Tản mạn nhân Ngày Nhà Giáo 20 tháng 11 năm 2011

 

Tản mạn nhân Ngày Nhà Giáo 20 tháng 11 năm 2011

 

Xưa nay, nghề giáo vẫn được coi là một nghề cao quý; và người thầy luôn được người đời ca tụng, biết ơn. Có ai đó gọi thầy cô là “kỹ sư tâm hồn” - cách nói này thật ý nghĩa và xứng đáng biết bao!

 

(EMTY) - Dù là nghề cao quý nhưng một thời gian dài, người ta vẫn ngại ngần đến với nghề giáo, vì nó gắn với cái nghèo. Người ta vẫn thường ví von nghề giáo là nghề “bán phổi”, có người thì nói lái 2 chữ “giáo chức” một cách mai mỉa, cũng có người cho nghề giáo là nghề "bạc bẽo" như người lái đò đưa khách sang sông… Việc thi vào ngành sư phạm thì bị cho là “chạy cùng xào mới vào sư phạm”… Rồi cũng có một dạo, nghề giáo xem ra được đặt đúng với vị trí mà nó đáng được nhận. Thí sinh đổ xô thi vào sư phạm theo phong trào, làm cho việc thi vào trường sư phạm không còn dễ dàng như trước. Đơn giản vì sinh viên sư phạm được miễn học phí, ra trường dễ xin việc làm, mức lương ổn định và cải thiện hơn trước.

Ta phải công nhận rằng, ngoài những người thật sự yêu nghề, bằng nhiệt huyết muốn cống hiến công sức cho công cuộc trồng người, thì vẫn còn nhiều người đến với nghề giáo như một phong trào. Nhớ lần về quê làm hồ sơ vào đại học hồi đó. Khi liếc qua hồ sơ của tôi, một vị cán bộ xã đã hỏi: “Sao em không thi vào sư phạm? Giờ có nhiều người thi vào ngành này”. Một người khác ngồi gần đó cầm tờ báo đọc to cho mọi người trong phòng cùng nghe: “Xã… huyện… tỉnh… thiếu hơn 5.000 giáo viên dạy môn Địa lý…”. “Vì môn Địa đâu có dạy thêm được” - một người khác xen vào. Lần khác, tôi ghé thăm người bạn dạy tiếng Anh tại một trường trung học. Bạn tôi không có nhà. Bố cậu ấy nói: “Cháu đến giờ này làm sao gặp nó được. Ngoài buổi dạy chính ở trường, nó còn bận dạy thêm, hết ở trường, rồi ở nhà, lại đến trung tâm…”. Quay sang tôi, ông khuyên: “Con có em hay cháu muốn thi vào sư phạm thì dặn nên chọn môn nào dạy thêm được mới đỡ”.

Khi đã trở thành như một “nghề” phong trào theo đúng như nghĩa đen của nó, chịu sự chi phối của yếu tố kinh tế, nghề giáo mất dần ý nghĩa cao đẹp vốn có. Số người thi vào sư phạm nhiều, nhưng chúng ta vẫn thấy tình trạng thiếu hụt giáo viên, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, hay ở những bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - những môn không dạy thêm được. Rồi thì căn bệnh “chạy theo thành tích”, nào là “danh hiệu”, “chỉ tiêu”, “tỉ lệ” đỗ đạt… khiến dạy, học thì ít mà báo cáo thì nhiều; hoặc dạy, học “bán sống bán chết” chỉ để giành thành tích, giấy khen, huân chương; hoặc rối nùi những trường chuyên, lớp chọn…, hay cách dạy, học thiếu khoa học, bất cập trong giáo trình giảng dạy… làm cho những người có tâm huyết lo ngại.

Một lần, tôi theo cô bạn, một giáo viên tiểu học có năng lực, đến thăm một ngôi trường nhân dịp sắp khai giảng năm học mới. Khi tôi đang tò mò nhìn những cô cậu học trò mặt mày lem luốc, quần áo xộc xệch, tóc cháy nắng, thì tiếng cô bạn thì thầm bên tai với vẻ chán ngán: “Lớp mình chủ nhiệm năm nay toàn là thành phần tối tăm mặt mũi không hà. Chán quá!”. Một đồng nghiệp đứng cạnh bạn tôi thêm vào: “Xui to rồi. Trong lớp có một đứa mình dạy năm ngoái, vừa dốt, vừa ngang ngược, lì lợm hết biết”. Bạn tôi than thở: “Xui quá! Trông cho nó nghỉ học ngay từ đầu năm cho rồi, để cuối năm mình khỏi mất điểm thi đua”. Tôi ngạc nhiên nhìn cô bạn. Không ngờ câu nói ấy lại được thốt ra một cách thản nhiên đến thế. Ôi! Thành tích. Thi đua.

