RƯỢU HAY NƯỚC ?

 

RƯỢU HAY NƯỚC ?

Bạn đối xử với người khác thế nào, bạn cũng sẽ nhận lại như thế. Bạn muốn xã hội tốt đẹp, công bằng, hòa bình, bạn phải là người gieo những hạt giống ấy chứ không chờ ai khác làm thay cho bạn.

 

Chuyện xưa kể rằng tại một ngôi làng, một nhóm mười người tổ chức cuộc gặp mặt đón xuân mừng năm mới. Một vị lên tiếng, “Tôi đề nghị chúng ta mỗi người góp tay nhau để vui xuân bằng cách mỗi người mang theo rượu của mình và đổ chung vào một chum lớn để cùng chia vui trong dịp xuân.” Mọi người đồng ý và vui vẻ ra về.


Khi về đến nhà, một người trong nhóm cảm thấy hối tiếc vì mình đã nhận lời mang theo bầu rượu quí lâu năm của mình để nạp chung vào nhóm. Vốn không muốn chia sẻ bầu rượu của mình và cũng tiếc tiền để mua rượu khác cho bữa tiệc, anh tỏ vẻ buồn rầu. 

Nhưng sau một hồi suy nghĩ, anh ta quyết định. “Ta sẽ đổ nước lạnh vào bầu rượu. Khi đến dự tiệc, ta sẽ đi thẳng vào chum lớn và đổ “rượu” của ta vào đó. Chín ông kia sẽ mang rượu của họ đến, như thế “rượu” của ta sẽ hoà vào rượu của họ, thì chắc chắn sẽ không ai biết được, vì một bầu nước của ta sẽ bị lấn át bởi chín bầu rượu kia. Và như thế ta vẫn có rượu uống như mọi người mà không mất bầu  rượu quí này.” 

Đến ngày dự tiệc, anh ta mang “rượu” của mình và làm đúng như kế hoạch. Trời tối, chum lớn, từng người một đem rượu của mình đổ vào chum và quay về chỗ ngồi để chờ khai mạc tiệc vui. Sau khi mọi người đã vào bàn tiệc, ông chủ nhà liền sai anh hầu bàn rót rượu mời từng vị khách. Ai ai cũng háo hức để thưởng thức rượu ngon. Bắt đầu từ chủ nhà đến các vị khách, mỗi người đều nhắm rượu. Đôi mắt mỗi người nhìn chằm chằm vào nhau với sự nghi kỵ, xoi mói, hổ thẹn, nhưng miệng vẫn hết lời khen rượu ngon hảo hạng. Nhưng thực ra, thức uống mà họ cầm trên tay chỉ toàn là nước lạnh, vì ai ai cũng có suy nghĩ toan tính như anh kia. 

Thưa bạn, câu chuyện rượu hay nước trên đây muốn nhắn gởi chúng ta điều gì ? Bạn muốn uống rượu, bạn phải cho rượu; bạn muốn đón nhận điều tốt từ người khác, bạn phải mang điều tốt cho họ. Bạn đối xử với người khác thế nào, bạn cũng sẽ nhận lại như thế. Bạn muốn xã hội tốt đẹp, công bằng, hoà bình, bạn phải là người gieo những hạt giống ấy chứ không chờ ai khác làm thay cho bạn. Trong bàn tiệc cuộc đời, ai ai cũng được mời gọi mang “rượu” của mình vào cuộc tiệc ấy. Hay nói cách khác, trong việc xây dựng xã hội, đất nước, ai cũng có phần trách nhiệm mang “rượu” để góp chung vào vận mạng của dân tộc. 

Một em bé 9 tuổi khi tự nguyện góp phần thức ăn nhỏ của mình để chờ chia sẻ với mọi người bị nạn trong trận động đất tại Nhật Bản (11.3.2011).  Em ấy mang “rượu” hay mang “nước” đến bữa tiệc chung của dân tộc Nhật Bản ? 

- Nguyễn Ngọc Nga gửi tặng

Nguyễn Ngọc Nga
(04/09/2012 - 1042 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Ngọc Nga
1 - Nước Mỹ trong tôi (30/10/2012 - 1040 lượt xem)
2 - Tình yêu và đôi cánh (11/10/2012 - 1425 lượt xem)
3 - Chiếc lá sạch (04/10/2012 - 1160 lượt xem)
4 - Muốn có thì có muốn không thì không (30/09/2012 - 1026 lượt xem)
5 - Yêu là mạo hiểm ? (09/06/2012 - 990 lượt xem)
8 - Một góc nhìn về cuộc sống (15/05/2012 - 990 lượt xem)
10 - Quán “Không” (17/02/2012 - 948 lượt xem)
11 - Bức tranh bị bôi bẩn (12/02/2012 - 899 lượt xem)