“Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai”

 

“Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai”

Đây là cuốn sách tôi chuẩn bị lâu nhất nhưng lại được viết nhanh nhất: chưa tới ba tháng!

Lâu đến tận hơn 10 năm, lúc tôi thực sự bắt đầu dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai hoặc một ngoại ngữ. Trước đó, ở Việt Nam, tôi chỉ dạy văn học cổ điển Việt Nam. Sau, sang Úc, thoạt đầu, tôi dạy các lớp Tiếng Việt Cao Cấp (Advanced Vietnamese) ở tất cả các trường đại học ở Melbourne nơi có môn tiếng Việt, từ Victoria University (lúc ấy còn tên là Footscray Institute of Technology) đến Phillip Institute of Technology (sau này nhập vào trường RMIT), Victoria College (sau này nhập vào trường Deakin), Australian Catholic University, the University of Melbourne và cuối cùng, Monash. Trong suốt thập niên 1990, chương trình ở tất cả các trường đều nghiêng nặng về văn học hơn là ngôn ngữ.  Hầu hết sinh viên đều là người Việt và đều giỏi tiếng Việt. Nhiều người đã có bằng Cử nhân ở Việt Nam; sang Úc, học lại đại học và chọn tiếng Việt làm một trong các môn học chính (major). Những người khác tệ lắm cũng học xong hoặc gần xong trung học ở Việt Nam. Với tất cả, nhu cầu học nghe, nói và phần nào, đọc không thành vấn đề. Điều họ cần là nâng cao kiến thức về văn học và văn hóa để có thể sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo và tinh tế cho các công việc như phiên dịch hay thông dịch, dạy tiếng Việt ở các trường trung tiểu học chính mạch hoặc các trường sắc tộc, làm các công việc của chính phủ liên quan đến dịch vụ cộng đồng, hoặc tham gia vào các dự án quốc tế liên quan đến Việt Nam, v.v…

Với những sinh viên như thế, việc dạy không khác gì ở Việt Nam. Lại được tự do hơn: Tôi được toàn quyền quyết định chương trình. Có khi tôi dành hẳn cả một học kỳ cho việc nghiên cứu Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương. Thầy thích. Sinh viên cũng thích. Có năm, một vài sinh viên Úc giỏi tiếng Việt tham gia vào lớp ấy. Họ cũng thích.

Có điều, sau đó, tình hình thay đổi. Số lượng sinh viên Việt Nam lớn tuổi ghi danh học đại học ở Úc càng ngày càng giảm. Thế vào đó là các sinh viên thuộc thế hệ 1.5, tức những người sinh ở Việt Nam nhưng sang Úc từ nhỏ, ở độ tuổi tiểu học hoặc những năm đầu tiên của trung học. Sau đó, có thêm các sinh viên thuộc thế hệ thứ hai, tức những người sinh trưởng ở Úc, có khi chưa từng đi Việt Nam bao giờ. Điều đặc biệt là sự chuyển tiếp từ sinh viên thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ 1.5 diễn ra khá đột ngột. Năm trước, hầu hết sinh viên là những người rất giỏi tiếng Việt; năm sau, phần lớn chỉ biết tiếng Việt khá căn bản. Có lần, đầu năm học, bước vào lớp, tôi quen dạy theo lối cũ, cứ nói thao thao về tổng quan văn học Việt Nam. Nhìn xuống, thấy một sinh viên còn rất trẻ nghe có vẻ chăm chú, thỉnh thoảng lại gật gù ra chiều tâm đắc. Tôi mừng thầm. Sau đó, đến giờ thảo luận, tôi mới biết tiếng Việt của em còn rất kém. Hỏi em có hiểu những gì tôi mới giảng không, em đáp: “Chút chút.” Lại hỏi sao em gật gù như thích thú? Đáp: “Em không hiểu lắm, nhưng nghe thầy đọc thơ, giọng cứ lên xuống, lên xuống, nghe… dzui quá.” Một sinh viên khác dịch chữ “chiến dịch” thành “duck egg” vì tưởng nhầm là “trứng dzịt”. Một sinh viên khác nữa giải thích chữ “cù lao” trong câu thơ “Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất / Và tình yêu như đám lau buồn” của Thanh Tâm Tuyền là cái… lẩu. Rồi một sinh viên khác nữa cho chữ “tái tê” cùng trường nghĩa với những “tái chín” hay “tái nạm” trong phở. Và một sinh viên khác nữa, khi thuyết trình về Truyện Kiều, không giấu được vẻ trầm buồn khi nói về chuyện Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh “lấy tiết”. Vân vân.

