8 phương cách giúp ta vượt qua được những khủng hoảng trong cuộc sống

 

Tám phương cách giúp ta vượt qua được những khủng hoảng trong cuộc sống

 

Nếu khi đọc bài viết này, bạn cũng là một người không xa lạ gì với đau khổ, tôi thật lòng cảm thông với bạn. Có phải sẽ tuyệt vời biết bao, nếu mọi việc nơi thế giới này diễn ra theo đúng cách chúng ta muốn? Có thể, bạn đang mắc kẹt giữa 2 câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra?” và “Khi nào tôi mới hết đau đớn, và có hết thật sự không?”

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất: có thể bạn sẽ không bao giờ biết được. Điều quan trọng hơn hết chính là cách bạn đối mặt với những điều tồi tệ, chứ không phải tìm hiểu lý do tại sao. Tìm hiểu lý do “tại sao” sẽ làm bạn phát điên lên. Hãy bỏ qua. Nếu đó là điều gì đó mà bạn đã làm sai, hãy nhận ra và đừng phạm lại lần nữa. Nhưng đừng lãng phí thời gian để tự trách mình hoặc ai đó, hoặc điều gì đó. Hãy hít thở thật sâu. Hãy bỏ qua. Hoàn toàn có thể làm được.

Trả lời cho câu hỏi thứ hai chính là: “nỗi đau sẽ hết nhanh hơn bạn nghĩ - nếu bạn muốn nỗi đau kết thúc.” Khi thiên thần bé bỏng của tôi rời khỏi tôi, phải rất lâu tôi mới có thể trải qua hết một ngày mà không rơi nước mắt. Tôi lắng nghe và cảm nhận nỗi đau của mình, và quan sát rất nhiều người trải qua đau khổ, bao gồm những bậc cha mẹ mất đi những đứa con yêu thương, và tôi nhận ra rằng:

+ Tự trách mình không làm thay đổi được điều gì.

+ Cố lý giải cũng không thay đổi được sự việc.

Sự việc đã xảy ra là đã xảy ra. Không có cách nào để sửa chữa nó hoặc kéo nó ra khỏi tâm trí của bạn. Không ai thích đau khổ cả.

Vì thế, hãy bắt đầu con đường hồi phục. Hãy chú ý, “hồi phục” không có nghĩa là để sự việc trở lại như cũ. Đó là điều không thể.

Nếu bạn đang trải qua cơn đau đớn tột cùng, hy vọng bài chia sẻ này có thể nâng đỡ bạn vượt qua thời điểm cùng cực nhất.

Những lời khuyên dưới đây không phải tự bản thân tôi đưa ra. Tôi đã rất yếu đuối về mặt thể lý, tinh thần và cảm xúc. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều để xem mọi người đối mặt và hành động như thế nào trong lúc khủng hoảng, và áp dụng một cách thích hợp vào trong cuộc sống của tôi, và chúng thật có ích. Tôi hy vọng rằng chúng cũng sẽ giúp ích cho bạn.

1. Chấp nhận sự giúp đỡ

Cuộc sống đôi lúc buộc chúng ta phải là những người cứng rắn, đặc biệt là nam giới. Nhưng khi đầu gối của bạn bị thương nghiêm trọng, hay bạn bị xuất huyết do một tai nạn nghiêm trọng, đó không phải là lúc bạn chỉ lấy mảnh vải cột chặt vết thương và giả vờ mình là một siêu nhân.

Nếu có ai đó quanh bạn muốn giúp đỡ bạn trong lúc bạn đau đớn, HÃY CHẤP NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ! Đừng cố làm ra vẻ và nói: “Tôi ổn”. Chỉ cần nói: “Được!” (và “cám ơn”).

Hãy để họ chăm sóc bạn, gửi cho bạn những tấm thiệp an ủi, động viên, lắng nghe bạn khóc và lặp đi lặp lại câu chuyện bạn kể.

Dù bạn có nhận ra hay không, nhưng những người muốn giúp đỡ bạn trong lúc bạn đang gặp khủng hoảng chính là một món quà đặc biệt. Họ minh chứng cho việc bạn đang sống trong một hành tinh tốt đẹp mặc cho những điều tồi tệ đang xảy ra. Hầu hết những người muốn giúp đỡ những ai đang đau khổ thường là những người đã nhận được sự giúp đỡ trong lúc họ đau khổ. Một ngày nào đó, bạn cũng sẽ giúp đỡ người khác cũng bằng những hành động như thế.

