Tự vấn: Ở nước mình có 3 đô không ?

 
Tự vấn: Ở nước mình có 3 đô không ?
 
Năm nay vừa tròn 62 tuổi, tôi cảm thấy thời gian đi mau quá. Tới Mỹ mới có 40 mươi mà nay đã được 62 -- 22 năm ở Mỹ sao mà nhanh thế. Nhìn lại thấy các con đã khôn lớn, tất cả đều có công ăn việc làm. Các con tôi thường khuyên ba mẹ nghỉ ngơi, đi đây đó chơi cho thảnh thơi kẻo sau nầy tuổi già sức yếu có muốn đi cũng chẳng được. Nhưng vợ tôi lại nghĩ rằng lúc nào còn sức khỏe thì cứ làm để lo trang trải mọi thứ trong nhà. Chỉ khi nào tới tháng 12 mới tìm dịp về đón Tết ở Việt Nam để gặp lại chị em và những người thân quen.
 
Ngày 8-1-2012 chúng tôi về Việt Nam dự lễ khấn trọn của cháu Trần Văn Tiền tại Dòng Xitô An Phước. Sau thánh lễ, tôi ghé qua nhà để tro cốt viếng thăm hai cháu nội ở đó. Đốt nến nhang cầu nguyện xong, tôi bước ra ngoài và được dịp gặp quý vị Dòng Ba. Tôi cũng được dịp gặp Cha Trần Văn Thái là Bề Trên Dòng. Cha là người khởi xướng xây dựng chương trình nuôi dưỡng các cụ già neo đơn ở đây. Tôi rất xúc động khi tiếp xúc với các cụ và tìm cách tiết kiệm tiền bạc để giúp đỡ những người già neo đơn rất đáng thương mến ở quê nhà.
 
Cha Bề trên cho biết những năm gần đây, một số cụ bị chứng bệnh tai biến và các bệnh tật khác mà không có đủ thuốc uống. Các cụ già neo đơn phải sống trong cảnh mùa hè nóng nực với mái nhà tôn hoàn toàn thiếu trang bị hệ thống máy lạnh. Nhà Dòng thì không có khả năng tài chánh để bao bọc cho các cụ. Ước vọng của tôi là rất thích được trở về quê hương để vào sống ở trong Dòng Ba như các cụ ở đây để kinh nguyện sớm tối. Ngoài giờ rảnh có thể giúp đỡ các cụ già trong khả năng và tầm tay khiêm tốn của tôi.
 
Trong dịp về thăm nhà lần nầy, tôi đã có dịp học hỏi được nhiều điều tốt lành như lời tổ tiên ta thường dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Thực vậy, những ngày về thăm quê hương năm nay đã giúp tôi học được nhiều điều quý giá về cuộc sống từ các bậc huynh trưởng, quý cụ cao niên và đặc biệt là từ những thân nhân và ân nhân kính quý của tôi như Đức Ông Nguyễn Ngọc Hàm và Cha Bề trên Trần Văn Thái mà tôi được gặp gỡ hoặc trò chuyện tại Viêt Nam trong những ngày chờ đón Xuân Nhâm Thìn 2012.
 
Khi được hầu chuyện với Đức Ông và Cha Bề trên cùng các bậc huynh trưởng của tôi trong chuyến về thăm quê hương kỳ nầy, tôi đã dường như được các ngài truyền hơi thở khôn ngoan của Thánh linh vào tâm trí mình với những lời nhắn nhủ ý nghĩa, thâm thúy và diệu vợi không thể nào quên được. Thí dụ như những lời giáo huấn về “hành trang cuộc sống” cho tôi trong 25 năm hành trình tuổi già sắp tới như sau:
 * Yêu thương là từ duy nhất có thể chia mà không bị giảm.
 * Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là thương yêu nhau.
 * Tất cả nụ cười đều có chung một ngôn ngữ.
 * Nổi giận là trạng thái cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu.
 * Nếu có ai nói xấu mình, hãy sống làm sao để không ai tin điều đó.
 * Thước đo của cải của một người là những gì người ấy đã cống hiến cho đời.
 
Tự vấn: Ở nước mình có 3 đô không ?
 
Bản tính tôi là thích được học hỏi để biết thực hư như thế nào. Tôi tự hỏi, ở nước mình có 3 đô không và 3 đô có ý nghĩa khác biệt như thế nào? Sau đây là những câu trả lời. Thực hư như thế nào, chúng tôi xin dành quyền thẩm định cho quý vị độc giả.
 
 * Câu hỏi: 3 đô là gì ?
 * Trả lời: Trả lời theo nghĩa thông dụng từ sách vở thì 3 đô là thủ đô, thành đô, và cố đô.
 * Câu hỏi: 3 đô còn có ý nghĩa gì khác nữa không ?
 * Trả lời: Nó còn có một ý nghĩa thực dụng được ngầm hiểu từ dân gian mà khi nghe “câu được câu mất,” không giám xác quyết nhưng có thể tạm thời giải thích như sau:
 
Thủ đô ?
 
  1. Nghĩa thông dụng: Thủ đô thông thường là trung tâm hành chánh, chính trị, và tài chánh của một quốc gia. Thủ đô đa phần là thành phố lớn nhất của một quốc gia, nơi đặt tất cả các cơ quan quyền lực chính của một nước như: các cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, ngân hàng trung ương, v.v… Thí dụ thủ đô Paris của nước Pháp, thủ đô Tokyo của nước Nhật, thủ đô Hà nội của nước Việt Nam. 
  1. Nghĩa thực dụng: Ý nghĩa bình dân được dân gian hiện tại diễn nghĩa là biển thủ đô la để làm giàu cho một số cá nhân; là tham nhũng để được thăng quan, tiến chức, hoặc chạy chọt, lo lót để được bổng lộc nhờ có tiền chứ không phải vì có tài năng.
Thành đô ?
 
