Một cơ sở ở Illinois có thể là trung tâm “tái tạo sinh khối” đầu tiên để biến đồ phế thải thành “năng lượng” và những gì hữu dụng

Một cơ sở ở Illinois có thể là trung tâm “tái tạo sinh khối” đầu tiên để biến đồ phế thải thành “năng lượng” và những gì hữu dụng

 

Một thị trấn nhỏ trong tiểu bang Illinois ở miền trung tây Hoa Kỳ sẽ trở thành một trung tâm tái sinh mà người tạo lập ra nó hy vọng sẽ cách mạng hóa việc biến đổi các sinh khối được coi là đồ phế thải. Chip Energy có thể không phải là công ty đầu tiên biến đồ phế thải của một người thành kho tàng của người khác, nhưng công ty này tin rằng họ là công ty đầu tiên xây dựng một cơ sở tái sinh hoàn toàn từ vật liệu tái sinh.

Ở bên ngoài vùng nông thôn Goodfield, Illinois là một đống gỗ cân nặng khoảng 4, 5 triệu kilogram. Một số người gọi đó là rác. Nhưng ông Paul Wever của công ty Chip Energy thì không. Ông nói:

“Tôi coi đống gỗ này như là những thùng dầu chồng chất lên nhau. Đây là một đống năng lượng.”

Trong nhiều năm, các công ty với chất thải công nghiệp, như các thùng thưa bằng gỗ đã sử dụng dịch vụ của  ông Wever để vứt các vật liệu này đi.

Ông Wever đã biến cải loại gỗ này thành bột gỗ, nhiên liệu, và các sản phẩm khác mà ông có thể  bán. Ông nói:

“Khách hàng của tôi giờ đây trả tiền cho tôi để lấy vật liệu này đi và biến nó thành một sản phẩm có thêm giá trị. Nếu tôi thành công, thì cuối cùng tôi sẽ trả tiền cho họ.”

Bí quyết về sự thành công của ông không nằm trong những gì ông tạo ra mà nằm trong cách ông  thực hiện việc đó như thế nào.

Vốn có nghề tay trái là một kỹ sư, ông Wever xây dựng một cơ sở tái tạo sinh khối kế bên đống gỗ khổng lồ … không bằng những gì khác hơn là chính các vật liệu tái sinh này, trong đó có những bê tông và những công-ten-nơ chuyên chở. Ông cho biết:

“Để xây dựng cơ sở này thông thường người ta sử dụng  bê tông và thép, và những loại vật liệu đó sẽ tốn từ 5 tới 6 triệu đôla. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở này từ 1.5 tới 2 triệu đô la.”

Ông Wever tin rằng cơ sở của ông là thứ đầu tiên thuộc loại này, đó là lý dó tại sao khó bán kế hoạch này cho các giới chức địa phương.

Chủ tịch Ban giám đốc Quận Woodford, ông Stan Glazer nói:

“Chúng tôi đã nghe được ý kiến của Paul, và chúng tôi hoài nghi về ý kiến đó bởi vì ý kiến này mới mẻ quá đến nỗi chúng tôi không có cái gì để so sánh với nó.”

Ông Stan Glazer nói rằng ông Wever đã khiến ông trở thành người tin tưởng bằng cách kiên trì:

“ Khi đống mảnh vụn khổng lồ này bắt đầu xuất hiện, đó là lúc chúng tôi bắt đầu có một số suy nghĩ lại về chuyện đó, nhưng Paul quyết tâm đến nỗi ông đã làm cho hầu hết chúng tôi tin tưởng rằng công việc này sẽ khai hoa kết trái.”

Khi việc đó trở thành hiện thực trong năm nay, thì đa số nguồn tài trợ là do chính tiền túi của ông  Wever. Ông cho biết:

“Tiền tài trợ cho việc xây dựng cơ sở này chỉ chiếm khoảng 18% chi phí thật sự cho việc xây dựng. Vì thế việc đó đã đủ khiến tôi muốn quyết định tiến hành cuộc đầu tư này. Tôi sẽ thực hiện một cuộc đầu tư lớn. Đây là dự án của tôi. Tôi không có nhiều người đầu tư, tôi không có những người khác giúp đỡ. Đây là dự án  của tôi.”

Ông Wever hy vọng rằng dự án này cuối cùng đã trở thành thí dụ về việc thiết lập các trung tâm tái tạo những sinh khối khác có thể xây dựng ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ngăn ngừa được nhiều triệu kilogram gỗ phí phạm vì bị đổ ra bãi rác. Ông nói:

“Tôi không sáng chế ra chiếc vòng hula-hoop kế tiếp. Dự án này góp phần xây dựng một quốc gia bền vững và cũng giúp xây dựng một hành tinh bền vững.”

 

- Kane Farabaugh

Nguồn: VOA

 

 

Kane Farabaugh
(06/07/2013 - 592 lượt xem)