Khoá Kỹ năng Lãnh đạo tại Đại Chủng viện Vinh Thanh do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách tháng 2-2016

 Khoá Kỹ năng Tổ chức và Lãnh đạo tại Đại Chủng viện Vinh Thanh do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách trong tháng 2 năm 2016

Chiều ngày 27/02/2016, tại Hội trường Đại Chủng viện Vinh Thanh đã diễn ra lễ tổng kết Khoá Huấn luyện Kỹ năng Tổ chức và Lãnh đạo, đồng thời trao Chứng chỉ Tham dự cho 53 Thầy lớp Thần học IV & II, sau 2 tuần học tập, từ ngày 15 đến 27 tháng 2 năm 2016.

Tham dự buổi lễ có Đức cha Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh kiêm Giám đốc Đại Chủng viện, Linh mục Nguyễn Văn Hương, Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện, Linh mục Nguyễn Hiệu Phượng, Giáo sư Đại Chủng viện, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh là Giáo sư Nghệ thuật Lãnh đạo tại Đại Chủng Viện và quý Thầy tham dự khóa huấn luyện.

Huấn luyện Kỹ năng Lãnh đạo và Tổ chức là một chương trình hợp tác lâu dài giữa Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh và Giáo phận Vinh. Chương trình đã được triển khai liên tục từ năm 2011, lần lượt cho các linh mục, các khoá chủng sinh trong đại chủng viện, các hội dòng và các tổ chức trong giáo phận. Sau 2 tuần học tập, dưới sự hướng dẫn tận tình của nhà giảng huấn chuyên về nghệ thuật lãnh đạo và kỹ năng tổ chức, các chủng sinh đã hoàn thành tốt chương trình học và được cấp chứng chỉ tham dự khoá huấn luyện.

Phát biểu trong lễ tổng kết, Đức cha Giám đốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo và kỹ năng tổ chức trong đời sống nói chung và nhất là trong sứ vụ của người mục tử nói riêng. Đây là một chiều kích mang tính Giáo Hội học. Nó vừa bổ sung kiến thức khoa học căn bản, vừa làm phong phú hoá những kiến thức và khả năng lãnh đạo truyền thống của người mục tử, hầu có thể đáp ứng những đòi hỏi của việc quản trị giáo xứ trong thời đại ngày nay. Đây cũng là 1 trong 4 chiều kích đào tạo trong đại chủng viện, theo định hướng của Giáo hội và cũng là 1 trong 3 sứ vụ của linh mục là (1) rao giảng, (2) thánh hoá, và (3) lãnh đạo. Những kiến thức và kỹ năng các chủng sinh thu được sẽ có giá trị thực tế rất cao, là hành trang vững chắc cho họ trong tương lai với vai trò là người đứng đầu cộng đoàn, điều hành giáo xứ.

Đức cha cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Huynh Trưởng Nghĩa Sinh là người trách nhiệm giảng huấn cho Khóa Tổ chức và Lãnh đạo năm nay. Mặc dù tuổi tác đã khá cao nhưng tấm lòng thầy luôn tươi trẻ. Thầy luôn ôm trọn giáo phận trong trái tim mình và muốn đóng góp phần mình vào công tác đào tạo nhân sự cho Giáo hội quê hương. Với khả năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy trên 4 thập kỷ, Thầy đã giúp cho các chủng sinh có được kiến thức hàn lâm hiện đại và thu tích cho mình những bài học bổ ích qua những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động xã hội của Thầy.

Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đã hết lòng cảm ơn Đức Giám mục Giáo phận, Đức cha Giám đốc Đại Chủng viện, các cha giáo và quý thầy đại chủng sinh đã quảng đại đón tiếp Thầy; đồng thời tạo điều kiện cho Thầy được hoàn thành ước nguyện. Nếu Chúa còn cho khả năng và sức khoẻ ngày nào thì Thầy sẵn sàng và sẵn lòng phục vụ giáo phận ngày đó.

Tiếp đến, Đức cha Giám đốc và Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu cùng trao Chứng chỉ Tham dự cho các chủng sinh. Sau lời cám ơn của vị đại diện lớp, tất cả cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa qua ca khúc Tán tụng Hồng ân.

Khoá học này đã được Ban Đào tạo Giáo phận chấp thuận cho vào học trình chính thức của Đại Chủng viện nhằm đáp ứng nhu cầu của Hội thánh địa phương (x. PDV 31) và hướng tới sứ mạng toàn cầu của Hội thánh Việt Nam (x. PDV 32) trong việc đào tạo các chủng sinh thực thi 3 sứ vụ căn bản của linh mục là (1) rao giảng, (2) thánh hoá, và (3) lãnh đạo. 

