Hoạt động “SINH” trong xã hội Mỹ

 

 

Hoạt động “SINH” trong xã hội Mỹ

I. LỜI NỐI KẾT

Trong bài trước, chúng tôi đã có dịp trình bày về lý tưởng “NGHĨA” trong văn hóa Việt để nhận diện những tương quan mật thiết giữa lý tưởng Nghĩa Sinh và truyền thống văn hóa Việt Nam. Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hoạt động "SINH" của tổ chức Nghĩa Sinh trong xã hội Hoa Kỳ.

II. NHỮNG ĐẶC TÍNH CĂN BẢN CỦA XÃ HỘI MỸ

1. Hữu thần

Xã hội Mỹ là một xã hội hữu thần. Chúng ta có thể nhận thấy điều này bằng cách nhìn vào lịch sử Hoa Kỳ, các văn kiện pháp lý hiện hành và quan sát những gì đã xảy ra trong xã hội Mỹ. Những người Âu Châu đầu tiên đến Hoa Kỳ đều là những người theo Thiên Chúa giáo. Những người Công giáo từ Tây Ban Nha đến Mỹ sau năm 1492, những người Tin Lành, “Pilgrims” và “Puritans” đến Mỹ sau đó với niềm tin tưởng vô song nơi Thượng Đế.

Bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ đã đề cập đến tạo-hóa. Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm tự do tôn giáo. Những lời hứa đọc trong lúc thượng kỳ có câu: “Một quốc gia dưới quyền của Thượng Đế” * “One nation under God.” Trên các đồng Mỹ kim có câu: “Chúng tôi tin tưởng vào Thượng Đế” * “In God we trust.” Và đoạn kết trong lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa kỳ có câu: “Xin Thượng Đế giúp tôi [hoàn thành nhiệm vụ]” * “So help me God.”

2. Tự lập

Tinh thần tự lập của người Mỹ được thể hiện ngay khi những người di dân đầu tiên đặt chân đến Mỹ châu. Ông John Smith đến Mỹ vào năm 1607 đã chủ trương mọi người di dân phải tự lập nuôi thân. Theo ông, “Làm việc hoặc là chết đói! [Không làm thì không có ăn!]” * “Work or starve!” Nhờ tinh thần tự lập John Smith chủ trương mà ông đã cứu sống được đa số người di dân đến định cư tại JamestownVirginia. Nhóm di dân thứ hai đến PlymouthMassachusetts vào năm 1620 cũng với tinh thần tự lập. Sau hai tháng dài lênh đênh trên biển cả, những người di dân từ Hòa Lan đến Mỹ cùng ký với nhau một bản thỏa ước “Mayflower Compact” để thành lập chính phủ cho chính mình và nhờ nỗ lực tự lập của mỗi người để xây dựng đời sống mới tại Mỹ châu.

Tinh thần tự lập của người Mỹ còn được thể hiện rõ ràng hơn trong các sinh hoạt gia đình của họ. Từ lúc lọt lòng mẹ, trẻ em đã được cho nằm riêng rẽ trong nôi và có phòng riêng dành cho các em. Cha mẹ người Mỹ ít khi bế con. Đi đâu xa, họ để em bé lên một chiếc xe nôi rồi đẩy đi chứ không ẵm bế em như người mình. Khi đến 18 tuổi, đứa trẻ trưởng thành bắt đầu nhập cuộc, tự lập nuôi thân. Có em thì đi rửa chén, có em thì đi bán báo, có em thì đứng bán cà phê… Các phụ huynh Hoa Kỳ thường hãnh diện khi thấy con mình tự lập càng sớm càng tốt mà không bận tâm là con mình làm việc gì: bán báo, rửa chén, hay đứng bán hàng. Theo họ, chỉ có người xấu chứ không có công việc làm xấu.

3. Bình đẳng

Trong phần mở đầu Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 năm 1776, những người khai sáng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tin tưởng rằng mọi người sinh ra đều được bình đẳng trước mặt Tạo Hóa: “We hold these truths to be self-evident: That all men [humans] are created equal; that they are endowed by their Creator with certain unalienable rights; that among these are life, liberty and the pursuit of happiness.” Vì chủ trương bình đẳng như vậy cho nên chúng ta không lạ gì trong gia đình Mỹ con cái gọi bố mẹ bằng tên gọi như John, Mike hay là Mary thay vì thưa ba, thưa má. Vì chủ trương bình đẳng như vậy nên người Mỹ không quan trọng hóa các nghi thức, như một viên chức ký tên vào văn thư mà không cần đóng mộc đỏ. Thẻ Thông Hành của dân Mỹ chẳng cần ai phải ký tên. Ngược lại, chính người có tên trên Thẻ Thông Hành tự ký tên “mình” để chứng nhận cho “mình.” Tên Ronald Reagan, John Paul VI, Elizabeth II… thường được viết trên báo chí không để chức vụ Tổng Thống, Giáo Hoàng, hay Nữ Hoàng phía trước. 

