Khi nào dùng “chúc Tết,” “chúc Thọ,” và lúc nào dùng “mừng Tuổi” trong Tết Nguyên đán?

Khi nào dùng “chúc Tết,” “chúc Thọ,” và lúc nào dùng “mừng Tuổi” trong Tết Nguyên đán?

 

Trong một bài trước, người viết đã có bài, “Khi nào dùng “chung Vui,” và lúc nào dùng “chia Buồn” để nhắc nhớ chúng ta là khi vui, thì CHUNG vui để chúc mừng và làm cho niềm vui được TĂNG lên.  Còn khi buồn thì chúng ta CHIA buồn để chia sẻ và làm cho nỗi buồn được GIẢM xuống.

 

Nhân dịp Xuân về, chúng ta nên nhắc nhở con cháu mình về ý nghĩa văn hóa của phong tục Tết Nguyên đán và tìm hiểu trong trường hợp nào thì gọi là “chúc Tết” và khi nào thì gọi là “mừng Tuổi.”

 

Phong tục Việt Nam trước đây không có thói quen mừng sinh nhật (birthday celebration, birthday party) vì ngày xưa người già cũng như trẻ em không nhớ hay không để ý đến ngày sinh của mình.  Họ chỉ biết mỗi khi Tết đến là họ thêm một tuổi mới.

 

Do đó, Mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc Thọ” ông bà và các bậc cao niên.  Về việc “chúc Tết” thì trong ba ngày Tết, thân bằng quyến thuộc hoặc những người phải chịu ơn người khác thường phải đi “chúc Tết” gia chủ hay những người đã giúp đỡ hay làm ơn cho mình trong năm qua.  Thói quen “mừng Tuổi” được dùng khi người lớn cho trẻ em quà Tết hay sau khi con cháu đã đến “chúc Thọ” ông bà, cha mẹ rồi thì những người cao tuổi thường là “lì xì” cho con cháu bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao.”

 

Sáng sớm Mồng Một Tết, mọi sinh hoạt ngừng lại, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên, chúc Thọ và chúc Tết ông bà, cha mẹ và các bậc huynh trưởng.  Đây cũng là dịp để ông bà, cha mẹ mừng Tuổi con cháu của mình trong ba ngày Tết.

 

- Nguyễn Văn Hóa

 

Nguyễn Văn Hóa
(27/01/2014 - 7048 lượt xem)