Trước sự thay đổi của các thế hệ sinh viên và trình độ tiếng Việt của họ, từ năm 2001 tôi quyết định thay đổi toàn bộ chương trình tiếng Việt tại trường Victoria University: Phần văn học được cắt giảm tối đa, chỉ còn một học kỳ; còn lại, tất cả đều tập trung cho phần ngôn ngữ với mục tiêu chính là giúp cho sinh viên, gốc Việt cũng như người ngoại quốc, phát triển các kỹ năng giao tiếp thông thường, và, ở trình độ cao hơn, có thể sử dụng tiếng Việt như một công cụ nghiên cứu. Đồng thời, tôi cũng mở thêm một số lớp chuyên về văn hóa được giảng dạy bằng tiếng Anh cho các sinh viên ngoại quốc, những người muốn tìm hiểu về Việt Nam nhưng không muốn đi qua con đường ngôn ngữ. (1)

Đến lúc ấy, tôi mới phát hiện việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai khó khăn và phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều. Trường Sinh ngữ Quân Đội ở Úc xếp các ngôn ngữ thành ba bậc, từ dễ đến khó: Dễ nhất, có tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý…; khó nhất, có các tiếng Ả Rập, Nhật, Tàu và Hàn; tiếng Việt nằm chính giữa, cùng với các tiếng Nga, Thái, Khmer… (2)  Viện Ngoại Vụ (The Foreign Service Institute) ở Mỹ sắp xếp cách khác, gồm năm bậc, tiếng Việt thuộc bậc thứ tư, chỉ dễ hơn các tiếng Ả Rập, Nhật, Tàu và Hàn, nhưng lại khó hơn hẳn các ngôn ngữ Âu châu và một số ngôn ngữ Á châu khác. Thời gian học tập để có thể sử dụng được thông thạo, người ta phải mất, với tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha là khoảng 600 giờ; với tiếng Đức, là khoảng 750 giờ; với tiếng Indonesia hay Malaysia, là khoảng 900 giờ; với tiếng Việt (cũng như với tiếng Ba Lan, Hy Lạp, Khmer, Lào, Nga và Thái), là khoảng 1100 giờ (trong khi với các ngôn  ngữ thuộc nhóm khó nhất thì là khoảng 2200 giờ). (3)

Ngôn ngữ khó đòi hỏi sự cố gắng của cả người đi học lẫn người đi dạy. Cố gắng không, chưa đủ. Cần phải có kiến thức và nhất là, phương pháp. Bởi vậy, tôi bỏ ra rất nhiều thì giờ để nghiên cứu về các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ thứ hai. Học đến đâu ứng dụng đến đó. Rồi ghi chép, phân tích và tổng hợp các kinh nghiệm của chính mình trong quá trình giảng dạy. Sau đó, tôi được nhờ làm điều hợp viên các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Việt tại tiểu bang
Victoria. Năm nào cũng tổ chức ba hay bốn khóa. Chính ở các khóa tu nghiệp được tổ chức dưới sự tài trợ của Bộ giáo dục (thông qua Hội Ngôn ngữ Cộng đồng Úc) ấy, tôi càng cảm thấy việc tìm hiểu phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai là một nhu cầu lớn. Tuy nhiên, tài liệu về vấn đề này, bằng tiếng Việt, cực ít. Để bù trám lỗ trống ấy, cuối năm vừa rồi, khi học kỳ 2 vừa chấm dứt, tôi quyết tâm viết cho xong cuốn sách này.

Chưa tới ba tháng sau, cuốn sách đã hoàn thành và được gửi đi in. Bây giờ, cầm cuốn sách dày cộm (500 trang) với bìa cứng đẹp đẽ trên tay, tôi không chỉ thấy công sức lao động miệt mài trong gần ba tháng mà còn thấy những bước lục lọi tìm tòi dò dẫm trong cả hơn 10 năm vừa qua.

***
Buổi ra mắt cuốn Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai sẽ được tổ chức tại giảng đường L114, Victoria University, Ballarat Footscray, Melbourne, Úc vào Chủ nhật 6 tháng 5 năm 2012, từ 2 giờ đến 4:30 giờ chiều. Phần văn nghệ sẽ do nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn (đến từ
Sydney) phụ trách. Xin mời quý bà con ở địa phương đến tham dự. Vào cửa tự do.

***

Chú thích:

1)Xem chương trình tiếng Việt tại trường
VictoriaUniversity trên: http://www.vu.edu.au/unitsets/ASPVIE
2)
http://www.defence.gov.au/dpe/pac/V2_Ch4_Pt3_Div8.htm
3)http://www.effectivelanguagelearning.com/language-guide/language-difficulty

 

Hưng Quốc
(24/04/2012 - 1092 lượt xem)