TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN

 TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN

Sáu chữ trên rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta, nó rất thông dụng và phổ biến rộng rãi bằng những khẩu hiệu treo trong học đường, hoặc luôn được nhắc nhớ trên đầu môi chóp lưỡi của các bậc ông bà cha mẹ, thầy cô hoặc các bậc trượng thượng chi dân phụ mẫu. Trong các gia đình Việt Nam hầu hết thường chú trọng quan niệm giáo dục đạo đức nề nếp lễ giáo, ông bà khuyên răn con cháu, trước hết, phải học cái cốt cách, cái đạo lý làm người, rồi sau đó mới đến học văn hóa chữ nghĩa.

Truyền thống người Việt Nam chúng ta, từ ngàn xưa đến nay, các bậc ông bà cha mẹ vẫn thường luôn nhắc nhủ hướng dẫn con cháu học cách cư sử lễ phép kính trọng đối với mọi người. Từ các cụ già cho tới các em bé, để làm sao luôn giữ cách ứng sử giao tiếp cho có phép tắc, ăn nói văn hóa tế nhị, đối xử lễ độ ôn hòa, cư xử thuận thảo từ trong gia đình, qua với bà con lối xóm, đến tới cộng đoàn và ngoài xã hội. Các ông bà xưa thường dùng các câu ca dao tục ngữ thông dụng, có vần, có điệu, cốt ý dễ nhớ, dễ thuộc cụ thể như những câu sau đây:

Học ăn học nói,
Học gói học mở.

Lời nói gói vàng.

Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Vào thời còn bé, đến lớp học sơ cấp tiểu học, từ trường làng quê cho đến tỉnh thành đô thị. Học sinh như chúng tôi được các thầy cô chỉ dạy cho cách chép lại những câu châm ngôn đại khái như đã ghi ở trên, để các em nhỏ thiếu nhi được ghi sâu vào tâm, thấm nhuần được cái tinh thần đạo đức lễ nghĩa, luân lý văn hóa trong truyền thống bao đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Thành ra học ở trường đã được hấp thụ căn bản vững vàng, chu đáo và bổ ích cho nền tảng  giáo dục trong các gia đình vậy. Gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình không có kỷ cương nề nếp, thì sẽ dẫn đến xã hội bị rối loạn.

Từ bao đời nay ông cha ta đã quán triệt sâu sắc tinh thần giáo dục, nêu cao và gìn giữ truyền thống đạo đức lễ nghĩa. Khuyên nhủ và dạy dỗ con cháu, cung cách cư xử với nhau bằng lễ nghĩa, xem lễ nghĩa là bài học hàng đầu đối với con ngườin gay từ lúc bé thơ, chúng ta cũng luôn đuợc cha mẹ dạy dỗ và nhắc nhớ ngay từ lúc đủ trí khôn. Cho đến khi cắp sách đến trường, thầy cô cũng luôn khuyên răn dạy dỗ những câu tục ngữ như trên. Trải qua bao ngàn năm văn hiến, những câu tục ngữ ấy vẫn luôn có gía trị, luôn là bài học quý gía đối với chúng ta. Đó là những câu tục ngữ răn dạy đưa con người vào phép tắc kỷ cương, ăn ở phải có luân thường đạo lý. Những bài học đạo lý làm người này sẽ không bao giờ cũ, vẫn mãi có gía trị với thời gian.

Ngày nay xã hội càng văn minh tiến bộ, thì giao tiếp trao đổi giữa con người với nhau, càng phát triển mở rộng ra trên mọi phương diện, cụ thể là ngày nay, người ta thường thông tin cho nhau qua trang mạng hoặc sách báo. Do đó mà có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong không gian cũng như thời gian. Nhưng mà việc này cũng có mặt trái của nó.

