Văn hóa dân chủ

 

Văn hóa dân chủ

 

Sau bao nhiêu năm nhục nhằn dưới sự khống chế của các cường quốc Tây phương, dấu tích khổ đau đương nhiên còn ghi khắc đây đó trong tâm tình, ngôn ngữ của chúng ta. Chữ “ngoại lai” tương quan với các biến cố lịch sử này như một cái gì “căn đế xấu xa”. Đây đó người ta chê trách, lối tư duy, cách sống, chế độ chính trị này khác là ngoại lai, có nghĩa là hoàn toàn phản lại dân tộc mình, hoặc hàm ngụ nhiều nội dung tiêu cực khác.

 

Kỳ thực, tự bản chất của văn hóa, và ngay cả trong truyền thống văn hóa Việt Nam, chúng ta bình tĩnh để chân nhận rằng tinh hoa nếp sống văn hóa không phải là xung đột nhưng là trao đổi, thâu hóa giữa cuộc sống văn hoá chúng ta và các nền văn hóa khác. Chúng ta không có mặc cảm ngại ngùng gì khi nói văn hoá Việt Nam thâu hóa và phát triển ba luồng tư tưởng Khổng, Lão, Phật, và sau này tư tưởng Kitô giáo và văn minh Tây phương. Nếu ngoại lai được hiểu là xa lạ với nhân tính chân thật, hay đi ngược lại với nhân tính theo truyền thống xác quyết con người là linh ư vạn vật, thì “ngoại lai” ở đây phải dựa trên tiêu chuẩn nhân phẩm, nhân tính của mọi con người, ở mọi nơi, trong mọi nước, chứ không dựa trên tiêu chuẩn là dân tộc Việt Nam hay  không phải là dân tộc Việt Nam.

 

Trong câu chuyện Họ Hồng Bàng dựng nước, mà hôm nay mọi người Việt đều biết đến và mến chuộng, chúng ta đọc được sứ điệp văn hóa ở đây qua biểu tượng của các thành ngữ Hồng và Bàng. Hồng là cao cả, to lớn, và Bàng là bao phủ khắp hết. Hồng Bàng ấy làm sao cao cả, làm sao bao khắp nếu không ôm hết toàn nhhân loại vào trong bào thai chung của một mẹ! Chủ trương dân tộc tự tôn, tự mãn, đóng kín quá khích không có nghĩa là phản ảnh tình tự yêu quê hương, yêu mến đồng bào hay tiếp nối được tinh hoa truyền thống văn hóa Việt Nam. Sau kinh nghiệm cộng sản, sau kinh nghiệm quốc gia quá khích (quốc xã), cần phải can đảm chân  nhận những chủ trương tiêu cực đó như một trang sử đau thương của nhân loại cần vượt qua.

 

Gần đây, trong đầu thập niên 90, một số nước tại Á châu còn nặng thể chế độc quyền e ngại. Một số vị lãnh đạo tự biện minh cho lối điều hành quốc sự của mình đã nêu lên rằng: thể chế dân chủ Tây-phương chỉ có thể áp dụng trong vùng văn hóa Tây-phương, và không thể áp dụng cho các xứ khác.

 

Chúng ta nêu lên hai điểm dựa trên kinh nghiệm lịch sử và dựa trên phương thức áp dụng:

 

- Về kinh nghiệm lịch sử, ngay giữa lòng Âu-châu là nơi phát xuất các  cuộc cách mạng dân chủ, trong một thời gian rất lâu, giáo quyền Công giáo cũng không thể quan niệm được rằng, thể chế dân chủ có thể ứng dụng hữu hiệu để điều hành xã hội một cách tốt đẹp. Thế nhưng trong thế kỷ 20 vừa qua, Giáo-hội ấy đã là một trong những tác nhân cổ võ cho dân chủ; và thực tế các nước ảnh hưởng văn hóa Kitô giáo đã ứng dụng đứng đắn thể chế dân chủ này.

 

Mặc dù có rất nhiều dị biệt văn hóa và phương cách biểu lộ, Tây-phương và Đông Nam-Á (ĐNÁ)  cũng có nhiều tương đồng về quan điểm xây dựng tổ chức cộng đồng trước khi có cuộc cách mạng dân chủ. Tây-phương cũng có những đế quốc, chế độ phong kiến, các định chế quốc gia, các thể chế quân chủ… Họ đã không nại đến một truyền thống biện minh cho sự chính đáng của thể chế quân chủ trước đó để chận đứng bước tiến của lịch sử. Thử hỏi, vùng ĐNÁ nhân danh truyền thống nào để tiếp nhận các kỹ thuật khoa học, và loại trừ tinh thần và thể chế dân chủ hiện nay?

