và đào tạo đã được Huynh Trưởng Nghĩa Sinh diễn giải như sau.

1. Triết lý Giáo dục: Giáo dục nhân bản – lấy con người làm gốc, lấy sự sống làm căn bản, lấy nhân vị làm cơ sở sáng tạo và phát triển tiềm năng đặc thù của mỗi cá nhân.

2. Trọng tâm Đào tạo: Phát triển lãnh đạo (Leadership Development) bao gồm (1) Kỹ năng Lãnh đạo (Leadership Skills); (2) Kỹ năng làm việc Nhóm (Teamwork Skills); (3) Kỹ năng vui Sống (Life-fulfillment Skills); và (4) Kỹ năng Sáng tạo (Creativity Skills).

3. Châm ngôn Giáo huấn: “Giáo dục là chìa khóa (mở cửa) thành công” là châm ngôn cho các chương trình giáo dục và đào tạo do Nghĩa Sinh tổ chức. Châm ngôn nầy được diễn dịch từ Anh ngữ, “Education is the key to success.” Trong cuộc sống, mọi người đều cần chìa khóa – chìa khóa nhà, chìa khóa tủ, chìa khóa xe… Vì vậy các dự án Công tác Giáo dục Nghĩa Sinh được thiết lập nhằm mục đích tạo cơ hội cho mỗi người tham dự hành trình giáo dục nầy biết học tập để “sở hữu được loại chìa khóa mình cần trong cuộc sống.”

4. Tiềm năng Kiến thức: Giáo dục và huấn luyện mang lại cho chúng ta kiến thức, kỹ năng và phẩm hạnh. Đây là ba phẩm lượng cần thiết cho đời sống nhân bản và nhân văn của mỗi người. Châm ngôn cho các tham dự viên Chương trình Giáo dục Nghĩa Sinh được diễn dịch từ Anh ngữ, “Knowledge, skills, and manners are powers.” Kiến thức, kỹ năng và phẩm hạnh mà chúng ta có được từ giáo dục là quyền lực của con người để sinh sống, phát triển và trải nghiệm phước hạnh. Người ta có thể cưỡng chế đất đai, tiền của và sự tự do của một người, nhưng họ không thể nào lấy được kiến thức, kỹ năng và phẩm hạnh của người đó – vì cá nhân nầy đã được đào tạo chuyên môn và đã được trang bị nội tâm chuẩn mực. 

******************

XIN MỜI XEM THÊM CÁC THÔNG TIN LIÊN HỆ

[1] Chương trình Thạc sĩ Lãnh đạo Cộng đoàn
http://www.nghiasinh.org/?mode=new_nd&stt=1167
[2] Chương trình Thạc sĩ Khoa học Quản trị và Lãnh đạo
http://www.nghiasinh.org/?mode=new_nd&stt=1236
[3] Học viện Lãnh đạo Nghĩa Sinh
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/4.2pngnghiasinhleadershipacademyfinalbest09jan22.png
[4] Học viện Nghĩa Sinh Phục vụ
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/5.pngnghiasinhservantshipacademyfinalbest09jan22.png

- Đoàn Nhân Ái

------------------

[1] Tìm hiểu nhu cầu trước khi lập chương trình mục vụ hay phục vụ, giúp ích

Tại sao trong mọi cuộc họp của công ty Amazon đều có ít nhất 1 chiếc ghế trống? Cho dù buổi họp đó chỉ có 3 người, 5 người, 15 người, hay hơn cả 100 người? Và cho dù cuộc họp đó có quy mô quốc tế đẳng cấp đến đâu đi chăng nữa, mỗi sự kiện của Amazon đều có thêm “một chỗ ngồi mà không có người ngồi” bên cạnh CEO Jeffrey Bezos?

Trên đây là câu hỏi của một thành viên trong lớp học về Kỹ năng Lãnh đao. Thầy Giuse đã chia sẻ với mọi người trong lớp học một câu giải đáp tổng quát như sau:

Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, thường xuyên để trống một ghế trong tất cả các cuộc họp cấp lãnh đạo của công ty. Nó ở đó để nhắc nhở các giám đốc điều hành và quản lý đồng nghiệp của ông ấy về “người quan trọng nhất” trong phòng họp ban lãnh đạo công ty – đó là chiếc ghế trống danh dự đặc biệt dành riêng cho khách hàng.

Jeffrey Bezos là một doanh nhân tỷ phú người Mỹ. Ông đã thành công là nhờ cách nhìn “chiến lược” ngoạn mục của ông vào khách hàng trước rồi mới tìm về xây dựng món hàng sau – dựa vào nhu cầu và sở thích của khách hàng. Hơn nữa, cho dù sau khi đã thiết lập được những tương quan tốt đẹp và xuất sắc với khách hàng, Jeff Bezos vẫn luôn luôn có một đội ngũ chuyên môn giúp ông biết thêm về những “ước mơ của khách hàng” và tìm cách đáp ứng một cách nhanh chóng có thể để khách hàng càng ngày càng hài lòng và tín nhiệm công ty Amazon của ông.

Nhờ thay đổi cách nhìn trong kinh doanh là chú tâm đến khách hàng mà Jeffrey Bezos đã trở thành tỷ phú giàu thứ hai trên toàn thế giới. Với giá trị tài sản ròng khoảng 177 tỷ đô la Mỹ tính đến tháng 3 năm 2022, Jeffrey Bezos là người giàu thứ hai trên thế giới theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg và Forbe. Vậy thì một thầy giáo cần đáp ứng nhu cầu của học sinh; một chủ nông trại cần đáp ứng nhu cầu của công nhân; một linh mục cần đáp ứng nhu cầu của giáo dân.

Đoàn Nhân Ái
(22/03/2022 - 1249 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Đoàn Nhân Ái