III. NHỮNG ĐẶC-TÍNH CĂN BẢN CỦA NGHĨA SINH

1. Hữu thần

Nghĩa Sinh là một tổ chức hữu thần. Nghĩa Sinh đặt tin tưởng vào Tạo Hóa (Creator). Điều I của Mười Điều Tâm Niệm Nghĩa Sinh đã ghi: “Nghĩa Sinh kính tôn Tạo Hóa, yêu mến tha nhân, phụng sự tổ quốc…” Nghĩa Sinh quan niệm mỗi tôn giáo là một bông hoa trong vườn hoa của Tạo Hóa, các tôn giáo đã và đang đóng góp tích cực trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh về phương diện luân lý, đạo đức và thanh hóa. Tôn giáo nào cũng cổ võ mọi người làm lành lánh dữ, khuyến khích mọi người nâng đỡ thương yêu nhau. Mỗi tôn giáo còn là một động tử đưa ta đến chân thiện mỹ. Vì vậy, trước và sau các buổi hội họp, các lớp huấn-luyện, các ngày trại của Nghĩa Sinh đều có phút tinh thần. Nghĩa Sinh tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi thành viên: Phật giáo, Lão giáo, Công giáo, Tin Lành và tác tôn giáo khác -- ngay cả những những thành viên chỉ biết có thờ cúng ông bà tổ tiên mà thôi. Nghĩa Sinh chọn “bông hoa” nào cũng được – hoa Mai, hoa Đào, hoa Hồng… Nghĩa Sinh chọn “động tử” nào cũng được – người đi xe đạp, kẻ đi bằng thuyền, người thì xe hơi, hay máy bay… Thành viên Nghĩa Sinh khắp mọi nơi cứ tự nhiên “giữ đạo” của mình một cách chân thành và sốt sắng. Tổ chức Nghĩa Sinh đã mời các vị Tuyên úy Phật giáo, Công giáo, Tin lành hướng dẫn NS trong đời sống tinh thần.

2. Tự lập

Châm ngôn của Nghĩa Sinh được ghi trên huy hiệu Nghĩa Sinh: “Tự Giác, Tự Giải, Tự Giúp.” Tự nhận diện để biết sở trường và sở đoản của mình. Biết ưu để giữ, biết khuyết để tránh. Biết tự đặt ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Không ỷ lại vào người khác, biết tự mình giúp mình thực hiện những việc dự định trong khả năng và tầm tay của mình một cách thực tế. Một trong những lời hay ý đẹp thường được lặp đi lặp lại trong các trại huấn luyện của tổ chức Nghĩa Sinh là: “Tương lai ta trong tay ta.” Nếu mỗi người trong xã hội đều biết tự lập thì xã hội sẽ đồng tiến và vững tiến. Tự lập trong Nghĩa Sinh không có nghĩa là biến mỗi cá nhân trở thành một hoang đảo. Nghĩa Sinh luôn đề cao những tương giao thân thiện và hợp tác giữa người với người, giữa Nghĩa Sinh với các tổ chức bạn, giữa quốc gia này với các quốc gia khác. Diễn trình hợp tác trong Tổ Chức Nghĩa Sinh đã ghi: “Gặp gỡ => Đối thoại => Cảm thông => Hợp tác => Xây dựng => Phát triển.”

3. Bình đẳng

Nghĩa Sinh chủ trương mọi người bình đẳng trước Tạo Hóa. Vì thế, Nghĩa Sinh rất tự nhiện khi tiếp xúc và phục vụ đồng bào mọi giới, giàu cũng như nghèo. Nghĩa Sinh nhận diện xã hội còn nhiều bất công: người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo hơn; kẻ có thế lực thì có tiếng nói trong xã hội, người cô thế thì luôn luôn chịu thiệt thòi. Vì thế, dù ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ, Nghĩa Sinh vẫn muốn làm một gạch nối giữa giới giàu và giới nghèo; giữa chủ và thợ; giữa chính phủ và dân chúng.