 

- Việc áp dụng chế độ dân chủ đã từng được thực hiện một cách uyển chuyển ngay tại từng nước, từng vùng, từng thời kỳ lịch sử khác nhau với những mô thức khác nhau. Nhưng đằng sau những chính thể dân chủ dị biệt, luôn luôn có những yếu tố căn bản làm mẫu số chung, đó là tinh thần dân chủ, nghĩa là sự tôn trọng nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng của mỗi thành phần làm nên cộng đồng và các định chế bảo đảm cho tinh thần dân chủ tồn tại và phát triển. Một số các vị lãnh đạo tại vùng Đông Nam-Á đã hiểu chế độ dân chủ trong khuôn khổ nào đây để bài bác chế độ dân chủ đang được thế giới áp dụng và cổ võ hiện nay? Việc bài xích này sẽ mặc nhiên chối bỏ giá trị của tinh thần dân chủ, việc tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do, bình đẳng của mỗi người dân, cũng như một số định chế đương nhiên phải đi kèm, như việc phổ thông bầu phiếu, tính cách đa nguyên trong chính trị, phát triển văn hóa giáo dục, điều kiện để người dân tự quyết định thay đổi giới lãnh đạo, hay chỉ muốn nói đến một thể chế dân chủ nhất định nào đó của một nước Tây-phương?

 

“Đồng qui như thù đồ”, “tính tương cận, tập tương viễn”, những khác biệt về ứng dụng và diễn tả các nội dung văn hóa, không có nghĩa là tự căn có những chân lý khác nhau trong phần tinh hoa của các nền văn hóa nhân loại. Tinh thần dân chủ không phát sinh từ một sáng kiến của một thời đại, nhưng bắt nguồn và xây dựng trên việc nhìn nhận nhân phẩm và tự do của mọi người. Truyền thống văn hóa ĐNÁ, truyền thống một dân tộc nào tại đây, trong đó có Việt Nam, không thể nhân danh một tập tục, cơ chế của quá khứ để phi bác tinh thần dân chủ, nghĩa là việc tôn trọng phẩm giá của mỗi con người.

 

Còn nếu phi bác chế độ dân chủ dựa vào một mô thức cá biệt của một nước, một giai đoạn lịch sử nào đó, thì lối phát biểu này như không cần biết đến việc ứng dụng một cách nghệ thuật, uyển chuyển các định chế dân chủ mà các nước trên thế giới (mỗi nước có những quá khứ lịch sử, những tập quán, những nếp văn minh riêng) đã thực hiện.

 

Tuy nhiên, lời phát biểu bất cập này của các nhà lãnh đạo ĐNÁ nhắc nhở chúng ta rằng, nói đến dân chủ, đòi hỏi và thực thi dân chủ không phải chỉ là vấn đề kỷ thuật điều hành thuộc lãnh vực chính trị. Cổ võ và xây dựng dân chủ không phải là nhập cảng hay đúc ráp một máy bơm mới hay chế tạo một chiếc xe hơi. Dân chủ trước hết phải được xây dựng trên văn hóa.

 

- Không cắm sâu vào bề sâu văn hóa để nhận chân được giá trị nhân phẩm của mỗi người, thì thể chế dân chủ chỉ là một trò bịp. Phương thức đồng thuận, ủy quyền dựa vào đa số trong chế độ dân chủ là con dao hai lưỡi: hơn bao giờ hết các quyền lực phe nhóm có thể tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các kỹ xảo vận động tâm lý quần chúng… để nắm lấy vận mệnh của cộng đồng bất chấp ước vọng của người dân.

 

- Một nền dân chủ thật sự đòi hỏi giáo dục về văn hóa để mỗi một người dân có thể sử dụng hữu hiệu quyền tự do của mình.  Làm sao người dân tham gia được vào việc điều hành cộng đồng khi hiểu biết về mọi mặt còn quá sơ đẳng? Câu châm ngôn từ xưa nay vẫn còn nói “dân nào thì vua đó”; do đó, dân chủ không thể tách rời khỏi dân trí. Vào đầu thế kỷ 20, các nhà cách mạng của chúng ta đã am tường điểm này khi đề xuất các phong trào phát triển dân trí để sớm thực hiện dân chủ.

 

- Và cuối cùng văn hóa gắn liền cho dân chủ, khi bước nhập môn của bất cứ nền văn hóa nào cũng nhắc nhở: “hãy tự biết mình và sửa mình”. Dân chủ không phải chỉ là đòi hỏi kẻ khác phải thực thi các bổn phận đáp ứng với quyền lợi của mình. Dân chủ còn là ý thức bổn phận của mình, của nhà mình, của đảng mình, của nước mình đối với kẻ khác.

 

Bên cạnh nổ lực chính trị, đấu tranh để có ngay một cơ chế dân chủ cho Việt Nam, cần thiết và tích cực hơn nữa là thực hiện dân chủ trong khuôn khổ nhà mình. Vì mọi người chúng ta đều biết: không ai cho điều mình không có.

 

- Nguyễn Đăng Trúc

 

Nguyễn Đăng Trúc
(11/04/2012 - 722 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Đăng Trúc
1 - Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam (26/09/2011 - 749 lượt xem)