Xã hội ngày nay càng hiện đại, thì con ngươì dường như ít chú trọng đến vấn đề đạo đức, không quan tâm mấy trong lối giao tiếp lịch sự, giải quyết các mối qua nhệ thì tỏ ra vô lễ, không biết kính trên nhường dưới, cá đối bằng đầu. Luôn đặt ích lợi cá nhân, lợi ích vật chất hơn tinh thần, có tâm địa hẹp hòi đen tối, hay xử dụng bài viết công bố lên báo chí, trang mạng để chỉ trích mạt sát thậm tệ đối với người khác. Cũng có từng nhóm kéo nhau chống đối phê bình người da vàng tóc đen, vạch lưng cho người phương tây họ xem, khiến dễ gây ra mối ác cảm bất hòa trong cộng đoàn và cộng đồng.

Vài chục năm nay, luôn có những loại thông tin tiêu cực như thế, phổ biến rộng rãi, lan tràn thật nhanh trên trang mạng. Dễ bị gây nên hiểu lầm, làm tổn thương đến người khác. Vì lý do người phổ biến thường nấp dưới vỏ bọc "vô danh " nên họ không chịu trách nhiệm nào về cái hành động tung tin hỏa mù thất thiệt, hay chụp mũ phỉ báng làm mất danh dự cho người khác.

Trước trình trạng làm mất lòng tin, xuống cấp trong cộng đoàn, cộng đồng và xã hội như thế, thiết nghĩ những người lương hảo chỉ còn một cách hành động thích hợp nhất, là luôn luôn nhắc nhở nhau tránh những người lương tâm đã bị đánh cắp, và nhất là dạy cho con cháu trong nhà, để thế hệ trẻ phải tìm cách thể hiện trong lối sống cụ thể mỗi ngày, từ trong nhà đến ra ngoài xã hội, cái tinh thần hòa ái, nhân hậu mà cha ông chúng ta đã truyền dạy từ bao nhiêu thế hệ nay.

Trong văn học dân gian, dân tộc Việt Nam ta có những câu dạy con cháu như sau:

Ở bầu thì tròn,
Ở ống thì dài.

Gần mực thì đen,
Gần đèn thì sáng.

Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu hãy nên chọn người.

Cá không ăn muối cá ươn,
Con không giữ lễ trăm đường con hư.

Thông qua vấn để giáo dục đạo đức, các bậc tiền bối lại có câu: 
"Văn dĩ tải đạo” hay “Dùng văn để chở đạo.”

Mượn câu nói trên của tiền nhân, người viết xin tóm kết bài nầy như sau:

Sống Cho Phải Đạo

Ở đời ghen ghét chẳng ích chi,
Thù hận hại nhau sinh tội lỗi.
Sống cho phải đạo hồn thanh thản,
Rộng lượng bao dung bớt sầu bi.
Chấp nhận hơn thua chẳng so bì,
Thành bại lẽ thường không tự ái.
Sánh nhau đức độ tâm hiếu nghĩa,
Giàu giỏi xả thân ra giúp đời.
Có tài làm lớn, dốt cu li,
Đèn ai nấy sáng, chớ khinh khi.
Giỏi dang ngu dốt không quan trọng,
Hơn nhau đạo đức biết lễ nghi.

Nhân dịp Xuân về, thân ái chúc quý đồng hương một Năm Mới Ất Mùi “An khang phú quý, hạnh phúc tràn đầy!”

- Paul Tran

Paul T. Quý
(25/02/2015 - 927 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Paul T. Quý
1 - Nỗi nhớ niềm thương (06/11/2013 - 912 lượt xem)
4 - Miền Trung Hà Úc quê tôi ! (03/01/2013 - 1429 lượt xem)
8 - Gương Người Linh Mục Phục Vụ (18/04/2012 - 1578 lượt xem)
10 - Thư Xuân gởi Mẹ (30/01/2012 - 1036 lượt xem)
15 - Những lời nguyện chúc đầu Xuân (27/12/2011 - 1289 lượt xem)
18 - Đôi bàn tay yêu thương của Mẹ (03/12/2011 - 1065 lượt xem)
19 - Ở Mỹ trái tim lạnh cái đầu nóng ? (27/11/2011 - 1059 lượt xem)
23 - Hạnh phúc là tha thứ và thương yêu (21/10/2011 - 1180 lượt xem)
24 - Trở về cát bụi... (15/10/2011 - 1566 lượt xem)
25 - Xin tạ ơn Trời và cám ơn Người (01/10/2011 - 1183 lượt xem)