2. Phải quyết định sống

Tôi đã nhiều lần cố tự tử. Theo suy nghĩ của bản thân, tôi cảm thấy không còn gì để tôi đáng sống.

Nếu bạn muốn mọi việc trở nên tốt hơn, việc đầu tiên bạn phải làm là phải cam kết với bản thân: “Tôi phải sống sót”. Sống sót không có nghĩa là bạn sống một cách buồn bã suốt quãng đời còn lại. Tôi đã từng tự mình mang lấy nỗi đau và tự tách mình ra khỏi những mối quan hệ xung quanh. Đừng giống như tôi!

Hãy luôn nghĩ mình phải sống, phải vượt qua và hãy dần nhận ra rằng bạn có thể làm cho cuộc sống của bạn dần trở nên tốt hơn. Mọi việc bắt đầu bằng sự lựa chọn.

3. Lựa chọn hy vọng

Nếu bạn đã quyết định sống, chắc chắn bạn không muốn sống quảng đời còn lại với nỗi bất hạnh, đúng không?

Nếu bạn muốn sống, bạn phải quyết tâm rằng sự việc sẽ trở nên tốt hơn. Hãy nghĩ đến điều gì đó để hy vọng. Không quan trọng là việc lớn hay nhỏ. “Hy vọng” trong những ngày đầu của tôi chính là một ngày nào đó cơ thể tôi sẽ không còn chịu những đau đớn; và rằng tôi sẽ tìm ra cách để trải qua một ngày không khóc về việc mất đi thiên thần bé bỏng của mình.

Chắc chắn tôi muốn đổi mỗi một khoảnh khắc hạnh phúc có được từ sau bi kịch xảy ra để có lại được đứa con của mình - bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn thế. Nhưng đó không phải là điều thực tế có thể xảy ra, hãy lựa chọn sống, và một ngày nào đó bạn sẽ hạnh phúc trở lại.

Chỉ cần bạn quyết tâm, sự quyết tâm mang một sức mạnh. Cuộc sống của bạn sẽ bắt đầu bình lặng trở lại, nỗi đau sẽ dịu đi ngay lúc bạn đưa ra quyết định ấy.

Mọi việc có thể và sẽ tốt hơn nếu bạn để chúng tốt hơn.

4. Biết rằng bạn không một mình

Suốt một thời gian dài, tôi nghĩ rằng không một ai có thể hiểu được nỗi đau của tôi. Cơ thể tôi rất yếu và suy nhược, không thể làm được gì nhiều và đi đâu được cả. Tôi đã rất đau đớn về mặt thể lý.

Vì hoàn cảnh thật tồi tệ và đau buồn, lại không thể chia sẻ với một ai, tôi cảm thấy mình thật đơn độc. Tôi đã sai.

Mỗi ngày, trên thế giới, có biết bao đứa trẻ qua đời hay bị giết đi.

Hàng ngàn vụ tai nạn.

Cha mẹ, bạn bè, chồng/vợ qua đời.

Những người chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp của chiến tranh.

Những người là nạn nhân của tội ác và những vụ lạm dụng.

Những cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Còn nhiều, rất nhiều điều khác nữa…

Rất nhiều người khác trải qua điều tương tự như tôi đang đối mặt và vẫn sống sót. Họ tiếp tục sống cuộc sống hạnh phúc - một cuộc sống “bình thường mới”.

Nếu những người khác có thể vượt qua được khủng hoảng, có nghĩa là bạn cũng có thể. Bạn có thể cười, có thể đùa giỡn, có thể tận hưởng cuộc sống trở lại. Bạn không phải là người duy nhất trong lịch sử phải chịu đựng những gì bạn đang trải qua. Hoàn toàn có lý do để tin chắc vào một ngày mai tốt đẹp hơn.

Và quan trọng hơn hết, với tư cách là những tín hữu, chúng ta có một Người Bạn Đồng Hành Trung Thành, đó chính là Đức Giêsu, người bạn vô hình luôn ở bên cạnh chúng ta.

5. Nhận biết khi nào là lúc cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia

Nếu bạn có ý nghĩ tự tử…

Nếu bạn không hoà nhập trở lại với cuộc sống đã hơn 6 tháng…

Nếu bạn bỏ lơ sức khoẻ của bạn, người thân của bạn, nhà cửa, công việc, bạn bè đã hơn 3 tháng…

Nếu bạn cảm thấy sợ những gì lẽ ra bạn có khả năng…

Đã đến lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia. Sẽ là “nói dễ hơn làm” khi bạn vướng suy nghĩ: “tôi có thể tự mình vượt qua”. Hãy đối mặt với sự thật: bạn không thể. Việc chấp nhận sự giúp đỡ của chuyên gia không làm bạn trở nên tồi tệ hoặc yếu đuối, nhưng nó giúp bạn trở lại bình thường và khôn ngoan. Hãy nhận sự giúp đỡ.

