Ảnh hưởng Nghĩa Sinh trong [công tác] giáo dục [giới trẻ]

Ảnh hưởng Nghĩa Sinh trong [công tác] giáo dục [giới trẻ]

 

LTS: Đây là bài viết của Nghĩa Sinh Trần Lâm Phát được đăng trên Website của Hội Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sàigòn (www.DaiHocSuPhamSaigon.org). Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Pham, NS Trần Lâm Phát đã được bổ nhiệm đi dạy học tại một trường trung học công lập ở tỉnh Phước Tuy.

 

Mời bấm vào đây để xem hình:

http://www.nghiasinh.org/img/tonghop/tlp_ns&gd.pdf

 

Sau khi mẫu thân vĩnh viễn từ giã anh em tôi vào tháng 4 năm Mậu thân (1968), cuộc đời tôi bắt đầu biến đổi lớn. Giữ lời hứa với mẹ, sau khi đỗ tú tài 2, tôi thi và được tuyển vào trường Sư phạm Sài gòn ở đường Thành Thái. Sinh hoạt cộng đồng là một bộ môn mới cho các tân giáo sinh nhưng nó lại càng khó khăn với tôi vì tôi chưa hề học âm nhạc.

 

Đọc trên báo Sài gòn thấy Nghĩa Sinh dạy miễn phí chương trình sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm Hùng Vương, tôi nộp đơn xin theo học để bổ túc nghề giáo viên của mình. Trong khi theo học, tôi thấy các em Nghĩa sinh vừa đi cứu trợ về, cùng nhau tụ tập và ca những bài tâm ca diễn tả sự thương yêu, đòan kết và xoa dịu vết thương lòng đã thúc đẩy tôi tiến xa hơn trong sinh hoạt cộng đồng và phụng sự xã hội.

 

Sau khi mãn khóa tôi đến gặp riêng anh Nguyễn Đình Vinh và huynh trưởng Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ tâm sự của mình rồi xin gia nhập Nghĩa Sinh. Tôi cũng cổ võ các bạn Đinh Quốc Hùng, Phạm Thế Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn gia nhập Nghĩa Sinh. Huynh trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Trung Hiếu thành lập Tâm sinh viên đầu tiên gồm có anh Quí, anh Thái, Trương Tấn Trung, Đặng Ninh Phương và các bạn vừa nêu trên (Đinh Quốc Hùng, Phạm Thế Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn).  Anh Hiếu và anh Vinh hướng dẫn anh em chúng tôi đến cắm trại ở Gò Vấp (Gia Định) để huấn luyện tâm sinh viên về tôn chỉ, mục đích và 10 điều tâm niệm Nghĩa Sinh.

 

Trong 1 tuần lễ anh em chúng tôi học cách cắm lều, nấu ăn kiểu dã chiến, cách thức giáo dục thiếu nhi, giúp đỡ trẻ em mồ côi, nâng đỡ những người tật nguyền, đơn côi, nghèo khó. Sau đó để  thống nhất với các tâm khác, anh Hiếu đổi tên tâm sinh viên thành tâm X9.  Tâm X9 là tấm gương cho các em nên mọi hành động của anh em chúng tôi đều được các em học sinh quan sát để noi theo. Tâm chúng tôi cùng những tâm khác đi giúp nạn nhân bị bịnh cùi ở Nha Trang. Đoàn Nghĩa sinh trong bộ đồng phục bắt đầu bước lên xe GMC[2] và di chuyển đến phi trường Tân Sơn Nhất.

 

Từ Sàigòn đến Nha Trang anh em Nghĩa Sinh ngồi trong chiếc phi cơ C310[3] cùng nhau vui ca những bài tâm ca, quên đi thời gian đợi chờ. Khi đến trại cùi Nha Trang, anh em Nghĩa Sinh bắt tay vào việc chăm sóc và giúp đỡ những người kém may mắn. Riêng tôi, thầm tiếc thương Hàn Mạc Tử. Lúc đó tôi cảm thông những nhọc nhằn đau đớn của thi sĩ họ Hàn. Những tháng ngày tiếp xúc các em trong trại tế bần ở Chánh Hưng để lại cho tôi nhiều xao xuyến và âu lo cho các em. Năm 1969 khi tôi được trúng tuyển vào ban Việt Hán của trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, tôi vẫn tiếp tục tham gia công tác thiện nguyện với Nghĩa Sinh.

 

Dưới sự dìu dắt và cổ động của anh Hiếu, Tâm X9  mở lớp luyện thi Tú Tài miễn phí cho các em học sinh nghèo hay hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Nghĩa Sinh đường Hùng Vương. Anh Quí và Nguyễn Ngọc Sơn dạy Anh văn, Trương Tấn Trung và Đặng Ninh Phương dạy Pháp văn, tôi và Đinh Quốc Hùng dạy Toán Lý Hóa. Có những em từ Thủ Đức lên trung tâm để học, tôi nhớ nhất là em Lê Đăng Quí. Từ Thủ đức em Quí hàng tuần ghé nhà Đinh Quốc Hùng để chúng tôi dạy thêm. Những em theo học ở trung tâm Nghĩa Sinh đều đỗ tú tài.

 

Khoảng 1969-1970,  khi kiều bào ở Cao Miên hồi hương về Tây ninh, Tâm X9 của chúng tôi lại lên đường tham gia cứu trợ.