Để đáp ứng với sứ vụ thứ ba nêu trên, khoá Tổ chức và Lãnh đạo đã được thực hiện với nội dung giảng huấn và cảm nghiệm sau đây:

1. Sách giáo khoa (Textbooks)

Mỗi học viên đều có một tập sách giáo khoa để có thể đọc bài trước khi đến lớp. Sách giáo khoa có tựa đề là The Leadership Experience của Richard L. Daft, tái bản lần thứ sáu, năm 2015 (ISBN-13: 978-1-4354-6285-4) với 15 chủ đề như Lý trí và Tình cảm Lãnh đạo, Lãnh đạo bằng Khích lệ và Trao quyền, Quyền lực và Ảnh hưởng của Lãnh đạo, Tầm nhìn và Đích điểm Lãnh đạo, Các Phong cách Lãnh đạo Thức thời.

2. Sách trên mẠng (e-books)

Mỗi học viên cũng có một tập e-book để có thể dùng làm bài tập sau mỗi buổi học, để ôn luyện bài học qua máy điện toán, iPhone hay iPad, hoặc để download tài liệu, câu hỏi trắc nghiệm hay PPT cho cá nhân hay cho nhóm.

3. Tham gia hỌc HỎI (Engaged learning)

Học viên được chia thành 5 nhóm để học chung với nhau và làm bài thuyết trình chung với nhau. Mỗi nhóm có một đề tài riêng. Học viên sẽ đóng vai trò thầy giáo trong lớp để chỉ dẫn cho các học viên khác.

4. TrẢi nghiỆm lãnh đẠo (Leadership experience)

Ngoài phần lý thuyết, thầy giáo đứng lớp còn chia sẻ những trải nghiệm của thầy trong 11 trường hợp lãnh đạo cụ thể, giúp học viên rút tỉa được những bài học thực tế về lãnh đạo.

5. LưỢng giá diỄn tiẾn (Formative assessment)

Lượng giá theo diễn tiến, để nhìn thấy những tiến bộ của học viên qua từng buổi học, để bổ sung cho những thiếu sót và để phong phú hoá chương trình giảng huấn.

6. LưƠng giá thành quẢ (Summative assessment)

Lượng giá theo thành quả là những câu hỏi được đặt ra trước lớp và những câu trả lời được đón nhận sau lớp. Một phần của lượng giá theo thành quả là kỳ thi kết khoá học gồm các câu hỏi mang tính cách học để nhớ và các câu hỏi mà học viên được tự do trả lời theo sáng tạo cá nhân.

7. TỰ lưỢng giá (Self assessment)

Các học viên sẽ tự nguyện tham dự một cuộc tự lượng giá – với trên 700 câu lượng giá – để nhận biết sở trường và sở đoản của riêng mình, biết mình thuộc loại thông minh trí tuệ nào cũng như biết mình thích hợp với phong cách lãnh đạo nào.

8. THƯ VIỆN CÁ NHÂN (INDIVIDUAL LIBRARY)

Mỗi thầy tham dự khóa học được khuyến khích thành lập một thư viện cá nhân mà khởi sự là 117 tập sách chuyên ngành đã được Huynh Trưởng Nghĩa Sinh gởi tặng cho 53 Thầy ĐCS tham dự Khóa TCLĐ 2016, gồm có:

· 27 cuốn sách về Kỹ năng Vui sống

· 36 cuốn sách về Kỹ năng Truyền thông

· 54 cuốn sách về Kỹ năng Quản lý và Nghệ thuật Lãnh đạo.

Được biết, Đại Chủng viện Xã Đoài đã được Đức cha Yves Marie Croc Hoà thành lập năm 1877, cách nay trên 139 năm (1877-2016). Năm 1886, Đại Chủng viện được Đức cha Louis Pineau Trị đặt tên là Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê. Đức cha Gioan Phêrô Trần Xuân Hạp, Giám mục Giáo phận Vinh cùng với Đức cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục Giáo phận Thanh Hoá, đã sáng lập Đại Chủng viện Vinh Thanh năm 1988, cách nay 27 năm (1988-2016). Hiện có trên 160 Thầy đang theo học tại Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.

- BTT ĐCV Vinh Thanh

 

Ghi chú:
Mời xem hình ảnh 7 khóa huấn luyện tại 7 tỉnh thành Việt Nam trong năm 2015
http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/thuonghuan2015=motnamnhinlaifeb11,2016.pdf

BTT ĐCV Vinh Thanh
(28/02/2016 - 805 lượt xem)