Sẽ sai lầm lớn khi nói với những ai đang trải qua khủng hoảng rằng “thời gian chữa lành tất cả”. Nếu bạn cảm thấy mình như bị mắc kẹt không lối thoát trong nỗi đau và hoàn cảnh của mình, hãy nói chuyện với chuyên gia.

6. Tập trung vào tương lai

Khi bạn còn nhỏ, có thể bạn nghĩ khi lớn lên mình sẽ là một bác sĩ, một kỹ sư, một ngôi sao nổi tiếng. Nếu có ai đó hỏi về tương lai của bạn, bạn sẽ tự tin nói cho họ nghe kế hoạch của bạn.

Bạn cảm thấy hạnh phúc khi có được một suy nghĩ cho một đích đến cho cuộc sống.

Giờ đây, trong lúc khủng hoảng, chính là lúc bạn lại mơ ước như thuở nhỏ. Mục đích ở đây chính là dành thời gian để nghĩ tưởng đến một tương lai mới.

Chắc chắc đó sẽ không còn là tương lai như bạn đã từng tưởng tượng trước khi sự việc xảy ra. Đó sẽ là điều gì đó mới mẻ. Hãy dành chút thời gian - 5 hoặc 10 phút mỗi ngày - tưởng tượng xem 5 năm sau bạn sẽ như thế nào; cuộc sống của bạn sẽ như thế nào?

Tôi hiểu rõ sẽ chẳng hạnh phúc gì kể từ khi sự việc không hay xảy ra. Nhưng hãy lờ đi. Bạn có thể hoàn thành những câu sau đây nếu nó giúp bạn bắt đầu dễ dàng hơn:

“Với những gì giờ hiện giờ tôi trải qua, 5 năm sau, tôi muốn…”.

“Vì cuộc sống của tôi sẽ không bao giờ trở lại như xưa, nên điều tốt nhất tôi tin tôi có thể hy vọng sau 5 năm nữa là…”.

Tuỳ thuộc việc bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc khủng hoảng mà những câu trả lời của bạn sẽ thay đổi! Thường thì, sau một cuộc khủng hoảng lớn, bất cứ ai trong chúng ta đều đánh giá lại những gì chúng ta có được, những gì chúng ta đánh mất, chúng ta sẽ đi về đâu và chúng ta muốn đi đến đâu.

7. Quyết định cho đi

Hãy nhớ rõ, bạn không cần làm gì khác ngoài việc: phải sống hết quảng đời còn lại.

Ở đây, tôi không có ý nói đến việc bạn phải trả lại những ai đã giúp đỡ bạn. Tôi muốn nói đến việc cho đi sự khôn ngoan, cho đi những gì đã học được. Nếu sau đó, có ai đó cũng trải qua điều tương tự như bạn đang trải qua và đến với bạn, bạn sẽ nói gì với anh ta/cô ta?

Có phải bạn sẽ nói với họ rằng những người trải qua đau khổ trước đó đều có thể vượt qua?

Hay bạn bảo họ hãy bỏ cuộc và hãy tìm đến cái chết?

Bạn sẽ nói gì nếu ai đó hỏi bạn rằng bài học quan trọng nhất bạn học được là gì?

Không nhất thiết phải là những bài học gì đó to tát, cao xa. Đối với rất nhiều người, một khủng hoảng trầm trọng chính là lúc họ phải quyết định sống trọn vẹn từng khoảnh khắc một: hoặc sống từng giây phút hiện tại; hoặc nói với những người họ yêu thương mỗi ngày rằng họ yêu thương những người ấy; hoặc phải không ngừng đấu tranh từng giây phút trong tâm trí của họ.

Một ngày nào đó, ai đó sẽ đến bên bạn bởi vì họ cần lời khuyên và sự khôn ngoan của bạn. Bạn sẽ nói gì với họ?

8. Tự khen thưởng cho những tiến bộ

Những gì bạn đang cố gắng vượt qua quả là rất khó khăn. Đó là những lúc cảm xúc đau đớn, những lúc phải đối mặt với điều tồi tệ, thân xác rã rời, tinh thần không còn chút ý chí nào; nói tóm lại, đó là thời gian vô cùng khó khăn.