 

Năm  Canh Tý (1972), sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, tôi tình nguyện về một vùng quê chưa phát triển, kém an ninh và ngôi trường bị bom đạn, thiêu huỷ sau cuộc giao chiến nặng nề, đó là trường Trung Học công lập Đất Đỏ, thuộc tỉnh Phước Tuy. Trương Tấn Trung và tôi mang những kinh nghiệm từ Nghĩa Sinh, dạy cho học sinh trung học công lập Đất Đỏ về tổ chức sinh hoạt, ca cộng đồng, cắm lều và chẩn bị cho cuộc cắm trại.

 

Dưới sự lãnh đạo của ông Hiệu Trưởng Trần Ba, anh chị em giáo sư thành lập ủy ban điều hành trại “Dấn Thân”  và dìu dắt các em học sinh Đất Đỏ đi cắm trại ở bãi biển Long Hải. Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng các em học sinh Đất Đỏ đi cắm trại trên bờ biển Việt Nam.

 

Những ngày sinh hoạt ở trại, các em tạm thời quên đi những nhọc nhằn trong lớp, cùng nhau vui đùa với bài hát “Đi Tàu Lửa”:

 

Nào mời anh lên tàu lửa chúng mình đi

Đi đi khắp nơi mà không tốn tiền …

 

Khắp nơi trong trại, từ sáng đến tối vang lên bài ca “Họp Đoàn” với những động tác  múa đồng bộ với lời ca rất ngoạn mục:

 

Nào về đây ta họp mặt cùng nhau

Cuộc đời vui thú có lúc nào thảnh thơi

Anh với em ta cùng sống chung một ngày

Rồi mai này chúng ta lại gặp nhau.

 

Khi màn đêm rơi xuống, nhìn những cánh tay mềm mại của các em múa và hát bài “Trong Đêm Rừng” của nhạc sĩ Hoàng Quí, không ai không cảm thấy ngậm ngùi khi tiếng hát vang lên dưới ánh lửa hồng:

 

Rừng muôn cây xanh cao

Âm u ngàn thác lá 

Gió lắng xa mênh mông

Ngồi xung quanh phiến đá

Ta khơi lửa đào

Bập bùng, bập bùng trong đêm thâu …

 

Những tháng ngày dạy học, những tâm niệm của Nghĩa Sinh ảnh hưởng rất lớn trong môn sinh hoạt học đường. Tôi áp dụng những kinh nghiệm Nghĩa Sinh, tạo cho các em có niềm tin, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và xoa dịu nỗi đau thương của những học sinh bất hạnh, mồ côi và nghèo khó. Tôi không ngần ngại chi phí cho những học sinh cần giúp đỡ về tài chính. Những ngày nghỉ, tôi về lại Sàigòn và tiếp tục tình nguyện dạy cho học sinh trường mù ở đường Minh Mạng, ngã sáu Chợ Lớn.

 

Tôi không những chịu ảnh hưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Thomas Jefferson, John Dewey, và Paulo Freire mà còn chịu ảnh hưởng của Nghĩa Sinh trong những tháng ngày với phấn trắng, bảng đen và làm thiện nguyện.

 

Virginia, đầu năm Tân Mão 2011

 

- Nghĩa Sinh Trần Lâm Phát

(cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1969-1972)

 

-------

 

Ghi chú:

 

[1] Phong-trào Nghĩa-Sinh là một tổ-chức Thanh-Thiếu-Niên hoạt-động thuần-túy Văn-hóa, Xã-hội, Thanh-niên, Thể-dục, Thể-thao và Công-nghệ. Gọi tắt là Nghĩa-Sinh, viết tắt là PNS.

- Tại mỗi Quốc-gia, PNS được thành-lập dưới cấp danh một Hiệp-Đoàn. Như tại Việt-Nam, có Hiệp-Đoàn Nghĩa Sinh Việt-Nam.

- Hiệp-Đoàn Nghĩa-Sinh, viết tắt bằng HNV, là một Hội-đoàn có tư-cách pháp-nhân do Nghị-Định 1195-GDTN/TN/NĐ ngày 31 tháng 7 năm 1968 của Ông Tổng-Trưởng Văn-Hóa Giáo-Dục và Thanh-Niên. 

- Danh-từ Nghĩa-Sinh được thâu tóm trong câu: “Nghĩa-Sinh là một tổ-chức Thanh-thiếu-niên phụng-sự đại-NGHĨA và SINH-hoạt trong lãnh-vực: Văn-hóa, Xã-hội, Thanh-niên, Thể-thao và Công-nghệ”

- Vì thế, danh-từ Nghĩa-Sinh mang 2 ý-nghĩa:

  * Một Hội-Đoàn: Nghĩa-Sinh (bao gồm lý-tưởng ‘Nghĩa’ và môi-trường hoạt-động ‘Sinh’

  * Một Đoàn-Viên: Nghĩa-Sinh (Sinh-viên, Học-sinh làm việc Nghĩa).

 

[2] Xe GMC do anh Hiếu mượn của Trường Đại Học Công Tác Xã Hội để Nghĩa Xinh đi công tác gần Sàigòn vì anh Hiếu là Giảng Viên của trường nầy.

 

[3] Máy bay C130 do anh Hiếu mượn từ cơ quan phát triển quốc tế để Nghiã Sinh đi công tác xa Sàigòn như Trại cùi Nha Trang hay Bệnh Viện Huế.

 

http://www.nghiasinh.org/?mode=new_nd&stt=259

 

 

Trần Lâm Phát
(01/03/2014 - 4063 lượt xem)