  1. Nghĩa thông dụng: Thành đô, đô thị, hay thành phố được dùng để chỉ một khu định cư có dân số lớn hoặc một khu vực đặc biệt có định chế pháp lý hoặc định chế lịch sử. Thành đô, đô thị, hay thành phố là nơi có những khu phố, khu gia cư, khu công nghiệp, khu thương mại, khu công viên giải trí, v.v… như New York ở Mỹ, Montreal ở Gia Nã Đại, hay Sàigòn ở Việt Nam. 
  1. Nghĩa thực dụng: Ý nghĩa bình dân được dân gian hiện tại diễn nghĩa là chuyển tiền VN thành tiền đô để dự trữ như vàng để tránh bị tiền mất giá hay để mang ra nước ngoài làm giàu, hoặc để cho con cháu tiêu xài lúc đi xuất ngoại du học hay lập nghiệp ở nước ngoài.
Cố đô ?
 
  1. Nghĩa thông dụng: Cố đô là thủ đô cũ của một quốc gia, là nơi mà ngày xưa vua chúa và triều đình làm việc.  Thí dụ như Cố đô Huế là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên. Cố đô Huế là trung tâm quan trọng về nhiều mặt của quốc gia như trung tâm văn hoá, trung tâm giáo dục, trung tâm du lịch, v.v… Cố đô Huế với dòng sông Hương chảy qua tỉnh lỵ đã tạo ra những hấp dẫn mạnh mẽ về quang cảnh thiên nhiên. Dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945), Huế là kinh đô của Việt Nam. Ngày nay (1946-2012), Huế là cố đô. 
  1. Nghĩa thực dụng: Ý nghĩa bình dân được dân gian hiện tại diễn nghĩa là người dân ở đây đã cố sức đô gân ra để làm việc mà vẫn không làm ra tiền. Người nghèo càng ngày càng nghèo thêm vì tình trạng biển thủ tiền đô viện trợ, tình trạng đổi tiền Việt thành tiền đô, tình trạng lạm phát phi mã. Vì vậy cho nên khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong xã hội càng ngày càng lớn hơn. Người nghèo thì không có tiền để ăn còn nhà giàu thì tiêu xài phung phí.
 
Nhưng khi tôi gọi phone thăm Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến thì ngài kể cho tôi một đề tài cách nay trên 6 năm của ĐHY Phạm Minh Mẫn. Vào năm 2005, ĐHY ra thăm Huế. Ngài gặp một nhà triết học nói chuyện với đề tài, “Nước Việt Nam có Ba Đô” như sau:
 
1=Thủ Đô
2=Thành Đô
3=Cố Đô.
 
Tôi chỉ nghe qua mà không hiểu rõ lắm về lời cắt nghĩa của triết gia thuyết trình đề tài nầy. Nhưng qua sự diễn giải của một cán bộ ngồi ăn trong nhà hàng với tôi thì ông giải thích như sau:
 
1=Thủ Đô. “Thủ” có nghiã là “làm được bao nhiêu thì cho vào túi bấy nhiêu” nên rất khá giả.
 
2=Thành Đô. “Thành” có nghiã là “dễ dàng làm ra tiền nên mọi người dân đều tìm về quê hương” để làm ăn sinh sống.
  
3=Cố Đô. “Cố” có nghiã là “còng lưng ra làm hoài nhưng vẫn nghèo.”
 
Nếu câu chuyện mà ông cán bộ đã cắt nghĩa trên đây là đúng sự thật thì tôi xin về Thành Đô vì ở đây “dễ dàng làm ra tiền nên mọi người dân đều tìm về quê hương” để làm ăn và sinh sống. Nhưng tiếc nỗi tôi là người đã được sinh ra ở Huế nên phải chọn quê Cha đất Tổ là Cố Đô mà thôi. Như vậy thì chắc là tôi cứ phải “còng lưng ra làm hoài nhưng vẫn nghèo.”
 
Thôi thì để tùy thánh ý Chúa quyết định vậy !
 
- Paul T. Quý
 

 
Paul T. Quý
(15/01/2012 - 1300 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Paul T. Quý
1 - TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN (25/02/2015 - 916 lượt xem)
2 - Nỗi nhớ niềm thương (06/11/2013 - 908 lượt xem)
5 - Miền Trung Hà Úc quê tôi ! (03/01/2013 - 1426 lượt xem)
9 - Gương Người Linh Mục Phục Vụ (18/04/2012 - 1574 lượt xem)
11 - Thư Xuân gởi Mẹ (30/01/2012 - 1029 lượt xem)
15 - Những lời nguyện chúc đầu Xuân (27/12/2011 - 1284 lượt xem)
18 - Đôi bàn tay yêu thương của Mẹ (03/12/2011 - 1059 lượt xem)
19 - Ở Mỹ trái tim lạnh cái đầu nóng ? (27/11/2011 - 1054 lượt xem)
23 - Hạnh phúc là tha thứ và thương yêu (21/10/2011 - 1172 lượt xem)
24 - Trở về cát bụi... (15/10/2011 - 1560 lượt xem)
25 - Xin tạ ơn Trời và cám ơn Người (01/10/2011 - 1180 lượt xem)