Khóa tập huấn kỹ năng hợp tác làm việc nhóm * Tháng 3-2014 với Huynh Trưởng Nghĩa Sinh

 Khóa tập huấn kỹ năng làm việc nhóm cho các Thầy Chủng viện Xã Đoài cùng các Nữ tu và Tập sinh MTG Vinh * Tháng 3-2014 

Mời bấm vào đây để xem hình:
http://www.nghiasinh.org/?mode=pic_dsalbum&id_album=194  

Một khóa học quan trọng và thiết thực

Khóa học dành cho các Thầy Chủng viện Xã Đoài và các Nữ tu cùng Tập sinh MTG Vinh. Mục đích khóa học nhằm tập trung khai thác tầm quan trọng và những hướng dẫn thực hành kỹ năng làm việc nhóm: như cách hoàn thành mục tiêu nhóm, bài học từ đàn ngỗng trời, những yếu tố quan trọng trong hoạt động nhóm, các kỹ năng cá nhân cơ bản trong nhóm, v.v…

Tại buổi lễ trao chứng chỉ tham dự, nhiều bài học sâu sắc về tinh thần làm việc nhóm đã được hai người thầy khả kính đưa ra, không chỉ áp dụng cho các tu sĩ nam, nữ mà còn phù hợp cho mọi người trong xã hội hiện nay.

Vai trò của làm việc nhóm

Giá trị của mô hình làm việc nhóm từ xưa đến nay đã được khẳng định. Làm việc theo nhóm có thể thúc đẩy tinh thần hợp tác, sự phối hợp, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, tận dụng mọi nguồn lực chung của nhóm, tạo ra những giải pháp mới cho mọi vấn đề khó khăn. Trong bất kỳ một thời đại nào, làm việc nhóm có hiệu quả cũng đem lại những thành công hơn khi phải làm việc cá nhân.

Thế nhưng, trong buổi lễ trao chứng chỉ tham dự, Đức Giám mục Giáo phận đã nêu ra một thực trạng đáng phải suy nghĩ: “Điểm yếu của người Việt Nam là làm việc nhóm. Tinh thần đối thoại của chúng ta ngày càng kém.”

Ngài đưa ra một lý do nhằm giải đáp cho vấn đề trên: đó là tính ích kỷ, thiếu tinh thần làm việc nhóm của người Việt Nam. Một ví dụ sinh động được Đức Giám mục vẽ ra: Giỏ cua của người Việt Nam thì không cần đậy nắp, còn giỏ cua của người Mỹ thì ngược lại. Vì giỏ cua của người Việt Nam chắc chắn sẽ không có con nào có thể bò ra được, bởi hễ một con bò lên thì con khác lại kéo xuống. Còn giỏ cua của người Mỹ thì phải đậy nắp vì các con cua biết lần lượt hỗ trợ nhau thoát ra ngoài.

Những ngày gần đây, báo chí liên tục đăng tải những phản hồi gay gắt, trái chiều về bức tâm thư của một sinh viên người Nhật có bốn năm sống ở Việt Nam. Vị Cha chung cũng có những liên tưởng thực tế qua bức tâm thư này: Một người Việt Nam thi đấu với bốn người Nhật thì người Việt Nam không thua, nhưng khi bốn người Việt Nam thi đấu với bốn người Nhật, chắc chắn phần thắng sẽ thuộc về người Nhật. Người Việt luôn sợ người khác hơn mình, sợ bị thiệt thòi nên luôn tìm cách kéo người khác xuống. Tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau trong một nhóm, một tổ chức người Việt dễ bị triệt tiêu.

Để chỉ rõ tầm quan trọng của làm việc nhóm, Đức Cha Phaolô đã đưa ra những chứng minh mang tính chất lịch sử. Thập niên 60 của thế kỷ XX, Việt Nam là một trong những nước mạnh ở Châu Á, không thua kém gì các nước xung quanh. Tại thời điểm đó, chúng ta phát triển hơn Singapore, hơn Thái Lan. Chúng ta ngang ngửa với Đại Hàn, Đài Loan. Nhưng hiện nay vị trí của chúng ta nằm ở đâu, chắc chắn ai cũng đã biết. Singapore trước đây chỉ là một làng chài, nhưng đã phát triển vượt bậc thành con rồng Châu Á. Đại Hàn trước phải xuất khẩu lao động sang Việt Nam hàng loạt, nhưng nay đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn. Còn chúng ta, mọi thứ vẫn trì trệ. Bài học về khả năng cạnh tranh trên thương trường của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của tinh thần làm việc nhóm.

“Thế hệ anh em phải hơn tôi, hơn Thầy Hiếu”

Nêu ra thực trạng không phải là cách để chúng ta ngồi chê trách, lên án nhau, nhưng là con đường để tìm ra những bài học, những giải pháp cụ thể, khả thi. Và đó là cách làm của Đức Giám Mục Phaolô, khi Ngài đã nêu lên những căn dặn tích cực, gần gũi đối với Tiền Chủng sinh nói riêng và con dân Giáo phận nói chung.

Trước hết, huấn luyện phải có cả lý thuyết và thực hành. Lý thuyết một giờ thì thực hành phải hai giờ hoặc nhiều hơn. Thực hành giúp người học tận dụng và sáng tỏ lý thuyết, đồng thời áp dụng được hiệu quả của mô hình làm việc nhóm.

Trở lại câu chuyện của người Nhật, Đức Giám mục nêu rõ: người Việt dạy con mình theo lối ru ngủ, an phận: là tự hào về đất nước có bốn nghìn năm văn hiến, rừng vàng biển bạc. Trong khi đó, người Nhật lại dạy con mình tinh thần làm việc bằng cách nhìn nhận thực tế: chúng ta là một đất nước nghèo nàn, nhiều thiên tai. Chúng ta muốn phát triển phải dựa vào chính bàn tay của chúng ta, vào tinh thần đoàn kết hợp tác mọi người. Thành quả của hai lối dạy này qua bức tranh kinh tế xã hội của hai nước đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của tinh thần làm việc nhóm.

Đức Cha Phaolô muốn các chủng sinh nói chung và những người trẻ nói riêng triệt để áp dụng cách làm việc của người Nhật. Ngài căn dặn: Lớp chủng sinh nên chia thành 4, 5 nhóm để thực hành kỹ năng làm việc nhóm về các vấn đề như: khoa học, giáo lý, mục vụ, thánh ca... Các thành viên giúp nhau thực hiện và thể hiện tinh thần làm việc nhóm đã được học. Thành quả khóa học được đánh giá thông qua kết quả làm việc nhóm đó.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Ngài đòi hỏi các ứng sinh Linh mục: “Con hơn cha là nhà có phúc. Thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Thế hệ sau nếu không hơn hoặc chỉ bằng thế hệ trước thì nền giáo dục đã thất bại. Chính vì thế, thế hệ anh em phải hơn tôi, hơn Thầy Hiếu.”

Những bài học về tinh thần làm việc nhóm không chỉ dành riêng cho các tu sĩ nam nữ, mà có thể được áp dụng sâu rộng nơi tất cả mọi con dân Việt trong và ngoài nước. Thiết tưởng, không ai nên bỏ qua những bài học về tinh thần làm việc nhóm này.

- Ngô Đức Tình

Ngô Đức Tình
(04/04/2014 - 1184 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Ngô Đức Tình