Những hội viên Nghĩa Sinh trong thập niên 60’s và 70’s đã từng sống chung dưới cùng mái nhà với những trẻ em đã bị xã hội hất hủi, ruồng bỏ như cô nhi, bụi đời, du đãng… tại các trung tâm Nghĩa Sinh Hùng Vương, Trần Bình Trọng, Chánh Hưng. Trong khi đó, những hội viên Nghĩa Sinh này đã được mời gặp Tổng Thống, Tổng Trưởng, Đô Trưởng… trong chính phủ. Tại Hoa Kỳ, Nghĩa Sinh cũng vẫn chủ trương tương tự như vậy. Vẫn thường xuyên liên lạc và gặp mặt các vị Dân Biểu, Nghị Sĩ, Thị Trưởng, Thống Đốc, Tổng Thống, nhưng đồng thời cũng sống chung với các trẻ mồ côi, những người sa cơ lỡ bước, gia đình các thuyền nhân để cùng cảm nhận những vui buồn của đồng bào ruột thịt.

IV. HOẠT ĐỘNG “SINH” TRONG XÃ HỘI MỸ

Như vậy, chủ trương hoạt động của tổ chức Nghĩa Sinh lúc ở quê nhà vẫn còn phù hợp với quan niệm và sinh hoạt trong xã hội Hoa Kỳ. [1] Công tác Xã hội & Nhân đạo (Social & Human Services): Ở Hoa Kỳ người ta vẫn tổ chức các Cô Nhi Viện, Viện Dưỡng Lão, Trung Tâm cho Người Không Nhà, Người Khuyết Tật, Người Lỡ Đường, v.v… Vì môi trường, tập quán và luật lệ ở Mỹ rất khác biệt với Việt Nam nên những sinh hoạt như đi cắm trại đòi hỏi nhiều thủ tục khó khăn và tốn kém như lệ phí, bảo hiểm, trọng trách dân sự và hình sự với vị thành niên, v.v... [2] Công tác Huấn luyện & Đào tạo (Leadership Training & Development): Việc tổ chức các khóa huấn luyện về lãnh đạo tại Mỹ phù hợp với Nghĩa Sinh hơn là công tác xã hội kể trên. Trong thời gian 40 năm qua, Nghĩa Sinh đã tổ chức được 160 khóa huấn luyện về tổ chức và lãnh đạo cho trên 7000 thanh niên, sinh viên, giáo viên, giáo sư, tu sĩ, giáo sĩ.

V. ĐÔI LỜI KẾT

Dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, luật lệ và lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng Nghĩa Sinh đã cố gắng thích nghi để tham gia thành công các hoạt động “Sinh” trong xã hội Mỹ và ở những nơi cần đến sự hiện diện của Nghĩa Sinh chúng ta.

Mời bấm vào đây để xem hình ảnh hoạt động của Nghĩa Sinh trong quá khứ và trong hiện tại:

[1]..https://www.google.com/search?q=%22NghiaSinh.net%22&espv=2&biw=1280&bih=644&source=lnms&tbm=isch&sa=X&ei=2yVlVOatF4X0yASxqoK4BQ&ved=0CAkQ_AUoBA

[2]..http://www.nghiasinh.org/?mode=aboutus

[3]..https://www.google.com/search?q=%22Huynh+Truong+Nghia+Sinh%22&espv=2&biw=1280&bih=644&source=lnms&tbm=isch&sa=X&ei=MyVlVJ7gN9SoyATAmYKoCA&ved=0CAYQ_AUoAQ

[4]..https://www.google.com/search?q=%22NghiaSinh.org%22&espv=2&biw=1280&bih=644&source=lnms&tbm=isch&sa=X&ei=oSZlVKnVJMyYyASs0oH4Dw&ved=0CAkQ_AUoBA

Xin Thượng Đế chúc lành cho tất cả chúng ta.

- Huynh Trưởng Nghĩa Sinh

 

 

 

 

 

Huynh Trưởng Nghĩa Sinh
(13/11/2014 - 1363 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Huynh Trưởng Nghĩa Sinh
11 - Nghĩa Sinh chúc mừng Năm Mới DL 2016 (31/12/2015 - 1501 lượt xem)