Đã có một Huynh Trưởng như thế!
Đã có một Huynh Trưởng như thế!
LTS: PBN là bút hiệu của một cựu Nghĩa Sinh. Anh đã viết rất nhiều bài cho Liên Nghĩa, trong đó có 18 bài đang được lưu lại trong trang Website NS nầy. Hiện anh là một luật sư trong luật sư đoàn tại VN. BBT Liên Nghĩa xin cám ơn tác giả PBN.
Kính quý gửi Anh
Xin phép được gọi Linh mục Nhạc sĩ Xuân Thảo là anh, bởi vì PBN là một cựu NS, mà anh là một Huynh Trưởng NS của PBN. Mặc dù PBN là một người chưa chọn cho mình một tôn giáo nào cả (vô tôn giáo), nhưng PBN kính trọng và yêu mến cả Đức Phật và Đức Chúa. Em cũng rất quý mến anh vì hình ảnh của anh gắn liền với những lời ca thân thương anh đăt cho cả trăm nhạc bản anh sáng tác. Và nhất là em trân trọng gương hiếu học, khả năng nghiên cứu nghệ thuật, và tinh thần phục vụ cao độ của anh.
Gương mẫu hiếu học
Vì hoàn cảnh đất nước mà mãi tới năm anh gần 60 tuổi mới được dịp đi du học. Ai cũng nghĩ là anh đi “họp” ít tháng rồi về… “hưu” luôn. Nào ngờ người huynh trưởng NS can đảm của em chỉ không đày hai năm đã tốt nghiệp Cao Học Âm Nhạc về Sáng Tác (Master of Arts in Music Composition) một cách rất vinh quang đến nỗi giáo sư Viện Trưởng Đại Học Roosevelt Chicago đã hết lời khen ngợi anh trong bài diễn văn ông đọc ngày anh nhận bằng tốt nghiệp.
Khả năng nghệ thuật
Luận án Tiến Sĩ của anh với chủ đề, “Thừa Tác Vụ Âm Nhạc: Việc Hội Nhập Văn Hóa Thánh Ca Phụng Vụ Tại Việt Nam” đã được một giáo sư âm nhạc danh tiếng, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, nhiệt liệt khen ngợi. Đây là những dòng chữ viết của GSTS Trần Văn Khê về Tiến sĩ Xuân Thảo: “Trong cuộc đời giảng dạy về Âm nhạc học trên các Trường Đại học Âu Mỹ, tôi chưa có dịp đọc một Luận án nào mà tôi cảm thấy thoả mãn về mặt Nhạc học như Luận án này.” [1]
Tinh thần phục vụ
Dù cao tuổi và sức yếu nhưng người anh kính quý của PBN làm việc còn hơn một thanh niên. Một tuần 7 ngày thì anh đã đi dạy nhạc hết 6 ngày rưỡi rồi. Anh giúp các Ca Đoàn, anh đào tạo các Ca Trưởng, anh viết báo nghiên cứu âm nhạc, anh đi đây đó thuyết giảng, và nhất là không quên sáng tác. Em biết rằng anh đã soạn rất nhiều bài Nghĩa ca, kể cả bài “Tình Người” anh viết năm 1968. Em nghe đi nghe lại hòai những bài ca anh soạn mà không chán, những giai điệu thật tuyệt vời của bản nhạc trong “10 món quà của lòng nhân ái” ở dạng powerpoint anh chia sẻ cùng NS ở website này.
Tâm nguyện Nghĩa Sinh
Em biết tâm tư nguyện vọng của nhiều NS là muốn nghe lại những giai điệu của các bài Nghĩa ca. Lâu nay ACE NS chỉ có thể đưa lên Website những lời nhạc (lyrics) nên không thể biết được giai điệu của những bài hát đó để hát. Mong anh và các học trò của anh giúp chúng em xem có cách nào đưa các files nhạc (hoặc một hình thức nào đó) với những giai điệu của những bài Nghĩa ca để chúng em có thể nghe được trên website này. Em biết rằng hiện nay anh rất bận. Nhưng em cũng biết rằng anh đã và đang có nhiều lớp nhạc với nhiều học trò tài năng có thể giúp để chúng em đạt được ước nguyện đó.
Mười quà nhân ái
PBN đang thực hiện “10 món quà của lòng nhân ái không mất tiền mua.” Món quà đầu tiên : “Món quà thứ nhất ta có thể tặng cho nhau là món quà của sự quan tâm, lắng nghe, thăm hỏi nhau . . . ” Và món quà thứ 10 ta có thể tặng nhau là “Luôn đi bước đầu để bắt nhịp cầu thông cảm, giải hòa, tha thứ, nối vòng tay lớn . . . ”
Xin thành thật cảm ơn anh đã giúp em khởi sự bằng bước thứ nhất và đang thực tập với bước thứ mười tuyệt vời.