Nếu bạn áp dụng những lời khuyên này, bạn sẽ dần dần nhìn thấy những mầm hy vọng. Những chiến thắng nhỏ nhoi khi bạn có được những ngày, những giờ, những phút, hoặc ngay cả những giây bạn có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời xuyên qua đám mây đen trên đầu bạn.

Đó chính là lúc bạn đạt được sự tiến bộ. Đó là lúc bạn có thể nhìn lại những gì bạn thấy trong tuần qua, hoặc bạn đã kiểm soát được cuộc sống của mình trong tháng qua và nhìn thấy được một chút tiến bộ. Hoàn toàn thiếu thực tế khi đặt ra thời hạn cho sự chữa lành, nhưng lại thật sự rất quan trọng khi nhận ra và khen thưởng cho sự tiến bộ dù là nhỏ nhoi của bạn.

Có một cách đơn giản để chấm điểm cho cảm xúc của bạn. Cho thang điểm từ 1 đến 5: 1 điểm khi ở trạng thái khốn khổ, bất hạnh và 5 điểm khi ở trạng thái hạnh phúc. Bạn tự đánh giá mình được bao nhiêu điểm ngay lúc này? Hãy chấm điểm vào mỗi cuối ngày và lưu lại. Hãy theo dõi và xem bạn có tiến bộ không? Sự tiến bộ không xảy ra chỉ trong một đêm, mà cần đến thời gian và quyết tâm của bạn.

Hãy theo dõi tiến trình chữa lành của bạn. Nếu có thể, hãy viết nhật ký, ngay cả khi bạn chỉ viết được 30 từ mỗi ngày. Hãy thành thật với bản thân. Quá trình hồi phục không phải là một đường thẳng đứng! Sẽ có những ngày đi xuống, những ngày đi lên và những ngày chẳng có sự tiến bộ nào. Mục tiêu chính là làm sao sau một tháng, bạn có được nhiều ngày với số điểm cao hơn, nhiều ngày hạnh phúc hơn, hoặc ít ra là những ngày bình an so với tháng trước.

Bạn sẽ tiến bộ từng ngày một. Bạn sẽ thích nghi và rồi lành lặn sau cơn khủng hoảng mà bạn chịu đựng.

Tôi biết bạn không muốn nghe điều này, nhưng cơn khủng hoảng sẽ giúp bạn trở thành một người tốt hơn. Bạn sẽ trở thành một người biết cảm thông hơn với nỗi đau khổ của người khác; bạn sẽ học biết chăm sóc tốt bản thân về mặt cảm xúc và thể lý; bạn sẽ có được những thay đổi trong những khúc quanh của cuộc sống; bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cách cư xử với mọi người. Nó sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của bạn nơi thế giới này - rất nhiều người quan tâm bạn, muốn bạn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Nó có thể giúp bạn luôn nhận thấy cơ hội để cho đi, để yêu thương, để phục vụ và thăng tiến bản thân.

Mặc dù chúng ta không thích sự thật này, nhưng rõ ràng rằng, khi chúng ta cảm thấy tự mãn, Chúa sẽ làm gì đó để thúc đẩy chúng ta phát triển. Không ai trải qua cuộc sống này mà không phải trải qua “những cơ hội học hỏi” không hề mong muốn.

Những gì bạn thực hiện khi trải qua những “lớp học bắt buộc” này sẽ làm thay đổi hoàn toàn chất lượng cuộc sống ở quảng đời còn lại của bạn.

Một ngày nào đó, bạn sẽ nhìn sự việc một cách an nhiên và nhìn thấy được những lợi ích - những điều tốt đẹp trổ sinh từ những giờ phút đen tối của cuộc sống.

Bạn CÓ THỂ vượt qua. Sự việc SẼ tốt đẹp hơn nếu bạn muốn chúng trở nên tốt đẹp.

Tôi vẫn còn đang từng ngày vẽ đồ thị tiến bộ của mình, nhưng bằng lời cầu nguyện khẩn thiết, bằng sự tìm kiếm sự trợ giúp của Chúa mỗi một khoảnh khắc trong ngày, tôi tin rằng tôi sẽ trở thành một người Chúa muốn tôi trở thành sau khi hoàn thành “lớp học bắt buộc” mà Ngài gửi tôi vào.

Cầu chúc bạn luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc, bình an, và cuộc sống của bạn thật dư đầy ân phúc!

- An Nhiên
|

 

An Nhiên
(23/06/2012 - 936 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả An Nhiên
1 - Hãy sống cho hôm nay ! (13/01/2013 - 973 lượt xem)
2 - 12 cách sống chan hòa với người khác (07/11/2012 - 1988 lượt xem)