Viết đến đây, chợt nhớ câu chuyện “Teddy bé nhỏ” mà tôi đọc được từ rất lâu - một câu chuyện thật cảm động về cậu học trò Teddy và cô giáo Thompson. Chính thái độ quan tâm, tôn trọng và yêu thương sâu sắc của cô giáo Thompson đã biến đổi Teddy từ một cậu học trò cá biệt thành một học trò ngoan và giỏi nhất lớp. Nhiều năm trôi qua, Teddy ngày xưa giờ đã trở thành một vị giáo sư tiến sĩ, và Teddy luôn khẳng định cô Thompson là “cô giáo tuyệt vời nhất” mà anh có trong suốt cuộc đời. Trong ngày hôn lễ của mình, Teddy nói với cô Thompson: “Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng em có thể làm được một việc khác thường”. Còn cô Thompson lại nói: “Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người dạy cho cô biết cô có thể làm được việc khác thường. Cô không biết cách giảng dạy thế nào cho tốt cho đến khi cô gặp được em”.

Thời nào cũng vậy, dù xưa hay nay, vai trò của người thầy đặc biệt quan trọng. Họ không phải là người nâng cao dân trí, mà còn góp phần tích cực xây dựng con người và xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Trong thời kỳ đất nước phát triển như hiện nay (chỉ so sánh với mấy mươi năm về trước của thời bao cấp, chứ chưa dám so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới - ước tính GDP bình quân đầu người năm 2011 của Việt Nam chỉ ở mức 3.326 USD, theo Tin tức hằng ngày online ngày 3-11-2011), vai trò người thầy càng quan trọng hơn; không phải chỉ người thầy mà cả ngành giáo dục. Cùng với sự phát triển của đất nước, kèm theo quá trình hội nhập của nền kinh tế và văn hoá toàn cầu, cũng như sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, nhiều thanh thiếu niên cảm thấy bỡ ngỡ, chưa chuẩn bị đủ để đón một luồng gió mới; nếu không được giáo dục tốt, chắc chắn chúng không thể “học hỏi” được những điều hay, nhưng lại dễ dàng và mau chóng “học đòi” những thói xấu. Vì vậy, việc cung cấp một nền giáo dục vững chắc về kiến thức và nhân bản, nơi gia đình và cả học đường, là rất quan trọng, vì nền không chắc ắt nhà sẽ đổ.

Có ai đó nói rằng sở dĩ nghề giáo quan trọng hơn nhiều nghề khác vì nghề giáo làm việc trực tiếp với con người. Nếu sai lầm khi chế tạo một cỗ máy, người ta chỉ làm hư hại một vài hay một loạt sản phẩm; nhưng nếu sai lầm trong giáo dục, ta sẽ huỷ hoại cả một thế hệ.

Để xứng với danh xưng “kỹ sư tâm hồn”, nhà mô phạm, người thầy cần được trang bị đầy đủ, toàn diện về kiến thức, phẩm chất đạo đức, tâm lý giáo dục…, đặc biệt là phải thật sự yêu nghề, yêu học trò. Ngày nay, người ta hay than phiền rằng học trò không còn kính trọng thầy cô giáo như ngày xưa. Điều này cũng có phần đúng; tuy nhiên, cũng cần xét đến tư cách người thầy. Nếu thầy nghiêm túc, giảng dạy hết mình, tôn trọng, tin tưởng và yêu thương học trò, thì chắc chắn không người học trò nào dám nghĩ hay làm điều bất kính.

 

Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tại trường tiểu học của thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp năm, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái, cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. “Teddy trông thật khó ưa.”

 

Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thật rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những gì đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 nhận xét Teddy như sau: “Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan… Em là nguồn vui cho người chung quanh”. Cô giáo lớp 2 nhận xét: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống trong gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu”. Giáo viên lớp 3 ghi: “Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ”. Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 nhận xét: “Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp”.

 

Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến Lễ Giáng Sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những gói quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hoá. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất một vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt ít nước hoa trong chai lên cổ.

 

Hôm đó, Teddy đã nén lại cho đến cuối giờ để nói với cô: “Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa”. Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học sinh cưng nhất của cô.

 

Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: “Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em”. 6 năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng 3 trong lớp và “cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em”. 4 năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, và “cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời”. Rồi 4 năm sau nữa, cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên, và “cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em”. Nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn: bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - Giáo sư Tiến sĩ.

 

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra?

 

Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng Sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và Giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: “Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng em có thể làm được một việc khác thường”. Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: “Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người dạy cho cô biết cô có thể làm được việc khác thường. Cô không biết cách giảng dạy thế nào cho tốt cho đến khi cô gặp được em.”

 

- Mai Trang

 

Mai Trang
(22/11/2011 - 18814 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Mai Trang