- Phan Bích Ngọc (Luật sư)
Viết cho NS và riêng tặng HT Xuân Thảo ngày 22-11-2008
-------o0o-------
Ghi chú:
[1] Xin trích dẫn một vài thẩm định viết tay của GSTS Trần Văn Khê về HT Xuân Thảo, nguyên văn như sau:
- Đầu tiên, tôi đã ngạc nhiên về sự phong phú của những tư liệu mà Linh mục sưu tầm để hoàn thành Luận án Tiến sĩ : Linh mục đã tiếp cận với các ca trưởng qua các bản thăm dò, cũng như với những nguồn tư liệu liên quan đến các Cộng đồng Công giáo và ghi lại với những con số một cách chính xác như những bản thống kê.
- Tác giả đã đọc rất nhiều sách báo được xuất bản bằng 3 thứ tiếng Anh / Pháp / Việt, về vấn đề “Dân ca cổ nhạc Việt Nam”. Lĩnh hội rất đúng nội dung của các tư liệu đó. Tôi chỉ căn cứ vào những đoạn Linh mục đã ghi lại sau khi đã tham khảo những bài báo và sách của tôi.
- Hơn nữa, Linh mục đã nghiên cứu tường tận và ký âm rất chính xác nhiều bài dân ca cổ nhạc Việt Nam của ba miền Đất nước về mặt Ngôn ngữ (thanh giọng và luật bằng trắc trong cấu trúc thi ca) – Văn chương (nội dung lời thơ, những điểm hay trong các câu thơ Lục Bát và Lục Bát biến thể) – Âm nhạc (âm thanh, thang âm với những cách tạo thang âm ngũ cung, kể cả cách “Tam phân tổn ích” và đặc biệt cách của Trung Quốc, điệu thức với tất cả những danh từ chuyên môn, những tiếng dùng trong nhà nghề như giọng, điệu, hơi, dạng, tiết tấu của câu thơ và của nét nhạc).
- Tác giả đã nêu rõ sự liên quan mật thiết giữa thanh giọng và nét nhạc. Khi đúc kết thành những nhận xét của tác giả Luận án, thì Linh mục Xuân Thảo rất dè dặt, khiêm tốn, biết tôn trọng những quan điểm của các nhà nghiên cứu đã đi trước và luôn luôn có thái độ khách quan trong việc phân tích tư liệu với phương pháp khoa học.
- Đặc biệt, cách ký âm cũng rất đúng theo phong cách của những nhà Dân tộc Nhạc học.”
. . . .
GSTS Trần Văn Khê: Nguyên Giáo Sư Âm Nhạc Đại Học Sorbonne, Paris; Nguyên Giáo Sư Thỉnh Giảng Đại Học Hawaii, Hoa Kỳ; Phó Chủ Tịch Hội Đồng Học Viện Quốc Tế Âm Nhạc, Berlin, Germany.
|
(28/12/2011 - 18640 lượt xem)
Các bài viết khác cùng tác giả Phan Bích Ngọc
1 - Viết về một thời Nghĩa Sinh: Ý nghĩa cao quý của Cấp hiệu Nghĩa Sinh
(02/12/2019 - 1048 lượt xem)
2 - Một phong cách sống: Nghĩa Sinh vui nhiều vì phục vụ nhiều
(01/11/2019 - 995 lượt xem)
3 - Chúc mừng Thầy giáo Trường Nghĩa Sinh
(20/11/2018 - 908 lượt xem)
4 - FB Phan Bích Ngọc: Hình ảnh 29 Nghĩa Sinh và Cựu NS Phương Đoàn Sài Gòn, Gia Định, Thủ Đức, Bình Dương, Phước Tuy, Nha Trang, Phan Thiết...
(04/10/2016 - 1800 lượt xem)
5 - Nghệ thuật tha thứ: Để có được sự bình an và hạnh phúc chân thật
(17/03/2015 - 1348 lượt xem)
6 - Tạp chí Đại Học Y Khoa Harvard: Tha thứ (như 5 Điều HS của Nghĩa Sinh) mang lại nhiều lợi ích cho con người
(13/03/2015 - 913 lượt xem)
7 - NS Phan Bích Ngọc: Khi cuộc sống khó khăn, hãy nghĩ tới 13 điều này
(08/03/2015 - 816 lượt xem)